Quán cơm ’sà bì chưởng’ hơn 4 thập kỷ ở Sài Gòn
45 năm qua, hàng cơm nhỏ ở quận 4 bắt đầu đón khách từ 11h và luôn tấp nập cho đến 1h sáng hôm sau.
Quán cơm tấm ’ sà bì chưởng’ hơn 4 thập kỷ ở Sài Gòn
Cơm tấm Mai nằm trên đường Đoàn Văn Bơ, con đường nhỏ lúc nào cũng đông xe qua lại. Anh Nguyễn Hoàng Phương, chủ quán, cho biết quán mở cách đây 45 năm, khi vợ anh vẫn còn nhỏ và theo thân sinh phụ bán. “Chúng tôi đặt tên quán cơm theo tên vợ kể từ khi có không gian khang trang hơn. Từ đó tới nay chưa lần nào dời chỗ”, anh Phương cho hay.
Đĩa cơm tấm của quán ăn ở quận 4. “Sà bì chưởng” là cách nói vui khi nhắc đến cơm tấm sườn bì chả. Ảnh: Di Vỹ.
Mỗi ngày, vợ cùng con gái anh Phương sẽ đi chợ sớm để chọn mua những nguyên liệu tươi ngon nhất. Đến khoảng 7h, gia đình cùng sơ chế và nấu nướng để kịp phục vụ cơm trưa. 11h trưa ở Sài Gòn, nắng chói chang, xe thực khách đến ăn cơm đỗ chật kín trước cửa quán, nhiều người đứng đợi mua về thay vì ngồi lại vì không còn chỗ.
Địa chỉ này không thuê người ngoài, toàn bộ nhân viên là người thân trong gia đình. Anh Phương tâm sự đã nhiều lần từ chối các dịch vụ đặt đồ ăn online: “Gia đình cũng muốn phát triển hơn nữa nhưng nếu nhận phục vụ thêm khách đặt đồ ăn qua ứng dụng thì sẽ không còn đủ thời gian để chăm sóc chu đáo những khách tới quán”.
Video đang HOT
Chị Ngọc Châu, con gái chủ quán tất bật bán cơm cho khách mua mang về. Ảnh: Di Vỹ.
45 năm qua, quán vẫn duy trì món cơm tấm ăn cùng sườn, bì, chả như một “đặc sản” níu chân thực khách. Phần lớn các món ăn đều do chính tay chị Mai – vợ anh Phương nấu. Quen tay và có nhiều kinh nghiệm từ khi còn nhỏ, bà chủ khéo léo thêm thắt từng loại gia vị để cho ra vị ngon của từng loại đồ ăn.
Thịt nướng dậy mùi thơm phức, ăn chung với miếng chả mềm, sợi bì dai dai quyện cùng vị mắm mặn vừa phải. Miếng sườn to bằng lòng bàn tay, được nêm nếm tròn vị. Sau khi nướng, thịt vẫn giữ được độ mềm, có mùi thơm nhưng hơi dai. Còn ổ chả béo được gia đình làm từ khuya, chín đều, mềm và vừa vị. Khi cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận được hỗn hợp trứng, thịt heo xay, bún tàu cắt nhỏ, nấm mèo cùng các loại gia vị đã hòa quyện. Chủ quán bật mí, để ra một ổ chả trứng ngon, “phải giữ nồi hấp trên bếp lửa riu riu”.
Ngoài ra, đĩa cơm tấm chuẩn không thể thiếu chút mỡ hành, đồ chua. Những thành phần đi kèm tưởng chừng không quan trọng nhưng cũng được quán chăm chút. Mỡ heo cắt nhỏ luộc sơ, để lên chảo thắng lửa vừa cho đến khi miếng mỡ giòn, mỡ nóng được trút vào chén có hành lá xắt nhỏ cùng xíu muối và đường.
Hơn chục năm qua, quán làm thêm nhiều loại đồ ăn như chả cá, gà chiên, lạp xưởng… để khách có thêm lựa chọn. Ảnh: Di Vỹ.
Ngoài thực đơn chính “sà bì chưởng”, bạn có thể thay đổi bằng trứng ốp la, chả cá, lạp xưởng hoặc gà chiên, xíu mại, canh khổ qua… Mỗi suất có giá trung bình 40.000 đồng. Quán có chỗ đậu xe ở trước hiên nhưng hơi nhỏ. Không gian cho khách ngồi ở một gian nhà kế bên, nhỏ hẹp nhưng sạch sẽ.
Theo Ivivu
Cơm tấm 'sà bì chưởng' chay ở Sài Gòn ngày bán trăm đĩa
Cơm tấm chay ở quán của nam diễn viên kịch Bảo Sơn có đủ các thành phần sườn, bì, chả... rưới nước mắm chay, mỡ hành không khác món mặn là bao.
Nằm trong khu lao động ở quận Phú Nhuận, TP HCM, quán cơm tấm chay của diễn viên kịch Bảo Sơn được nhiều người dân sống gần đó ghé ăn vì hương vị khá ổn mà giá bình dân. Đĩa cơm thập cẩm 35.000 đồng, đủ cho một người lớn ăn no nê. Anh chia sẻ với Ngoisao.net, mỗi ngày quán bán hơn 100 suất, đặc biệt vào rằm hay mồng một, đầu bếp phải chạy "bở hơi tai".
"Sà bì chưởng" là cách nói vui khi nhắc đến món cơm tấm gồm có sườn, bì và chả, một món đặc sản của người miền Nam nói chung. Tương tự cơm tấm mặn, đĩa cơm tấm "sà bì chưởng" chay chuẩn vẫn có đầy đủ sườn, bì và chả. Sườn làm từ mì căn chiên sơ qua một lần, sau đó tẩm sốt mật ong, dầu hào rồi áp chảo thêm lần nữa cho lớp vỏ bên ngoài giòn, thấm vị, đồng thời giúp miếng mì căn dai dai, giống như ăn sườn thật, trông khá hấp dẫn.
Để phần bì thêm độ chân thật, đầu bếp dùng bún tàu và khoai tây bào sợi chiên giòn. Còn bột gạo rang có màu nâu làm thính - thành phần không thể thiếu trong món bì. Mỗi sáng, phụ bếp bắt đầu trộn một khay hỗn hợp bì chay với thính bán cho cả ngày. Khi ăn, bì khô vừa phải, sợi bún hơi dai, thoảng chút mùi thơm của gạo rang và béo nhẹ của khoai tây.
Phần cơm tấm đầy đủ.
Chủ quán cho biết, công đoạn quan trọng nhất tạo nên điểm nhấn của đĩa cơm tấm chính là cách chế biến món chả. Trước tiên, đầu bếp tán nhuyễn đậu hũ ra, dùng ray lọc qua một lần để gán hết cặn, chỉ lấy phần nước sệt sệt. Nhân chả gồm nấm mèo, bún tàu và cà rốt băm nhuyễn, hòa chung với nước đậu hũ, nêm nếm thêm gia vị rồi cho vào khuôn mang đi hấp. Khi chả đông, đầu bếp rưới một lớp trứng gà công nghiệp lên trên cho màu vàng ươm rồi để qua đêm. Khi nào bán thì hấp lại bằng lò vi sóng.
Bên cạnh đó, nước mắm chay ở quán góp phần không nhỏ vào việc món ăn thành công hay không. Thông thường, người ta dùng đường, muối nấu chung nước sôi khi làm nước mắm chay. Và điểm khác biệt của nước mắm chay ở đây là nó có cả độ đạm do đầu bếp tự ủ từ các loại đậu theo công thức riêng, sau đó pha thêm chút chanh thành nước mắm chua ngọt vừa miệng, giúp món cơm đậm đà hơn. Cuối cùng, rưới thêm muỗng mỡ hành, đồ chua, dưa leo là chuẩn.
Khay chả sau khi hấp.
Với mức giá vừa phải nhưng muốn chất lượng món ăn không tệ thì buộc quán phải cân đối thu chi bằng cách lấy số lượng nhiều bù lời ít. Mỗi đĩa cơm lời không nhiều, bù lại lượng người ghé quán khá đông. Có những hôm, nam diễn viên phải tự mình tay xách nách mang đi giao đồ ăn cho kịp giờ cơm của khách. "Công việc tuy vất vả nhưng tôi lại cảm thấy hạnh phúc vì bản thân tôi cũng là một Phật tử, và mở quán chay chính là tâm nguyện của mình" - Bảo Sơn chia sẻ.
Theo Ngôi sao
Bún bò Huế ngon ở gần chợ Nguyễn Tri Phương Món ăn sáng phổ biến nhất ở Sài Gòn sau cơm tấm, hủ tiếu, phở, xôi, bánh mì... phải kể đến tô bún bò Huế nghi ngút khói. Thật đặc biệt cho một món "di cư" như bún bò Huế là người ta lại chấp nhận một thứ mắm khá nặng mùi và rất địa phương như mắm ruốc. Có hai dòng bún...