Quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản dịch bệnh nCoV cấp độ 4
Các quân khu, quân đoàn đã chuẩn bị trên 31.000 giường và chế độ ăn theo chế độ ăn của quân nhân cho công dân, trong thời gian cách ly 14 ngày.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ Quốc phòng vừa ban hành kế hoạch tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch về Việt Nam. Theo kế hoạch, khả năng các điểm cách ly có sức tiếp nhận khoảng 31.000 người.
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh- Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (người chỉ tay) kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona tại khu vực biên giới, lối mở Bản Quẩn (xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Ảnh: Báo Điện tử ĐCS Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ ngày 3/2 Bộ đội biên phòng và các lực lượng liên quan đã chính thức không nhập cảnh cho bất kỳ người nước ngoài nào từ vùng dịch về Việt Nam trừ công dân Việt Nam về nước. Đại tá Phan Đình Hoài, trưởng phòng quân y, Cục hậu cần Bộ đội biên phòng cho biết, 7 địa phương giáp biên có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ, 44 lối mở. Ngoài các cửa khẩu chính, hiện khoảng 1 nghìn cán bộ chiến sỹ thường xuyên trực ở biên giới, đường mòn, lối mở, các tỉnh đều được trang bị CloraminB, xà phòng, nước rửa tay, khẩu trang.
Cục hậu cần đã chỉ đạo sử dụng 4 tại chỗ, quân y của các đơn vị không có cửa khẩu và ít lối mở đường mòn sẽ tăng cường cho các đơn vị có cửa khẩu và nhiều lối mở đường mòn. Đồng thời huy động 6 đơn vị đóng chân trên địa bàn các tỉnh, thành phố là: Sơn La, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Học Viện Biên phòng, thành lập 5 tổ quân y để sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh có dịch phát sinh.
Đại tá Phan Đình Hoài chia sẻ, đến thời điểm hiện nay, tình hình chung vẫn ổn định. Biên phòng Sơn La báo cáo có một trường hợp ở Trung Quốc về bị sốt. Đơn vị đã chỉ đạo cách ly 8 người đã tiếp xúc với trường hợp này, theo dõi trong 14 ngày.
Để thực hiện phòng chống dịch eCoV, Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng đã thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống bệnh viện quân đội. Qua rà soát của Cục Quân y cho thấy có 14 tổ chuyên khoa trong đó có 7 tổ chuyên khoa về truyền nhiễm, 7 tổ chuyên khoa về hồi sức tại các bệnh viện trong quân đội và có 7 bệnh viện dã chiến sẵn sàng cho những kịch bản xấu khi xảy ra dịch. Hiện trang thiết bị đã được rà soát lại, đảm bảo đầy đủ hóa chất và bảo hộ cho các cá nhân và quân y làm nhiệm vụ.
Video đang HOT
Chuẩn bị đón công dân Việt Nam ở Trung Quốc về Việt Nam, các quân khu, quân đoàn đã chuẩn bị trên 31.000 giường và chế độ ăn theo chế độ ăn của quân nhân cho công dân, trong thời gian cách ly 14 ngày. Công dân từ vùng dịch nCoV về nước được tiếp nhận theo đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Theo đó, đường bộ sẽ tiếp nhận tại các cửa khẩu Móng Cái – Quảng Ninh; Hữu Nghị – Lạng Sơn; Tà Lùng – Cao Bằng; Thanh Thủy – Hà Giang và Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 1-Lào Cai. Đường hàng không tiếp nhận tại các Sân bay Vân Đồn – Quảng Ninh; Cát Bi – Hải Phòng; Nội Bài – Hà Nội; Đà Nẵng; Cam Ranh – Khánh Hòa; Tân Sơn Nhất – TP. Hồ Chí Minh và sân bay Cần Thơ. Đường biển tiếp nhận tại cảng Vũng Áng – Hà Tĩnh.
Tiểu ban Kỹ thuật, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch bệnh nCoV họp triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Chinhphu.vn
Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên cho biết, hiện tất cả các đơn vị trong toàn quân đã chấp hành nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng.
“Cho đến nay đã thành lập, kiện toàn các tổ đội quân y cơ động, có các phân đội vệ sinh phòng dịch để sẵn sàng ứng phó. Các bệnh viện đã thành lập mới 20 đội phòng chống dịch theo mệnh lệnh của Thủ tướng chính phủ, cùng với Bộ Y tế. Trong ngành y tế vừa công bố có 45 đội phản ứng nhanh, thì quân đội tham gia 20 đội” – Thiếu tướng Kiên cho hay.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh nCoV cấp độ 4, trong trường hợp dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 người mắc. Hiện Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô tiếp nhận khoảng 1000 người. Trước mắt, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chuẩn bị nhân lực và phương tiện để tiếp nhận và cách ly công dân Việt Nam từ vùng có dịch nCoV về nước qua sân bay Nội Bài và sân bay Vân Đồn.
Sân bay Vân Đồn – nơi tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước
Đại tá Nguyễn Viết Thắng, Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, Bộ Tư lệnh đã tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra, khảo sát để chọn địa điểm để tiếp nhận và cách ly, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Quốc phòng thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và cũng đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung để sẵn sàng để tiếp nhận.
Theo quy định, các công dân Việt Nam từ vùng có dịch nCoV về nước sẽ được các lực lượng Biên phòng, y tế địa phương Hải quan, Công an, kiểm dịch quốc tế tiếp nhận, hướng dẫn kê khai y tế, kiểm tra thân nhiệt, tổng hợp và tổ chức phân loại, chuyển về các địa điểm cách ly, điều trị theo phân luồng thống nhất giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế. Tất cả các công dân trở về từ vùng dịch đều được cách ly, giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe trong 14 ngày. Đến hôm nay cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Lạng Sơn đã tiếp nhận và thực hiện cách ly với 200 công dân từ vùng có dịch trở về nước./.
Theo Nguyên Nhung/VOV1
Bệnh viện dã chiến của Hà Nội khi nào được 'kích hoạt'?
Khi ở cấp độ có 1.000 người bị lây nhiễm virus corona trong cộng đồng thì bệnh viện dã chiến sẽ được huy động.
Trao đổi với báo chí về việc chuẩn bị bệnh viện dã chiến để sẵn sàng ứng phó khi dịch virus corona bùng phát, Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đại tá Nguyễn Viết Thắng cho biết, khi cấp độ 1.000 người bị lây nhiễm trong cộng đồng thì sẽ huy động bệnh viện dã chiến.
Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đại tá Nguyễn Viết Thắng
Ông thông tin, bệnh viện dã chiến của TP Hà Nội trong phòng chống dịch đã được tổ chức từ năm 2005 để diễn tập đáp ứng phòng chống dịch cúm ở người được tổ chức ở Kiến Hưng (Hà Đông).
"Bệnh viện dã chiến được tổ chức từ các khoa khám bệnh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, khoa nội, khoa dược của các bệnh viện khu vực, bệnh viện dã chiến, đội điều trị số 2... thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch", Đại tá Thắng cho biết.
Ông cho biết, quy mô bệnh viện gồm 120 cán bộ công nhân viên với 150 giường bệnh. Tuỳ vào địa điểm tổ chức để làm sao cho phù hợp, có thể tận dụng trường học hoặc nhà bạt đóng ở ngoài để tổ chức triển khai.
Nói về kế hoạch triển khai, Đại tá Nguyễn Viết Thắng cho hay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quán triệt hết các văn bản của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, UBND TP, Tổng cục Hậu cần...
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã thành lập ban chỉ đạo do Phó Tư lệnh làm trưởng ban với 13 thành viên và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, kế hoạch tiếp nhận 950 công dân từ Trung Quốc và các khu vực có dịch về Việt Nam.
Đồng thời tổ chức 3 đoàn kiểm tra, giám sát để chọn địa điểm, tiếp nhận và cách ly theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
950 người là người Việt Nam đang sống, lao động, học tập công tác ở vùng có dịch virus corona quay trở về.
Đại tá Nguyễn Viết Thắng cho biết đã đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận cách ly 950 người từ vùng dịch về. Họ sẽ được cách ly ở 2 địa điểm tại Sơn Tây và Xuân Mai.
Hương Quỳnh
Theo Vietnamnet
VPI sản xuất nước rửa tay khô sát khuẩn phòng dịch do virus Corona mới Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã sản xuất thành công nước rửa tay khô sát khuẩn (cồn gel diệt khuẩn, VPI-gel) phục vụ nội bộ trong Tòa nhà VPI ở quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Sản xuất VPI gel. Ảnh: VPI Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới (2019-nCoV) là nhiệm vụ...