Quan hệ lạ thường Malaysia Trung Quốc
Mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia vẫn được duy trì bất chấp sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, bao gồm cả những vùng biển mà Kuala Lumpur tuyên bố chủ quyền
Việc một tập đoàn năng lượng quốc tế phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên ở ngoài khơi bờ biển Malaysia đang thu hút sự quan tâm của thế giới vào khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại khá “im hơi lặng tiếng” mặc dù khu vực này nằm trong vùng biển mà nước này ngang ngược tuyên bố yêu sách chủ quyền. Theo đó, vị trí phát hiện mỏ khí đốt này nàm cách ngoài khơi bờ biển Malaysia khoảng 144km.
Sự đối xử lạ thường của Trung Quốc đối với Malaysia
Thái độ “ôn hòa lạ thường” này của Trung Quốc thực sự khác biệt hoàn toàn so với sự hung hăng, ngang ngược mà họ thể hiện trong vụ hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng biển đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam.
Mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia vẫn được duy trì dù Bắc Kinh hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, bao gồm cả những vùng biển mà Kuala Lumpur tuyên bố chủ quyền.
“Malaysia và Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, 2 bên đều chia sẻ sự đồng thuận rộng rãi về việc xử lý một cách thích hợp các vấn đề tranh chấp”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố gửi tới tờ Thời báo Phố Wall ngày 24/6 để lý giải cho mối quan hệ “khó giải thích” của họ với Malaysia.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra rằng, một số mỏ dầu và khí đốt cho hiệu quả khai thác tốt nhất của vùng Biển Đông đều nằm ngoài khơi bờ biển của bang Sabah và Sarawak của Malaysia. Khu vực này còn “cái nôi”của hầu hết các hoạt động sản xuất khí đốt tự nhiên của Malaysia.
Video đang HOT
Có ít nhất 9 lô dầu khí đang trong quá trình phát triển và dự kiến 2 năm sau sẽ đi vào khai thác trong khu vực này. Các nhà đầu tư bao gồm tập đoàn Shell của Hà Lan, Murphy Oil của Mỹ, ConocoPhillips và tập đoàn Petronas của Malaysia.
Đáng lưu ý, tập đoàn Murphy Oil tiết lộ, kể từ khi khai thác dầu khí ở Malaysia từ năm 1999, họ không phải giải quyết bất kì lo ngại nào về các hành vi cản trở của Trung Quốc trong khu vực. Còn ConocoPhillips cũng không đưa ra bất cứ lời bình luận nào về vấn đề này.
Trung Quốc sử dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” nay là “đường 10 đoạn” nhằm đơn phương phân định ranh giới trên biển với âm mưu chiếm gần như trọn vẹn các vùng ở Biển Đông. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ công bố tọa độ chính xác của các đoạn này trên bản đồ.
“Cái gọi là đường 10 đoạn của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Sarawak có 55km. Hơn 400 giếng khoan thăm dò, hàng trăm giếng đang khai thác cùng nhiều tàu giám sát của Malaysia thậm chí còn hoạt động xa hơn khoảng cách này hơn nữa”, người đứng đầu công ty tư vấn về các khâu thượng nguồn trong hoạt động khai thác dầu khí HIS, ông Dylan Mair cho biết.
Việc Trung Quốc phân biệt đối xử với các nước ASEAN cũng có thể được coi là một phần nỗ lực của nước này nhằm chia rẽ khối ASEAN trong việc đoàn kết trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sự phụ thuộc của Malaysia đối với Trung Quốc
Cần phải nói rằng, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong vòng 5 năm liên tiếp cho tới năm 2013. Kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 62 tỷ USD. Đó là số liệu do Bộ Thương mại quốc tế của Malaysia công bố.
Ngoài ra, 2 nước còn có mối quan hệ hợp tác và mua bán năng lượng khá gắn bó. Theo đó, Malaysia là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ ba cho Trung Quốc.
Chính phủ Malaysia từ lâu đã duy trì chính sách ít nói về các hành động dằn mặt quân sự hay bất kỳ tranh chấp nào với đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Ông Ian Storey ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho hay: “Cả Malaysia và Brunei (hai quốc gia cũng có tranh chấp lãnh thổ ở BIển Đông với Trung Quốc) có xu hướng làm giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc. Các tranh chấp đó không làm lu mờ quan hệ của họ với quốc gia này”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của họ ở vùng biển của Malaysia trên Biển Đông. Hồi tháng 1/2014, một đội tàu hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc tuần tra trên Quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) trước khi đến khu vực bãi ngầm James, một rạn san hô nằm cách bờ biển Malaysia 80 Km ở trong khu vực tranh chấp giữa 2 nước.
Ngoài ra, theo dữ liệu của IHS, tàu Hải giám Trung Quốc mang số hiệu 23 (đang hiện diện bất hợp pháp ngoài khơi vùng biển Việt Nam) đã di chuyển tới Sarawak ba tháng trước đây trước khi hướng về bãi đá Vành Khăn (thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Chuyên gia Ian Storey nhận định: “Có thể Malaysia sẽ sớm phải thay đổi chiến lược của mình và có những hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”.
Theo Petrotimes
Trung Quốc muốn tặng tàu chiến cho Philippines?
Như một dấu hiệu thể hiện tình hữu nghị và thiện chí của Philippines, Trung Quốc cũng muốn theo bước chân của Hàn Quốc tặng tàu chiến cho Manila, tờ China Chinhua News đưa tin cho biết.
Trung Quốc muốn tặng tàu chiến hộ tống, tàu vận tải quân sự đã qua sử dụng giống như Hàn Quốc đã công bố tặng Philippines cách đây không lâu. Seoul tặng Hải quân Philippines cả thuyền cao su và máy tính phục vụ hoạt động quân sự vào cuối năm 2014.
Theo một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và tặng tàu, khi Hải quân Philippines thiếu khí tài quân sự. Thật là thời điểm thích hợp và cũng là cơ hội tốt để họ nhận những chiếc tàu này bởi nhiều năm trước, 3 chiếc tàu của Trung Quốc đã ngừng hoạt động và đang được sửa chữa tại cơ sở nhà máy đóng tàu quân sự hỏng của chúng tôi. Vì chúng tôi không sử dụng nó nữa, họ (Philippines) có thể sử dụng một cách thông minh như chiếc tàu BRP Sierra Madre mà họ neo ở Bãi Cỏ Mây, dùng chúng như một tiền đồn quân sự".
La Viện - Thiếu tướng quân đội Trung Quốc. Ông là người có tư tưởng diều hâu hiếu chiến bậc nhất trong quân đội Trung Quốc.
Vị quan chức này còn nói thêm: "Chính phủ Philippines cũng có thể neo 3 chiếc tàu này ở bất cứ nơi nào họ muốn, miễn không phải là ở trên lãnh hải của chúng tôi. Có lẽ họ nên đặt ở bãi nổi Benham, nơi trước đó đã Liên Hợp Quốc đã trao lại (cho Philippines). Chúng sẽ là một sự hỗ trợ tốt và là một tiền đồn quân sự tốt tại vị trí này".
Về phía Philippines, họ đã bỏ qua việc này. Theo Manila, đó chỉ là một thái độ giả vờ thân thiện của Trung Quốc, tờ Manila Live Wire đưa tin cho biết.
Bãi nổi Benham nằm ở phía đông bắc của đảo Luzon gần tỉnh Aurora. Khu vực này tin là giàu khoáng chất, khí mỏ và tài nguyên biển khác nhau.
Bài viết được thực hiện dựa vào nguồn thông tin từ trang Manila Live Wire, một trang tin tức của Philippines.
Theo Infonet