Quan điểm gây bão của nữ giám đốc ở TP.HCM: Đừng cho con học IELTS, hãy học tiếng Anh! Ngôn ngữ này chính là kỹ năng sinh tồn
“Để đánh giá con giỏi Tiếng Anh thật hay không, mình kiên định: Không cho con học IELTS, mà chỉ học Tiếng Anh…”, chị Phạm Hương chia sẻ.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Chị Phạm Hương (TP.HCM) có bằng Thạc sĩ ngành Marketing Quốc tế của trường EU-Thụy Sĩ. Nhiều năm qua, chị đảm nhận vị trí Strategic Marketing Director (Giám đốc tiếp thị chiến lược) tại một số công ty trong và ngoài nước.
Được biết các con của chị đều có hành trình học tập thành công. Con trai đầu (26 tuổi) từng du học ở Úc và hiện đang định cư tại Melbourne, với vị trí Manager. Con trai thứ 2 (24 tuổi) tốt nghiệp trường Vatel (Pháp), hiện đang là Manager cho 1 doanh nghiệp của Pháp. Con gái út (11 tuổi) vừa được học bổng 100% của Nisai Global School (thuộc tổ chức giáo dục Cambridge – Anh Quốc). Các con của chị đều học trường bình thường và được mẹ chú trọng việc học Tiếng Anh từ nhỏ.
Dựa theo kinh nghiệm dạy con của chính mình, chị Hương thường có những bài viết chia sẻ về các phương pháp: “Xây dựng chiến lược học tập cho con” và “Giúp bé học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2″ trên trang Facebook cá nhân. Mục đích nhằm giúp đỡ các bậc phụ huynh khác có định hướng học tập cho con một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
Chị Phạm Hương – Thạc sĩ ngành Marketing Quốc tế.
Thời gian gần đây, Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ 1 quan điểm gây bão dư luận: “Nhiều người viển vông khi coi việc đạt điểm trung bình học tập 9,5 hay IELTS 8.5 là tài năng, năng lực thực sự của trẻ”. Và nhiều trẻ mải theo đuổi IELTS mà “quên đi mất có những thứ còn quan trọng hơn, chẳng hạn kỹ năng viết, nói, làm việc nhóm, tư duy đa chiều, năng lực tự học”.
Về vấn đề này, chị Hương đã có những chia sẻ thiết thực về việc học IELTS nói riêng và học tiếng Anh nói chung hiện nay. Quan điểm của chị nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh.
Chúng tôi xin phép được chia sẻ lại quan điểm của chị Phạm Hương như sau:
Thầy Hiếu nói không sai, IELTS 8.5 không phải tài năng, càng không phải thần đồng. Nhưng mình phải công tâm khen các con có IELTS 8.0 là giỏi, rất giỏi, vì sự nỗ lực học hành đạt được điểm số đó không phải dễ dàng. Dù là có học kiểu luyện gà, học cày luyện đề, học các mẹo làm bài,… thì mình cũng đánh giá cao sự kiên trì và quyết tâm học của các con. Chỉ là, với cái ý chí học hành và sự nỗ lực đó, nếu cha mẹ bình tĩnh cho con học đúng cách, học thật, giỏi thật, thì các bé còn tiến xa đến đâu?
Có IELTS cao chưa chắc giỏi Tiếng Anh thật. Nhưng IELTS thấp thì chắc chắn là không giỏi Tiếng Anh rồi. Cho nên, mình vẫn chân thành khen ngợi các con đã có điểm IELTS tốt. Nhưng mình cũng không đề cao thái quá, IELTS 8.0 cũng chỉ mới là bắt đầu, còn rất nhiều thứ con cần học.
Tiến sĩ Hiếu cho rằng: “Nhiều người viển vông khi coi việc đạt điểm trung bình học tập 9,5 hay IELTS 8.5 là tài năng, năng lực thực sự của trẻ”.
IELTS điểm 8.0 nhưng đa phần 2 kỹ năng có điểm cao nhất là Reading và Listening (có nhiều bạn đạt điểm tối đa ở 2 kỹ năng này 9.0), nhưng Speaking và đặc biệt là Writing là khá thấp. Nếu học nghiêm túc, hãy học đều, đừng học lệch. Hãy đầu tư cho Speaking và Writing từ sớm.
Để đánh giá con giỏi Tiếng Anh thật hay không, mình kiên định: Không cho con học IELTS, mà chỉ học Tiếng Anh, khi nào muốn thi IELTS thì dành vài tuần, cao lắm là 1-2 tháng để làm các đề thi cho quen. Mình không bỏ năm này qua năm khác để cho con học IELTS, IELTS không phải 1 môn ngoại ngữ; nó chỉ là 1 kỳ thi.
Ngoài IELTS, mình cũng nên cho con thi tất cả các chứng chỉ khác, nếu có thể, (Toefl, Cambridge, Pearson), cùng với cách thức tương tự: Chỉ cho con làm các dạng đề cho quen rồi đi thi. Nếu bé thật sự giỏi Tiếng Anh, con sẽ có kết quả tốt ở các kỳ thi khác nhau. Hơn thế nữa, cho bé tham gia các kỳ thi bằng Tiếng Anh: Toán, Khoa học, Lịch sử, Văn,… để con có sân chơi rộng hơn, phong phú hơn, đồng thời giúp con giỏi toàn diện hơn.
Phạm Hương – Thạc sĩ ngành Marketing Quốc tế
Mình không bỏ năm này qua năm khác để cho con học IELTS, IELTS không phải 1 môn ngoại ngữ; nó chỉ là 1 kỳ thi.
Mình hoàn toàn đồng ý với thầy Hiếu về bài viết, thầy hoàn toàn đúng khi đưa ra các yêu cầu năng lực sâu sắc, mang tính nền tảng đối với các con. Nhưng với kinh nghiệm đi làm hơn 20 năm ở công ty nước ngoài, mình xin nói rõ hơn: Giỏi chuyên môn, giỏi năng lực là rất quan trọng. Nhưng không thể không giỏi Tiếng Anh. Chỉ giỏi chuyên môn, mà Tiếng Anh còn yếu, thì khó mà sinh tồn với tốc độ phát triển chóng mặt của thế giới.
1. Tiếng Anh không còn là 1 kỹ năng ngôn ngữ mà đã trở thành kỹ năng sinh tồn
Cách đây mười mấy năm, khi mình đọc 1 loạt sách của tác giả nổi tiếng Thomas Friedman: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây oliu,… mình đã cực kỳ ấn tượng. Các công ty của Mỹ, để cắt giảm tiền lương, họ đã chuyển toàn bộ bộ phận After-Sales Service (trả lời các thắc mắc, khiếu nại, bảo hành…) đến Ấn Độ.
Thời đó, digital bắt đầu phát triển và chi phí điện thoại internet rất rẻ đã giúp cho việc tuyển dụng hàng trăm nhân viên ở một đất nước xa xôi, phục vụ cho khách hàng tại Mỹ trở nên dễ dàng hơn (dù dân Ấn Độ nói Tiếng Anh khó nghe muốn chết), giúp các công ty Mỹ cắt giảm bao nhiêu là chi phí.
Lúc đó, mình đã nhận ra 1 điều quan trọng cốt lõi: Với sự phát triển của internet, thế giới sẽ phẳng hơn, đồng nghĩa với cạnh tranh hơn, và Tiếng Anh sẽ trở thành kỹ năng quan trọng nhất, giúp chúng ta sinh tồn trong 1 môi trường cạnh tranh toàn cầu đó.
Nếu Tiếng Anh không tốt thì dù có tốt nghiệp đến Tiến sĩ cũng bó tay. Mình có biết qua 1 trường hợp: 1 bạn gái qua Úc du học; bạn học đến Tiến sĩ Luật. Sau khi tốt nghiệp, bạn may mắn tìm gặp được ý trung nhân, rồi kết hôn và được định cư lại Úc.
Video đang HOT
Chị Phạm Hương có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty nước ngoài.
Điều đau khổ là dù bạn tốt nghiệp Tiến sĩ, nhưng Tiếng Anh của bạn không đạt yêu cầu để được cấp chứng chỉ hành nghề. Bạn không đạt IELTS 8.0 (cho cả 4 kỹ năng). Không có giải pháp nào khác, ngoài việc bạn phải học lại Tiếng Anh cho đến khi cả 4 kỹ năng đều đạt 8.0. (Để đạt writing 8.0 là điều khá khó khăn. Cho dù là dân bản xứ, nếu không phải giỏi viết lách thì khó mà đạt 8.0; kể cả chúng ta cũng vậy, dễ gì mà được điểm 8 môn văn).
Một cô bạn cũ của mình cũng tương tự. Qua Mỹ theo dạng kết hôn, bạn học Y tá. Tốt nghiệp xong, nhưng vì Tiếng Anh không tốt nên khi bệnh nhân gọi điện booking khám bệnh, bạn ấy nghe không hiểu bệnh nhân nói gì. Phòng khám sa thải. Bạn gần như trầm cảm khi không xin được việc. Vì vậy, học Tiếng Anh phải đủ giỏi, không chỉ đủ để theo kịp các kiến thức trong trường ĐH, mà còn phải giỏi đủ để thành công trong công việc.
Phạm Hương – Thạc sĩ ngành Marketing Quốc tế
Với sự phát triển của internet, thế giới sẽ phẳng hơn, đồng nghĩa với cạnh tranh hơn, và Tiếng Anh sẽ trở thành kỹ năng quan trọng nhất, giúp chúng ta sinh tồn trong 1 môi trường cạnh tranh toàn cầu đó.
Một bạn nhân viên cũ của mình, là dược sĩ, từng là Product Manager ở tập đoàn dược hàng đầu. Bạn cũng định cư ở Mỹ và qua đó học lại bằng cấp dược sĩ. Sức học của dân Việt Nam thì rất giỏi, nhưng mà điều khốn khổ nhất cũng là không hiểu bệnh nhân khi bạn thực tập (dược sĩ làm ở bệnh viện cũng cần tương tác với bệnh nhân). Học dược sĩ ở Mỹ mất ít nhất 6 năm (chương trình fast-track) chưa kể thực tập, mà không tìm được việc làm thì cuộc sống khó khăn đến chừng nào.
Cho nên, học giỏi chuyên môn đến mức nào mà Tiếng Anh không giỏi, thì cũng khó mà trụ được với đời.
2. Leo lên vị trí càng cao, Tiếng Anh càng quan trọng
Mình có 1 bạn hàng xóm cũ, là dược sĩ, vị trí của bạn lúc đó là Manager, mình nhớ là bạn làm cho hãng dược của Pháp. Khi mình rủ bạn ấy cho con trai bạn học Tiếng Anh chung với con gái mình, bạn ấy đã bĩu môi nói “Tiếng Anh cần gì phải học cho sớm. Tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ giao tiếp thôi mà. Như em này, chỉ cần Tiếng Anh đủ nói, đủ nghe là ngon rồi”.
Bây giờ, bạn vẫn ở vị trí Manager, 8 năm không được thăng tiến. Và công việc chính của bạn vẫn là quản lý 1 team trình dược viên, suốt ngày ở bệnh viện để giới thiệu thuốc cho bác sĩ (một hình thức của sales). Đối với bạn, như vậy là ổn. Nhưng mình thấy tiếc cho tầm nhìn của bạn.
Mình dù không phải là Bác sĩ, dược sĩ. Nhưng khi mình vào làm việc trong các công ty dược nước ngoài, mình vẫn có các nhân viên là dược sĩ, bác sĩ. Các dược sĩ, nếu không có trình độ Tiếng Anh tốt, thì chỉ xoay quanh việc làm Trình dược viên; hoặc chỉ lên đến vị trí quản lý cấp trung (Manager). Tập đoàn hoặc công ty nước ngoài càng lớn thì Tiếng Anh càng quan trọng. Muốn lên vị trí National Manager hoặc Director, thì không thể thiếu Tiếng Anh.
Các cấp độ thăng tiến trong sự nghiệp:
- Nhân viên: giỏi chuyên môn
- Sếp cấp trung: giỏi quản lý
- Sếp cao cấp: giỏi lãnh đạo (và cả nói giỏi)
Công ty cũ của mình là 1 trong 2 tập đoàn phân phối lớn nhất Châu Âu. Ngoài các sếp nước ngoài, thì đứng đầu team người Việt là 2 nữ tướng: 1 người là dược sĩ; 1 người là cử nhân ngôn ngữ. 2 người ngang tài ngang sức. Cuối cùng, người được cất nhắc để trở thành vị trí Regional Director (coi sóc cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) là cô cử nhân ngôn ngữ Anh.
Thực tế là ở vị trí đỉnh cao thì nhiệm vụ chuyên môn không còn quan trọng nữa (mấy chuyện đó đã có level của tụi mình làm rồi). Nhưng nhiệm vụ chính trị mới là điều tiên quyết. Nói ngắn gọn, muốn làm sếp, bạn cần phải nói giỏi hơn là làm giỏi. Lúc đó, 1 người Tiếng Anh giỏi xuất sắc thì sẽ có ưu thế hơn 1 người giỏi chuyên môn xuất sắc. Dĩ nhiên, đã lên đến vị trí cao thì ai cũng giỏi, nhưng lúc này, giỏi Tiếng Anh hơn thì có lợi thế hơn.
Chị Phạm Hương – Thạc sĩ ngành Marketing Quốc tế
“Đừng học giỏi kiến thức trước rồi mới lo học Tiếng Anh, lúc đó đã muộn. Vì học Tiếng Anh là phải thẩm thấu cả một nền văn hóa, không thể học nhồi.”
Càng về sau, mình càng thấy nhiều trường hợp các bạn trẻ hơn mình, có điều kiện du học và giỏi Tiếng Anh. Vậy nên các bạn được thăng tiến rất nhanh, ngồi ở vị trí cao, ở cty rất lớn, khi tuổi đời còn rất trẻ. Mình đã từng làm việc với nhiều bạn trẻ người Việt – hiện đang là Manager, làm việc cho Google và Facebook, tại văn phòng ở Singapore.
(Google và Facebook không có văn phòng chính thức ở Việt Nam. Tuy nhiên, văn phòng ở Singapore vẫn có các bạn người Việt, chuyên phụ trách cho các khách hàng lớn ở Việt Nam).
Nói tóm lại, nếu bạn nghĩ là kiến thức chuyên môn quan trọng hơn, thì bạn sẽ mãi mãi là 1 nhân viên hoặc 1 quản lý cấp trung làm tốt chuyên môn. Nếu bạn vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi Tiếng Anh, bạn hoàn toàn có thể leo lên vị trí “chỉ dưới 1 người nhưng trên vạn người”.
Tóm lại, mình mong các bố mẹ thức tỉnh những điều sau:
Tiếng Anh không còn là 1 công cụ, Tiếng Anh giờ đã là kỹ năng sinh tồn
IELTS cao chưa chắc giỏi Tiếng Anh thật, nhưng IELTS thấp thì chắc chắn là không giỏi.
Điểm IELTS 8.0 là giỏi, nhưng cần học cho đến khi cả 4 kỹ năng đều được 8.0 thì mới đủ giỏi.
Đừng học IELTS, mà hãy học Tiếng Anh. Rồi thì tất cả các cuộc thi Tiếng Anh để cọ sát, để biết chắc rằng con mình có giỏi thật hay không
Đừng học giỏi kiến thức trước rồi mới lo học Tiếng Anh, lúc đó đã muộn (vì học Tiếng Anh là phải thẩm thấu cả một nền văn hóa, không thể học nhồi).
Hãy học giỏi Tiếng Anh trước đã. Rồi dùng Tiếng Anh để học giỏi bất cứ kiến thức nào. Hãy dùng Tiếng Anh như một chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa. Đó chính là chiến lược.
Mẹ có con được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương tiết lộ 6 sai lầm khi cho con học tiếng Anh, cha mẹ vừa đốt tiền vừa lãng phí thời gian
"6 sai lầm trong quan điểm cho con học tiếng Anh khiến chúng ta vô tình "đốt tiền" đều đặn, lãng phí thời gian, công sức "xe ôm" mà kết quả có khi là trái chưa ngọt, thậm chí rất đắng".
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải là tác giả cuốn sách Cùng con bước qua các kỳ thi. Chị có con từng học chuyên Anh, trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội và mới đây được tuyển thẳng vào trường Đại học Ngoại thương.
Từ lâu chị Hải đã trăn trở với việc làm sao để con học tiếng Anh hiệu quả nhất. Và sau thời gian tìm hiểu, "ngó nghiêng", chị đã chỉ ra những sai lầm trong quan điểm cho con học tiếng Anh của các bậc cha mẹ hiện nay.
Chúng tôi xin chia sẻ nguyên văn bài viết của chị như sau:
"Tiếng Anh càng ngày càng trở thành vấn đề quan tâm của mọi nhà , của mọi phụ huynh ở khắp nơi, từ nông thôn, đến thành thị. Đặc biệt, một số trường tốt, trường điểm thuộc các thành phố lớn thì bất cứ kì thi nào từ khi con mới bước chân vào lớp 1 cho đến đại học đều có môn thi tiếng Anh. Trăn trở là vậy nhưng không phải cha mẹ nào cũng định hướng tốt cho con.
Với tư cách một phụ huynh thường trăn trở với việc học tiếng Anh của con cộng với "ngó nghiêng" tình hình học tiếng Anh của "con nhà người ta", tôi xin đưa ra 6 sai lầm trong quan điểm cho con học tiếng Anh khiến chúng ta vô tình "đốt tiền" đều đặn, lãng phí thời gian, công sức "xe ôm" mà kết quả có khi là trái chưa ngọt, thậm chí rất đắng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải có con học chuyên Anh, trường THPT Nguyễn Huệ và mới đây được tuyển thẳng vào trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Trong năm học mới này, dự kiến, môn tiếng Anh còn là một môn học có vai trò xét điểm trung bình để tính học sinh giỏi. Thay vì trước đây chỉ tính 1 trong 2 môn Văn, Toán phải trên 8,0 thì giờ có thể tính thêm môn tiếng Anh. Và thi vào lớp 10, có thể không nhân đôi Văn, Toán nữa mà tính điểm 3 môn Toán, Văn, Anh như nhau.
Nhiều phụ huynh biết tin, cảm thấy rất lo lắng vì môn tiếng Anh của con nhưng trong số đó, không ít phụ huynh đã sốt ruột và đã đi sai đường trong hành trình cho con học tiếng Anh.
Phụ huynh đọc và ngẫm xem liệu mình mắc sai lầm nào trong hành trình cùng con học tiếng Anh không nhé.
Sai lầm 1: Con học tiếng Anh càng sớm càng tốt
Như tôi đã phân tích ở trên, do "xã hội đưa đẩy" mà tiếng Anh ngày càng được coi trọng, không những thế, nó khiến nhiều phụ huynh quan trọng hóa vấn đề. Nghĩa là lúc nào cũng canh cánh việc cho con học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Đành rằng theo khoa học, thì trẻ con ở độ tuổi phát triển tư duy, tuổi "bắt chước" thì tư duy ngôn ngữ cũng phát triển. Nhưng điều đó không có nghĩa là bắt con học ngay tiếng Anh bằng mọi giá.
N hiều trường mầm non đánh trúng tâm lý phụ huynh, tổ chức dạy tiếng Anh từ rất sớm, thậm chí từ 2, 3 tuổi nhưng là kiểu dạy và học theo phong trào, không chú trọng phương pháp dạy sớm cho trẻ như thế nào cho phù hợp.
Nhiều nơi cũng mời giáo viên nước ngoài, nhưng không đạt chuẩn trong khi các con còn quá bé để tiếp thu tiếng Anh, thế là "học vẹt" cũng chẳng xong, phát âm sai, học hành "không đầu không đuôi". Bố mẹ thì nghĩ đơn giản, thôi thì đằng nào cũng cho con đi học mẫu giáo, cứ nộp tiền, cô cho học tiếng Anh càng sớm càng tốt.
Thế nên, thật bi hài là nhiều con tiếng Việt chưa sõi, chưa hiểu, mà đã được học tiếng Anh, ngọng líu ngọng lô, nhiều khi vì cô ngọng, con ngọng theo: "Hê nô"(hello), "lâu, ăm lót" (No, I'm not) là chuyện vẫn diễn ra ở một số lớp học tiếng Anh trẻ con.
Khi con nói sai, nói ngọng, bố mẹ lại cười xòa, nghĩ còn nhỏ, thì ngọng là chuyện thường, học càng sớm càng tốt mà. Nhưng kỳ thực, điều đó thật tai hại, nhiều cái sai ngấm từ bé, rất khó sửa, trong học ngoại ngữ, kể cả tiếng Anh, điều đó không tốt chút nào. Cá biệt có trẻ học tiếng Anh sớm còn bị chứng loạn ngôn ngữ, lúc đó bố mẹ tá hỏa cho đi chữa trị, thật đáng tiếc.
Tất nhiên, cũng có một số con nhỏ, mới 3 đến 4 tuổi đã bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ, đâu nhớ đó, nói chuẩn, gặp Tây, "nói như gió", nhưng đa số trẻ bình thường, như con tôi hay con các bạn thì phù hợp nhất cho con học tiếng Anh lúc 3,4,5 tuổi là cho con thi thoảng xem hoạt hình tiếng Anh, xem video các bài hát tiếng Anh, nếu con hứng thú, thì cho xem tranh ảnh đồ vật, cây cối, con vật bằng tiếng Anh và phát âm chuẩn...
Khi con đến 6 tuổi, nhớ hết mặt chữ cái, thậm chí học hết lớp 1, tiếng Việt thành thạo mà tôi thường nói đùa là đã thành công "xóa nạn mù chữ" thì nên cho con học tiếng Anh một cách bài bản, như vậy cũng không muộn. Lựa chọn cho con học tiếng Anh sau khi biết chữ, đọc thông, viết thạo là phương pháp phù hợp với nhiều trẻ nhỏ.
Sai lầm 2: Tâm lý a dua, học cho vui, học cho biết
Trái với tâm lý các phụ huynh cho con học tiếng Anh "càng sớm càng tốt" là các bố mẹ cho con học muộn hơn nhưng với tâm lý "học cho biết, cho vui". Cấp 1 thì quan trọng nhất Toán, tiếng Việt thôi mà. Và thế là quá trình "học cho vui" được bố mẹ cứ tiện đâu, cho con học đó, không tìm hiểu xem chương trình gì, như thế nào.
Nhiều bố mẹ dễ dãi, tìm một lớp tiếng Anh cho con, rồi nói "trăm sự nhờ cô" thế là xong. Nhưng sự thật, học tiếng Anh cũng như học bất cứ môn gì, chỉ một số yếu tố "nhờ cô" thôi, còn lại "trăm sự" phụ thuộc vào bố mẹ, vào chính con bạn. Nếu con không học, bố mẹ không quan tâm, phó mặc cho cô thì "trăm cô" cũng chẳng giúp cho con bạn tiến bộ được.
Thế nên, với từng đứa trẻ, việc lựa chọn chương trình học, lớp học, giáo viên dạy học luôn là điều cực kỳ quan trọng. Khi con bắt đầu học tếng Anh, từ lớp 1, 2, bạn hãy giành thời gian và nghiêm túc tìm hiểu để lựa chọn cho con thật phù hợp. Học là học, không thể "học cho vui". Vui thì cho con đi công viên, dã ngoại, hát hò, chứ học tiếng Anh nên đúng là học tiếng Anh, nghiêm túc từ lúc bắt đầu abc bảng chữ cái. Mất thời gian một chút, nhưng bù lại, sau đó, bạn thực sự yên tâm "trăm sự nhờ cô, trăm sự nhờ trung tâm Tiếng Anh" và chắc chắn con sẽ học tiến bộ từng ngày.
Sai lầm 3: Cấp 1 thì cần gì phải học ngữ pháp
Rất nhiều bố mẹ cho các con học tiếng Anh từ nhỏ, ngoài tâm lý "học cho vui" còn có một tâm lý khá phổ biến "Cấp 1 thì cần gì phải học ngữ pháp?". Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không bàn đến môi trường các trường quốc tế tại Việt Nam, khi các con hàng ngày 100% sử dụng tiếng Anh trong học chính khóa và tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp bắt buộc ở lớp, ở trường. Tôi chỉ bàn đến đối tượng các học sinh tiểu học thuộc hệ thống trường công, trường tư thục trong nước.
Có một điều mâu thuẫn, bố mẹ muốn con mình học tiếng Anh từ cấp 1 là cho vui, học nói, giao tiếp là chính thôi, ngữ pháp không quan trọng. Nhưng, bất cứ kì thi chuyển cấp nào như kì thi vào lớp 6 chẳng hạn, muốn vào các lớp chọn, trường điểm nào ở Hà Nội, TP.HCM hay nhiều tỉnh thành trong cả nước, thì hầu hết các trường cho thi bài thi viết, kiểm tra ngữ pháp là chủ yếu.
Vậy nếu không học ngữ pháp bài bản từ đầu, nắm vững kiến thức cơ bản với một lượng từ vựng nhất định, thì các con lấy đâu ra "vốn" để làm các bài thi. Việc xem nhẹ không chú trọng học ngữ pháp tiếng Anh làm cho quá trình học tiếng Anh mất nhiều thời gian hơn rất nhiều và là nguyên nhân khiến con bạn sẽ luôn bị điểm kém trong quá trình học tập suốt các năm THCS. Có người ví von, học tiếng Anh nếu như xây một căn nhà, thì ngữ pháp tiếng Anh chính là nền móng và bộ khung nhà.
Trước tiên, phải có một móng và khung chắc, vững, thì nhà mới chắc chắn để xây cao dần. Ngược lại, móng làm ẩu, thì cứ xây là đổ, lấy đâu ra mà xây cao mãi cho được.
Việc học ngữ pháp của con, nếu chú trọng từ đầu, các con sẽ được học dần, từ đơn giản, đến phức tạp, cứ lặp đi lặp lại, sẽ thành thói quen sử dụng đúng ngữ pháp, điều đó giúp con học một thời gian, có "vốn" ngữ pháp nhất định sẽ bứt phá rất nhanh.
Sai lầm 4: Xem nhẹ chương trình SGK phổ thông
Điều hết sức sai lầm là bố mẹ cho rằng, học tiếng Anh ở lớp thì không quan trọng, giáo trình, sách vở có vẻ "lạc hậu" và tâm lý đó ngấm sang con. Do nhiều nguyên nhân, rất nhiều học sinh cấp một và cấp hai đã xem nhẹ tiếng Anh trong chương trình phổ thông.
Năm 2018, Tiếng Anh là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12. Nội dung chương trình này được xây dựng với mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ...
Nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, nội dung văn hóa được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết chứ không chỉ chú trọng kỹ năng viết như trước. Nếu con bạn học nghiêm túc chương trình tiếng Anh trên lớp, thuộc trên 80% từ vựng và ngữ pháp trong các tiết học thì sau mỗi năm học, kiến thức tiếng Anh thực sự đạt đến trình độ nhất định rồi.
Một điều dễ nhận thấy, nếu các con cứ hôm nào trên lớp có môn tiếng Anh, về nhà học thuộc lòng từ mới, mẫu câu, ngữ pháp thì chắc chắn kiến thức con sẽ rất vững và điểm kiểm tra sẽ luôn từ 7, 8 điểm trở lên. Còn nếu con bạn luôn đạt 9, 10 các bài kiểm tra trên lớp thì có thể yên tâm là trình độ tiếng Anh của con rất ổn để có thể đầu tư thi các kì thi học sinh giỏi hay thi vào chuyên Anh cấp 3.
Sai lầm 5: Cứ cho con ra các trung tâm tiếng Anh nổi tiếng là được
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều phụ huynh cho rằng, học tiếng Anh trên lớp chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", cứ phải ra các trung tâm tiếng Anh mới hy vọng con học giỏi, mà càng trung tâm nổi tiếng, càng tốt. Đúng là các trung tâm lớn, có kinh nghiệm thì con bạn có cơ hội được học giáo viên tốt và chương trình hay.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, kinh doanh tiếng Anh đang là một ngành kinh doanh béo bở, các trung tâm mọc ra như nấm với nhiều chiêu PR rầm rộ, thu hút học sinh ngày càng nhiều. Nếu bạn không có một sự lựa chọn cẩn thận, không xem xét kỹ chương trình học và chọn lựa không phù hợp với trình độ của con thì mọi chuyện sẽ là "xôi hỏng bỏng không".
Nhiều bố mẹ cho con theo học các trung tâm rất có tiếng với số tiền không nhỏ cả một thời gian dài nhưng kết quả không đạt mục tiêu khi thi chuyển cấp cũng như lấy chứng chỉ tiếng Anh trong nước và quốc tế. Điều đó do bạn chọn sai trung tâm tiếng Anh, trung tâm có thể nổi tiếng nhưng lại không phù hợp cho con bạn.
Thực tế, nhiều gia đình cho con học tiếng Anh "cam kết đầu ra" ở trung tâm lớn tại Hà Nội hay TP.HCM nhưng sau những khóa học kéo dài cả năm trời với số tiền hàng chục triệu đồng thì trình độ tiếng Anh của con vẫn không đạt yêu cầu các kỳ thi trong nước và thi lấy chứng chỉ Ielts, Toefl.
Sai lầm 6: Cứ chọn cô giáo nổi tiếng với bề dày nhiều học sinh giỏi là được
Hiện nay, các bố mẹ quá quan tâm đến việc học tiếng Anh của con nên tìm mọi kênh để tham khảo thông tin thầy cô. Nhiều mẹ dù ban đầu tự nhận mình là "mù" công nghệ, ngại tiếp xúc mạng xã hội nhưng vì học hành của con mà vẫn phải mở tài khoản facebook, zalo... để tham gia các nhóm, hội, nhằm học hỏi kinh nghiệm cho con học tiếng Anh. Điều đó có mặt tích cực là bạn sẽ được các phụ huynh khác chia sẻ về thầy cô giáo, về trung tâm, về cách dạy và học tiếng Anh hiệu quả cho con.
Thế nhưng, mặt trái của việc "hóng" thành tích học tập tiếng Anh của con cái mọi nhà, bạn mắc căn bệnh khó chữa là hội chứng "con nhà người ta" và bạn cho rằng, cứ chọn cô giáo nổi tiếng với hàng loạt học sinh giỏi từng học "con nhà người ta" là con bạn sẽ học giỏi tiếng Anh như thế. Mọi người cứ thấy phụ huynh nào đăng tin con vừa được giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh, được giải thi trên mạng, được Ielts 7.0 hay 8.0 là bạn lại cuống cuồng inbox hỏi thông tin: "Con anh, (chị) học tếng Anh cô nào, ở đâu đấy, trung tâm nào đấy, cho em điện thoại, em liên lạc ngay".
Nói là làm, bạn điện thoại ngay cô giáo nổi tiếng, xin bằng mọi cách, tìm mọi quan hệ để con được học cô giáo nổi tiếng. Cũng cô giáo đó có thể có thành tích dạy rất nhiều con đỗ chuyên Anh Ams, chuyên Nguyễn Huệ, CNN.. nhưng con bạn cũng học cô, sao trình độ mãi chả thấy lên? Bởi vì, đa số các giáo viên nổi tiếng, họ có một lượng "fans" hùng hậu là các học sinh có tố chất lại còn cực chăm học, nghĩa là đội 'siêu nhân", học ngày đêm, cày một ngày 100 từ mới lẫn mẫu câu vẫn vui vẻ "hết ngày dài lại đêm thâu". Trong khi con bạn tốt chất không bằng lại không chăm học, càng không đam mê học tiếng Anh.
Mọi người thường nói đùa, các học sinh đó thì "vứt" ở đâu chẳng giỏi, vì giỏi là bản chất và chăm là bẩm sinh thì học đâu chả đỗ, thi đâu chẳng đạt. Chính bản thân tôi, đã từng cho con đến test đầu vào một cô giáo nổi tiếng, con được xếp lớp giỏi nhưng sau 6 tháng thấy con không hứng thú, không chăm học nên đã cho dừng. Và quyết định dừng học lớp cô nổi tiếng đó đến giờ vẫn là quyết định đúng nhất của tôi. Vì sau đó, tôi tìm được cho con một lớp học phù hợp hơn, không "toàn siêu nhân" ngày học cả trăm từ mới mà vẫn có thể đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.
Bé gái 8 tuổi mắc chứng bệnh hiếm gặp, có 7 vết sẹo nằm mãi trong não nhưng lại vô cùng kiên cường và nói tiếng Anh rất đỉnh, tất cả nhờ cách dạy của mẹ Dù phải theo dõi sức khỏe cả đời và đặc biệt là không được tham gia những môn thể thao mạnh nhưng ở Hạt Đậu luôn có sự kiên cường chiến đấu với bệnh tật và đặc biệt là tinh thần ham học đáng ngưỡng mộ. Chị Đặng Thùy Linh hiện đang sinh sống tại Hà Nội và là một bà mẹ 3...