Quân đội Ấn Độ sẽ mạnh tay với Trung Quốc
Ấn Độ hôm qua (30/4) tuyên bố, nước này sẽ “áp dụng mọi biện pháp có thể” để bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh Ấn Độ đang có cuộc tranh chấp lãnh thổ ngày một leo thang với nước láng giềng Trung Quốc. Hàng chục binh lính Trung Quốc bị tố xâm nhập sâu vào lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở khu vực biên giới tranh chấp Himalaya .
Biên giới Trung Quốc-Ấn Độ lại nóng bỏng vì tranh chấp lãnh thổ.
“Tình hình hiện tại không phải do chúng tôi tạo ra”, ông A.K. Antony – Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết sau khi các quan chức nước này cáo buộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa thiết lập thêm một trại thứ 5 ở khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) nằm bên phía Ấn Độ ở Ladakh. Báo chí Ấn Độ còn tố cáo binh lính Trung Quốc giăng lên một tấm biểu ngữ bằng tiếng Anh trong đó nói rằng khu vực họ đang dựng trại thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Bộ trưởng Antony nhấn mạnh, Ấn Độ vẫn cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp nhưng ông này cũng khẳng định một cách cứng rắn rằng: “Không nên có bất cứ nghi ngờ gì về việc đất nước chúng tôi đều đồng lòng, quyết tâm áp dụng tất cả những biện pháp có thể, ở mọi cấp độ, để bảo vệ lợi ích của chúng tôi”.
Những phát biểu trên được người đứng đầu quân đội Ấn Độ đưa ra sau khi New Delhi và Bắc Kinh vừa tiến hành cuộc họp thứ ba ở Chushul, Ladakh nhằm giải quyết vụ binh lính Trung Quốc xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ 19km.
Cuộc họp cấp Thiếu tướng giữa hai nước Trung-Ấn bắt đầu từ lúc 11h sáng ngày 30/4 và kéo dài hơn 3h đồng hồ. Tuy nhiên, cũng như hai cuộc họp trước, cuộc họp lần này không đem lại kết quả khả quan nào.
Phía Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi Ấn Độ tháo dỡ các công trình mà nước này xây dựng ở khu vực Đông Ladakh, bao gồm những boongke vừa được tạo ra tại những điểm có ưu thế trong khu vực và những con đường được mở ra gần Đường Kiểm soát Thực tế.
Trong khi đó, phía Ấn Độ cũng nhất quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút quân vô điều kiện ra khỏi lãnh thổ của họ theo những thỏa thuận mà hai nước đã ký kết được trong những lần trước đây.
Sau ba cuộc họp không thành công và bất chấp những lời kêu gọi của New Delhi, Trung Quốc vẫn không chịu rút quân ra khỏi khu vực biên giới của Ấn Độ. Không những thế, binh lính Trung Quốc thậm chí còn tăng cường sự hiện diện ở đây bằng cách tiếp tục dựng lên những trại mới và nhận nguồn cung cấp hậu cần từ đơn vị của họ cách điểm đối đầu với Ấn Độ khoảng 25km.
Chính phủ Ấn Độ trước sức ép mạnh tay với Trung Quốc
Trong khi cuộc đối đầu Trung-Ấn ở khu vực biên giới ngày một leo thang thì chính phủ do Đảng Quốc đại dẫn đầu đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ giới chính khách đối lập đòi nước này phải phản ứng mạnh mẽ hơn với cuộc xâm nhập kéo dài 2 tuần qua từ phía Trung Quốc.
Video đang HOT
Trong cuộc họp Quốc hội hôm 29/4 vừa rồi, ông Mulayam Singh Yadav – Lãnh đạo Đảng đối lập Samajwadi, cáo buộc chính phủ Ấn Độ đang tỏ ra “yếu kém, thiếu năng lực và hèn nhát” khi đối phó với Trung Quốc. “Quân đội Trung Quốc cần phải bị đánh bật ra ngoài lãnh thổ của chúng ta. Nếu điều đó dẫn đến chiến tranh thì cứ để nó xảy ra”, ông Yadav đã tuyên bố đầy cứng rắn như vậy.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến nay vẫn áp dụng một phương pháp tiếp cận mềm mỏng đối với vụ xâm nhập của Trung Quốc, khẳng định vụ việc có thể được giải quyết thông qua đàm phán. “Chúng tôi có kế hoạch. Chúng tôi không muốn làm trầm trọng thêm tình hình. Đó là một vấn đề mang tính địa phương”, ông Singh đã nói như vậy.
Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid cũng cho rằng, không cần phải “ấn nút hoảng sợ” thậm chí kể cả khi binh lính Trung Quốc đã xâm nhập và đóng chốt tại lãnh thổ của Ấn Độ suốt 17 ngày qua. Phát biểu với CNN-IBN, ông Khurshid nói: “Có sự khác biệt về quan niệm, về quan điểm nhưng không có sự đối đầu. Chúng ta có thể bày tỏ sự quan ngại nhưng chúng ta không cần thiết phải nhấn nút hoảng sợ”.
Ông Khurshid cho rằng, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể được giải quyết. “Bao nhiêu binh lính và xâm nhập bao xa không phải là một câu trả lời đầy đủ. Nếu họ có 10 binh lính đóng trong khu vực nằm sâu trong một khu vực lãnh thổ 19km và bị cắt đứt với các nguồn cung cấp bên ngoài, đó không phải là tình huống tốt cho họ. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết. Chúng tôi cũng tin, chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu của mình”, ông Khurshid nói.
Khi được hỏi liệu ông này có xem xét lại kế hoạch đến thăm Bắc Kinh trong thời gian tới, Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết: “Không có lý do gì mà chúng tôi lại phải thay đổi kế hoạch lúc này. Tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ giới lãnh đạo Trung Quốc- những người đang muốn phát triển quan hệ toàn diện giữa hai nước. Vì thế, chúng tôi đang hướng tới những điều tích cực”.
Trước những quan điểm có phần mềm mỏng của Thủ tướng và Ngoại trưởng Ấn Độ, giới lãnh đạo đối lập và một số nhà phân tích ngoại giao, quân sự của nước này cho rằng, chính phủ đang “ngây thơ” trong cách xử lý cuộc xâm nhập của phía Trung Quốc. Theo họ, đó rõ ràng là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đòi chủ quyền đối với một khu vực quan trọng có tính chiến lược ở khu vực biên giới Trung-Ấn.
Nhiều người đang kêu gọi New Delhi trả đũa mạnh tay đối với hành động của Bắc Kinh. Một trong những đề xuất cứng rắn nhất là Ấn Độ đáp trả bằng việc thực hiện một cuộc xâm nhập và dựng trại tương tự bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Một số đề xuất xem xét lại sự công nhận ngoại giao của Ấn Độ dành cho Tây Tạng hoặc ít nhất là đưa ra một sự phản đối chính thức về các hành động của Trung Quốc gần đây.
Theo vietbao
Trung Quốc đang gây hấn với tất cả các nước láng giềng?
Sau vụ đụng độ mới nhất giữa Trung Quốc với Ấn Độ vì tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới, nhiều người mới giật mình nhận rarằng, hình như Trung Quốc đang tìm cách gây hấn với tất cả các nước láng giềng xung quanh họ.
Tàu thuyền Trung-Nhật thường xuyên có những cuộc rượt đuổi căng thẳng và nguy hiểm ở vùng biển tranh chấp.
Kể từ hồi tháng 4 năm ngoái đến giờ, cái tên Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên báo chí khắp thế giới. Tuy nhiên, đây lại hoàn toàn không phải là sự xuất hiện dễ chịu theo kiểu như một Trung Quốc mới nổi sống hòa bình, thân thiện và có trách nhiệm. Thay vào đó, Trung Quốc luôn là cái tên được nhắc đi nhắc lại thường xuyên liên tục trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải không chỉ với một nước mà là với một loạt nước.
Tần xuất xuất hiện của Trung Quốc gia tăng theo mức độ hung hăng, hiếu chiến của nước này. Nói theo lời của một quan chức Philippines, càng ngày, Bắc Kinh càng tỏ ra "quá đáng" trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng.
Chưa biết là Trung Quốc có đạt được mục đích của mình trong các cuộc tranh chấp này hay không, nhưng người ta chỉ dễ nhận thấy một điều, hình ảnh của một cường quốc mới nổi từng tuyên bố nhiều lời có cánh về hòa bình đang trở nên xấu đi rất nhiều trong mắt người dân thế giới.
Tranh chấp với Ấn Độ
Quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi trong nửa tháng nay đang rơi vào căng thẳng sau khi một loạt binh lính Trung Quốc bị tố xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Ấn Độ. Theo đó, hôm 15/4, một trung đội gồm 50 binh lính thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) được cho là đã xâm nhập vào khu vực Daulat Beg Oldi (DBO) ở phía đông Ladakh và dựng trại tại khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 10km.
Vụ xâm nhập mới nhất của Trung Quốc đã thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng âm ỉ bấy lâu nay giữa nước này với Ấn Độ vì cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới hai nước. Bất chấp những lời kêu gọi rút quân của New Delhi cùng với việc hai bên đã tiến hành hai cuộc họp giữa các quan chức quân sự cấp cao nhằm giải quyết vấn đề, Trung Quốc vẫn khăng khăng không chịu rút quân.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc tiếp tục có thêm những hành động mang tính khiêu khích và thách thức Ấn Độ. Mấy ngày gần đây, Trung Quốc còn đưa máy bay xâm phạm sâu vào không phận Ấn Độ. Thậm chí, có lúc trực thăng quân sự Trung Quốc còn ngang nhiên lượn lờ trên đầu một căn cứ quân sự của Ấn Độ.
Những hành động trên của Bắc Kinh đã khiến nhiều người Ấn Độ nổi giận, kêu gọi chính phủ dùng hành động quân sự với nước láng giềng "táo tợn" của họ. Mặc dù miêu tả tình hình hiện nay ở khu vực biên giới là cuộc "đối mặt trực diện" nguy hiểm, nhưng New Delhi vẫn bày tỏ hy vọng tìm được một giải pháp hòa bình.
New Delhi đang đề nghị tổ chức một cuộc họp thứ ba để tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực biên giới. Song song với nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ tăng quân đến khu vực Ladakh nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố không chịu rút quân.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ - hai cường quốc hàng đầu khu vực Châu Á, diễn ra khá phức tạp. Bất chấp mối quan hệ kinh tế phát triển vượt bậc, giữa hai nước này tồn tại nhiều mâu thuẫn và sự cạnh tranh. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ có cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài và đã từng leo thang thành một cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.
Bất chấp 15 vòng đàm phán cấp cao đã diễn ra, Trung Quốc và Ấn Độ đến nay vẫn chưa thể giải quyết được cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa hai nước. Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với toàn bộ một bang nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, đó là bang Arunachal Pradesh.
Làm căng với Nhật Bản
Ngay trong thời điểm gây căng thẳng với Ấn Độ, Trung Quốc tiếp tục làm căng với nước láng giềng Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku.
Tokyo hiện đang nắm quyền kiếm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Bắc Kinh không chấp nhận thực tế này và đang tìm mọi cách phá vỡ sự nguyên trạng ở đây. Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc thường xuyên cho tàu thuyền tiến hành các chuyến tuần tra định kỳ ở vùng biển tranh chấp và mỗi ngày, hoạt động này lại diễn ra ngày một mạnh mẽ và táo tợn hơn.
Từ việc dàn tàu thuyền trên vùng biển tranh chấp nhằm quấy nhiễu tàu thuyền đối phương, Bắc Kinh bắt đầu leo thang lên bầu trời bằng cách đưa máy bay quân sự, đặc biệt là chiến đấu cơ, vào đây.
Đỉnh điểm trong cuộc đối đầu căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản là vụ 8 tàu hải giám Trung Quốc ồ ạt kéo vào vùng lãnh hải cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư 12 hải lý hôm 23/4. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng trở lại, Trung Quốc đưa một số lượng tàu lớn như vậy đến khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Bắc Kinh tuyên bố đưa tàu vào để giám sát hoạt động của một nhóm tàu chở các nhà hoạt động Nhật Bản đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đội tàu hai nước Trung, Nhật đã có cuộc chạm mặt, vờn đuổi nhau đầy nguy hiểm, khiến "sóng biển" Hoa Đông "sôi lên sùng sục".
Tuy nhiên, tình thế nguy hiểm trên vẫn chưa dừng lại ở đó. Không chỉ đưa một số lượng tàu lớn chưa từng có vào vùng tranh chấp, Trung Quốc còn phái máy bay chiến đấu áp sát bầu trời khu vực này 40 lần liên tiếp. Nhật Bản đã phải liên tục điều chiến đấu cơ của nước này đi chặn máy bay Trung Quốc, gây ra những cuộc "đối đầu nghẹt thở". "Đó là một mối đe dọa chưa từng có", một trong các quan chức Nhật Bản đã phải thừa nhận như vậy.
Rõ ràng, những động thái trên của Trung Quốc đã cho thấy mức độ quyết liệt và hung hăng của nước này trong việc tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở biển Hoa Đông và giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, Tokyo cũng cho thấy sự cứng rắn đến cùng của nước này khi tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Và tiếp tục hung hăng ở Biển Đông
Không chỉ tranh chấp với Ấn Độ, làm căng với Nhật Bản, Trung Quốc còn tiếp tục gây sóng gió ở Biển Đông bằng những hành động hung hăng, gây hấn với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Mới đây nhất, ngày hôm qua (28/4), Trung Quốc có thêm hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi đưa tàu du lịch đầu tiên đến quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã tuyên bố mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tại Diễn đàn Châu Á Bắc Ngao từ hồi đầu tháng 4. Hành động của Trung Quốc là nhằm chiếm một vùng lãnh thổ vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam .
Trước đó, hồi cuối tháng 3, Trung Quốc đã truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Hành động sai trái và vô nhân đạo này của phía Trung Quốc đã vấp phải phản ứng quyết liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Trong một động thái bộc lộ rõ nhất âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc hôm 19/3 đã cử một đội tàu chiến thực hiện một chuyến đi biển theo hành trình của "đường lưỡi bò" phi pháp mà nước này đưa ra. Đội tàu chiến của Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào bãi cạn James - nơi cách Trung Quốc tới 1.800km và chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km. Bãi cạn James rõ ràng nằm trong thềm lục địa của Malaysia. Các tàu của Trung Quốc còn tiến tới Đá Vành Khăn - khu vực nằm cách Trung Quốc cũng tới tận 1.800km và nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Việt Nam .
Với Philippines, Trung Quốc tiếp tục bác bỏ việc đưa cuộc tranh chấp giữa họ với Philippines ra tòa án quốc tế đồng thời còn tố ngược Manila tìm cách "hợp pháp hóa" sự chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở Biển Đông của Trung Quốc. Trên thực tế, các ngư dân Philippines đang tố cáo Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough - ngư trường đánh cá truyền thống của họ, khiến những người này mất kế sinh nhai.
Người xưa có câu "bán anh em xa mua láng giềng gần" để chỉ tầm quan trọng to lớn của những người hàng xóm xung quanh ta. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang quên, phớt lờ hoặc không hiểu được ý nghĩa của câu nói nổi tiếng xưa. Thay vì chung sống hòa bình, cùng hợp tác phát triển với các nước láng giềng, Trung Quốc liên tục có các cuộc đối đầu với những người hàng xóm của mình. Đầu tiên là cuộc đối đầu với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và giờ đây là gây hấn với cả nước láng giềng Ấn Độ.
Trung Quốc rõ ràng đang làm mất lòng gần như tất cả những nước láng giềng xung quanh mình. Điều này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Nếu tiếp tục xu hướng này, Trung Quốc sẽ bị cô lập trong khu vực trong khi các nước láng giềng của họ sẽ tìm đến với các cường quốc khác.
Theo vietbao
Philippines trong trò chơi quyền lực Mỹ-Trung Đáp lại thỉnh cầu của Philippines, Tòa án trọng tài UNCLOS sẽ tổ chức phiên điều trần về vấn đề lãnh thổ ởBiển Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Giải thích vì sao lại thỉnh cầu Tòa án trọng tài UNCLOS, Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, tuyên bố rằng nước ông đã cạn...