Quân đội Mỹ ngày càng lộ nhiều “thói hư tật xấu”
Quân đội Mỹ đang phải chứng kiến số binh sĩ bị sa thải vì vi phạm kỷ luật và phạm tội ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Theo hãng tin AP, số sĩ quan Mỹ bị sa thải khỏi quân ngũ do vi phạm đạo đức đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua. Trong khi đó, số binh sĩ buộc phải giải ngũ do nghiện ma túy, nghiện rượu, phạm tội và nhiều tội danh khác đã tăng từ 5.600 người trong năm 2007 – thời điểm tình hình căng thẳng chiến sự tại Iraq lên tới đỉnh điểm, lên hơn 11.000 người trong năm 2013.
Trong giai đoạn chiến tranh đỉnh điểm tại Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ nắm trong tay khoảng 570.000 binh sĩ. Trong đó, số binh sĩ ra chiến trường chiếm lượng đông đảo nhất so với các nhiệm vụ khác.
Quân đội Mỹ tại Iraq
“Trong 10 – 12 năm gần đây, việc liên tiếp triển khai số lượng lớn binh sĩ ra chiến trường đã khiến chúng tôi sao nhãng vấn đề đạo đức của binh sĩ”, Tướng Ray Odierno – Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ trả lời AP hồi tuần trước.
Lời bình luận của Tướng Odierno đã được Đại tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đề cập vài lần trong những tháng gần đây. Ông Dempsey nhấn mạnh sự suy thoái đạo đức của quân đội Mỹ được hình thành trong 10 năm tham chiến. Đây chính là thời điểm quân đội Mỹ bị mất cân bằng nhân cách và năng lực.
Năm 2013 chứng kiến hàng loạt vụ bê bối như tấn công tình dục, vô kỷ luật, chi tiêu công quỹ phung phú liên quan tới các nhân vật cấp cao trong quân đội Mỹ.
Điển hình Đại tướng William “Kip” Ward – Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) đã bị giáng chức vì chi tiêu công quỹ phung phí; Thiếu tướng Jeffrey A. Sinclair – Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Dù 82 quân đội Mỹ ở Afghanistan bị tố cáo tấn công tình dục; và hàng loạt binh sĩ bị buộc tội đánh bạc, uống rượu.
Đại tướng William “Kip” Ward bị giáng chức vì chi tiêu công quỹ phung phí.
Gần đây, các quan chức phụ trách phóng tên lửa hạt nhân của Không quân Mỹ cũng bị cáo buộc tội danh gian dối. Trong khi đó, 6 quan chức Hải quân Mỹ đang bị điều tra về việc tham nhũng số tiền khổng lồ tại California.
Video đang HOT
Ví dụ điển hình về tình trạng suy đồi đạo đức nghiêm trọng trong quân đội Mỹ là việc 2 binh sĩ lực lượng Thủy quân lục chiến tè bậy lên thi thể chiến binh Taliban cũng như việc nhiều binh sĩ chụp ảnh với phần thi thể của quân nổi dậy tại Afghanistan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao đã phải lên tiếng thừa nhận vấn đề đạo đức hiện là ưu tiên hàng đầu trong các bài giảng đào tạo binh sĩ và sĩ quan.
Năm 2010, 119 quan chức thuộc Lục quân Mỹ đã buộc phải giải ngũ do vi phạm đạo đức. tới năm 2013, con số này đã tăng lên 387 người. Trong khi đó, số binh sĩ Lục quân Mỹ vi phạm đạo đức bị sa thải là 5.706 người trong năm 2007 và con số này đang có chiều hướng gia tăng.
Thậm chí, tại thời điểm nước Mỹ cần triển khai số lượng lớn quân ra các mặt trận, nhiều binh sĩ từng vi phạm đạo đức vẫn được giữ lại làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi tình hình chiến sự bớt căng thẳng, các tướng chỉ huy đã có thêm thời gian để sàng lọc những binh sĩ đủ tiêu chuẩn để giữ lại và sa thải những người vi phạm.
Trong bối cảnh quân đội Mỹ bắt đầu giảm số lượng binh sĩ xuống 490.000 người vào năm 2015, các tướng chỉ hủy sẽ có thêm thời gian để giải quyết vấn đề đạo đức trong quân đội. Theo dự kiến, số binh sĩ Mỹ hoạt động trong quân đội sẽ còn giảm xuống còn 420.000 người vào cuối thập niên này nếu chương trình cắt giảm chi tiêu quốc phòng tiếp tục được thi hành.
Lực lượng Hải quân Mỹ cũng từng chứng kiến tình trạng vi phạm đạo đức của binh sĩ tăng cao. Trong năm 2006, hơn 8.400 thủy thủ đã bị sa thả do vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, khi số lượng thủy thủ phục vụ trong Hải quân Mỹ đi vào hoạt động ổn định với 323.000 người, số trường hợp vi phạm đạo đức đã giảm đáng kể. Năm 2013, Hải quân Mỹ ghi nhận 3.700 thủy thủ bị sa thải.
Trong đó, 1/3 trường hợp phải giải ngũ liên quan tới tình trạng nghiện ma túy và nghiện rượu. Hơn 1.400 vụ mỗi năm bị đưa ra xử tại các tòa án dân sự và hình sự do “phạm tội nghiêm trọng”.
Năm 2013, Hải quân Mỹ ghi nhận 3.700 thủy thủ bị sa thải.
Hải quân Mỹ được đánh giá là lực lượng hoạt động minh bạch nhất bởi tổ chức này thường nhanh chóng công khai tên tuổi của những quan chức bị sa thải do vi phạm đạo đức hay năng lực lãnh đạo kém trước dư luận. Trong 8 năm qua, số quan chức Hải quân Mỹ bị sa thải mỗi năm duy trì khá ổn định từ 84 – 107 người.
Lực lượng Không quân vốn có quy mô hoạt động nhỏ hơn so với Hải quân và Lục quân, nên số vụ vi phạm đạo đức trong đội ngũ lãnh đạo và binh sĩ biên chế cũng ít hơn. Số sĩ quan bị đưa ra tòa án quân sự xét xử trong năm 2001 là 20 người và trong năm 2007 là 68 người. Với các binh sĩ, số người phải hầu tòa hạ từ mức 4.500 người trong năm 2002 xuống còn 2.900 người trong năm 2013.
Thủy quân lục chiến – lực lượng hoạt động với quy mô nhỏ nhất trong quân đội Mỹ, ghi nhận số binh sĩ vi phạm kỷ luật đang có chiều hướng giảm. Năm 2007, số binh sĩ thuộc lực lượng này bị sa thải là 4.400 người. Tới năm 2013, con số này đã giảm còn hơn 3.000 người.
Tuy nhiên, hiện nay, giới lãnh đạo quân đội Mỹ vẫn đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán xác định và sửa chữa những lỗi vi phạm đạo đức của các quân nhân.
Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh ông sẽ chỉ định một vị quan chức cấp cao chuyên trách xử lý vi phạm đạo đức trong các lực lượng quân đội Mỹ. Ngoài ra, ông Hagel sẽ liên tục đưa vấn đề này ra bàn thảo với các lãnh đạo quân đội trong những cuộc họp giao ban.
Theo Infonet
Chân dung Chang Song-thaek - ông chú của Kim Jong-un
Chang Song-thaek, chú của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được coi là một nhân vật quan trọng trong chính quyền trước khi ông bị sa thải vào tháng 12.2013. Việc sa thải ông Chang báo hiệu một sự rung động lớn trong giới lãnh đạo Triều Tiên.
Là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia (NDC) đầy quyền lực, ông đã ngồi ở trung tâm lãnh đạo của nhà nước cộng sản.
Quan hệ gia đình của ông - và mối quan hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il được cho là nguyên nhân tạo ra ảnh hưởng đáng kể của ông đối với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên. Một số nhà quan sát đánh giá ông nắm quyền lực đằng sau ngai vàng, tư vấn cho người cháu còn thiếu kinh nghiệm của mình.
Cần được "giáo dục lại"
Chang Song- thaek, một đảng viên và quản trị viên kì cựu, đã vượt qua rất nhiều trở ngại để đảm bảo vị trí của mình trong trung tâm của giới lãnh đạo.
Khi người đàn ông trẻ tuổi đầy lôi cuốn gặp em gái Kim Jong-il là Kyung-hee tại trường đại học, cả hai đã bắt đầu quen nhau.
Chủ tịch quá cố Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đã chống lại công đoàn vì hai người đến từ hai đảng xã hội khác nhau và ông đã buộc Chang thay đổi trường đại học. Nhưng ông đã nhượng bộ sau khi con gái cầu xin và sau đó đã cả hai được phép kết hôn. Họ có một người con gái nhưng được cho là đã chết.
Ông Chang gia nhập hàng ngũ quản lý của Đảng Lao động Triều Tiên (KWP) vào đầu năm 1970 và thăng tiến nhanh chóng. Năm 1992, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng. Một thập kỷ sau đó, ông tiếp tục giữ những cấp bậc cao trong cơ cấu quyền lực, là giám đốc của một bộ phận giám sát tất cả các cơ quan chính phủ và quân sự trong đảng.
Lúc đó ông được xem như một trong những nhân vật quyền lực nhất trong cả nước. Nhưng vận may của ông đã thay đổi vào giữa năm 2004, bất chấp vị trí của mình trong gia đình họ Kim, ông bắt đầu biến mất khỏi công luận.
Một báo cáo trích dẫn thông tin tình báo Hàn Quốc cho biết, ông bị quản thúc tại nhà ở Bình Nhưỡng. Những người khác đề nghị ông cần được gửi đi "giáo dục lại".
Không có nguyên nhân rõ ràng cho việc ông Chang bị sa thải, mặc dù các nhà phân tích cho rằng ông đã tạo dựng ảnh hưởng quá lớn. Dù lý do là gì, ông cũng đã không xuất hiện trở lại cho đến tháng 1.2006. Tuy nhiên sau đó, sự phục chức của ông đã diễn ra nhanh chóng.
Ai sẽ khiến Kim Jong-un lắng nghe?
Vào cuối năm 2007, ông Chang trở thành người đứng đầu bộ phận giám sát cảnh sát và tư pháp. Truyền thông nhà nước đưa tin ngày càng nhiều về sự hiện diện của ông bên cạnh Kim Jong-il trong các chuyến thăm láng giềng.
Các nhà quan sát cũng cho rằng ông Chang đã đóng một vai trò nổi bật hơn khi Kim Jong-il suy yếu vì đột quỵ vào năm 2008.
Với việc bổ nhiệm ông vào NDC năm 2009, vị trí lãnh đạo chủ chốt của ông Chang đã được thiết lập. Và vị trí của ông tiếp tục được nâng lên vào 2010 khi ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch cơ quan quân sự hàng đầu.
Vào thời điểm đó, động thái này được xem như là việc sắp đặt nhân sự chủ chốt để đảm bảo một quá trình chuyển đổi trơn tru từ cha sang con trong trường hợp Kim Jong-il chết. Khi ông Kim chết gần 2 năm sau (2011), ông Chang trở thành nhân tố xuất chúng trong lễ tưởng niệm quốc gia vì nhà lãnh đạo đã mất.
Vài tháng sau, như một dấu hiệu của quyền lực rõ ràng, ông Chang đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tháng 8.2012.
Chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh tập trung vào các vấn đề kinh tế - một dấu hiệu cho thấy ông muốn cải cách nền kinh tế trì trệ của Triều Tiên. Ông Chang đã "làm rất nhiều việc vĩ đại để phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên", truyền thông quốc gia Trung Quốc trích lời ông Hồ Cẩm Đào. Sau đó hai bên đã ký một loạt thoả thuận kinh tế.
Nhưng vào tháng 12.2013 truyền thông quốc gia Triều Tiên cho biết ông Chang đã bị sa thải vì "những hành vi phạm pháp". Một cuộc họp của Bộ Chính trị Ủy Ban Trung ương Đảng Lao động cầm quyền kết tội ông đã "phạm tội chống phá đảng, hành vi phe phái phản cách mạng như đục khoét sự thống nhất và gắn kết của đảng".
Bên cạnh tín hiệu thay đổi lớn trong giới lãnh đạo Triều Tiên, sự miễn nhiệm ông Chang cũng đặt ra câu hỏi về việc ai có thể khiến cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lắng nghe.
Theo Một thế giới
Trung Quốc: Sa thải quan tham ăn tôm hùm, chửi dân Một quan chức Trung Quốc đã bị sa thải sau khi một đoạn băng video ghi lại cảnh người này đang phàn nàn về thái độ vô ơn của một người dân thường. Điều đặc biệt là khi đó, vị quan chức này đang ăn tôm hùm và uống rượu đắt tiền trong một bữa tiệc xa xỉ. Ông Liang Wenyong, áo trắng,...