Quân đội Thái yêu cầu bà Yingluck, các cựu bộ trưởng ra trình diện
Quân đội Thái Lan đã yêu cầu cựu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nội các bị phế truất và các lãnh đạo đảng cầm quyền ra trình diện chính quyền quân đội mới vào hôm nay 23/5, một ngày sau cuộc đảo chính quân sự vốn gây ra sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Khẳng định quyền hành động để chấm dứt nhiều tháng bất ổn chính trị, chính quyền quân đội Thái Lan dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh quân đội Thái Lan, Tướng Prayut Chan-O-Cha, đã tuyên bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên cả nước, hạn chế các quyền tự do dân sự và yêu cầu các đám đông biểu tình đối lập tại Bangkok giải tán ngay tức thì khỏi các đường phố.
Quân đội Thái Lan cũng thông báo đình phần lớn hiến pháp, gây ra các chỉ trích từ Mỹ, châu Âu, Tổng thư ký Liên hợp quốc, vốn kêu gọi phục hồi sự kiểm soát dân sự.
Theo thông báo mới nhất, cựu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, các thành viên của nội các hiện đã bị phế truất, cùng các lãnh đạo của đảng Puea Thai vốn nắm quyền trước đó, đã được yêu cầu ra trình diện giới chức quân đội ở trung tâm Bangkok vào 10 giờ sáng ngày 23/5.
Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với các thành viên của chính phủ bị lật đổ nếu họ ra trình diện.
Nhưng ít phút trước cuộc đảo chính, các lãnh đạo của đảng Puea Thai và đảng Dân chủ đối lập, cùng lãnh đạo biểu tình của các bên, đã bị quân đội đưa đi khỏi các cuộc đàm phán ở Bangkok, vốn được ông Prayut chủ trì để thu hẹp bất đồng giữa các đảng đối lập.
Video đang HOT
Hiện chưa rõ những người bị đưa đi đang ở đâu.
Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan cũng được lệnh ra trình diện quân đội vào hôm nay. Hiện chưa rõ tung tích của ông Niwattumrong.
Nhưng ông Chalerm Yubamrung, một người thân cận với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và giữ chức bộ trưởng lao động cho tới tận gần đây, đã bị quân đội bắt giữ ngày 22/5, con trai Doung Yubamrung của ông này cho biết.
Quân đội Thái Lan ngày 22/5 đã tuyên bố đảo chính và thành lập Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia để nắm quyền điều hành đất nước.
Tướng Prayut cho biết cuộc đảo chính nhằm “đưa đất nước nhanh chóng trở lại bình thường”.
“Tất cả người Thái phải bình tĩnh và các quan chức chính phủ phải đi làm như thường lệ”, ông Prayut nói trong bài phát biểu trên truyền hình khi công bố đảo chính, ngồi cạnh ông là các quan chức quân đội và cảnh sát cấp cao.
Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Pháp, Đức đã lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan và bày tỏ lo ngại nghiêm trọng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay không có sự biện minh nào cho điều đó và nói rằng 10 triệu USD viện trợ song phương có thể bị tạm ngừng.
Theo Dantri
Quân đội Thái triệu tập các thủ lĩnh chính trị, bàn giải pháp gỡ bế tắc
Quân đội Thái Lan hôm nay (21/5) đã triệu tập một cuộc họp với các thủ lĩnh phe phái chính trị, nhằm bàn giải pháp giúp đất nước thoát khỏi bế tắc, với tuyên bố không thể để vương quốc này lâm vào tình cảnh của "Ukraine hay Ai Cập".
Tướng Prayut Chan-O-Cha
Cộng đồng quốc tế, mà dẫn đầu là Mỹ, đang gia tăng áp lực yêu cầu quân đội Thái Lan trao lại quyền kiểm soát cho chính quyền dân sự, sau khi quân đội ban bố lệnh thiết quân luật. Đáp lại, quân đội Thái Lan khẳng định sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế và chỉ "sử dụng vũ lực vì vấn đề an ninh".
Tướng Prayut Chan-O-Cha, tư lệnh lục quân Thái Lan đã triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo các đảng phải chính trị đối lập, cũng như các quan chức lãnh đạo chính phủ, ủy ban bầu cử, thượng viện và lãnh đạo các khu trại của cả hai phe biểu tình phản đối và ủng hộ chính phủ.
Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan, người nhậm chức sau khi nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra bị phế truất sau một phán quyết của tòa cũng được mời tham dự.
Ông Niwattumrong đã kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới vào ngày 3/8, nhưng phe đối lập muốn những cải cách mơ hồ được thực hiện trước, và tuyên bố sẽ còn biểu tình chừng nào loại bỏ được "chế độ" đại diện bởi cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.
Tướng Prayut đã ban bố lệnh thiết quân luật hôm thứ Ba, với khẳng định quân đội phải hành động, do căng thẳng chính trị đã leo thang sau nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài, làm nhiều người thiệt mạng.
"Việc này phải được giải quyết nhanh chóng trước khi tôi nghỉ hưu, nếu không tôi sẽ không nghỉ hưu", ông Prayut khẳng định. Theo kế hoạch, vị tướng lục quân này sẽ về hưu vào tháng 9 tới. "Tôi sẽ không để Thái Lan lâm vào cảnh giống như Ukraine hay Ai Cập".
Trong một dấu hiệu mới cho thấy chính phủ tạm quyền đang dần để vuột mất quyền lực, các thành viên nội các đã bị cấm sử dụng trung tâm khẩn cấp của mình tại một văn phòng của Bộ quốc phòng, ở ngoại ô Bangkok.
"Chính phủ hiện đang sử dụng một nhà an toàn", một quan chức giấu tên cho biết.
Thủ đô Bangkok hôm nay được miêu tả là yên tĩnh, với các cửa hàng kinh doanh hoạt động bình thường, đường phố nhộn nhịp còn quân đội hiện diện thưa thớt hơn hẳn so với hôm qua.
Dù vậy, việc các binh sỹ vũ trang xuất hiện trên phố và hơn một chục đài truyền hình bị đóng cửa đã làm gia tăng lo ngại về sự tự do của người dân.
Quân đội hiện cấm hoạt động tụ tập nơi công cộng, cấm các phong trào của nhân dân, tiến hành lục soát, áp đặt lệnh giới nghiêm và có quyền bắt giữ những nghi phạm trong thời gian tối đa 7 ngày.
Các mạng xã hội và trang web cũng được yêu cầu ngừng phát tán các tài liệu "khiêu khích" hoặc chỉ trích luật thiết quân luật.
Theo Dantri
Thái Lan: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau tình trạng thiết quân luật? Quân đội Thái Lan ngày 20/5 đã bất ngờ tuyên bố tình trạng thiết quân luật nhằm phục hồi trật tự sau nhiều tháng khủng hoảng chính trị - một động thái mà các nhà quan sát miêu tả là "một cuộc đảo chính trên thực tế" Các binh sĩ Thái tại thủ đô Bangkok trong ngày áp dụng tình trạng thiết quân...