Quân đội Iraq đánh bật IS khỏi Ramadi
Lực lượng chính phủ Iraq tuyên bố chiến thắng đầu tiên trước Nhà nước Hồi giáo tự xưng sau 18 tháng chúng hoành hành.
Các binh lính Iraq vui mừng trước chiến thắng lớn. Ảnh: Reuters
Sau nhiều tuần bao vây Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, quân đội Iraq hôm qua tiến lên kiểm soát khu phức hợp hành chính trung tâm, Reuters cho hay.
“Việc này có nghĩa là chúng tôi đã đánh bại IS ở Ramadi. Bước tiếp theo là quét sạch các hang ổ của chúng có thể có ở đây hoặc trong thành phố”, ông Sabah al-Numani, phát ngôn viên của quân đội Iraq, nói.
Những chiếc xe Humvee cùng xe tăng tiến vào các con phố giữa đống đổ nát và nhiều ngôi nhà sập xuống. Một số khu vực dường như bị phá hủy hoàn toàn, hình ảnh trên kênh truyền hình quốc gia Iraq cho thấy.
Người dân ở các thành phố phía nam Baghdad ăn mừng chiến thắng tại Anbar ngay trong đêm, họ nhảy múa trên phố và vẫy cờ Iraq từ những chiếc xe.
Hiện chính phủ Iraq chưa công bố con số thương vong trong cuộc vây hãm, cho hay hầu hết dân thường đều sơ tán trước khi giao tranh dữ dội. Quan chức địa phương kêu gọi chính phủ nhanh chóng khôi phục các dịch vụ thiết yếu tại Ramadi và bắt tay vào tái thiết thành phố.
Ramadi rơi vào tay IS hồi tháng 5 khi quân chính phủ bị yếu thế phải rút khỏi nhiều thành phố, để lại các đội xe bọc thép và vũ khí do Mỹ cung cấp.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay liên quân chưa thể xác định các phiến quân đã bị đẩy lui hết khỏi khu phức hợp hành chính hay chưa.
Video đang HOT
Khánh Lynh
Theo VNE
Chiến dịch tái chiếm Ramadi - khuôn mẫu để đẩy lùi IS
Nếu quân đội chính phủ Iraq lần này giành được thành phố Ramadi từ tay IS thì chiến thắng ấy sẽ trở thành khuôn mẫu lý tưởng cho các chiến dịch tương lai nhằm đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt nhóm phiến quân.
Lực lượng an ninh Iraq đã quét sạch phiến quân IS khỏi một khu vực rộng lớn ở Ramadi và có thể sẽ chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố trong vài ngày tới. Ảnh minh họa: AFP
Các lực lượng an ninh Iraq hôm 22/12 dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ đã đến gần khu vực trung tâm thành phố Ramadi, chuẩn bị tiến hành chiến dịch tấn công tổng lực nhằm tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) cố thủ tại đây suốt nhiều tháng qua. Giới chuyên gia nhìn nhận nếu giành lại được Ramadi từ tay IS thì đây sẽ là một bước tiến lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với không chỉ quân đội chính phủ mà còn cả cộng đồng người Sunni ở Iraq, theo Christian Science Monitor.
Nó đồng thời cũng là bằng chứng cho thấy chiến lược nhằm đánh bại IS ở Iraq và Syria của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter định nghĩa là "Raqqa, Ramadi và các cuộc bủa vây", đang bắt đầu phát huy tác dụng.
Một số chỉ huy quân đội Iraq hôm qua cho hay lực lượng của họ đã quét sạch phiến quân IS khỏi một khu vực rộng lớn ở Ramadi, đang tiếp tục chiến đấu từ tuyến phố này đến tuyến phố khác, và có thể sẽ chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố trong vài ngày tới. Chiến dịch được triển khai bởi các đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của Iraq do Mỹ huấn luyện. Không quân Mỹ cũng yểm trợ từ trên cao.
Theo quan sát viên Howard LaFranchi, chiến thắng ở Ramadi sẽ là nguồn khích lệ tinh thần to lớn đối với các lực lượng Iraq nhưng mức độ đến đâu còn tùy thuộc vào cách mà họ giành lại và bảo vệ thành phố. Cùng lúc, nó cũng sẽ cung cấp một sự đảm bảo chắc chắc cho cộng đồng người Sunni ở Iraq về mục tiêu thật sự mà những người Shiite nhắm tới.
Ramadi, nằm cách Baghdad gần 100km, là thủ phủ của tỉnh Anbar, nơi mà người Sunni chiếm đa số. Baghdad, ngược lại, là nơi mà cộng đồng người Shiite chiếm số đông.
Quân đội Iraq tiến vào từ nhiều hướng, vây chặt phiến quân IS ở trung tâm Ramadi. Đồ họa: NYTimes
Nếu thực sự tái chiếm và bảo vệ được Ramadi, đây sẽ chiến thắng lớn đầu tiên của các binh sĩ quân đội Iraq và lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ do Mỹ huấn luyện mà không cần tới sự trợ giúp của lực lượng Peshmerga của người Kurd hay dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn.
Trong nỗ lực nhằm xoa dịu những căng thẳng giáo phái ở Iraq, thắng lợi này chắc chắn sẽ là một dấu mốc đáng chú ý. Nó cũng có thể được sử dụng như một khuôn mẫu cho các chiến dịch khác nhằm đánh bật IS ra khỏi Iraq cũng như cả lãnh thổ Syria, giới phân tích nhận định.
"Nếu lực lượng không bè phái này có khả năng đánh bại IS và chứng minh được rằng họ là một đội ngũ mà người dân có thể tin tưởng thì chiến dịch ở Ramadi sẽ trở thành hình mẫu để chúng ta theo đuổi trong tương lai nhằm giành lại các khu vực khác ở Iraq", Nicholas Heras, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, trụ sở ở Washington, đánh giá. Chúng có thể là Anbar rồi "sau cùng là Mosul", ông Heras nói thêm.
Dân quân đứng bên lề
Việc để lực lượng dân quân người Shiite đứng bên lề, không tham gia chiến dịch lần này cũng là một điểm nhấn đáng chú ý trong chiến lược của các chỉ huy quân đội Iraq, nhằm hạn chế tối đa khả năng xảy ra xung đột giữa cộng đồng người Shiite và người Sunni. Thay vào đó, họ viện tới sự hỗ trợ từ các chiến binh bộ lạc người Sunni để giúp bảo vệ những nơi đã được giải phóng trong thành phố.
"Những người hữu dụng nhất trong tất cả các chiến dịch lớn chống lại IS rút cục lại là các bộ lạc người Sunni, vẫn trung thành và nhất quyết khước từ mọi lời đe dọa hay mời mọc gia nhập từ IS", ông Wayne White, cựu chuyên gia phân tích thuộc Bộ Ngoại giao Iraq, nhận xét. "Để các bộ lạc ở đó và trao quyền cho họ là việc làm cần thiết nếu bạn thật sự muốn xây dựng lòng tin trong cộng đồng người Sunni".
Tuy nhiên, theo White, nhân rộng thành công ở Ramadi sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.
Thách thức
"Các binh sĩ quân đội chiếm 85% là người Shiite. Và đó chỉ là một trong những yếu tố cản trở chính phủ xây dựng một lực lượng quân đội cân bằng", ông White, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Trung Đông ở Washington, nói.
Chính quyền Thủ tướng Haider al-Abadi hiện chưa cung cấp vũ khí cho các chiến binh bộ tộc Sunni như từng hứa, bất chấp việc nhóm người này đã chứng minh được khả năng của mình trong việc kháng cự trước IS.
Ngay cả khi dân quân người Shiite không tham gia cuộc tấn công nhưng làm thế nào để ngăn chặn lực lượng này xảy ra xung đột với cộng đồng người Sunni ở Ramadi cũng là một thách thức khó khăn, ông White nhận định.
"Những lãnh đạo người Shiite vẫn tin rằng họ có thể đánh đuổi IS ra khỏi Iraq mà không cần đến sự trợ giúp của cộng đồng người Sunni", ông White nói. "Nếu vẫn duy trì suy nghĩ ấy thì cơ hội để có được một bước tiến thật sự sẽ là rất hiếm hoi".
Cùng chung quan điểm, ông Heras cũng cho rằng cuộc chiến chống IS "vẫn còn cả một con đường dài và chông gai phía trước" ngay cả khi chiến thắng ở Ramadi được xác lập.
"Thành công trên đất Ramadi sẽ nhanh chóng khơi gợi ý tưởng về một cuộc tấn công để giành lại Mosul. Song, mọi việc sẽ vô cùng khó khăn bởi vấn đề của Mosul không phải là về quân đội mà là về chính trị", ông Heras nói. "Cần nhiều hơn nữa để thuyết phục người dân Mosul".
"Thắng lợi ở Ramadi sẽ là đòn bẩy để kêu gọi một nỗ lực nhằm tái chiếm Mosul", Heras cho hay. Nhưng như vậy là không đủ để giành được sự ủng hộ tuyệt đối từ các bộ lạc người Sunni xung quanh Ramadi nếu như "bầu không khí chính trị ở Baghdad vẫn chưa thay đổi".
Vũ Hoàng
Theo VNE
Liên quân dồn dập không kích, yểm trợ Iraq tái chiếm Ramadi Liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích các vị trí của IS ở Ramadi, để hỗ trợ quân đội chính phủ chiếm lại thành phố phía tây Iraq này. Khói bốc lên sau một cuộc không kích của liên minh vào mục tiêu IS ở Ramadi hôm 24/12. Ảnh: Reuters Máy bay chiến đấu của liên minh tiến hành 27 cuộc không...