Quân đội Trung Quốc xáo trộn vì Bạc Hy Lai?
Scandal của Bạc Hy Lai – cựu bí thư thành uỷ Trùng Khánh có thể sẽ chặn đường hoạn lộ của nhiều vị tướng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Đồng thời, vụ việc tạo điều kiện cho Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có cơ hội ảnh hưởng lớn hơn đến cơ cấu của lực lượng vũ trang.
Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo Đảng và Quân đội trong năm nay.
Nếu không có vụ bê bối ở Trùng Khánh, Tướng Trương Hải Dương và Lưu Nguyên, những người có quan hệ thân thiết với ông Bạc Hy Lai có thể trở thành những nhân vật được trù bị cho các vị trí quan trọng trong quân đội.
Video đang HOT
Tướng Trương Hải Dương.
Tướng Lưu Nguyên.
Tướng Trương Hải Dương, chính uỷ của Lực lượng Nhị pháo (Bộ đội Tên lửa của PLA – ĐV) – nơi đang nắm giữ các loại vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và tướng Lưu Nguyên, chính uỷ của Cục Hậu cần Trung ương.
Một nguồn tin thân cận cho biết, tướng Trương Hải Dương và gia đình Bạc Hy Lai có mối quan hệ thân tình từ lâu. Họ càng trở nên thân thiết khi Bạc Hy Lai tới làm bí thư Trùng Khánh. (Tướng Trương Hải Dương là người đứng đầu quân khu Thành Đô).
Lý Quân, một doanh nhân tại Trùng Khánh từng là nạn nhân của chiến dịch “đả hắc” – chiến dịch trấn áp tội phạm gây tranh cãi của ông Bạc – tiết lộ với Financial Times rằng, ông từng bị buộc phải công nhận đã đút lót cho các đối thủ của tướng Trương trong các vụ hợp đồng đất đai.
Tướng Lưu Nguyên ũng gặp nhiều rắc rối vì có quan hệ thân thiết với gia đình ông Bạc Hy Lai. Tướng Lưu Nguyên là con trai Lưu Thiếu Kỳ, cựu Chủ tịch nước Trung Quốc, bị Mao Trạch Đông thất sủng và thanh trừng. Còn ông Bạc Hy Lai là con trai của tướng Bạc Nhất Ba, người sáng lập Quân đoàn 14 của PLA.
Nhiều nhà quan sát cũng đăt dấu hỏi về số phận Thiếu tướng Trương Hựu Hiệp. Ông này từng phục vụ trong quân đoàn 14 tại Vân Nam.
Các chuyên gia quân sự nhận định, nhiều sĩ quan cao cấp của PLA vốn không được nhắm vào các vị trí trong Quân ủy Trung ương đang có nhiều cơ hội để thăng tiến, nhờ sự nghiệp chính trị của ông Bạc sụp đổ.
Chẳng hạn, Phó Đô đốc và là Chính uỷ Hải quân Lưu Hiểu Giang và tướng Lưu Á Châu, Giám đốc ĐH Quốc phòng Trung Quốc.
Phó Đô đốc Lưu Hiểu Giang là con rể của ông Hồ Diệu Bang – cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 1980 – 1987 và tướng Lưu Á Châu là con rể của ông Lý Tiên Niệm – cựu chủ tịch nước Trung Quốc.
Lý Thành, chuyên gia về các vấn đề chính trị Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Brooking cho biết: “Vụ án Bạc Hy Lai có ảnh hưởng rất lớn đến sự kế thừa vị trí lãnh đạo trong quân đội. Nếu như trước đây, có khoảng 5 trong 10 thành viên tiếp theo của Quân uỷ Trung ương được chọn sẵn, thì nay con số này chỉ là 3 hoặc 4″. Cơ cấu của Quân uỷ trung ương được quyết định bởi Uỷ ban Thường vụ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi nó có thể ảnh hưởng đến những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong PLA.
Theo các nhà phân tích, cơ cấu của Quân uỷ trung ương sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của ông Tập Cận Bình – người được cho là sẽ kế nhiệm chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong vai trò là người lãnh đạo Đảng và chủ tịch nước, sau Đại hội 18 của CPC. Trong số các chứ vụ hứa hẹn với ông Tập, còn chức Chủ tịch Quân uỷ Trung ương chưa rõ ràng. Trong số 10 thành viên Quân ủy Trung ương, có 7 người sắp phải từ nhiệm và hiện có khoảng 20 ứng cử viên cho 7 vị trí này.
Theo Báo Đất Việt