Quân đội làm kinh tế phải chống tiêu cực “dữ” hơn bên ngoài
“Làm kinh tế thì không tránh khỏi những tiêu cực của xã hội nên đơn vị quân đội phải đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng nhiều hơn, “dữ” hơn doanh nghiệp bên ngoài vì tai tiếng sẽ rất lớn, làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, gây mâu thuẫn nội bộ vì “anh được ăn nhiều, anh được ăn ít” – Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoancảnh báo.
Chuyện chuyển đổi, khai thác lưỡng dụng sân bay Cam Ranh, bán đảo Sơn Trà… để vừa phục vụ mục đích quốc phòng vừa phục vụ phát triển kinh tế được ông Vũ Khoan diễn tả đầy sinh động tại tọa đàm về vấn đề quân đội làm kinh tế được tổ chức tại Hà Nội sáng 6/7.
Cuộc tọa đàm “Kết hợp kinh tế với quốc phòng- nhiệm vụ chiến lược lâu dài” do báo Quân đội nhân dân tổ chức.
Mạnh tay loại trừ cá nhân lợi dụng danh nghĩa quân đội
Gửi tham luận đến tọa đàm, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nhắc lại, sau kháng chiến chống Mỹ, một số lực lượng bộ đội được huy động chuyển sang làm kinh tế. Những người lính từ chiến trường chuyển sang lao động trên đồng ruộng, hầm mỏ, làm đường, làm cầu, khai hoang…
“Những năm tháng gần đây, tôi gặp những người lính Trường Sơn trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động của TCty Trường Sơn (Bộ Quốc phòng). Trên mọi nẻo đường, họ đã có mựt ở những công trình thế kỷ của đất nước thời kỳ xây dựng, đổi mới. Những người lính Trường Sơn lại đổ mồ hôi ở các công trường từ thủy điện Hòa Bình đến Sơn La, Lai Châu…” – tướng Đồng Sỹ Nguyên khái quát.
Vị tướng lão thành nhấn mạnh: “Quân đội kết hợp với nhân dân, quân với dân một lòng thì sức mạnh được nhân lên gấp bội. Tôi luôn trân trọng, ghi nhớ những bài học quý giá khi bộ đội cùng người dân lao động trên đồng ruộng, xây dựng nhà cửa, trường trại, khắc phục hậu quả chiến tranh để sau gần 50 năm thống nhất, đất nước phát triển ngày càng lớn mạnh hơn”.
TS. Nguyễn Minh Phong – Phó Ban tuyên truyền lý luận báo Nhân dân cho rằng, trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp quân đội có lợi thế cao, cần có sự kết hợp quốc phòng với kinh tế. Có nhiều cơ sở để tin rằng, những kế hoạch đầu tư ngành đóng tàu biển chẳng hạn mà giao cho quân đội làm theo kiểu “kỷ luật nhà binh” thay vì giao cho doanh nghiệp ngành khác như Vinashin thì có lẽ tình hình đã khác…
Nêu nhiều mô hình doanh nghiệp quân đội hoạt động hiệu quả nhưng theo ông Phong, vấn đề nào cũng có mặt trái, quân đội cũng cần tiếp tục mạnh tay loại trừ hiện tượng cá nhân lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm giàu cho bản thân. Những hiện tượng vi phạm pháp luật, gây thất thu ngân sách, làm méo mó môi trường cạnh tranh thị trường bình đẳng và lành mạnh không phải không có…
TS Phong dẫn lại phát biểu của Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên Bộ trưởng Quốc phòng: Những doanh nghiệp của quân đội hoạt động kinh tế bình thường, chẳng hạn như làm xây dựng, thì nên cổ phần hóa. Thứ hai, cầm quân đội tham gia buôn bán… Đối với những đơn vị quân đội làm kinh tế đơn thuần cũng không nên cho dùng các phương tiện của quân đội, không đi xe “biển đỏ” nữa… Các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng vừa sản xuất phục vụ cho quốc phòng vừa làm kinh tế để nuôi sống và duy trì công nghiệp quốc phòng…
Chuyện không chỉ từ một sân golf
Tại tọa đàm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ từ câu chuyện gia đình, bố ông làm lãnh đạo một đơn vị kinh tế quốc phòng, các anh em trong gia đình cũng tham gia nhiều vị trí quản lý khác nhau ở các doanh nghiệp quân đội. Theo ông, vấn đề quân đội làm kinh tế rất rõ ràng, thể hiện trong 2 văn bản chiến lược là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp 2013 (Điều 68).
Video đang HOT
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Đừng chỉ nhìn từ mỗi chuyện sân golf trong sân bay bây giờ mà làm dư luận hiểu sai đi vấn đề quân đội làm kinh tế”.
Nguyên Phó Thủ tướng kể chuyện “làm kinh tế” với sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Khi hoạt động quân sự với Nga tại đây chấm dứt, lãnh đạo Đảng, nhà nước bàn đến việc tận dụng sân bay quân sự này để phục vụ phát triển kinh tế. Ông Vũ Khoan đã trực tiếp vào Khánh Hòa để khảo sát và sau đó quyết định đầu tư mở rộng, biến sân bay quân sự thành cơ sở kinh tế lớn.
“Rồi chuyện bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) có thể khai thác làm kinh tế không cũng như vậy, thảo luận mãi. Khi đó, tôi phụ trách cả lĩnh vực du lịch. Tôi thấy nếu giữ Sơn Trà như cũ nghĩa là chỉ có căn cứ quân sự đóng trên đó thì hơi phí nên bàn hướng để sử dụng lưỡng dụng bán đảo này. Khi đó, không phải ai cũng đồng tình nhưng may mắn cho tôi khi Đại tướng Phạm Văn Trà và anh Phùng Quang Thanh ủng hộ nên chúng tôi mới làm được con đường lên núi để khai thác du lịch” – ông Vũ Khoan nói.
Ví dụ khác là khu nhà máy Ba Son (TPHCM) được chuyển làm khu đô thị, nguyên Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đó là một dự án mà quân đội nhường cho lĩnh vực dân sự khai thác để làm kinh tế.
“Đừng chỉ nhìn từ mỗi chuyện sân golf trong sân bay bây giờ mà làm dư luận hiểu sai đi. Là một golfer nhưng tôi hiểu, đây thực sự là chuyện lớn hơn chuyện một sân golf nhiều lắm” – nguyên Phó Thủ tướng chia sẻ.
Ông cũng nêu những nguyên lý của việc “làm kinh tế” trong khu vực này như, quân đội gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà không ai có thể làm được, thậm chí cả DNNN cũng không làm.
Nguyên là Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về biên giới và lãnh thổ, ông dẫn chứng việc làm đường tuần tra biên giới. Ban đầu, nhiệm vụ được phân về cho các địa phương có biên giới nhưng triển khai rất… lủng củng.
Khi đó, Chính phủ đã quyết định giao hẳn nhiệm vụ này cho quân đội, xác định chỉ có quân đội mới làm được dự án này. Với quyết định đó, đất nước mới có được tuyến đường bọc biên giới như hiện nay.
Nguyên lý cơ bản khác, theo ông Vũ Khoan, quân đội làm kinh tế trong khuôn khổ pháp luật nhất định, không thể áp dụng cơ chế kinh tế thị trường một cách đơn thuần trong việc làm kinh tế của quân đội.
“Các đơn vị làm kinh tế thì không tránh nổi những tiêu cực của xã hội nên quân đội phải đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng nhiều hơn, “dữ” hơn doanh nghiệp bên ngoài vì tai tiếng của quân đội có thể làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, gây mâu thuẫn trong nội bộ quân đội vì chuyện “anh được ăn nhiều, anh được ăn ít” – nguyên Phó Thủ tướng cảnh báo.
P.Thảo
Theo Dantri
Quân đội làm kinh tế: So sánh với bài học tham nhũng từ Trung Quốc?
Nêu bài học từ nước bạn Trung Quốc đang phải xử lý hậu quả sau một thời kỳ quân đội làm kinh tế mạnh, lợi dụng vị thế độc quyền thao túng nhiều lĩnh vực dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, GS Hoàng Chí Bảo lật lại vấn đề: Đó có phải là cứ liệu cảnh báo với việc quân đội Việt Nam làm kinh tế hiện nay?
Nhìn lại câu chuyện nội bộ của Trung Quốc
GS. Hoàng Chí Bảo - nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương - là một diễn giả tham gia tọa đàm "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - Nhiệm vụ chiến lược lâu dài" được báo Quân đội Nhân dân tổ chức sáng 6/7.
Ông Bảo đề cập, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, vai trò tham gia sản xuất, phát triển kinh tế của quân đội ghi dấu ấn không thể phủ nhận.
Trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, việc xây dựng các nông, lâm trường quân đội cũng đem lại hiệu quả "thay máu" cho nhiều vùng đất. Từ đó, cả nước đã hình thành một đội quân công nhân quốc phòng, đóng góp lớn cả cho khối dân sự.
GS.Hoàng Chí Bảo phát biểu tại toạ đàm.
Ông Bảo so sánh với những diễn biến tại Trung Quốc, trong thời gian nước này thực hiện cải cách, quân đội làm kinh tế rất mạnh. Cho đến thời Chủ tịch Chu Dung Cơ, một trong những việc đầu tiên ông thực hiện là xoá bỏ, không để quân đội, công an nước này làm kinh tế nữa.
Gần đây, những quyết sách mạnh mẽ về chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc đã đưa những quan chức hàng đầu trong đảng, chính quyền nước này như Bạc Hy Lai, rồi tới lãnh đạo quân đội như Từ Tài Hậu... ra ánh sáng.
GS. Hoàng Chí Bảo phân tích, câu chuyện của nội bộ Trung Quốc cho thấy, quân đội nước này đã lợi dụng những vị thế độc quyền của mình để thao túng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, từ đó dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Nhưng đó không thể coi là cứ liệu để áp dụng với việc quân đội Việt Nam làm kinh tế hiện nay.
Theo ông Bảo, quân đội có lực lượng đông đảo, kỷ luật chặt chẽ, trình độ học vấn và tri thức khoa học công nghệ rất cao. Đó là những điều kiện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, tham gia làm kinh tế của quân đội hiệu quả và lành mạnh.
"Hoạt động đầu tư của quân đội chính là điều kiện để tránh được tiêu cực. Tha hoá, xuống cấp của xã hội dù có thế nào cũng khó đấu được với sự miễn dịch trong quân đội vì kỷ luật chặt chẽ, vì sức mạnh văn hoá, tư tưởng nền tảng được xây dựng" - ông Bảo nhận định.
Những "ưu điểm" của việc Quân đội làm kinh tế
Thiếu tướng Vũ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng - thông tin, có 33 đoàn kinh tế quốc phòng được quyết định thành lập nhưng do điều kiện hạn hẹp mới thực hiện được 28 khu kinh tế quốc phòng. Khi có chiến tranh, những đơn vị này lập tức chuyển thành đơn vị chiến đấu ở những vị trí xung yếu mà chỉ có quân đội chứ không có đơn vị nào khác làm được.
Thiếu tướng Vũ Hồng Thắng cho biết đề án sắp xếp lại các DN quân đội đã được Quân uỷ TƯ thông qua, chờ Thủ tướng phê duyệt để thực hiện.
Việc quân đội tham gia làm kinh tế, theo ông Thắng, cũng xuất phát từ trăn trở, các cơ sở công nghiệp quốc phòng được nhà nước đầu tư hiện đại, chuẩn bị cho các tình huống chiến đấu, nhưng trong thời bình thì không hoạt động hết công suất, thường chỉ hết 1/3. Nếu để không hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị cũng hao mòn đi, đó chính là lãng phí, là có tội với nhân dân, đất nước.
Vậy nên việc quản lý thật tốt, khai thác để tăng hiệu quả, nguồn thu, để có kinh phí lo cho quân đội và đầu tư lại cho phát triển bền vững hơn là hành động đúng đắn.
Việc tăng gia sản xuất, làm kinh tế ngoài thời gian huấn luyện của quân đội cũng để đảm bảo chế độ cho quân binh.
Theo ông Thắng, nếu tính định mức chi từ ngân sách nhà nước thì hiện nay, mỗi quân nhân một ngày riêng tiền ăn chỉ được 50.000 đồng cho 3 bữa. Nếu không có những hoạt động để tự trang bị thêm, góp phần bù đắp thì khó đảm bảo chất lượng và gia tăng sức mạnh quân đội.
Khía cạnh khác, Tướng Thắng chỉ ra, hiện trang thiết bị quân sự hiện đại hầu hết Việt Nam phải nhập, mua về nên thường là bị động. Cần thay thế dần việc đi mua bằng việc tự trang bị mà các cơ sở kinh tế bên ngoài không thể làm, chỉ các đơn vị quân đội phải thực hiện.
Làm kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, theo đó, cũng để trang bị cho quân đội, việc mà quân đội nước nào cũng phải làm. Đồng thời, những sản phẩm nghiên cứu, phát triển của quân đội được đưa ra khu vực dân sự cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước, góp phần tăng nguồn lực xã hội để tái đầu tư trở lại cho quân đội.
Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng nhấn mạnh chủ trương, sau chiến tranh, quân đội giảm biên chế rất lớn, Quân uỷ TƯ thực hiện việc đưa các đơn vị quân đội ra khu vực sản xuất để nuôi quân, giảm gánh nặng cho nhà nước.
Theo đó, nhà nước sẽ sắp xếp lại 305 doanh nghiệp quân đội để chỉ còn lại 86 doanh nghiệp.
Quân đội cổ phần hoá, thoái vốn triệt để các doanh nghiệp làm dịch vụ, thương mại, không có ý nghĩa với quốc phòng. Các doanh nghiệp còn lại cũng sẽ được sắp xếp lại để có sức mạnh nội lực lớn hơn, thật sự có ý nghĩa với kinh tế quốc phòng - những doanh nghiệp lành mạnh và có hiệu quả.
Ông Thắng cho biết, đề án này đã được Quân uỷ Trung ương thông qua, đang chờ Thủ tướng ký phê duyệt để thực hiện từ nay đến 2020.
P.Thảo
Theo Dantri
Quân đội làm kinh tế - nên hay không? Thực ra, quân đội ta làm kinh tế cũng có phần tham khảo từ quân đội Trung Quốc ngay sau khi đất nước ta thống nhất được vài năm. Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, vai trò của quân đội tham gia làm kinh tế có thể có sự nhìn nhận khác nhau. Phải thừa nhận rằng, có những thời kỳ,...