Quân đội Mỹ lo sợ trước sức mạnh tên lửa đạn đạo Iran?
Dưới sức ép kinh tế và chính trị của Mỹ, Iran có thể đưa ra hàng loạt phản ứng bất ngờ như sử dụng lực lượng tên lửa đạn đạo tấn công binh sĩ Mỹ hoạt động ở Trung Đông hay đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz.
Tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ các quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho hay, quân đội Mỹ đang đặc biệt quan ngại về những phản ứng bất ngờ từ phía Iran xuất phát từ sức ép kinh tế và chính trị mà Mỹ tạo ra.
Quân đội Mỹ đang thực sự lo ngại trước sức mạnh tấn công của lực lượng tên lửa đạn đạo Iran.
Cụ thể, theo các quan chức này, việc quân đội Mỹ giảm bớt quy mô hiện diện ở Trung Đông khiến khả năng phản ứng trước các mối đe dọa từ Iran cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong bối c ảnh Mỹ mới tăng cường thêm lệnh trừng phạt với Iran. Hành động của Washington có thể khiến Tehran có những phản ứng đáp trả gay gắt và đầy bất ngờ.
Mặc dù, quân đội Mỹ không tin rằng Iran có đủ năng lực để triển khai một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, nhưng các binh sĩ Mỹ hoạt động trong khu vực vẫn đang được đặt trong tình trạng cảnh báo cáo trước nguy cơ Iran sử dụng tên lửa đạn đạo bất cứ lúc nào hoặc đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz.
Giới quân sự Mỹ nhận định, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thi hành chính sách ngăn chặn Iran bao gồm quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử cùng những nỗ lực nhằm loại bỏ “mối đe dọa từ Iran” ở Syria theo cách gọi của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran càng tới gần.
Video đang HOT
Thậm chí, các nguồn tin giấu tên cho biết thêm, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cơ quan giám sát mọi hoạt động ở Trung Đông, đã đề nghị Lầu Năm Góc triển khai thêm binh sĩ và khí tài tới khu vực.
Cũng theo các nguồn tin trên, kể từ khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt quay trở lại hoạt động ở Thái Bình Dương vào tháng Ba sau 4 tháng được triển khai tới vùng Vịnh, cho tới nay, chưa có bất cứ tàu sân bay nào của Mỹ có mặt ở Trung Đông. Đây cũng là sự kiện đánh dấu quãng thời gian lâu nhất trong nhiều năm qua không có bất cứ tàu sân bay Mỹ nào hoạt động ở Trung Đông.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng bày tỏ mối quan ngại về việc Washington rút số lượng lớn tổ hợp tên lửa Patriot cùng các chiến đấu cơ như F-22 Raptor ra khỏi Trung Đông.
Ngoài mối đe dọa quân sự, Mỹ còn lo ngại về việc đáp trả các hành động thù địch của Mỹ, Iran có thể cho đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường huyết mạch cung cấp dầu mỏ. Theo tính toán, Iran có thể gài khoảng 1.000 quả mìn ở eo biển Hormuz chỉ trong chưa đầy 1 tuần. Iran có thể cho nổ mìn để đánh sập hoạt động đi lại qua eo biển chiến lược hoặc đơn giản là ngăn cản giao thông.
“Mỹ đang o ép cả trên mặt trận kinh tế và ngoại giao đối với Iran, do đó, không có gì đảm bảo là Iran sẽ không có hành động đáp trả quyết liệt”, một quan chức Mỹ chia sẻ với Washington Post.
Câu hỏi đặt ra là năng lực thực sự của lực lượng tên lửa Iran và xác suất đánh trúng mục tiêu là bao nhiêu. Theo Washington Post, việc tên lửa Iran đánh trúng các mục tiêu của phiến quân ở Syria chỉ nằm cách vị trí quân đội Mỹ hiện diện có 5 km đã cho thấy trình độ tên lửa Iran được cải thiện đáng kể.
Liên quan tới việc trước đó Lầu Năm Góc di dời 4 tổ hợp tên lửa Patriot ra khỏi khu vực Trung Đông, giới chức Mỹ thừa nhận “hiện không đủ tự tin có thể đập tan các cuộc tấn công từ lực lượng tên lửa đạn đạo Iran”.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran ngày càng xấu hơn sau khi Tổng thống Trump quyết định rút tên Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Cụ thể, hồi tháng Năm, phớt lờ các đồng minh lớn của Mỹ ở châu Âu là Anh, Pháp, Đức cũng như các nước khác là Nga và Trung Quốc, ông Trump đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi JCPOA đồng thời khẳng định Washington sẽ quay trở lại áp đặt lệnh trừng phạt với Tehran.
Vòng trừng phạt đầu tiên với Iran từng bị gỡ bỏ theo thỏa thuận JCPOA nhưng đã được Mỹ tái áp đặt hồi tháng Tám. Trong khi đó, Mỹ cũng đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng, vận tải biển, đóng tàu và tài chính của Iran có hiệu lực thi hành từ hôm nay (5/11).
Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã soạn thảo bản danh sách 12 yêu cầu đối với Iran để đổi lại Mỹ xóa bỏ lệnh trừng phạt.
Theo Danviet
Iran phản đối Mỹ tái áp đặt trừng phạt và gây sức ép
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng Tổng thống Donald Trump đã "phá hỏng" uy tín của Mỹ và cuối cùng sẽ bị thua cuộc khi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo.
Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Tehran ngày 21/7/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên trang mạng Twitter, Đại giáo chủ Khamenei chỉ trích việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/11 tới. Theo ông, mục đích của việc Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt này là nhằm gây tê liệt và kéo lùi nền kinh tế của Iran. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ càng tạo động lực giúp Iran hướng tới độc lập.
Bên cạnh đó, Đại giáo chủ Iran cũng cho rằng Mỹ đã thất bại trong cuộc đối đầu với Iran trong suốt 4 thập niên qua. Ông nêu rõ trong 40 năm qua Washington đã áp đặt nhiều biện pháp chống lại Tehran trong đó có việc sử dụng quân đội, kinh tế nhằm thách thức sự độc lập của Iran, song rốt cuộc, Mỹ đã thất bại.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã điện đàm với Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, và những người đồng cấp Đức, Thụy Điển, Đan Mạch nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu trong bối cảnh Mỹ dự định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Theo IRNA, bà Mogherini và các ngoại trưởng châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết mà các bộ trưởng tài chính đưa ra đối với cơ chế tài chính của châu lục nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký với nhóm P5 1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Nga cùng với Đức) năm 2015, đồng thời cho biết cơ chế này sẽ có hiệu lực trong những ngày tới.
Tuyên bố của các quan chức trên cũng khẳng định quyết tâm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu có trao đổi thương mại hợp pháp với Iran, phù hợp với pháp luật châu Âu và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 5 vừa qua thông báo rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, khiến EU khó khăn trong việc bảo vệ các công ty đang làm ăn với Iran. Vì vậy, cần bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran để đảm bảo an ninh cho châu Âu, khu vực cũng như toàn thế giới.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ ngày 5/11, Washington sẽ liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ trên đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách đen" của Washington.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng cũng sẽ được áp đặt trở lại từ ngày 5/11. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời xác nhận Mỹ đã chấp thuận để 8 nước tiếp tục mua dầu thô của Iran sau khi lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia Vùng Vịnh này chính thức có hiệu lực từ thời điểm trên. Tuy không nêu chi tiết tên từng quốc gia cụ thể, nhưng ông Pompeo khẳng định EU gồm 28 thành viên sẽ không nằm trong danh sách được miễn trừ này.
Theo Ngọc Hà (TTXVN)
Nga lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran Bộ Ngoại giao Nga lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống lại Iran và tuyên bố ý định duy trì hợp tác kinh tế quốc tế với Tehran bất chấp những hành động "phá hoại" này của Washington. Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga. (Nguồn: Sputnik). Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, bằng cách áp đặt các...