Quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên sẽ do Mỹ định đoạt?
Nếu như quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên chưa có tiến triển gì sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào đầu tháng 6/2018 thì sự sáp lại gần nhau giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã phát triển một cách nhanh và mạnh mẽ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gặp nhau vào tháng 5/2018 tại làng Bàn Môn Điếm.
Thực tế thì trong cuộc gặp thượng đỉnh đình đám giữa Mỹ và Triều Tiên hồi đầu tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc chỉ là “người môi giới”. Sau hơn hai tháng, quan hệ Mỹ-Triều chưa có dấu hiệu cải thiện gì thậm chí còn đang xuất hiện những tín hiệu dẫn đến sự đổ vỡ của thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim. Mới đây ngày 15/8, Bộ Tài chính Mỹ còn công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty Nga và Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận kinh tế Triều Tiên, trong bối cảnh Washington đang tìm cách duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của nước này, thì quan hệ giữa Hàn Quốc với Triều Tiên lại tiến triển vượt bậc. Ngày 13/8, Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, ngày giờ cụ thể cho cuộc họp thứ ba trong năm nay giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chưa được thông báo.
Nguyên thủ hai nước Triều Tiên đã gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 4/2018 ở làng Bàn Môn Điếm. Đây được xem là một sự tan băng đáng kể trong mối quan hệ giữa hai nước sau hơn một năm căng thẳng tăng cao và mối lo ngại xảy ra chiến tranh do việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của miền Bắc. Tại cuộc gặp này, hai bên đồng ý rằng Tổng thống Moon sẽ đến thăm thủ đô miền Bắc vào mùa thu, mặc dù hai lãnh đạo đã gặp lại nhau vào tháng 5/2018 trong một cuộc họp không báo trước tại Bàn Môn Điếm. Chi tiết về chương trình nghị sự của cuộc họp thứ 3 sắp tới không được công bố, nhưng hai miền Triều Tiên đang thảo luận một loạt các vấn đề, từ tuyên bố hòa bình cho đến các dự án chung về cơ sở hạ tầng và kinh tế.
Hai ngày sau tuyên bố tổ chức thượng đỉnh lần thứ 3, hôm 15/8, trong diễn văn nhân kỷ niệm 73 năm Hàn Quốc thoát khỏi ách thực dân Nhật, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới đây sẽ có một “bước đi táo bạo” để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài sáu thập niên chia cắt hai miền Triều Tiên. Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng một thỏa thuận đình chiến, được các bên tham chiến ký kết, gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Triều Tiên. Nhưng đó chưa phải là một hiệp định hòa bình. Chính vì vậy mà hai miền Nam-Bắc Triều Tiên vẫn luôn ở trong tình trạng chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.
Ngoài ra, Tổng thống Moon Jae In cho biết chính phủ của ông có kế hoạch bắt đầu một dự án đường sắt chung với Triều Tiên trong năm nay, đồng thời cũng gắn kết việc hợp tác kinh tế hai miền với việc giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên. “Đây là mục tiêu để tổ chức các buổi lễ đột phá trong năm nay, kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ theo thỏa thuận trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Việc kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ là khởi đầu của sự thịnh vượng chung trên bán đảo Triều Tiên”, Tổng thống Hàn Quốc nói. Ông Moon còn cho biết việc chấm dứt “sự ngờ vực sâu sắc” giữa Triều Tiên và Mỹ là điều cần thiết trong việc thực hiện thỏa thuận hai miền. Nhưng ông nói thêm rằng việc cải thiện quan hệ hai miền không phụ thuộc vào quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington. Ông Moon nói thêm rằng ngay cả khi “sự thống nhất chính trị” giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là một chặng đường dài, việc thiết lập hòa bình, cho phép đi lại giữa hai miền và hình thành một cộng đồng kinh tế chung “sẽ là sự giải thoát thực sự cho chúng ta”.
Video đang HOT
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In
Cùng với hy vọng lớn lao trên, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên còn đang được cải thiện trên nhiều lĩnh vực. Ngày 15/8, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này và Triều Tiên đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự ở khu vực phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Đây được xem là một bước đi nhằm xây dựng lòng tin và giảm bớt căng thẳng xuyên biên giới. Trước đó, hồi tháng 7/2018, hai miền Triều Tiên đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự tại khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên. Cũng trong ngày 15/8, một đội tiền trạm của Hàn Quốc đã lên đường tới Triều Tiên để kiểm tra công tác chuẩn bị cho sự kiện đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Theo các quan chức chính phủ Hàn Quốc, một đội gồm 18 thành viên đã khởi đầu tới núi Kumgang trên bờ biển phía Đông Triều Tiên, nơi sự kiện đoàn tụ sẽ diễn ra lần đầu tiên sau gần 3 năm, từ ngày 20 đến 26/8.
Chưa hết, vào ngày 16/8, theo các quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nước này sẽ chi khoảng 3,5 tỷ won (3,1 triệu USD) lấy từ Quỹ Hợp tác liên Triều trong năm 2018 để cung cấp nguồn tài chính cho hoạt động của văn phòng liên lạc liên Triều chuẩn bị mở cửa tại thành phố Kaesong vào cuối tháng 8 này.
Trên bình diện quốc tế, sau những cải thiện rõ nét về tình hình tại bán đảo Triều Tiên thời gian qua, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/8 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục đề nghị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh sớm nhất có thể. Bình Nhưỡng và Moskva đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trước cuối năm nay. Ông Putin đã mời ông Kim Jong-un tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông thường niên dự kiến sẽ được tổ chức tại Vladivostok trong tháng 9, song đến thời điểm này Triều Tiên vẫn chưa hồi đáp lời mời trên. Cùng ngày 15/8, Trung Quốc cũng lên tiếng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều sắp tới đồng thời khẳng định các cuộc thảo luận như vậy sẽ giúp “thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
H.Phan
Theo petrotimes/AFP
Công dân Hàn Quốc mới được Bình Nhưỡng phóng thích lại vượt biên trái phép sang Triều Tiên
Một công dân Hàn Quốc, người mới được chính quyền Bình Nhưỡng cho hồi hương hồi tuần trước vì vượt biên trái phép qua Triều Tiên, hôm nay lại tiếp tục bị bắt lại sau khi cố gắng trốn sang Triều Tiên thêm lần nữa.
Cầu Thống Nhất ở Paju, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)
Reuters trích thông cáo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 7/8 đưa tin, Triều Tiên đã phóng thích một công dân Hàn Quốc mà họ tạm giữ hồi tháng 7 vì vượt biên trái phép. Cơ quan này cho biết người được thả là một nam giới 34 tuổi, có họ Suh.
Hôm nay, 12/8, Suh tiếp tục lái 1 chiếc SUV băng qua trạm kiểm tra của Hàn Quốc tại cây cầu Thống Nhất ở Paju, tỉnh Gyeonggi, con đường dẫn tới khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách giữa 2 miền Triều Tiên, mà không được phép của lực lượng trực tại trạm.
Suh đã bị quân đội Hàn Quốc bắt lại ở khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điểm, cách 6 km so với cầu Thống Nhất. Suh đã băng qua cây cầu với lốp xe bị xịt, do cán phải chướng ngại vật bằng kim loại ở phía bắc của cây cầu. Công dân này sau đó đã được quân đội bàn giao cho phía cảnh sát và phía Hàn Quốc hiện đang mở cuộc điều tra Suh.
Đây là lần thứ 2 Suh thực hiện kế hoạch vượt biên qua Triều Tiên. Báo cáo của cảnh sát cho biết, Suh đã bị phía Triều Tiên giam 16 ngày sau khi xâm nhập vào lãnh thổ nước này từ Trung Quốc hồi tháng trước. Sau đó, Bình Nhưỡng đã cho Suh hồi hương hồi tuần trước tại khu vực Bàn Môn Điếm thuộc biên giới liên Triều.
Một sĩ quan cảnh sát nói rằng Suh vẫn chưa tiết lộ ý định thực sự của việc muốn vượt biên qua Triều Tiên và lực lượng này sẽ điều tra kỹ hơn về vụ việc.
Quyết định thả người của Triều Tiên hồi tuần trước đánh dấu lần đầu tiên trong 7 năm Bình Nhưỡng cho hồi hương công dân Hàn Quốc. Lần gần nhất trước đó là hồi tháng 11/2011 khi Triều Tiên thả một công dân 40 tuổi người Hàn Quốc sau khi tạm giữ người này 40 ngày. Phía Seoul đã đánh giá cao thiện chí của Bình Nhưỡng vì động thái thả Suh.
Hiện thời, phía Hàn Quốc tin rằng Bình Nhưỡng vẫn đang giam giữ 6 công dân Hàn Quốc khác. Theo Reuters, trong số những người Hàn Quốc nghi bị Triều Tiên bắt giữ có ông Kim Jung-wook, nghi bị bắt hồi tháng 10/2013, ông Kim Kook-kie và Choi Chun-kil, nghi bị bắt từ năm 2014. Những công dân này đều là những nhà truyền giáo.
Ba công dân còn lại được Hàn Quốc xác định từng là người đào tẩu Triều Tiên đã được nhập tịch. Cơ quan tình báo Hàn Quốc năm ngoái cho biết 3 người này đã bị Bình Nhưỡng bắt lại nhưng không nói rõ địa điểm và nguyên nhân.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Straits Times
Hàn Quốc-Triều Tiên thảo luận về hợp tác hiện đại hóa đường sắt Theo một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 9/8, các nhà hoạch định chính sách hai miền Triều Tiên đang tiến hành cuộc họp tại văn phòng hải quan, nhập cư và kiểm dịch (CIQ) ở Paju, ngay phía nam biên giới giữa hai nước, để thảo luận việc hợp tác hiện đại hóa và cuối cùng kết nối lại...