Quan hệ cường quốc kiểu mới – nhiệm vụ bất khả thi của ông Tập ở Mỹ
Không có tuyên bố chung nào được đưa ra ngoài tuyên bố về khí hậu sau chuyến công du Mỹ, sứ mệnh xây dựng quan hệ cường quốc kiểu mới của ông Tập lần này trở nên bất khả thi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama khi cùng chứng kiến nghi thức chào mừng của Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập hồi cuối tháng trước cho thấy Washington vẫn chưa thể chấp nhận tầm nhìn của ông Tập về một mối quan hệ cường quốc kiểu mới giữa hai nước, Nikkei Asian Review nhận định.
Mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc ra sức tô đậm những thành quả nổi bật của ông Tập trong chuyến thăm, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn hờ hững.
“Dù đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập đến Mỹ nhưng không có một tuyên bố chung toàn diện Mỹ – Trung nào được đưa ra”, một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh nhận xét và thêm rằng điều này là “bất thường”.
Với tình hình căng thẳng hiện nay giữa hai nước, nhà phân tích trên cho rằng ngay từ đầu khả năng đôi bên đưa ra một tuyên bố chung như vậy là rất nhỏ bé. Chuyến công du bị bao phủ bởi những bất đồng sâu sắc về các chính sách của Bắc Kinh liên quan đến Biển Đông, tình hình bất ổn của kinh tế Trung Quốc, cũng như các cáo buộc về việc tin tặc nước này tấn công mạng nhiều cơ sở của chính quyền Mỹ.
Chỉ có một tài liệu quan trọng duy nhất mà hai chính phủ cùng đưa ra trong sự kiện lần này đó là tuyên bố chung về biến đổi khí hậu. Đây là bằng chứng phản ánh những cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung thực sự không tạo ra kết quả rõ ràng.
Thông tin trái ngược
Khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm ngày 25/9, Nhà Trắng đã công bố bản tóm tắt nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. 7 tiếng sau, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhuacũng đăng bản tin liệt kê danh sách “các kết quả” đạt được trong chuyến thăm của ông Tập. Tuy nhiên, các bản tường trình này cứ như đang nói về hai sự kiện khác nhau.
Điểm đầu tiên trong danh sách kết quả đạt được mà Xinhua đề cập là “mô hình mới về mối quan hệ nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ”, thể hiện nỗ lực của ông Tập trong cuộc họp báo với Obama khi nhấn mạnh rằng hợp tác song phương cần hướng đến mô hình như vậy.
Song, bản tóm tắt thông tin của Nhà Trắng chỉ khẳng định Bắc Kinh và Washington nhất trí hợp tác hướng đến quản lý các bất đồng giữa hai nước và không có dòng nào đề cập tới “quan hệ cường quốc” hay “mô hình mới”.
Theo Nikkei Asian Review, Mỹ kiên quyết từ chối đưa các cụm từ này vào những tài liệu chính thức vì làm vậy là đồng nghĩa với việc công nhận những hành động mà Trung Quốc thực hiện bấy lâu nay nhằm thay đổi nguyên trạng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Dù vậy, Bắc Kinh dường như vẫn sẽ tiếp tục kiên trì với gợi ý rằng hai quốc gia nên dẫn dắt thế giới với vị thế ngang bằng và không ngáng trở nhau bởi nếu không, mỗi bên sẽ làm đối phương mất thể diện. Ý tưởng hai siêu cường cùng tồn tại này đi liền với cam kết hiện thực hóa giấc mơ “phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc” mà ông Tập theo đuổi.
Ông Tập lần đầu nêu lên mong muốn định nghĩa lại mối quan hệ Mỹ – Trung của mình từ hồi tháng 6/2013 khi Chủ tịch Trung Quốc gặp Tổng thống Mỹ tại Palm Springs, bang California. Có lẽ để mở đường cho việc thiết lập lại tính chất mối quan hệ, ông Tập tuyên bố rằng “Thái Bình Dương đủ rộng để dung nạp cả hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc”.
Giới chuyên gia đánh giá, ý tứ trong thông điệp của ông Tập là Trung Quốc nay đã vươn lên trở thành một thế lực kinh tế và quân sự hàng đầu, có quyền thống lĩnh nửa tây Thái Bình Dương. Dù được che đậy bằng những từ ngữ thân thiện, phát ngôn của ông vẽ nên một tương lai mà ở đó Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hành động thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, chí ít là nhằm chấm dứt việc các lực lượng quân sự Washington tiếp cận vùng biển và không phận Thái Bình Dương một cách thoải mái.
Nhà Trắng ban đầu có vẻ không hoàn toàn phản đối cách tiếp cận mà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra. Tháng 11/2013, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thực sự dùng đến cụm từ “mô hình mới” để miêu tả quan hệ Mỹ – Trung. Song, việc Bắc Kinh bất ngờ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Washington. Kể từ đó, Mỹ hạn chế đề cập tới khái niệm “quan hệ cường quốc kiểu mới với Trung Quốc”.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Obama ở The Hague, Hà Lan, hồi tháng ba năm ngoái, ông Tập một lần nữa nhắc tới mối quan hệ như vậy với Mỹ nhưng ông Obama né tránh chủ đề này.
Phản tác dụng
Thông thường, chính phủ các nước tránh nhấn mạnh những điều mà các nhà lãnh đạo không đồng thuận. Tuy nhiên, bản danh sách kết quả thu được trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập mà Xinhua nêu ra cho thấy Trung Quốc có lẽ không ngại ngần thực hiện điều này. Bắc Kinh không chỉ xem “mô hình mới về quan hệ nước lớn” là kết quả đạt được mà còn đưa nó lên đầu tiên trong bản danh sách.
Theo quan sát viên Katsuji Nakazawa, đây là cách chính phủ Trung Quốc uốn nắn đường hướng ngoại giao phù hợp với các mối quan tâm trong nước. Nhưng, đằng sau những lời lẽ hùng hồn và các bản tin sôi nổi của truyền thông nhà nước, vẫn tồn tại những lời xì xào bàn tán quanh thành quả hoạt động ngoại giao của ông Tập.
Năm 2011, chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ và gặp Tổng thống Obama. Hai ông đã ra tuyên bố chung sau các cuộc gặp cấp cao. Người tiền nhiệm của ông Hồ, ông Giang Trạch Dân cũng thực hiện chuyến công du cấp nhà nước đến Mỹ vào năm 1997 và cũng ra tuyên bố chung Mỹ – Trung.
“Xét trên khía cạnh này, ông Tập vẫn chưa thể sánh ngang với thành tích ngoại giao của hai người tiền nhiệm. Đó là điểm đáng ngại”, một nhà phân tích chính trị Trung Quốc nhận xét.
Cho tới thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc vẫn áp dụng chiến thuật ngoại giao “náu mình chờ thời” do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Chủ tịch Tập thì khác, ông đã dẹp bỏ lối tư duy này và bắt đầu gây áp lực lên Mỹ bằng các chính sách lãnh thổ mang tính khiêu khích. Nhưng việc không có tuyên bố chung trong cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung vừa qua có thể là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận cứng rắn của ông đang phản tác dụng.
Ông Tập có thể sẽ nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc đến năm 2023. Trái lại, ông Obama thì chuẩn bị rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017. Chính vì thế, Chủ tịch Tập trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ không từ bỏ các mục tiêu tham vọng và những chiến thuật hung hăng của mình. Ông sẽ thúc ép tổng thống Mỹ kế tiếp đưa ra một tuyên bố chung đề cập đến “mô hình mới”, ghi nhận sức mạnh của Trung Quốc ngang bằng với Mỹ, chuyên gia bình luận.
Hồng Vân
Theo VNE
Hai góc nhìn về chuyến thăm Mỹ của ông Tập
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tô đậm các điểm tích cực trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng một số người dân lại có cái nhìn khác.
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện hôm 22/9 vẫy tay chào khi đến sân bay ở thành phố Everett, bang Washington, Mỹ. Ảnh: AP
Theo những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Tập trong chuyến thăm Mỹ lần này đã xua tan tất cả những lo ngại về các vấn đề tấn công mạng, kinh tế và Biển Đông, đồng thời quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ nồng ấm hơn thế.
Tán tụng
Theo AP, chuyến công du kéo dài 7 ngày của ông Tập, gồm rất nhiều hoạt động như ghé thăm nhà máy của hãng sản xuất máy bay Boeing cùng các tập đoàn công nghệ lớn cho đến cuộc tản bộ thoải mái với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vườn Nhà Trắng, đều được đưa tin dày đặc trên báo chí ở Trung Quốc.
Những bản tin truyền hình phát vào giờ cao điểm bắt đầu với ít nhất 25 phút đưa về ông Tập và phu nhân, bà Bành Lệ Viện. Tiếng vỗ tay cùng những lời chúc tụng tại mỗi nơi ông Tập ghé thăm đều được chiếu toàn bộ.
"Tôi rất tự hào vì Trung Quốc đang trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết", biên tập viên Zhang Yanhua, 49 tuổi, trả lời phỏng vấn trong lúc đang đi bộ ở khu trung tâm Bắc Kinh. "Khi tôi thấy Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân trên tivi lúc họ đến Seattle, cách họ nói chuyện với các quan chức địa phương khiến tôi cảm thấy họ thực sự là hiện thân của một cường quốc", Zhang nói.
Các bản tin ghi nhận Trung - Mỹ vẫn tồn tại bất đồng nhưng tập trung nhiều hơn vào những lĩnh vực mà hai bên đạt sự đồng thuận và hợp tác nhằm khắc họa ông Tập như một chính khách được đón tiếp nồng hậu, trong khi Trung Quốc đang tìm cách nâng vị thế lên ngang bằng Mỹ.
"Chưa bao giờ có hai cường quốc trong lịch sử loài người có mối quan hệ gần gũi như Trung Quốc và Mỹ ngày nay", People Daily bình luận.
Tuy nhiên, những người dân bình thường ở Trung Quốc lại thấy sự tích cực đó chỉ là bề nổi.
Dè dặt
Ông Tập hôm 23/9 nói chuyện với các thành viên của đội tuyển bóng bầu dục khi đến thăm trường trung học Lincoln ở thành phố Tacoma, bang Washington. Ảnh:AP
"Để chứng kiến hai nước phát triển mối quan hệ đích thực có lẽ còn phải mất một thời gian khá lâu nữa", ông Li Jinglin, một hưu trí 67 tuổi, cho biết. Ông cũng thêm rằng dù đã hùng mạnh hơn, Trung Quốc vẫn chưa thể đứng ngang hàng với Mỹ.
"Ngay cả khi ta thấy hai bên bắt tay, đó có thể không phải là một mối quan hệ chân thành. Nhiều vấn đề không dễ giải quyết và cần nhiều thời gian", Li nói.
Những nội dung thường xuất hiện trên các kênh truyền thông nhà nước với góc nhìn tiêu cực về Mỹ, chẳng hạn như các động thái kiềm chế Bắc Kinh của Washington, sự can thiệp của Mỹ vào chuyện nội bộ của nước khác không còn xuất hiện trên mặt báo và đài truyền hình trong một tuần.
Giáo sư ngành báo chí Zhan Jiang cho hay đó là điều bình thường trong các bản tin của truyền thông nhà nước. "Bạn có thể thấy, hôm nay, tin tức đưa một số mặt tốt đẹp rồi hôm khác lại đưa tin một số mặt xấu, thậm chí là bất đồng giữa hai nước", ông nói.
"Song nếu quen với hệ thống này, bạn sẽ hiểu rằng tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi chỉ qua một đêm. Hãy tin rằng sau chuyến thăm của Tập, truyền thông nhà nước sẽ quay lại chỉ trích chính sách của Mỹ", Zhan bình luận.
Trong khi Mỹ tập trung vào các vấn đề gai góc khiến mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng để đưa tin thì báo chí Trung Quốc thường khai thác các khía cạnh liên quan đến thương mại và kinh tế cũng như những câu chuyện mà người dân cảm thấy quen thuộc. Chuyến thăm của ông Tập tới các tập đoàn có tên tuổi như Boeing, Apple hay Microsoft cũng là đề tài thu hút sự quan tâm từ công chúng.
"Dù một số công ty Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, họ vẫn cần học hỏi kinh nghiệm và ý tưởng kinh doanh từ các công ty lớn của Mỹ như Microsft", Zhao Ying, 29 tuổi, một người kinh doanh khách sạn ở Bắc Kinh, nói.
"Mỹ sẽ dành sự tôn trọng cho Trung Quốc nếu chúng ta cải thiện được năng lực của mình", Zhao nhận xét.
Để thoát khỏi các tin tức khô khan và trịnh trọng, người dân Trung Quốc thường theo dõi những bản tin nhanh nhạy hơn trên các cổng thông tin điện tử lớn. Câu chuyện nổi bật nhất trên Sina vào sáng 25/9 là cuộc tản bộ buổi tối ở khuôn viên Nhà Trắng của ông Tập và Obama với trang phục bình thường, không thắt cà vạt.
Thậm chí, một số bản tin từ các báo đài chính thức của nhà nước thỉnh thoảng cũng mang tính nhẹ nhàng. Ví dụ như China News Service, một trong những cơ quan thông tấn nhà nước của Trung Quốc, đưa tin giới thiệu khách sạn nơi ông Tập cùng phái đoàn lưu trú ở Washington. Theo đó, khách sạn nơi ông Tập ở không chỉ phục vụ các món ăn Trung Quốc mà còn chuẩn bị sẵn "những cây dù in hình gấu trúc" đề phòng trời mưa.
Hồng Vân
Theo VNE
Ông Tập Cận Bình áp dụng 'ngoại giao bóng bàn' ở Mỹ "Ngoại giao bóng bàn" từng góp phần phá băng quan hệ Trung - Mỹ trong quá khứ đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình áp dụng trong chuyến thăm Mỹ lần này, theo The Wall Street Journal. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận quả bóng bầu dục của học sinh Mỹ tặng - Ảnh: Reuters Nếu như năm 1971,...