Quản giáo cho phạm nhân mượn tiền khắc phục hậu quả để được xét đặc xá
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ, nếu người bố không vay được tiền hoặc mượn được nhưng không kịp thời hạn thì phạm nhân Hoàng lỡ mất cơ hội được đặc xá, sớm trở về với xã hội”, thiếu tá Phạm Công Tiến lý giải về hành động của mình.
Thiếu tá Phạm Công Tiến – cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
Câu chuyện cán bộ quản giáo trích lương cho phạm nhân mượn tiền đền bù cho nạn nhân để đủ điều kiện xét đặc xá ra tù trước thời hạn thôi thúc chúng tôi tìm đến Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Đại tá Trần Sỹ Phàng – Giám thị Trại tạm giam Công an Nghệ An nói: “Tôi đánh giá cao hành động này của thiếu tá Phạm Công Tiến. Một việc làm rất đáng trân trọng bởi người cán bộ quản giáo đã trao cơ hội sớm cho phạm nhân và hơn hết là lòng tin của quản giáo vào sự hoàn lương của phạm nhân”.
Được sự đồng ý của đại tá Trần Sỹ Phàng, chúng tôi ra khu vực sản xuất của Phân trại quản lý phạm nhân. Thiếu tá Phạm Công Tiến đang quản lý hàng chục phạm nhân ở khu chăn nuôi, trồng trọt. “Có chi mô mà kể” – anh lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi hỏi – Lúc đó tôi chỉ nghĩ nếu gia đình phạm nhân không lo đủ số tiền nộp cho đơn vị thi hành án dân sự thì Lê Đăng Hoàng sẽ lỡ mất cơ hội được xét đặc xá ra tù trước thời hạn lần này. Đã từng phạm sai lầm nhưng Hoàng biết phấn đấu trong cải tạo và rất ngoan ngoãn”.
Phạm nhân may mắn được cán bộ quản giáo Phạm Công Tiến giúp đỡ là Lê Đăng Hoàng. Hoàng 22 tuổi, quê xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang thụ án 50 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Tính đến thời điểm được xét đặc xá, Hoàng mới thi hành được hơn 30 tháng tù giam.
Phạm nhân Lê Đăng Hoàng – người sẽ được trở về với gia đình sớm 16 tháng, trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.
Video đang HOT
Mẹ mất sớm, bố đi bước nữa. Nhà nghèo, học kém, Hoàng nghỉ học từ năm lớp 7. Lớn thêm chút nữa, Hoàng đi vác gạo thuê, đi phụ hồ nhưng chơi vẫn nhiều hơn làm. Một lần, cùng đám bạn sang xã bên đi chơi đám cưới. Mâu thuẫn xảy ra, bên kia đánh trước, nhóm của Hoàng vớ được cái gì thì lấy cái đó chống trả. Hoàng vớ được cái cọc gỗ, nhằm đối thủ phang thật lực. Hậu quả nạn nhân hỏng 1 mắt, Hoàng cùng 3 người khác lãnh án tù, án của Hoàng nặng nhất.
Hoàng gây chuyện, nhà vốn đã nghèo, lại phải chạy vạy thuốc thang cho người ta nên thành ra khánh kiệt. Đến nỗi, tòa tuyên Hoàng phải chịu trách nhiệm bồi thường 23.477.000 đồng mà ông Lê Đăng Thái – bố Hoàng không biết lấy đâu ra. Ông đi xây, một người làm, nuôi 3 người ở nhà, lại còn tiếp tế cho thằng con ở tù nên dè sẻn lắm dăm ba tháng mới gom góp được 1-2 triệu vào nhờ Trại tạm giam chuyển đến đơn vị thi hành án dân sự.
Đến thời điểm thông báo xét đặc xá, giảm án dịp Quốc kháng 2/9/2015, Lê Đăng Hoàng đã đi được hơn 1 nửa chặng đường trong trại giam, đủ điều kiện thời gian chấp hành án để xem xét đặc xá. Nhưng nếu không hoàn thành việc bồi thường trách nhiệm dân sự cho nạn nhân, Hoàng sẽ không thuộc đối tượng được xem xét.
Ông Thái vào thăm con, cán bộ quản giáo cũng động viên ông cố gắng vay mượn, trả tiền cho người ta để Hoàng sớm được ra tù. Tháng sau, ông Thái quay lại trại giam thăm con với mái tóc rối bù. Khuôn mặt phờ phạc, nặng trĩu âu lo của người cha đã níu chân người cán bộ quản giáo. Được thiếu tá Tiến hỏi thăm, ông Thái dốc bầu tâm sự: “Còn thiếu hơn 13 triệu nhưng tôi đi mượn từ đầu làng cuối xóm cũng chỉ được hơn 8 triệu thôi chú ạ. Tôi vào nộp từng này trước rồi về xem có chỗ nào để “xoay” không”.
“Tôi nghĩ đơn giản chỉ là giúp Hoàng sớm có cơ hội trở về với xã hội thôi”.
Nếu lỡ không mượn được, hoặc mượn được nhưng không kịp thời hạn chót để “đóng sổ” danh sách xét giảm án, đặc xá thì coi như Hoàng mất cơ hội. Chỉ kịp nghĩ đến đó, thiếu tá Tiến rút 5 triệu đồng trong ví đưa cho ông Thái: “Tôi cho bác mượn để đóng tiền để nộp cho đơn vị thi hành án. Thằng Hoàng còn trẻ tuổi, chưa chắc đã biết suy nghĩ thấu đáo, vì không mượn được tiền mà đóng để được xét đặc xá, sợ nó oán trách bố hay phản ứng tiêu cực trong lúc cải tạo thì lại khổ”.
Người cha cầm món tiền lớn của cán bộ quản giáo cho mượn mà đứng lặng đi vì bất ngờ. Mãi sau ông mới lắp bắp: “Cảm ơn chú, tôi và thằng Hoàng sẽ cố gắng làm lụng, sớm trả tiền cho chú”.
Nhờ hoàn thành trách nhiệm dân sự, có thành tích cải tạo tốt, chấp hành nghiêm nội quy, quy định của trại giam… nên Lê Đăng Hoàng có tên trong danh sách đề nghị xét đặc xá, giảm án của Hội đồng xét đặc xá Trại tạm giam. Qua mấy vòng bình chọn, xét duyệt, Hoàng là 1 trong 33 phạm nhân đang thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh được đặc xá ra tù trước thời hạn trong dịp Quốc khánh 2/9.
Ngày 31/8 này, Hoàng sẽ trở về với gia đình. “Em cảm ơn cán bộ Tiến nhiều lắm. Hơn 2 năm ở tù, em thấm thía hơn ai hết giá trị của sự tự do, của sức lao động. Ra tù sớm hơn, em có cơ hội làm lại cuộc đời sớm hơn, em sẽ cố gắng sống cho tốt để không phải gặp lại cán bộ trong hoàn cảnh như bây giờ. Em sẽ đi phụ hồ với bố để sớm trả lại tiền cho cán bộ”, Hoàng tâm sự.
“Cho phạm nhân mượn tiền, anh không sợ họ “xù” luôn à?”, tôi hỏi. Thiếu tá Tiến cười: “5 triệu đồng lớn thì lớn thật nhưng nếu “quy đổi” ra 16 tháng tù chưa chấp hành của Hoàng thì nó rất nhỏ. Tôi nghĩ thời gian cải tạo, Hoàng đã hiểu hơn nhiều giá trị của sức lao động nên không sợ “xù nợ”. Mà nếu có “xù” thật thì… cũng thôi. Xem như mình giúp đỡ người khác”.
Hoàng Lam
Theo Dantri
46 phạm nhân được giảm án, đặc xá ra tù trước thời hạn
Trong số 146 phạm nhân đang thi hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, có 33 phạm nhân được đặc xá ra tù trước thời hạn, 13 phạm nhân được giảm một phần thời gian thi hành án trong dịp Quốc khánh 2/9.
Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An trao quyết định đặc xá ra tù trước thời hạn cho các phạm nhân nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm 2014.
Sáng ngày 12/8, đại tá Trần Sỹ Phàng - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trong dịp Quốc khánh 2/9 tới, có 33 phạm nhân đang thi hành án tại đây được đặc xá ra tù trước thời hạn; 13 phạm nhân được giảm án, trong đó người được giảm nhiều nhất là 4 tháng tù giam.
Việc xét đặc xá, giảm án được thực hiện một cách hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, bắt đầu từ các đội sản xuất. Căn cứ vào kết quả xếp loại hàng tháng, hàng quý được dán công khai trong các nhà giam để phạm nhân nghiên cứu, làm đơn xin giảm án (nếu thấy mình có đủ điều kiện), Hội đồng đặc xá Trại tạm giam tổ chức cho các phạm nhân bỏ phiếu bình bầu từng trường hợp. Sau đó, danh sách phạm nhân đủ điều kiện được hưởng giảm án, đặc xá ra tù trước thời hạn sẽ được trình lên Hội đồng đặc xá tỉnh để xem xét, quyết định.
"Để có đủ điều kiện xem xét giảm án, đặc xá ra tù trước thời hạn, các phạm nhân phải có quá trình nỗ lực liên tục, phấn đấu, rèn luyện không ngừng trong suốt quá trình thi hành án tại đây. Việc xét giảm án, đặc xá được thực hiện công khai, công bằng, đảm bảo không để lọt phạm nhân đủ điều kiện nhưng không được xem xét hoặc không đủ điều kiện lại được xét giảm án, đặc xá", đại tá Trần Sỹ Phàng cho biết thêm.
Các phạm nhân được đặc xá, giảm án phạt tù trong dịp này chủ yếu thuộc các nhóm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, mua bán người, mua bán vật liệu nổ trái phép, gây rối trật tự công cộng.
Hiện, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đang tổ chức giáo dục tư vấn tái hòa nhập cộng đồng, phổ biến một số điều luật, các kiến thức cơ bản cho số các phạm nhân này trước khi trở về xã hội.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Đặc xá, tha tù không được ảnh hưởng đến an ninh trật tự Đây là khẳng định của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII - Bộ Công an) tại cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ xung quanh đợt đặc xá, tha tù nhân kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Thiếu tướng Nguyễn...