Quan chức Trung Quốc bị chỉ trích vì tai nạn tàu điện
Vụ tai nạn tàu điện ngầm tồi tệ nhất trong vòng 42 năm tại Thượng Hải, Trung Quốc hôm 27.9 làm dấy lên những quan ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thứ hai thế giới đã lơ là về an toàn để vội vàng phát triển.
Công tác cứu hộ sau vụ va chạm tàu hôm 27.9. Ảnh: Reuters.
Lo ngại về sự an toàn
Các quan chức vẫn đang điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn khiến 270 người bị thương, trong đó 20 người nguy kịch.
Video đang HOT
Cách đây 2 tháng, một vụ va chạm chết người giữa 2 đoàn tàu cao tốc ở Ôn Châu đã tạo nên một làn sóng chỉ trích về kế hoạch xây dựng đường sắt đầy tham vọng của Trung Quốc. Vụ tai nạn buộc chính phủ đình chỉ phê duyệt dự án đường sắt mới và tiến hành kiểm tra mức độ an toàn của các thiết bị hiện có.
Tờ báo bằng tiếng Anh Global Times của Trung Quốc kêu gọi các nhà quản lý của thành phố hãy “chậm bước” và bởi “tốc độ tăng trưởng không thể trả giá bằng sự an toàn của dân chúng”.
“Thảm kịch ở Ôn Châu và Thượng Hải nhắc nhở mọi người rằng Trung Quốc không thể chấp nhận thất bại”, bài báo viết. “Thượng Hải có vẻ ngoài của một thành phố phát triển, nhưng các tai nạn như vụ va chạm tàu điện ngầm này và hoả hoạn ở Thượng Hải cuối tháng 11.2010 (trong đó 53 người đã thiệt mạng) cho thấy rằng nó vẫn còn là một thành phố đang phát triển ở bên trong.”
Chính quyền Thượng Hải và một tổ chức điều tra đang xem xét lại vụ tai nạn do hệ thống tín hiệu của tuyến đường số 10 bị hỏng khiến nhân viên buộc phải điều khiển các chuyến tàu trực tiếp qua điện thoại.
Những lo ngại về vụ tai nạn đã đẩy cổ phiếu đường sắt Trung Quốc sụt giảm.
Kịch liệt chỉ trích
Trên các trang web mạng xã hội, nhiều người dân Trung Quốc đã chỉ trích sự mất an toàn lặp đi lặp lại.
Phần lớn sự giận dữ của công chúng tập trung vào Công ty liên doanh tín hiệu CASCO – đơn vị cung cấp các thiết bị tín hiệu liên quan tới vụ tai nạn tàu điện ngầm Thượng Hải.
CASCO là một liên doanh giữa Tập đoàn vận tải và năng lượng Alstom của Pháp và Tổng Công ty Truyền thông và Tín hiệu Đường sắt Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc cho hay hệ thống tín hiệu trong vụ tai nạn tàu cao tốc ở Ôn Châu cũng do chính liên doanh này cung cấp.
“Sức mạnh quyền lực và mối quan hệ nào đã giúp công ty này được làm cả tuyến đường sắt cao tốc và hệ thống tàu điện ngầm? “, nhà kinh tế Ma Guangyuan của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã viết trên tờ National Business Daily.
“Họ vẫn an toàn và nguyên vẹn sau khi các tai nạn lần lượt xảy ra. Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố khác vẫn ngày càng mở rộng.”
CASCO cung cấp các hệ thống tín hiệu cho ít nhất 6 đường tàu điện ngầm ở Thượng Hải cũng như đường sắt tốc độ cao.
Ông Dominique Pouliquen, Chủ tịch Alstom Trung Quốc, nói với hãng tin AFP rằng CASCO đang “tham gia vào cuộc điều tra” nhưng không đưa thêm bình luận nào.
Hôm 28.9, số lượng hành khách đi tuyến số 10 đã giảm xuống rõ rệt, theo Đài truyền hình Thượng Hải. Một phần của tuyến tàu này vẫn ngừng hoạt động để kiểm tra mức độ an toàn.
Theo Lao Động