Quan hệ Mỹ – Triều Tiên: Gỡ khó không dễ
Triều Tiên lại phóng vật thể bay. Động thái này nói lên điều gì? Hãy thử nhìn lại quan hệ Mỹ – Triều trong năm 2019, để thấy rõ thêm thông điệp của sự kiện này. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Quan hệ Mỹ – Triều trong 2019 có sự kiện đột biến quan trọng nhưng lại chưa có được chuyển biến cơ bản và tích cực hơn so với năm ngoái. (Nguồn: IC)
Có nhiều thông tin và định nghĩa khác nhau về vật thể bay mà Triều Tiên vừa mới phóng đi. Tên lửa. Vật thể bay chung. Hoả tiễn đa nòng. Chính phủ Nhật Bản đã họp phiên khẩn cấp trong khi phản ứng và thái độ của Mỹ và Hàn Quốc lại không thấy có gì đặc biệt, phản ánh tâm trạng không lo ngại nhiều, kể cả khi vừa rồi là lần thứ 12 kể từ đầu năm đến nay Triều Tiên phóng tên lửa hay vật thể bay.
Khó xử và khó gỡ
Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm 2019, để cho thật chuẩn xác thì phải nói là từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, có sự kiện đột biến quan trọng nhưng lại chưa có được chuyển biến cơ bản và tích cực hơn so với năm ngoái. Hai sự kiện nổi bật nhất là cuộc gặp lần thứ hai của tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội và cuộc gặp nhau lần thứ 3 của họ ở Bàn Môn Điếm với việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ của Triều Tiên.
Ngoài hai sự kiện này ra, tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai bên không vươn được ra xa thêm đáng kể gì về hướng đích chung. Mối quan hệ song phương này trong khoảng thời gian ấy chưa thấy được cải thiện gì nhiều, nhưng không xấu thêm đi, tuy chưa được hẳn bình thường nhưng không thù địch. Như thế cũng đâu vô nghĩa và vô ích đối với cả hai bên.
Chỉ có điều là hai bên xô đẩy nhau vào tình thế khó xử mà gỡ những cái khó này là chuyện chẳng thể dễ dàng gì. Hai bên tuy đã khởi động và định hình được tiến trình nhưng đến thời điểm hiện tại lại không giữ được thời thuận lợi và duy trì được đà cần thiết cho tiến trình ấy.
Video đang HOT
Triều Tiên và Mỹ hiểu rõ hơn ai hết nhưng ngay cả đến bên ngoài cũng có thể dễ dàng nhận thấy là giữa hai đối tác này hiện không những chỉ có bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích trong những chủ đề nội dung cơ bản nhất chẳng hạn như phi hạt nhân hoá Triều Tiên hay dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp Mỹ trừng phạt Triều Tiên mà hiện tại nổi bật nhất là về mức độ ưu tiên của từng bên dành cho việc thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất tiến trình này. Người ngoài cuộc không thể không cảm nhận thấy là thời gian càng trôi đi thì Triều Tiên càng thêm sốt ruột trong khi Mỹ tuy không hẳn chơi con bài câu giờ nhưng không còn gấp gáp và vội vã như trước nữa.
Ưu tiên chính sách của Mỹ
Phía Mỹ không còn dành ưu tiên chính sách ở mức độ như trước nữa cho việc thúc đẩy tiến trình này chủ yếu vì 3 lý do sau.
Thứ nhất, ông Trump trong thời gian qua bị lún sâu vào những hồ sơ cần phải được ưu tiên xử lý hơn vì tác động tiêu cực của chúng có thể nguy hại nhiều hơn và trực tiếp hơn tới vị thế cầm quyền của ông Trump ở Mỹ. Ông Trump cần có được càng nhanh chóng càng tốt thành quả cầm quyền mới cả về đối nội cũng như đối ngoại mà việc đạt được chúng trong thời gian ngắn nhất ở những chủ đề nội dung kia lại khả thi hơn rất nhiều so với đạt được tiến triển mới trong việc xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên.
Thứ hai, thực trạng hiện tại trong mối quan hệ của Mỹ với Triều Tiên nói chung và trong tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai nước này nói riêng có lợi cho Mỹ nhiều hơn là cho Triều Tiên và cũng lại đồng thời chỉ có lợi chứ không gây hại gì cho Mỹ và cho cá nhân ông Trump. Bởi thế, kể cả khi phía Mỹ có chủ ý chơi câu giờ thật với Triều Tiên thì cũng đâu có gì lạ hay khó hiểu.
Thứ ba, cũng như Triều Tiên, phía Mỹ hiện thật sự bế tắc ý tưởng có thể đưa lại sự khai thông đột phá cho tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai bên. Cho nên hai bên đều chủ ý dùng biểu hiện của sự kiện để cứu vãn thực chất.
Thế khó của Triều Tiên
Triều Tiên khó xử vì bị giằng xé dai dẳng giữa nhu cầu tranh thủ ông Trump và sự cần thiết phải duy trì những con chủ bài chiến lược trong cuộc chơi này với Mỹ. Tiến trình này cứ nhì nhằng như vậy thì Triều Tiên chỉ được tiếng nhiều hơn là được miếng, dịu trong xung khắc chính trị và an ninh với Mỹ nhưng vẫn gặp khó khăn bởi những biện pháp chính sách của Mỹ mà lại còn bị ràng buộc vào tuyên bố ngừng thử hạt nhân.
Việc Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa hay vật thể bay nhưng chủ ý không để Mỹ cảm nhận là bị khiêu khích hay đe doạ an ninh thể hiện rõ nét nhất tâm trạng ấy của Triều Tiên. Một điều nữa khiến phía Triều Tiên không thể không sốt ruột là nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại của ông Trump ngả dần về cuối. Rủi ro tiềm tàng đối với Triều Tiên là ông Trump không tái đắc cử hoặc vì mục đích để được tái đắc cử năm tới mà ông Trump lại làm găng và đối đầu Triều Tiên khi thấy làm như vậy đưa lại tác động quan trọng giúp được tái đắc cử.
Cho nên ở thời gian tới, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên biến động như thế nào phụ thuộc rất quyết định vào tình thế của ông Trump ở Mỹ liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Dịch Dung
Theo baoquocte
Giải mã hành động câu giờ của Mỹ với Triều Tiên
Mỹ và Triều Tiên vừa có vòng đàm phán mới với nhau ở Thuỵ Điển. Kết quả của vòng đàm phán này không phải là thoả thuận lớn hay nhỏ nào đấy giữa hai bên mà là hai điều nghịch lý.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên.
Thứ nhất, sau thời gian ngưng trệ khá dài hai bên mới lại đàm phán với nhau, dự định dùng 2 ngày cho lần đàm phán này mà rồi chưa đầy một ngày đã chấm dứt đàm phán.
Thứ hai, phía Triều Tiên tuyên bố đàm phán thất bại và không đề cập gì đến việc hai bên rồi sẽ lại tiếp tục đàm phán trong khi Mỹ quả quyết là vòng đàm phán này đạt được tiến bộ và hai bên hẹn gặp lại nhau để tiếp tục đàm phán. Hai nghịch lý này hàm chứa sự khác biệt rất cơ bản và rõ nét giữa chủ ý của hai bên khi nối lại đàm phán và cho thấy việc vòng đàm phán này thất bại thật ra không có gì là khó hiểu, không phải là điều bất ngờ hay lạ mà thậm chí còn là không thể tránh khỏi. Phía Mỹ chỉ cần có được hình ảnh và cảm nhận là tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai bên vẫn tiếp tục tiến triển chứ không còn ngưng trệ và lại càng không phải đã bị đẩy lùi trong khi phía Triều Tiên muốn có được chuyển biến thật sự, Mỹ chỉ coi trọng danh nghĩa trong khi Triều Tiên kỳ vọng thực chất.
Có hai lý do khiến Mỹ chịu tiến hành vòng đàm phán này với Triều Tiên. Thứ nhất là tổng thống Mỹ Donald Trump đã thoả thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp nhau ở Bàn Môn Điếm hồi cuối tháng 6 vừa qua là đàm phán giữa hai bên được nối lại. Ông Trump muốn tiếp tục tranh thủ cá nhân ông Kim Jong-un, không để cho người này bị mất thể diện và có nhu cầu gây dựng hình ảnh về người thực hiện thoả thuận.
Thứ hai là Triều Tiên trong thời gian đàm phán giữa hai bên ngưng trệ đến nay đã 9 lần phóng tên lửa hoặc vật thể bay, đều với tầm bắn không xa đến mức khiến Mỹ phải lo ngại như trước nhưng đủ để Triều Tiên chứng tỏ thực lực hiện tại và tiềm lực trong tương lai về sức mạnh quân sự. Cách hành xử này của Triều Tiên phản ánh tâm trạng sốt ruột của Triều Tiên về mưu tính dền dứ của Mỹ. Mỹ buộc phải có động thái xoa dịu Triều Tiên trước khi Triều Tiên vượt quá giới hạn của khả năng kiên nhẫn.
Triều Tiên không thiếu lý do xác đáng để lo ngại về chủ ý dền dứ của Mỹ, về việc Mỹ chơi con bài thời gian với chuyện đàm phán và về việc Mỹ không còn dành mức độ ưu tiên chính sách như trước nữa cho việc xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên. Xung khắc thương mại với Trung Quốc, đối địch với Iran và vướng mắc trong nội bộ với việc bị phe Đảng Dân chủ tiến hành điều tra và thu thập chứng cứ để nhằm tới quyết định có tiến hành luận tội và phế truất tổng thống đương nhiệm, ông Trump hiện đâu còn lòng dạ nào mà thúc đẩy tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải đã được khởi xướng giữa Mỹ và Triều Tiên khi biết rất rõ là không thể dễ dàng và nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra là phi hạt nhân hoá Triều Tiên. Việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vì thế không còn cấp thiết thuộc diện hàng đầu nữa đối với Mỹ nên phía Mỹ hiện chỉ có thể câu giờ trong khi lại còn cần có thêm thời gian để suy tính đối pháp thích hợp mới.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy trong môi quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thời gian vừa qua cũng như cả trong thời gian tới tuy đã và sẽ còn có diễn biến mới nhưng lại không lạ. Phía Triều Tiên đã được lợi lớn về chính trị từ ba lần gặp nhau giữa ông Trump và ông Kim Jong-un và từ sự định hình của tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng trong thực chất thì lại chưa đạt được mục tiêu cấp thiết là Mỹ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt và chấm dứt hoàn toàn tập trận chung với Hàn Quốc. Ông Trump đã giúp Triều Tiên nâng cao vị thế nhưng đổi lại là Triều Tiên không còn thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Chỉ có điều là tiến trình đàm phán này giữa hai nước càng trì trệ lâu và càng không thực chất thì chỉ càng thêm bất lợi cho Triều Tiên nhiều hơn cho Mỹ. Triều Tiên vừa rồi quyết định ngừng đàm phán giữa chừng chính là để Mỹ không tiếp tục cách chơi như thế được nữa. Có vẻ như Triều Tiên hiện đã đến giới hạn của khả năng kiên nhẫn đối với Mỹ trong khi những cách thức ngoại giao cá nhân giữa ông Trump và ông Kim Jong-un nếu không phải là đang dần không còn phát huy tác dụng thì cũng ngấp nghé giới hạn tác dụng của chúng.
Theo Danviet
Hàn Quốc kêu gọi Mỹ, Triều Tiên nối lại đàm phán cấp chuyên viên Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon kêu gọi sớm nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Triều Tiên và Mỹ. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon hôm 4/9 kêu gọi sớm nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Triều Tiên và Mỹ nhằm đạt được hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Hàn...