Quân đội Malaysia sẵn sàng cho tín hiệu về Jerusalem
Quân đội Malaysia luôn sẵn sàng cho mọi tín hiệu và chỉ thị từ giới lãnh đạo trong vấn đề Jerusalem sau khi Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein (Ảnh: AFP)
Hãng tin Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein ngày 10/12 nói rằng, Malaysia nên chuẩn bị đối mặt với mọi kịch bản.
“Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi tin rằng chúng tôi sẽ thực thi bất cứ mệnh lệnh nào từ lãnh đạo tối cao Lực lượng vũ trang Malaysia Yang di-Pertuan Agong và Quốc vương Muhammad V”, ông Hishammuddin nói tại đại hội của Tổ chức Dân tộc Malay thống nhất, đảng cầm quyền tại Malaysia.
Ông Hishammuddin cho rằng, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là một “cú tát” vào mặt toàn bộ thế giới Hồi giáo.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng đã ra thông cáo chỉ trích quyết định công nhận Jerusalem của Mỹ. Trong thông cáo phát đi ngày 7/12, Bộ Ngoại giao Malaysia nói rằng: “Malaysia thực sự quan ngại việc Mỹ công bố quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định đó sẽ đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Palestine. Nó sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng không chỉ với an ninh và ổn định khu vực mà còn khiến nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố của toàn thế giới khó khăn hơn”.
“Vì những lý do đó, Malaysia hối thúc Mỹ xem xét lại quyết định”, thông cáo nhấn mạnh.
Trong một động thái gây tranh cãi và chưa từng có tiền lệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bất chấp cảnh báo của cộng đồng quốc tế.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, quyết định này nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và rằng Mỹ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán Palestine-Israel.
Video đang HOT
Trong khi đó, giới chức Ả rập chỉ trích động thái của Washington có thể là “mồi lửa” làm thổi bùng lên căng thẳng ở khu vực.
Minh Phương
Theo Dantri
Nỗ lực hiện đại hóa quân đội bằng khí tài Trung Quốc của Malaysia
Vũ khí Trung Quốc là mục tiêu Malaysia hướng đến nhằm hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh ngân sách quốc phòng ngày càng eo hẹp.
Các binh sĩ quân đội Malaysia. Ảnh: AP.
Từ máy bay trinh sát đến tàu chiến mới, quân đội Malaysia cần rất nhiều vũ khí, khí tài hiện đại để bắt kịp năng lực quân sự các nước có nguồn tài chính dồi dào trong khu vực. Nhưng với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng 13% năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Najib Razak nhiều khả năng phải dựa vào các nhà cung cấp vũ khí Trung Quốc để hiện thực hóa nỗ lực này, theo South China Morning Post.
Giới quan sát cho rằng đối với các công ty vũ khí Trung Quốc, triển vọng làm ăn với Malaysia nhiều khả năng sẽ được chào đón nhiệt tình bởi họ đang rất thèm muốn các thỏa thuận xuất khẩu vũ khí đến những nước có truyền thống dựa vào phương Tây và Nga về khí tài quân sự.
Tin đồn về việc Malaysia mua vũ khí Trung Quốc rộ lên hồi đầu tháng 8 sau khi xuất hiện thông tin cho biết các quan chức Trung Quốc thăm Kuala Lumpur để thảo luận thương vụ bán những hệ thống phóng tên lửa tân tiến và một hệ thống radar để Malaysia triển khai ở điểm cực nam sát với Singapore.
Bộ Quốc phòng Malaysia bác bỏ thông tin trên nhưng một số nhà quan sát nhận định thương vụ này cuối cùng cũng sẽ thành hiện thực dưới hình thức nào đó, dù quy mô và mục đích của nó vẫn chưa rõ.
Năm ngoái, tập đoàn đóng tàu hải quân Boustead Naval Shipyard (BNS) của Malaysia ký thỏa thuận hợp tác đóng 4 tàu tuần tra bờ biển trị giá 270 triệu USD với Công ty Hải dương và Đóng tàu Trung Quốc (CSOC). Đây là hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên giữa hai nước.
Collin Koh, nhà nghiên cứu quân sự ở Singapore, cho rằng Malaysia đã thảo luận "ở một mức độ nhất định" với Trung Quốc về việc mua hệ thống phóng tên lửa như một phần trong lời chào bán vũ khí từ Bắc Kinh.
"Nếu Trung Quốc muốn chứng tỏ tư cách nhà cung cấp vũ khí toàn cầu mới nổi đáng tin cậy, họ cần ký được thỏa thuận bán vũ khí cho các nước bấy lâu nay vẫn mua vũ khí từ phương Tây. Malaysia thích hợp với kế hoạch này", Koh, học giả tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nhận xét.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc vẫn kém Mỹ và Nga nhưng đã tăng vọt 74% trong giai đoạn 2012-2016 so với 5 năm trước đó. Hồi tháng hai, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính Trung Quốc đã thu 2,1 tỷ USD từ hoạt động bán vũ khí trong năm 2016, so với 9,9 tỷ USD của Mỹ.
Việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu vũ khí sang Malaysia sẽ mở ra một chiều hướng mới trong các mối quan hệ kinh tế đang phát triển nhanh giữa hai nước, chuyên gia nhận xét.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Malaysia Najib Razak duyệt đội danh dự trong chuyến thăm của ông Razak tới Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Yomiuri Shimbun.
Quan hệ song phương Trung Quốc - Malaysia được củng cố sau khi Thủ tướng Najib chứng kiến các công ty Trung Quốc ký loạt thỏa thuận đầu tư trị giá 34 tỷ USD vào Malaysia trong một hội nghị cấp cao ở Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái.
Hãng nghiên cứu Citi Research ước tính các nguồn quỹ đầu tư mà Trung Quốc đổ vào những dự án đường sắt và hải cảng tại Malaysia sẽ đạt 93,5 tỷ USD trong hai thập kỷ tới.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Thủ tướng Najib tiến hành đã khiến ngân sách quốc phòng nước này giảm xuống còn 3,6 tỷ USD cho năm tài khóa 2017, từ mức 4,1 tỷ USD vào năm ngoái.
Theo nhà phân tích Jon Grevatt từ tạp chí IHS Jane, ngoài nỗ lực tiết kiệm chi phí quốc phòng, các tính toán chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ quyết định nào mà Malaysia đưa ra liên quan đến việc mua vũ khí Trung Quốc. Với những nước như Malaysia, mua vũ khí Trung Quốc là cách để "cân bằng mối quan hệ chiến lược với các cường quốc", Grevatt đánh giá.
Tham vọng hiện đại hóa quân đội
Dù thực trạng kinh tế đất nước đang trì trệ, quân đội Malaysia không che giấu tham vọng hiện đại hóa. Các lãnh đạo hải quân Malaysia đang đốc thúc kế hoạch "15-5" nhằm tái cấu trúc hạm đội tàu chiến từ 15 lớp khác nhau xuống còn 5 lớp vào năm 2030.
Để thực hiện kế hoạch trên, Malaysia tính bổ sung một đội tàu hoàn toàn mới và ngừng hoạt động tất cả 50 tàu hải quân đang trong biên chế.
Không quân Malaysia cũng muốn nâng cấp năng lực trinh sát trên không để ứng phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các tay súng thuộc tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tìm cách mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 12/ 8 cho hay quân đội Malasyia đang cân nhắc mua máy bay trinh sát biển P-3 Orion cũ từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, vũ khí mà quân đội Malaysia muốn mua sắm, ít nhất là trong danh sách những khí tài mà các quan chức quốc phòng như ông Hishammuddin đã công khai, không bao gồm hệ thống phóng tên lửa đa nòng AR3 Trung Quốc và hệ thống radar như các bản tin báo chí đưa hồi đầu tháng.
Nhà nghiên cứu Collin Koh cho rằng "dù những thương vụ trên được ký kết thì nó cũng không có gì đáng để làm ầm ĩ". Theo ông, quân đội hai nước láng giềng của Malaysia là Singapore và Thái Lan đều được trang bị các hệ thống phóng tên lửa đa nòng do Mỹ và Trung Quốc sản xuất.
Quân đội Malaysia đang sở hữu hệ thống phóng tên lửa đa nòng Astros II của Brazil, có tầm bắn xa hơn hệ thống phóng tên lửa đa nòng AR3. "Vậy nên, việc bổ sung hệ thống phóng tên lửa này không làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự chiến lược ở Đông Nam Á", Koh nhấn mạnh.
Hồng Vân
Theo VNE
Cột mốc lịch sử hàng nghìn năm xung đột ở Jerusalem Tháng 12/1917, Tướng Anh Edmund Allenby giành quyền kiểm soát Jerusalem từ tay những người bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ dưới Đế chế Ottoman. Trong suốt một thế kỷ từ đó cho đến nay, Jerusalem trở thành vùng đất bị xâu xé, tranh giành không chỉ bởi đủ các tôn giao như Do Thái, Cơ đốc hay Hồi giáo mà còn bị nhòm...