Quân đội Iran tập trận quy mô lớn, gửi thông điệp cứng rắn
Cuộc tập trận nhằm mục đích gửi thông điệp cảnh báo tới bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào Iran.
Cuộc diễn tập có sự tham gia của các sư đoàn phòng không Iran. Ảnh: Tehran Times
Theo tờ Thời báo Tehran, lực lượng vũ trang Iran đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với sự tham gia của các hệ thống phòng không, radar, thiết bị tác chiến điện tử, hệ thống liên lạc và mạng lưới phòng không tích hợp do nước này phát triển.
Cuộc diễn tập có sự tham gia của các sư đoàn phòng không Quân đội và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran(IRGC), có mật danh Modafe’an-e Aseman-e Velayat 1402 (Những người bảo vệ bầu trời Velayat 1402).
Cuộc tập trận nhằm mục đích gửi thông điệp cảnh báo tới bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào Iran.
Lực lượng vũ trang Iran thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự để nâng cao khả năng sẵn sàng và sức mạnh quân sự của họ. Trong những năm gần đây, các chuyên gia, kỹ sư của lực lượng quân sự Iran đã có những bước đột phá đáng chú ý trong việc chế tạo nhiều loại trang thiết bị nội địa, giúp lực lượng vũ trang nước này có khả năng tự cung tự cấp.
Vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Mohammad Reza Ashtiani lưu ý rằng Tehran có ý định trình làng một hệ thống phòng không tiên tiến hoàn toàn mới trong tương lai gần. Bộ Quốc phòng Iran gần đây cũng đã thành công trong việc thiết kế và sản xuất một số hệ thống tên lửa đất đối không (SAM), như Bavar-373 (Belief-373), Khordad 15, Talaash (Endeavour) và Mersad (Ambush).
Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông leo thang nhanh chóng khi các nhóm vũ trang khác nhau trong khu vực tiến hành những cuộc tấn công vào lực lượng Israel và các đồng minh của họ trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza chưa có dấu hiệu lắng dịu. Đặc biệt cuộc tập trận còn diễn ra trong bối cảnh, Iran và Pakistan vừa thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào nhau.
Trong khi đó, hãng AP ngày 18/1 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, quân đội nước này đã tiến hành một đợt tấn công tên lửa phóng từ tàu chiến và tàu ngầm nhằm vào các địa điểm do Houthi kiểm soát, đánh dấu lần thứ tư trong những ngày Mỹ nhắm trực tiếp vào nhóm này ở Yemen khi xung đột Israel- Hamas tiếp tục lan rộng ở Trung Đông.
Các cuộc tấn công của Washington diễn ra sau thông báo chính thức rằng Mỹ đã đưa lực lượng Houthi trở lại danh sách “những kẻ khủng bố toàn cầu”, kèm theo các lệnh trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn tài chính của nhóm này.
Video đang HOT
Mỹ cũng mạnh mẽ cảnh báo Iran ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi. Ngày 18/1, một cuộc đột kích của các lực lượng Mỹ nhằm chặn các bộ phận tên lửa đạn đạo mà Mỹ cho biết Iran đang vận chuyển tới Yemen. Hai lính đặc nhiệm của Hải quân Mỹ vẫn mất tích sau khi bị sóng đánh bật khỏi tàu trong vụ bắt giữ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt và tấn công quân sự, bao gồm cả hoạt động quy mô lớn do tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh thực hiện nhằm tấn công hơn 60 mục tiêu trên khắp Yemen, lực lượng Houthi vẫn tiếp tục chiến dịch quấy rối các tàu thương mại và quân sự. Vụ việc mới nhất xảy ra hôm 17/1, khi một máy bay không người lái được phóng từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen tấn công tàu M/V Genco Picardy do Mỹ sở hữu và vận hành ở Vịnh Aden.
Iran tuyên bố là cường quốc tên lửa sau khi tấn công mục tiêu ở Pakistan, Iraq và Syria
Sau khi tấn công các mục tiêu ở Pakistan, Iraq và Syria bằng tên lửa, ngày 17/1, Iran đã lên tiếng cứng rắn, không chỉ khẳng định khả năng quân sự mà còn cả quyết tâm tấn công kẻ thù.
Tuyên bố cứng rắn
Theo tờ New York Times, truyền thông nhà nước Iran đã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran, ông Mohammad Reza Ashtiani, nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các: "Chúng tôi là một cường quốc tên lửa trên thế giới. Cho dù họ muốn đe dọa Cộng hòa Hồi giáo Iran ở đâu, chúng tôi sẽ phản ứng, và phản ứng này chắc chắn sẽ tương xứng, cứng rắn và dứt khoát".
Việc Iran thể hiện sức mạnh là để trấn an những nhân vật bảo thủ trong nước và các đồng minh quân sự ở nước ngoài, đồng thời cảnh báo Israel, Mỹ cũng như các nhóm khủng bố rằng Iran sẽ đáp trả nếu bị tấn công. Dư luận Iran đã vô cùng tức giận trước các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Iran khiến nước này dường như dễ bị tổn thương và yêu cầu phản ứng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bất chấp các động thái và tuyên bố, Iran đã tránh để tình hình leo thang nghiêm trọng, tránh thổi lửa vào cuộc xung đột ngày càng gay gắt giữa Hamas và Israel. Các nhà phân tích cho rằng Iran muốn thực hiện các cuộc tấn công có tính toán cẩn trọng sao cho vừa thể hiện được sức mạnh mà không bị vướng vào cuộc chiến trực tiếp với Israel, Mỹ hoặc các đồng minh.
Sáng 16/1, các bức tranh tường và biểu ngữ đã xuất hiện xung quanh thủ đô Tehran ca ngợi các cuộc tấn công bằng tên lửa và tuyên bố sẽ trả thù kẻ thù của Iran. Một số nhân vật Iran bảo thủ ca ngợi các cuộc tấn công tên lửa là lời cảnh báo thách thức đối với các kẻ thù trong khu vực.
Ông Ruhollah Ahmadzadeh Kermani, một nhà phân tích ở Tehran, nhận định trên mạng xã hội ngày 16/1: "Thông điệp rất rõ ràng... Nếu Israel mắc sai lầm chiến lược, họ sẽ không còn nhìn thấy 25 ngày tới chứ không nói tới 25 tháng hay 25 năm".
Iran đã bắn tên lửa vào mục tiêu ở ba quốc gia Syria, Iraq và Pakistan vốn thân thiện với nước này ở các mức độ khác nhau. Điều đó khiến khả năng Iran bị trả đũa quân sự là khó có thể xảy ra, mặc dù các cuộc tấn công đã gây xôn xao dư luận. Iraq và Pakistan đều triệu hồi đại sứ ở Tehran, còn Pakistan thì cấm Đại sứ Iran tái nhập cảnh khi ông này đang ở nước ngoài.
Theo Iran, cuộc tấn công ở Syria là nhằm vào nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; vụ ở Pakistan là tấn công nhóm khủng bố Jaish al-Adl; và vụ ở Iraq là nhằm vào căn cứ thu thập thông tin tình báo của Israel.
Trước đây, Iran thường tấn công kẻ thù thông qua các lực lượng mà truyền thông Mỹ gọi là "lực lượng ủy nhiệm của Tehran" như Hezbollah ở Liban, Hamas ở Dải Gaza, Houthi ở Yemen và đôi khi từ chối mọi liên quan đến các cuộc tấn công đó.
Nhưng tuần này, Iran đã tự mình hành động và tuyên bố hành động của mình, công khai coi các cuộc tấn công bằng tên lửa là trả thù. Họ cho biết họ đã tấn công các mục tiêu liên quan đến các vụ tấn công khủng bố lớn xảy ra ở Iran gần đây. Trong đó, có một vụ đánh bom gần mộ một vị tướng Iran khiến gần 100 người thiệt mạng. Iran cũng đang trả đũa cho vụ ám sát hai chỉ huy cấp cao của nước này ở Syria vào tháng 12/2023, mà Iran đã đổ lỗi cho Israel.
Hiện trường vụ đánh bom tại Kerman, Iran, ngày 3/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 16/1, Tướng Amirali Hajizadeh, chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Iran, phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng các cuộc tấn công bí mật của Israel vào các cơ sở hạt nhân, quân sự của Iran cũng như vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran đã được lên kế hoạch từ một cơ sở ở Irbil - thủ phủ của khu bán tự trị phía Bắc Iraq do người Kurd kiểm soát. Iran cũng cáo buộc Israel có liên quan đến một cuộc tấn công gần đây của Nhà nước Hồi giáo. Ông Hajizadeh nói: "Chúng ta phải đối mặt với điều này và trả thù cho máu của những người tử vì đạo".
Israel chưa phản ứng về tuyên bố rằng mục tiêu ở Irbil là căn cứ do thám của Israel. Các quan chức Iraq đã bác bỏ cáo buộc của Iran.
Mặc dù chính phủ Iraq không có quan hệ ngoại giao với Israel nhưng chính quyền khu vực người Kurd có lịch sử quan hệ chặt chẽ lâu dài với Israel. Theo hai quan chức cấp cao Mỹ năm 2022, Israel đã tiến hành các hoạt động tình báo nhằm vào Iran từ khu vực Kurdistan.
Ba vụ tấn công
Tên lửa Sayad thuộc hệ thống Talash của Iran được phóng thử trong một cuộc diễn tập phòng không tại một địa điểm bí mật ngày 5/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN
Iran đã bắn một loạt tên lửa vào các mục tiêu ở miền Bắc Iraq mà nước này cho rằng có liên quan đến Israel, để trả đũa vụ Israel không kích một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Iran.
Trong khi đó, cuộc tấn công của Iran ở Syria ngày 15/1 là nhằm vào IS và để trả đũa các vụ đánh bom tự sát trong tháng này ở Kerman, Iran.
Iran và các lực lượng ủy nhiệm đã dành nhiều năm chống IS ở Syria và Iraq. Nhóm này đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ở Kerman, nhưng các quan chức Mỹ cho rằng đây có thể là hành động của một nhánh tại Afghanistan, chứ không phải của IS ở Syria.
IS đánh bom ở Kerman đã làm rung chuyển Iran - quốc gia đã cố gắng hết sức có thể để duy trì ổn định, không để các cuộc xung đột khu vực gây đổ máu trên đất Iran. Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã tránh xung đột trực tiếp với Mỹ hoặc Israel nhưng ông cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ sau vụ đánh bom trên.
Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phản đối cuộc tấn công tên lửa của Iran. Trong một thập kỷ qua, ông al-Assad đã phụ thuộc rất nhiều vào Iran để chống Nhà nước Hồi giáo và các lực lượng đối lập khác.
Tiếp đó, ngày 16/1, Iran đã tấn công căn cứ của nhóm Jaish al-Adl ở Pakistan. Đây là một nhóm tay súng ly khai có vũ trang thuộc nhóm thiểu số Baluch mà cả hai nước đã gặp khó khăn trong đối phó nhiều năm qua. Nhóm này hoạt động ở vùng núi xa xôi nằm giữa biên giới hai nước, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào tháng 12/2023 khiến 11 nhân viên an ninh thiệt mạng ở Rask - một thị trấn ở phía Đông Nam Iran gần biên giới.
Ngày 17/1, một đại tá trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bị bắn chết ở khu vực biên giới và nhóm Jaish al-Adl đã nhận trách nhiệm.
Trước đây, Pakistan và Iran đã cáo buộc nhau về việc dung túng các tay súng dọc theo biên giới chung. Iran cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới yếu kém của Pakistan đã giúp các tay súng này thực hiện vụ tấn công vào tháng 12/2023.
Pakistan đã lên án vụ tấn công bằng tên lửa của Iran, nhưng truyền thông Iran đưa tin rằng ngoại trưởng hai nước đã nói chuyện qua điện thoại và thảo luận về việc chia sẻ thông tin tình báo về nhóm Jaish al-Adl.
Trong khi đó, ngày 17/1, Mỹ đã lên án các cuộc tấn công gần đây của Iran ở Pakistan, Iraq và Syria. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: "Chúng tôi lên án các cuộc tấn công đó. Chúng ta đã thấy Iran vi phạm biên giới chủ quyền của 3 nước láng giềng chỉ trong vài ngày qua".
Ngày 16/1, Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công bằng tên lửa của Iran. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, tránh làm căng thẳng hơn nữa tình hình khu vực và gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Mỹ gửi tin nhắn riêng cho Iran sau khi tấn công nhóm Houthi Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ đã gửi một tin nhắn riêng cho Iran về nhóm vũ trang Houthi ở Yemen sau khi mở cuộc tấn công thứ hai vào nhóm này. Hãng tin BBC và Reuters dẫn lời ông Biden nói ngày (13/1) như sau: "Chúng tôi chuyển tin riêng và chúng tôi tin rằng mình đã chuẩn bị tốt". Người...