Quan hệ Mỹ- Triều năm 2019: Tranh tối, tranh sáng
Nếu tìm một cụm từ để mô tả cho mối quan hệ Mỹ – Triều năm 2019, “vòng luẩn quẩn” là chính xác nhất. Dù đã 2 lần bắt tay, gặp mặt tươi cười trong năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Năm 2019 đã khép lại với nhiều kịch tính, như thể một bộ phim nhiều tập và vẫn chưa có một hồi kết, trong mối quan hệ Mỹ và Triều Tiên. Đó là cuộc “đổi vai, đổi sự”, dự báo mang lại nhiều bất ngờ cho bán đảo Triều Tiên trong năm 2020.
Ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau hôm 30-6 tại Khu phi quân sự (DMZ), đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Mỹ đặt chân lên Triều Tiên. Ảnh: AP.
Từ Singapore đến Hà Nội
8 tháng sau những cam kết còn quá chung chung tại Singapore trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định gặp nhau lần hai tại thủ đô Hà Nội vào ngày 26 và 27-2 để đi đến một cái kết “có hậu” hơn.
Ngay lập tức sau khi được thông báo về cuộc gặp lần hai, mọi con mắt đều đổ dồn vào đây, với kỳ vọng nó sẽ giúp tạo đột phá, ra tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và có bước đi thực chất hướng đến phi hạt nhân. Tuy nhiên, những bất đồng về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và các cơ sở hạt nhân khiến cả hai nhà lãnh đạo này ra về trắng tay. Và như một lẽ tất nhiên, ngay sau đó, tiến trình đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc. Trong lúc tình hình “ nóng như lửa đốt” khi Bình Nhưỡng dồn dập thử tên lửa (từ tháng 5 đến12, Triều Tiên đã thử 13 quả tên lửa) được cho là nhằm thể hiện bất bình về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây, cuộc gặp ngẫu hứng tại biên giới liên Triều hồi tháng 6 như “cơn mưa mùa” giúp hạ nhiệt căng thẳng và nhen nhóm hy vọng tạo sự đột phá cho “mối tình” giữa hai nước cựu thù này. Nhưng rồi, lại một lần nữa, như một sự dùng dằng khó lý giải, các cuộc thảo luận cấp chuyên viên sau đó cũng không có gì tiến triển.
Kể từ sau cuộc đàm phán cấp làm việc ở Stockholm, Thụy Điển hồi tháng 10, cả hai không thể sắp xếp thêm được cuộc gặp nào, do những tranh cãi về quy mô phi hạt nhân hóa cũng như lợi ích Mỹ có thể trao cho Triều Tiên. Trên bàn đàm phán, không bên nào muốn nhường bên nào. Điều này khiến Bình Nhưỡng thật sự mất kiên nhẫn và đã tuyên bố chấm dứt đàm phán phi hạt nhân và cảnh báo Mỹ về một “món quà Giáng sinh” – được cho là tuyên bố ám chỉ về một vụ thử tên lửa từ Triều Tiên. “ Washington có toàn quyền quyết định “món quà Giáng sinh” nào mà nước này sẽ nhận được vào dịp cuối năm”, tuyên bố của Bình Nhưỡng nêu rõ. Dù cho đến nay, thực tế chứng minh đó chỉ là cảnh báo của Bình Nhưỡng, nhưng điều này không làm vơi đi những mối lo ngại về khả năng Triều Tiên có thể tiếp tục thử nghiệm các tên lửa tầm xa và hạt nhân vào đầu năm 2020.
Cho đến nay, tất cả những diễn biến tranh tối tranh sáng này chỉ càng khiến mọi khúc mắc và tranh cãi vẫn “dậm chân tại chỗ” trong năm 2019 qua.
Video đang HOT
Đối thoại hay đối đầu?
Không ngoa khi nói rằng, Tổng thống Trump là bậc thầy gây chú ý trên sân khấu chính trị thế giới. Và trong vấn đề Triều Tiên cũng vậy. Ông chủ Nhà Trắng hiện tại đã làm một điều chưa người tiền nhiệm nào thực hiện: sải chân trên lãnh thổ Triều Tiên. Chưa bao giờ một lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau ở giới tuyến tua tủa dây thép gai, nơi các lực lượng được vũ trang hạng nặng đối mặt nhau suốt 66 năm qua kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, những bước chân lịch sử đó cũng không đủ mang lại “trái ngọt” về cho mối quan hệ với Bình Nhưỡng trong năm 2019. Nếu tìm một cụm từ để mô tả cho mối quan hệ Mỹ – Triều năm 2019, “vòng luẩn quẩn” là chính xác nhất. Dù đã 2 lần bắt tay, gặp mặt tươi cười trong năm qua, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng, ông Trump đã mắc những sai lầm như đưa ra thông điệp không nhất quán, không thấu hiểu đối tác, yêu cầu quá nhiều và cả những lời hứa không thể thực hiện. Và nguyên nhân cốt lõi hơn của thất bại này chính là sự khác biệt về quan điểm và thiếu lòng tin. Trong khi ông Trump tiếp cận vấn đề này với ý tưởng về một “thỏa thuận gói”, tức là một thỏa thuận lớn trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, ông Kim Jong-un lại muốn từng giai đoạn và tăng dần đều lên. Tức là trong khi Washington yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước rồi mới được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Triều Tiên khăng khăng phi hạt nhân hóa từng bước kèm theo động thái “có đi có lại” của Mỹ.
Trên lý thuyết, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn cơ hội nối lại đối thoại. Triều Tiên, dù thực hiện một loạt vụ phóng tên lửa và thử vũ khí mới, nhưng không thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tức là không vi phạm các lệnh cấm của HĐBA LHQ, tức là Bình Nhưỡng vẫn kiềm chế không vượt qua “ranh giới đỏ”. Nhưng… vấn đề là Bình Nhưỡng có còn hứng thú ngồi vào bàn đàm phán hay không. Bởi thực tế diễn biến gần 1 năm nay đang chứng minh, chính sách siết chặt trừng phạt của Mỹ không đem lại hiệu quả, nếu không muốn nói là đang “đổ thêm dầu vào lửa”.
Và những diễn biến này khiến bán đảo Triều Tiên nguy cơ quay trở lại tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” và đặt ông Trump vào thực tại: Triều Tiên không phải là bài toán dễ nắm bắt như cách ông đã nhìn nhận.
THANH VĂN
Theo cand.com.vn
Quan hệ Mỹ - Triều Tiên: Gỡ khó không dễ
Triều Tiên lại phóng vật thể bay. Động thái này nói lên điều gì? Hãy thử nhìn lại quan hệ Mỹ - Triều trong năm 2019, để thấy rõ thêm thông điệp của sự kiện này. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Quan hệ Mỹ - Triều trong 2019 có sự kiện đột biến quan trọng nhưng lại chưa có được chuyển biến cơ bản và tích cực hơn so với năm ngoái. (Nguồn: IC)
Có nhiều thông tin và định nghĩa khác nhau về vật thể bay mà Triều Tiên vừa mới phóng đi. Tên lửa. Vật thể bay chung. Hoả tiễn đa nòng. Chính phủ Nhật Bản đã họp phiên khẩn cấp trong khi phản ứng và thái độ của Mỹ và Hàn Quốc lại không thấy có gì đặc biệt, phản ánh tâm trạng không lo ngại nhiều, kể cả khi vừa rồi là lần thứ 12 kể từ đầu năm đến nay Triều Tiên phóng tên lửa hay vật thể bay.
Khó xử và khó gỡ
Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm 2019, để cho thật chuẩn xác thì phải nói là từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, có sự kiện đột biến quan trọng nhưng lại chưa có được chuyển biến cơ bản và tích cực hơn so với năm ngoái. Hai sự kiện nổi bật nhất là cuộc gặp lần thứ hai của tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội và cuộc gặp nhau lần thứ 3 của họ ở Bàn Môn Điếm với việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ của Triều Tiên.
Ngoài hai sự kiện này ra, tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai bên không vươn được ra xa thêm đáng kể gì về hướng đích chung. Mối quan hệ song phương này trong khoảng thời gian ấy chưa thấy được cải thiện gì nhiều, nhưng không xấu thêm đi, tuy chưa được hẳn bình thường nhưng không thù địch. Như thế cũng đâu vô nghĩa và vô ích đối với cả hai bên.
Chỉ có điều là hai bên xô đẩy nhau vào tình thế khó xử mà gỡ những cái khó này là chuyện chẳng thể dễ dàng gì. Hai bên tuy đã khởi động và định hình được tiến trình nhưng đến thời điểm hiện tại lại không giữ được thời thuận lợi và duy trì được đà cần thiết cho tiến trình ấy.
Triều Tiên và Mỹ hiểu rõ hơn ai hết nhưng ngay cả đến bên ngoài cũng có thể dễ dàng nhận thấy là giữa hai đối tác này hiện không những chỉ có bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích trong những chủ đề nội dung cơ bản nhất chẳng hạn như phi hạt nhân hoá Triều Tiên hay dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp Mỹ trừng phạt Triều Tiên mà hiện tại nổi bật nhất là về mức độ ưu tiên của từng bên dành cho việc thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất tiến trình này. Người ngoài cuộc không thể không cảm nhận thấy là thời gian càng trôi đi thì Triều Tiên càng thêm sốt ruột trong khi Mỹ tuy không hẳn chơi con bài câu giờ nhưng không còn gấp gáp và vội vã như trước nữa.
Ưu tiên chính sách của Mỹ
Phía Mỹ không còn dành ưu tiên chính sách ở mức độ như trước nữa cho việc thúc đẩy tiến trình này chủ yếu vì 3 lý do sau.
Thứ nhất, ông Trump trong thời gian qua bị lún sâu vào những hồ sơ cần phải được ưu tiên xử lý hơn vì tác động tiêu cực của chúng có thể nguy hại nhiều hơn và trực tiếp hơn tới vị thế cầm quyền của ông Trump ở Mỹ. Ông Trump cần có được càng nhanh chóng càng tốt thành quả cầm quyền mới cả về đối nội cũng như đối ngoại mà việc đạt được chúng trong thời gian ngắn nhất ở những chủ đề nội dung kia lại khả thi hơn rất nhiều so với đạt được tiến triển mới trong việc xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên.
Thứ hai, thực trạng hiện tại trong mối quan hệ của Mỹ với Triều Tiên nói chung và trong tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai nước này nói riêng có lợi cho Mỹ nhiều hơn là cho Triều Tiên và cũng lại đồng thời chỉ có lợi chứ không gây hại gì cho Mỹ và cho cá nhân ông Trump. Bởi thế, kể cả khi phía Mỹ có chủ ý chơi câu giờ thật với Triều Tiên thì cũng đâu có gì lạ hay khó hiểu.
Thứ ba, cũng như Triều Tiên, phía Mỹ hiện thật sự bế tắc ý tưởng có thể đưa lại sự khai thông đột phá cho tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai bên. Cho nên hai bên đều chủ ý dùng biểu hiện của sự kiện để cứu vãn thực chất.
Thế khó của Triều Tiên
Triều Tiên khó xử vì bị giằng xé dai dẳng giữa nhu cầu tranh thủ ông Trump và sự cần thiết phải duy trì những con chủ bài chiến lược trong cuộc chơi này với Mỹ. Tiến trình này cứ nhì nhằng như vậy thì Triều Tiên chỉ được tiếng nhiều hơn là được miếng, dịu trong xung khắc chính trị và an ninh với Mỹ nhưng vẫn gặp khó khăn bởi những biện pháp chính sách của Mỹ mà lại còn bị ràng buộc vào tuyên bố ngừng thử hạt nhân.
Việc Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa hay vật thể bay nhưng chủ ý không để Mỹ cảm nhận là bị khiêu khích hay đe doạ an ninh thể hiện rõ nét nhất tâm trạng ấy của Triều Tiên. Một điều nữa khiến phía Triều Tiên không thể không sốt ruột là nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại của ông Trump ngả dần về cuối. Rủi ro tiềm tàng đối với Triều Tiên là ông Trump không tái đắc cử hoặc vì mục đích để được tái đắc cử năm tới mà ông Trump lại làm găng và đối đầu Triều Tiên khi thấy làm như vậy đưa lại tác động quan trọng giúp được tái đắc cử.
Cho nên ở thời gian tới, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên biến động như thế nào phụ thuộc rất quyết định vào tình thế của ông Trump ở Mỹ liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Dịch Dung
Theo baoquocte
Mỹ kêu gọi Triều Tiên sớm trở lại bàn đàm phán hạt nhân Sau thất bại đàm phán đầu tháng 10 vừa qua, Mỹ tiếp tục kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn thương lượng về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Washington kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đó là lời phát biểu của Đại...