Quân đội Thái bắt đầu “nhảy” vào chính trường Thái
Tư lệnh Quân đội Thái Lan – ông Prayuth Chan-ocha hôm qua (1/12) đã đề nghị được đứng ra làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và những người biểu tình nhằm tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng chính trị đang mỗi lúc một leo thang ở quốc gia Đông Nam Á này.
Cảnh sát đã bắn hơi cay vào người biểu tình
Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan – ông Winthai Suwaree cho biết, Tư lệnh Prayuth sẽ đề xuất một hướng đi cho phép hai bên tiến hành các cuộc đàm phán nhưng nhấn mạnh họ trước hết phải ngừng các cuộc đối đầu với nhau.
Theo dõi sát sao tình hình diễn biến trên chính trường Thái Lan trong mấy ngày nay, ông Prayuth hôm qua đã gọi cho người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia – ông Adul Saengsingkaew để yêu cầu ông này chỉ đạo các sĩ quan không được bắn súng hơi cay vào người biểu tình, ông Winthai cho biết.
Trước đó hồi đầu tuần, ông Prayuth cho biết, quân đội đứng trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở đất nước Thái Lan đồng thời yêu cầu những người biểu tình chống chính phủ không được tìm cách lôi kéo quân đội đứng về phía họ.
Tư lệnh Quân đội Prayuth đã đưa ra tuyên bố trên sau khi một nhóm người biểu tình xông vào trụ sở của quân đội để kêu gọi lực lượng này tham gia vào phong trào chống chính phủ của họ.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng nhiều lần kêu gọi lực lượng đối lập tham gia đối thoại với chính phủ để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, lời đề xuất này liên tục bị ông Suthep Thaugsuban – một cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng là thủ lĩnh của làn sóng biểu tình chống chính phủ hiện nay, bác bỏ. Ông Suthep thề sẽ “chiến đấu đến chết” cho đến khi nào kéo đổ được chính quyền Thaksin mới thôi. Phe đối lập luôn cáo buộc cựu Thủ tướng Thaksin vẫn đang điều hành đất nước Thái Lan từ xa, dưới vỏ bọc của chính quyền nữ Thủ tướng Yingluck.
Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan được cho là sẽ tìm cách đẩy cao tình hình bất ổn hiện nay lên một mức độ mà buộc quân đội nước này phải nhảy vào can thiệp bằng một cuộc đảo chính quân sự. Chính vì thế, sự can thiệp của quân đội được đánh giá là có thể mang yếu tố quyết định trên chính trường Thái Lan.
Video đang HOT
Cảnh sát Thái Lan bắn súng hơi cay vào người biểu tình
Hiểu rõ được ý đồ của những thành phần đối lập đang tìm cách lôi kéo sự can thiệp của quân đội vào tình hình hiện nay, chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck đã cố gắng duy trì sự kiềm chế, bình tĩnh ở mức tối đa. Suốt cả tuần nay, dù người biểu tình gây sức ép quyết liệt từ mọi phía bằng cách bao vây, chiếm giữ hàng loạt tòa nhà, trụ sở của các bộ, ngành, cơ quan chính phủ ở thủ đô Bangkok cũng như chính quyền địa phương ở các tỉnh thành, Nhà lãnh đạo Yingluck vẫn liên tiếp khẳng định sẽ không dùng vũ lực với người biểu tình.
Tuy nhiên, từ ngày 30/11 đến hôm qua (1/12), tình hình đã diễn biến theo chiều hướng đáng lo ngại khi bạo lực bắt đầu bùng phát. Đâu đó đã xuất hiện những cuộc đụng độ, va chạm giữa người biểu tình chống và ủng hộ chính phủ. Hiện tại, có ít nhất 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các cuộc đối đầu giữa hai thành phần đối lập và ủng hộ chính phủ.
Trong một diễn biến mới nhất, cảnh sát Thái Lan hôm qua đã bắn súng hơi cay vào những người biểu tình chống chính phủ ở Cầu Chamai Maruchet khi lực lượng này tìm cách tiến vào Tòa nhà Chính phủ gần đó.
Cảnh sát còn bắn súng hơi cay vào những người biểu tình đang tìm cách xông qua hàng rào chắn để xâm nhập vào Cơ quan Cảnh sát Thành phố. Ít nhất 2 người biểu tình đã bị thương trong vụ việc này, tờ Bangkok Post đưa tin.
Khoảng 600 binh lính được cho là đã được triển khai để duy trì an ninh ở bên trong khuôn viên của Tòa nhà Chính phủ.
Trong khi đó, thủ lĩnh của cuộc biểu tình – Suthep Thaugsuban tuyên bố ngày hôm qua là ngày chiến thắng của họ sau khi người biểu tình diễu hành qua một loạt địa điểm như Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và một số đài truyền hình. Một nhóm người biểu tình thậm chí còn giành quyền kiểm soát đài truyền hình PBS Thái.
Đối lập với sự quyết liệt của những người biểu tình chống chính phủ, phe áo đỏ ủng hộ chính phủ đã rút lui khỏi sân vận động Rajamangala và hoãn các cuộc biểu tình của họ. Sự rút lui của người áo đỏ diễn ra sau khi bạo lực bắt đầu bùng phát trong các cuộc biểu tình tối ngày 30/11. Những người chống chính phủ và các thành phần ủng hộ chính phủ đã ẩu đả, đụng độ với nhau, khiến ít nhất 2 người chết và hàng chục người bị thương.
Hai người thiệt mạng là một sinh viên chống chính phủ và một người lính trẻ 23 tuổi ủng hộ chính phủ. Cả hai đều chết vì bị trúng đạn.
Tuy nhiên, ông Jatuporn Promphan – thủ lĩnh phe áo đỏ lại cung cấp thông tin rằng, 4 người của họ cùng 1 sinh viên chống chính phủ đã chết trong những cuộc đụng độ đêm qua.
Một trung tâm y tế ở thủ đô Bangkok xác nhận với tờ Thai Rak sáng ngày hôm qua rằng, có 35 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai lực lượng đối đầu nhau trên chính trường Thái Lan.
Để tránh đổ máu thêm nữa, phe áo đỏ hôm qua tuyên bố chấm dứt cuộc biểu tình của họ và kêu gọi người của mình hãy trở về nhà. Ước tính đã có tới 70.000 người áo đỏ đổ về sân vận động Rajamangala để bày tỏ sự ủng hộ, đoàn kết với chính phủ trong ngày 30/11.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Giới đầu tư nước ngoài ngán ngẩm biểu tình ở Thái Lan
Trong khi chính phủ Thủ tướng Yingluck và phe đối lập đang giằng co quyền lực bằng cuộc bạo động "lớn nhất từ năm 2010" tại Bangkok, Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) ngày 2-12 cảnh báo các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngán ngẩm môi trường kinh doanh tại đây.
Poster chiến dịch "Cầu nguyện cho Thái Lan" trên mạng xã hội - Ảnh: The Nation
TCC kêu gọi các bên ngồi vào đàm phán "vì tương lai đất nước".
"Đàm phán là con đường duy nhất"
Bangkok Post dẫn lời nhiều nhân vật "cộm cán" như giám đốc Ngân hàng Thái Lan Prasarn Trairatvorakul nhấn mạnh "các cuộc xung đột chính trị chỉ có thể được giải quyết qua con đường đàm phán". Còn Sanga Ruangwattanakul - người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp đường Khao San, con đường tập trung nhiều cửa hàng phục vụ khách du lịch đến tham quan tại Bangkok - cảnh báo "việc chính phủ áp dụng luật an ninh nội địa (ISA) trên đường phố Bangkok để ngăn biểu tình gây bất tiện cho khách du lịch. Nếu biểu tình tiếp diễn, có khả năng đêm 31-12 sẽ không diễn ra sự kiện Countdown (đếm ngược đến thời khắc giao thừa) - sự kiện thu hút hàng ngàn khách du lịch đến Bangkok tham dự cuối năm - đây thật là thảm họa".
Trước đó đụng độ tại khu vực Ramkhamhaeng đã khiến 3 người thiệt mạng. TCC thậm chí tình nguyện đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai bên. Tuy nhiên, Kongkiat Opaswongkam - giám đốc điều hành Asia Plus Securities - lại ngán ngẩm phân tích căn bệnh kinh niên của Thái Lan: "Một số nỗ lực hòa giải đã được thực hiện, nhưng khi một nhóm lên nắm quyền, nhóm kia lại cố gắng để lật đổ nó. Điều này không có dấu hiệu kết thúc. Nếu chúng ta không muốn lịch sử lặp lại, mọi người phải thay đổi cách suy nghĩ của mình".
Bangkok Post dẫn lời Judy Benn - giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan - cho biết các doanh nghiệp Mỹ rất lo ngại về xung đột chính trị hiện tại ở nước này. Việc đóng cửa các trung tâm thương mại lớn như Siam Paragon và Central World tại Bangkok đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà bán lẻ. Đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ giảm tại Thái Lan. Khách du lịch phải tản ra các vùng xung quanh như Chiang Mai, Phuket để tham quan.
Cầu nguyện cho Thái Lan
Giữa những "cái đầu nóng", cộng đồng mạng Thái Lan trên các diễn đàn, mạng xã hội như Facebook, Twitter đang lan truyền nhau chiến dịch "Cầu nguyện cho Thái Lan" (Pray for Thailand): một người tên Thanat đã vẽ bức poster cho chiến dịch này với thông điệp "Thượng đế chúc lành cho chúng ta. Mang lại hòa bình cho Thái Lan". Hàng ngàn lượt người chia sẻ các dòng trạng thái (status) trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người bình tĩnh, không sử dụng bạo lực tấn công lẫn nhau, đọc có chọn lọc thông tin trên các phương tiện truyền thông về xung đột để có thái độ ứng xử đúng đắn.
Khi người dẫn dắt lực lượng biểu tình lật đổ chính phủ Suthep Thaugsuban vẫn nhất định không đàm phán tiếp với chính phủ của Thủ tướng Yingluck, người dân Thái chỉ còn biết "cầu nguyện và hi vọng".
Nếu tình hình diễn biến căng thẳng hơn, người Thái hi vọng Quốc vương Bhumibol Adulyadej sẽ chuyển thông điệp kêu gọi hòa giải giữa hai phe. Người Thái Lan đặc biệt tôn kính quốc vương, chỉ có thông điệp hòa giải của ông lúc này mới xoa dịu được "những cái đầu nóng".
Theo Tuổi Trẻ
Kết cục xấu đang chờ nữ Thủ tướng Yingluck? Bạo lực đã bùng lên ở thủ đô Bangkok tối ngày hôm qua (30/11) giữa những người biểu tình chống chính phủ và lực lượng ủng hộ chính phủ, khiến 1 người chết và ít nhất 5 người bị thương. Tình trạng leo thang này khiến người ta lo ngại viễn cảnh nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan - Yingluck Shinawatra...