Quân đội Nhật muốn tăng ngân sách củng cố đảo trước Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến đề xuất tăng ngân sách để mua sắm các vũ khí bảo vệ đảo và xây dựng, mở rộng căn cứ quân sự trên biển.
Binh sĩ Nhật Bản trong một cuộc diễn tập với Mỹ. Ảnh: NYDailyNews
Trong một tài liệu được đệ trình lên chính phủ hôm nay, Bộ Quốc phòng Nhật yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng thêm 2,2%, lên mức 5,09 ngàn tỷ yên (42,38 tỷ USD) trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng tư. Nếu đề xuất này được thông qua, Nhật Bản sẽ có nguồn ngân sách quốc phòng lớn nhất trong vòng 14 năm qua và năm tăng thứ 4 liên tiếp. Việc tăng nhằm củng cố thế phòng thủ của chuỗi đảo xa nằm trên biển Hoa Đông, gần khu vực Trung Quốc đòi tuyên bố chủ quyền, Reuters hôm đưa tin.
Theo đề xuất tăng ngân sách quốc phòng được thể hiện trong tài liệu trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ mua các tàu tấn công đổ bộ AAV7 do hãng BAE Systems chế tạo, chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Lockheed Martin và máy bay vận tải V-22 Osprey của Boeing.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ sắm thêm máy bay do thám không người lái tầm xa Global Hawk, các khẩu đội tên lửa di động, trực thăng quân sự và các trang bị, khí tài cần thiết khác để có thể bảo vệ vùng biển đảo kéo dài 1.400 km của mình.
Máy bay chở quân Osprey, tàu tấn công đổ bộ và các xe thiết giáp mới sẽ giúp Nhật Bản củng cố được lực lượng phòng thủ của mình, trong đó có đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên được thành lập sau Thế Chiến II để phòng thủ và bảo vệ đảo xa.
Video đang HOT
Thủ tướng Shinzo Abe (trái) duyệt đội danh dự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Khoản ngân sách bổ sung cũng sẽ được phân bổ để xây dựng và mở rộng các căn cứ quân sự trên chuỗi đảo trên, tài liệu cho hay.
Trong bối cảnh Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho quân đội, với ngân sách gần 140 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, Nhật Bản cũng chuyển dần thế phòng thủ chiến lược của mình xuống phía nam nhằm triển khai lực lượng trang bị nhẹ hơn, cơ động hơn trên biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Bằng cách tăng cường sự hiện diện trên các đảo xa với những trạm radar, căn cứ quân sự hay khẩu đội tên lửa, Nhật Bản có thể giành được lợi thế chiến thuật trước Trung Quốc, nước kiểm soát ít đảo hơn rất nhiều so với Nhật Bản trong khu vực và sẽ phải dựa nhiều vào các tàu chiến hoặc các trạm nổi trên biển.
Nhật và Trung Quốc hiện tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Cách nhóm đảo này 150 km về phía nam, Nhật đang cho xây dựng một trạm radar trên đảo Yonaguni, nơi có 1.500 người định cư.
Trong đề xuất tăng ngân sách quốc phòng trên, các quan chức quân sự Nhật đã phân bổ 90 triệu USD để mở rộng một căn cứ quân sự trên đảo Miyako nằm cách đảo Yonaguni 300 km về phía đông, và 72 triệu USD để xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Amami nằm giữa Okinawa và đất liền Nhật Bản.
Các đảo Nhật Bản muốn tăng cường hiện diện ở Hoa Đông. Đồ họa: Japan Focus
Trí Dũng
Theo VNE
Người Nhật biểu tình phản đối luật đưa quân ra nước ngoài
Hàng chục ngàn người đã tập trung tại tòa nhà quốc hội của Nhật Bản tại thủ đô Tokyo hôm 30.8 để phản đối chính sách đưa quân đội ra nước ngoài của Thủ tướng Shinzo Abe, Reuters cho biết.
Người biểu tình tập trung đông nghịt trước tòa nhà quốc hội Nhật Bản tại Tokyo hôm 30.8 - Ảnh: Reuters
Đây được xem là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất của Nhật Bản trong nhiều năm qua, theo Reuters.
Bất chấp cơn mưa, khoảng 120.000 người ở mọi lứa tuổi đã giăng biểu ngữ phản đối chính sách gửi quân ra nước ngoài của Nhật, trong đó gồm những dòng chữ đại loại như "Nói không với chiến tranh" và "Abe từ chức!".
Trong tháng 7 qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã ký dự luật cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật. Theo đó các lực lượng vũ trang của Nhật Bản sẽ được quyền ra nước ngoài chiến đấu, hỗ trợ các đồng minh khi bị tấn công.
Đây là sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản thời hậu chiến tranh, tạo ra tranh cãi dữ dội trong nước cũng như những cuộc "khẩu chiến" với phía Trung Quốc.
Theo Reuters, đa phần các cuộc thăm dò cho thấy người dân Nhật không đồng tình với sự thay đổi về luật quân sự mới. Họ không muốn đối mặt với chiến tranh và lo cho sự an nguy của con em.
Người biểu tình phản đối dự luật và kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức - Ảnh: Reuters
"Để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn... chúng ta phải hành động ngay bây giờ nếu không muốn thấy Nhật Bản sẽ rẽ theo hướng tồi tệ hơn. Đó là lý do tại sao tôi đến đây ngày hôm nay", AP dẫn lời Mami Tanaka, 35 tuổi, người tham gia biểu tình cùng chồng và 3 đứa con.
"Chúng tôi cần phải làm cho chính phủ của ông Abe nhận ra cảm giác khủng hoảng và tức giận đang tồn tại trong lòng công chúng. Chúng ta hãy cùng nhau loại bỏ dự luật (đưa quân ra nước ngoài) này", Katsuya Okada, người đứng đầu đảng Dân chủ Nhật Bản, đảng đối lập lớn nhất nước này cho biết.
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Tokyo kể từ sau vụ phản đối nhà máy điện hạt nhân năm 2012, theo Reuters.
Theo báo Nhật The Japan Times, hôm Chủ nhật 30.8 có hơn 200 cuộc biểu tình khác diễn ra trên toàn quốc.
"Ngồi trước tivi và phàn nàn thì chẳng lợi ích gì cả. Nếu tôi không hành động và cố gắng chấm dứt điều này, tôi sẽ không thể giải thích với con cháu tôi về bản thân mình sau này", Naoko Hiramatsu, một giáo sư 44 tuổi, ẵm theo đứa con 4 tuổi trong cuộc biểu tình nói với Reuters.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Hàn Quốc muốn hòa giải với Triều Tiên nhưng lại tăng mạnh ngân sách quốc phòng Ngày 26-8, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyoung-hwan cho biết, nước này có kế hoạch sẽ phát triển các dự án có thể cải thiện các mối quan hệ với Triều Tiên. Ông Choi Kyung-hwan cho biết trong cuộc gặp với một số nghị sỹ thuộc Đảng Saenuri cầm quyền tại thủ đô Seoul rằng: "Chúng tôi sẽ nỗ lực xây...