Quan hệ Israel – Saudi Arabia còn nhiều chông gai
Israel rất mong muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi nhằm củng cố các lợi ích của mình trong khu vực, đặc biệt là cuộc đối đầu không khoan nhượng với Iran.
Trong đó, bình thường hóa với Saudi Arabia được xem là then chốt, sẽ dẫn dắt các mối quan hệ khác trong khu vực thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề gai góc còn chưa được giải quyết đang là vật cản cho tiến trình bình thường hóa quan hệ này.
“ Sáng kiến hòa bình Arab” và “ Hiệp ước Abraham”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình cáp CNN, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố “có khả năng” Israel sẽ đạt được thỏa thuận bình thường hóa với Saudi Arabia, điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ chính sách đối ngoại đối với cả hai nước khi họ tiến gần hơn đến việc đạt được thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Ông Netanyahu gọi đó là bước “nhảy vọt kinh khủng” trong khu vực, cho rằng sẽ “thay đổi Trung Đông mãi mãi”, phá bỏ “những bức tường thù địch” và tạo ra “một hành lang gồm các đường ống dẫn năng lượng, đường sắt, cáp quang giữa châu Á thông qua Saudi Arabia, Jordan, Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog tại Phòng Bầu dục.
Mỹ đã thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Saudi Arabia và Israel kể từ chuyến thăm vương quốc này của Tổng thống Biden vào năm ngoái. Các chuyến thăm cấp cao khác của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken trong năm nay cũng tập trung vào các nỗ lực bình thường hóa quan hệ. Saudi Arabia, giống như nhiều quốc gia Arab khác, hiện không công nhận Israel; vì thế một thỏa thuận như vậy sẽ có khả năng nâng cao sự chấp nhận của Israel trong thế giới Hồi giáo, đặc biệt khi xét đến vai trò của Saudi Arabia là người trông coi các địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo.
Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại Hội nghị AIPAC ở Washington vào tháng 6 rằng bất kỳ sự bình thường hóa nào cũng “sẽ nâng cao phúc lợi của người dân Palestine”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ sẽ thúc đẩy việc đóng băng các khu định cư hay hứa không bao giờ sáp nhập Bờ Tây. Các báo cáo cho thấy Nhà Trắng muốn có một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel trước cuối năm nay để mang lại cho chính quyền Tổng thống Biden một động lực lớn trong chiến dịch tranh cử năm 2024.
Mỹ có “quân bài” để thuyết phục Saudi Arabia thỏa thuận với Israel. Riyadh đang tìm kiếm một hiệp ước quốc phòng chính thức với sự hỗ trợ của Mỹ trong việc phát triển chương trình hạt nhân dân sự để đổi lấy việc công nhận Israel. Saudi Arabia là mỏ neo của Hồi giáo Sunni và là quê hương của hai địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo. Vì thế, việc bình thường hóa quan hệ với vương quốc này về mặt lý thuyết sẽ mở đường cho sự chấp nhận của nhà nước Do Thái trên khắp thế giới Hồi giáo.
Mối quan hệ không chính thức giữa Israel và Saudi Arabia đã phát triển trong nhiều năm. Tuy nhiên, khả năng đạt được một thỏa thuận ngoại giao chính thức đã trở nên rõ ràng kể từ khi hai nước, cùng với Mỹ, báo hiệu sự tiến bộ về vấn đề này tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York vào trung tuần tháng 9.
Video đang HOT
Năm 2002, Saudi Arabia đề xuất “Sáng kiến hòa bình Arab” nhằm mang lại an ninh cho Israel và “quan hệ bình thường” với 57 quốc gia Arab và Hồi giáo để đổi lấy việc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô. Nhưng, đồng thời, sáng kiến cũng đưa ra một điều kiện, đó là Israel và Palestine phải giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng của họ. Sáng kiến đã được bảo trợ bởi Liên đoàn Arab và sau đó được tái bảo trợ tại hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab vào các năm 2007 và 2017. Ngày nay, Saudi Arabia và một số quốc gia khác vẫn muốn thấy “Sáng kiến hòa bình Arab” được thực hiện trước khi họ đồng ý xem xét bình thường hóa chính thức với Israel.
Tuy nhiên, kể từ năm 2020, với sự trung gian hòa giải của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các nước UAE, Bahrain, Maroc và Sudan đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, một phần cũng vì những lo ngại chung về Iran. Các hiệp ước được ký kết giữa Israel với các quốc gia này được gọi là “Hiệp ước Abraham”. Các quan chức Palestine cho rằng các “Hiệp ước Abraham” làm suy yếu sâu sắc triển vọng hòa bình và giải pháp “hai nhà nước”.
Trong những động thái gần đây, giới chức Saudi Arabia đã thể hiện sự chuyển hướng nghiêng về việc tham gia “Hiệp ước Abraham” và từ bỏ “Sáng kiến hòa bình Arab”. Một nhà ngoại giao cấp cao Vùng Vịnh cũng thừa nhận rằng Riyadh sẵn sàng chấp nhận giải pháp không có “hai nhà nước” trước khi bình thường hóa quan hệ với Israel, dựa trên các biện pháp khác mà Saudi Arabia đang hy vọng có được từ chính quyền Tổng thống Biden như một phần của thỏa thuận, chẳng hạn như một hiệp ước phòng thủ chung giống như NATO, tiếp cận các thiết bị quân sự hàng đầu và hỗ trợ cho chương trình hạt nhân dân sự. Nhà ngoại giao cấp cao Vùng Vịnh cho biết, người Saudi Arabia “quan tâm sâu sắc đến người Palestine và sẽ không bán đứng họ, nhưng họ cũng có những lợi ích riêng cần thúc đẩy và điều đó có nghĩa là đưa ra những yêu cầu thực tế”. Bình thường hóa có điều kiện đối với giải pháp “hai nhà nước” ngay lập tức sẽ không thực tế. Một quan chức cấp cao của Palestine đồng ý rằng Arab Saudi sẵn sàng gác lại công thức “Sáng kiến Hòa bình Arab” để bình thường hóa quan hệ với Israel trước khi nhà nước Palestine được thành lập.
Không còn sự lựa chọn cho người Palestine?
Không giống như các vòng đàm phán đầu tiên về “Hiệp ước Abraham”, trong đó không có sự tham gia của người Palestine, chính quyền Palestine đã nói rằng lần này họ sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán. Một nguồn tin am hiểu quá trình này cho rằng người Palestine có thể không có lựa chọn nào khác trong vấn đề này. “Saudi đã cắt rất nhiều nguồn tài trợ cho người Palestine vào năm 2021 và giờ họ đang sử dụng số tiền đó như một công cụ thương lượng. Họ đang nói: Nếu bạn muốn chúng tôi khôi phục nguồn tài trợ, bạn sẽ phải đồng hành cùng chúng tôi, bạn không thể nói bất cứ điều gì chống lại chúng tôi và quá trình bình thường hóa”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng Ngoại trưởng Bahrain và UAE ký Hiệp ước Abraham bình thường hóa quan hệ tại Nhà Trắng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Hoàng thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia nói rằng ông hy vọng thỏa thuận sẽ “đạt đến một điều kiện giúp cuộc sống của người Palestine dễ dàng hơn” – nhưng không kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine độc lập, vốn là quan điểm chính thức của Riyadh trong 2 thập kỷ qua.
Hạ tuần tháng 9, Hoàng thái tử Mohammed bin Salman nói rằng, hiệp ước bình thường hóa với Israel sẽ là “thỏa thuận lịch sử lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”. Ông Netanyahu đã coi việc thắt chặt mối quan hệ với Saudi Arabia là điểm mấu chốt trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình, mặc dù vẫn chưa rõ liên minh cánh hữu của ông sẽ chấp nhận những nhượng bộ nào đối với người Palestine. Trong cuộc phỏng vấn CNN, ông Netanyahu từ chối tiết lộ việc ông có thể nhượng bộ những gì đối với người Palestine trong thỏa thuận bình thường hóa, nhưng nhấn mạnh rằng ông tin rằng việc tạo hòa bình với thế giới Arab rộng lớn hơn sẽ là một bước tiến tới giải quyết xung đột Palestine-Israel, điều mà ông gọi là cách tiếp cận “từ ngoài vào trong”.
Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo không nên cố gắng gạt bỏ những yêu cầu của người dân Palestine trong bất kỳ thỏa thuận bình thường hóa nào có thể có. Ông Abbas nói: “Sẽ là nhầm lẫn nếu ai đó nghĩ rằng hòa bình có thể tồn tại ở Trung Đông mà người dân Palestine không được hưởng đầy đủ các quyền dân tộc hợp pháp của họ”.
Người Palestine cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ không dẫn đến những nhượng bộ có ý nghĩa hướng tới hòa bình hoặc chấm dứt sự chiếm đóng kéo dài 56 năm ở Đông Jerusalem, khu Bờ Tây và Dải Gaza. Các quan chức Saudi Arabia đã nhiều lần mô tả vấn đề Palestine là rất quan trọng. Một nguồn tin ngoại giao Palestine giấu tên cho biết: “Tôi không thấy điều này sẽ sớm xảy ra. Việc người Saudi Arabia nói về vấn đề Palestine dễ giải quyết hơn vấn đề hạt nhân cho thấy cần phải làm bao nhiêu việc”.
Những trở ngại cho tiến trình bình thường hóa
Căng thẳng trong khu vực đã leo thang mạnh trong những tuần gần đây, trong bối cảnh Israel gia tăng tấn công quân sự vào các thành phố của người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Israel cho biết các cuộc đột kích nhằm ngăn chặn hoặc trừng phạt các cuộc tấn công của phiến quân Palestine nhằm vào dân thường Israel vì chính quyền Palestine đã không thực hiện các nghĩa vụ an ninh của mình. Số người Palestine và Israel thiệt mạng trong năm nay đang trên đà đạt mức cao nhất kể từ cuộc nổi dậy Intifada lần thứ hai của người Palestine 2 thập kỷ trước.
Ông Nayef al-Sudairi – Đại sứ Saudi Arabia tại Palestine và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah.
Ông Netanyahu đã không giấu giếm mong muốn rằng Saudi Arabia tham gia “Hiệp ước Abraham”, vì việc chính thức thiết lập quan hệ với Riyadh sẽ là một phần thưởng lớn về chính sách đối ngoại. Mặc dù một số hợp tác tình báo ngầm giữa hai nước được cho là vẫn tiếp tục, nhưng các chính sách chống lại người Palestine của Chính phủ Israel trong vài tháng qua.
Đến ngày 26/1/2023, các cuộc tấn công của Israel đã khiến số người Palestine thiệt mạng nhiều gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhiều người trong số đó là trẻ em. Và, tính đến ngày 23/3, Israel đã giết chết 86 người Palestine, báo hiệu rằng năm 2023 có thể sẽ vượt xa năm 2022 về số người Palestine thiệt mạng. Nhưng, chính các cuộc tấn công của Israel vào hai đêm liên tiếp đầu tháng 4 bên trong Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem đã thu hút sự lên án gay gắt nhất. Rồi cuộc đột kích ở thành phố Jenin ở Bờ Tây khiến 9 người thiệt mạng,…
Tất cả những vụ việc đó cho thấy, việc tiếp cận chính thức của Israel với Saudi Arabia vẫn còn đang gặp khó khăn. Saudi Arabia từng cảnh báo rằng tình hình căng thẳng giữa Israel và người Palestine đang “leo thang nguy hiểm” khi dân thường của cả hai bên thiệt mạng, rằng Chính phủ Saudi Arabia “lên án tất cả các hành động nhắm vào dân thường và khẳng định tầm quan trọng của việc chấm dứt leo thang, khôi phục tiến trình hòa bình và chấm dứt sự chiếm đóng”.
Bất chấp những tuyên bố háo hức từ giới chức Israel ước tính rằng mối quan hệ có thể được thiết lập vào quý đầu tiên của năm 2024 và mong muốn của Tổng thống Biden về một thành tựu trong chính sách đối ngoại quan trọng trước cuộc bầu cử vào năm tới, Riyadh dường như không vội vàng hoàn tất bất kỳ thỏa thuận nào. Có thể những khó khăn xuất phát từ cả hai phía vẫn còn nhiều và chưa có hướng giải quyết thỏa đáng, nhất là những nhượng bộ nào từ phía Israel sẽ được đưa ra. Vì vậy, Riyadh cần thêm thời gian để thực hiện những bước tiếp theo tiến gần hơn đến thỏa thuận bình thường hóa
Mỹ 'bắc cầu' hòa giải quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia
Ngày 20/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bên lề khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm thảo luận và thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại New York ngày 20/9. (Nguồn: AP)
CNBC đưa tin, cuộc gặp đánh dấu lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi ông Netanyahu trở lại nắm quyền cách đây 9 tháng. Trọng tâm của cuộc gặp là thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia, hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức, thông qua vai trò trung gian của Mỹ. Bên cạnh đó, chương trình hạt nhân Iran và giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine cũng là những nội dung chính trong trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Netanyahu khẳng định với sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, Israel có thể đi tới một thỏa thuận hòa bình lịch sử với Saudi Arabia và khẳng định sẽ không bao giờ thay đổi cam kết của Israel đối với nền dân chủ.
Tổng thống Biden cũng thúc giục Israel đưa ra những nhượng bộ đáng kể với người Palestine để đảm bảo tiến tới thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Riyadh trong tương lai.
Theo CNN, đáng chú ý là cuộc gặp diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc chứ không phải Nhà Trắng, nơi ông Biden sẽ tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tuần này.
Ông Netanyahu đã không được mời đến Nhà Trắng kể từ khi ông trở lại chính trường và thành lập chính phủ có quan điểm cực hữu vào tháng 12 năm ngoái. Động thái được nhiều người hiểu là có liên quan đến việc chính quyền Biden không tán thành các đề xuất cải cách tư pháp của chính phủ Israel.
Tuy nhiên, khi cuộc họp bắt đầu, ông chủ Nhà Trắng đã nói với Thủ tướng Netanyahu: "Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau ở Washington vào cuối năm nay".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn riêng rẽ ngày 17/7, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã xác nhận lãnh đạo Mỹ và Israel đồng ý gặp mặt và cuộc gặp có thể diễn ra vào cuối năm nay.
Mỹ, Israel và 4 nước Arab nhất trí tăng cường hợp tác Trước thềm chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các quan chức ngoại giao của Mỹ, Israel và 4 quốc gia Arab ,Vùng Vịnh ngày 27/6 đã ra tuyên bố chung khẳng định sẽ tăng cường hợp tác thông qua một cơ chế mới trong khu vực. Trong khuôn khổ chuyến công du từ ngày 13-16/7, Tổng thống Biden sẽ...