Quan điểm TP HCM thay đổi thế nào về mở rộng Tân Sơn Nhất
Trước khi kiến nghị Chính phủ thu hồi đất sân golf phía Bắc sân bay, TP HCM từng ủng hộ phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Nam.
Trong phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV đầu tháng 6, đại biểu thuộc đoàn TP HCM liên tục đưa vấn đề sân golf rộng 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất ra bàn bạc, thảo luận.
Sân golf rộng 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động từ năm 2015. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ông Trần Anh Tuấn (quyền Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM) nói rằng, việc mở rộng và nâng cấp sân bay phải tiến hành khẩn trương và phải “xóa bỏ ngay hình ảnh sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật hẹp”.
Còn theo ông Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội đang xem xét dự án giải tỏa mặt bằng ở Đồng Nai để làm sân bay Long Thành nhưng lộ trình còn dài, trong khi Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải. Nếu thu hồi sân golf, sân bay có thêm đất mở rộng giúp tăng công suất, giảm tình trạng ngập úng, kẹt cứng.
Không thảo luận công khai tại hội trường Quốc hội, song Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) đã gửi thư tay đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu vấn đề cử tri thành phố mong muốn “lấy sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất”.
Quan điểm này của TP HCM được thống nhất với mong muốn mở rộng Tân Sơn Nhất về phần đất sân golf , tức phía Bắc, chứ không phải phía Nam như phương án 3 đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng “chốt”.
Tuy nhiên, một tháng trước, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa nêu, điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo phương án 3 là phù hợp với tinh thần cuộc họp ngày 6/3 do Thủ tướng chủ trì.
Cụ thể là xây dựng bổ sung đường lăn song song, các đường lăn nối giữa đường CHC 25L/07R và sân đỗ; nhà ga T4 (công suất 15 triệu); khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc; nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 43-45 triệu hành khách mỗi năm.
Về kết nối giao thông, thành phố đề nghị bổ sung nội dung thuyết minh về hiện trạng và quy hoạch hệ thống giao thông đô thị kết nối với sân bay; hoàn thiện nội dung đánh giá tác động lên hệ thống giao thông đô thị thành phố khi nâng công suất cảng hàng không.
Video đang HOT
TP HCM từng không đồng tình mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vì tốn rất nhiều tiền và sẽ gây ùn tắc giao thông cho khu vực. Ảnh: Google maps.
3 năm trước – thời điểm Bộ GTVT lấy ý kiến về chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Phó chủ tịch UBND TP HCM lúc đó là ông Nguyễn Hữu Tín đã ký văn bản thống nhất hoàn toàn với việc triển khai dự án này.
Theo ông Tín, sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu có tổng diện tích 1.500 ha với hơn 590 ha đang được khai thác dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, nằm trong khu vực đô thị có mật độ dân cư cao. Với công suất 20 triệu lượt người mỗi năm, hệ thống giao thông kết nối với sân bay thường xuyên bị quá tải.
Một lý do khác, theo hồ sơ dự án, nếu nâng tổng công suất lên 50 triệu lượt người mỗi năm thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng về phía Bắc với diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng 641 ha. Kinh phí cho việc này, thành phố tính toán lên đến hơn 9 tỷ USD.
Với quy mô mở rộng này, hệ thống giao thông quanh sân bay sẽ bị quá tải dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng trên diện rộng. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng được cho là ảnh hưởng đến môi trường do phải di dời – tái định cư nhiều hộ dân, ô nhiễm tiếng ồn và khí thải sẽ vượt xa tiêu chuẩn cho phép.
Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị sẽ bị hạn chế bởi vấn đề tĩnh không, phễu bay. Đó là chưa tính đến các yếu tố liên quan quy hoạch, quản lý vùng trời của Bộ Quốc phòng.
Cùng với việc ủng hộ xây sân bay Long Thành, TP HCM cũng đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh tiến độ phân kỳ đầu tư, để sớm đưa sân bay này vào hoạt động. Vì theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, năng lực tối đa của Tân Sơn Nhất sẽ được khai thác hết vào 2016-2017.
Ngoài ra, TP HCM cũng kiến nghị sớm xây dựng giai đoạn 2 cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (mở rộng lên 8 làn xe) và đồng bộ các công trình giao thông kết nối đến sân bay Long Thành để giảm nguy cơ ùn tắc đường cao tốc. Trong các công trình giao thông kết nối, thành phố đề nghị cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành.
Tại buổi họp giữa tháng 8/2014 của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án sân bay Long Thành do Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư lúc đó là ông Bùi Quang Vinh chủ trì, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cũng bày tỏ mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm được xây dựng và khai thác ngay sau năm 2020 để “chia lửa” với Tân Sơn Nhất, giải quyết vấn đề giao thông đô thị.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Thuê tư vấn nước ngoài, nghiên cứu đường băng số 3 cho Tân Sơn Nhất
Lãnh đạo Chính phủ quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm một đường băng, tăng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất.
Chiều 12/6, Thường trực Chính phủ họp với các bộ ngành liên quan về việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Trả lời báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Đây là cuộc họp thứ hai của Thường trực Chính phủ về sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó, có nhiều ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cử tri và TP HCM và thư của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cũng như phản ánh của báo chí.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng kết luận giao Bộ trưởng Giao thông chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, khảo sát, lên phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Điều này được hiểu là nghiên cứu thêm một đường cất hạ cánh số 3 trên cơ sở hiệu quả tiết kiệm và đảm bảo tiến độ nhanh nhất để giải quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải, với yêu cầu hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Khảo sát đánh giá khách quan độc lập, trong 6 tháng báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê... để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu mọi việc phải tiến hành minh bạch trước công luận, cử tri cả nước.
Trả lời câu hỏi về việc Thủ tướng có báo cáo nội dung trên với Quốc hội hay không, ông Mai Tiến Dũng nói: "Đương nhiên là đại biểu có ý kiến thì Thủ tướng sẵn sàng giao cho các cơ quan và lãnh đạo Chính phủ trả lời"
Về việc Thường trực Chính phủ đã xác định đường băng mới nằm phía bắc hay phía nam hai đường băng hiện tại hay chưa, ông Dũng thông tin: "Cuộc họp không tính toán phía bắc hay nam. Trên cơ sở kết luận như đã nêu, cơ quan tư vấn sẽ tham mưu đường băng thứ 3 rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, nên đặt chỗ nào".
Theo ông, hai công việc với sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành được tiến hành song song. Dự án Long Thành đã có chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội. "Có Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động và tồn tại. Cuộc họp này, Thủ tướng cũng chỉ đạo các biện pháp để tăng cường xúc tiến đầu tư theo tiến độ của sân bay Long Thành", ông Dũng nói và nhấn mạnh, việc đầu tư đường băng số 3 Tân Sơn Nhất là ưu tiên số một, "vì đang thuận lợi nhất. Làm nhanh sẽ xử lý được nhu cầu cấp bách trước mắt, nếu không sẽ ùn tắc. Còn Long Thành là chiến lược lâu dài".
Thường trực Chính phủ quyết định thuê tư vấn độc lập nước ngoài cho việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất hạ cánh với độ dài là 3048m và 3800m. Hệ thống đường lăn, sân đỗ, hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường theo tiêu chuẩn CAT II.
Trước đó, hồi tháng 2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại đây, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - Bộ Quốc phòng) đã trình bày chi tiết 7 phương án, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên là xây mới đường cất hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường cất hạ cánh 25R/07L 1800m, xây dựng hai nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Phương án này có tổng mức đầu tư lên đến 201.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626 hécta mặt bằng, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 hécta đất dân cư với khoảng 140 ngàn hộ dân.
Nhóm thứ hai gồm 3 phương án xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc, nhà ga T3 ở phía Nam. Trong nhóm này, phương án có tổng mức đầu tư thấp nhất là 100.961 tỷ đồng, cao nhất là 187.265 tỷ đồng. Thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.
Nhóm thứ 3 gồm 3 phương án, không xây mới đường cất hạ cánh, chỉ xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật ở phía Bắc, phía Nam và cả hai phía Bắc - Nam của sân bay.
Tân Sơn Nhất có thể tiếp thu các loại tàu bay thân lớn như: A350, B747-400, A330, B777, B767, A321.... Cấp sân bay: 4E
Đây là cảng hàng không dân dụng kết hợp hoạt động bay quân sự. Nhà ga hành khách quốc tế: 92.000 m2. Nhà ga hành khách quốc nội: 40.048 m2
Năng lực thông qua: 25 triệu hành khách mỗi năm.
2015, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 181 nghìn lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách đạt hơn 26,5 triệu. Năm 2016, hành khách qua sân bay khoảng 31 triệu lượt.
Võ Văn Thành - Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Thường trực Chính phủ xem xét các phương án mở rộng Tân Sơn Nhất Các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư dao động từ gần 20 nghìn tỷ đến trên 201 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, chiều 12/6, Thường trực Chính phủ họp bàn về các phương án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. "Sân bay này...