Quan chức Trung Quốc “bầu-bán” ghế ra sao?
Sau khi vụ tham nhũng phiếu bầu quy mô lớn tại Liêu Ninh bị phanh phui, nhiều người tại Trung Quốc lo ngại rằng các vụ bê bối cỡ hàng triệu Nhân dân tệ có thể còn xảy ra ở nhiều nơi khác nữa.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nguồn tin cho hay, các chủ doanh nghiệp sẵn sàng chi từ hàng trăm cho tới hàng triệu Nhân dân tệ để chạy chỗ tại Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Liêu Ninh – tâm điểm của vụ bê bối gian lận phiếu bầu lớn chưa từng có tại Trung Quốc kể từ năm 1949 tới nay.
Bầu cử Đại biểu Quốc hội ở Trung Quốc không do các cử tri trực tiếp bỏ phiếu bầu các ứng cử viên, mà do các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu. Các ứng cử viên do các chính đảng, đoàn thể nhân dân giới thiệu.
Hai phương thức “chạy lá phiếu” phổ biến nhất trong các cuộc bầu cử tại HĐND là trao tiền mặt tận tay cho người bỏ phiếu, hoặc chi hàng chục triệu Nhân dân tệ cho các tay “cò chính trị” đầy quyền lực.
Các nguồn tin cho hay, nạn tham nhũng tràn lan tới mức các đại biểu khó lòng từ chối các khoản hối lộ.
Vụ bê bối làm dấy lên lo ngại rằng những hoạt động tương tự đang xảy ra ở nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc, trong khi nhiều HĐND địa phương đang chuẩn bị các cuộc bầu cử vào năm tới.
“Với hy vọng trúng một ghế trong cơ quan lập pháp, nhiều người có thể trao phong bao (thường có màu đỏ) cho những người bỏ phiếu, trong đó chứa từ 500 – 5.000 Nhân dân tệ, tại các bữa tiệc mà họ tổ chức” – một quan chức bậc trung ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, cho biết.
“Những người khác có thể còn chi đậm hơn thế với hy vọng nhận được “tin tốt”. Số tiền thậm chí lên tới hàng chục triệu Nhân dân tệ cho các tay môi giới, thường là những người có sức ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như quan chức đứng đầu HĐND” – nguồn tin giấu tên tại Thẩm Dương cho hay.
Video đang HOT
Nguồn tin này hiểu khá rõ vụ gian lận phiếu bầu tại Liêu Ninh cách đây 3 năm. Vụ bê bối đã khiến 45 trong số 102 Đại biểu Quốc hội và 454 trong số 612 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh bị bãi bỏ tư cách.
Theo nguồn tin này, các tay cò chính trị thường hoàn trả lại đầy đủ số tiền “chạy chức”, nếu như người mua ghế không trúng cử.
Tuy nhiên, một nhà báo kỳ cựu tại Liêu Ninh cho hay, một doanh nhân đã chỉ trích dữ dội sau khi ông này không được hoàn trả khoản tiền chạy chức sau thất bại năm 2013.
Nguồn tin giấu tên nói thêm, trong số 454 thành viên HĐND vừa bị bãi miễn nêu trên, có một vị nữ đại biểu từng nhận rất nhiều phong bao (đỏ), với tổng số tiền lên tới hơn 100.000 Nhân dân tệ tại một bữa tiệc trước kỳ bầu cử năm 2013. Tuy nhiên, vị đại biểu này trúng cử nhờ lao động chăm chỉ, chứ không phải đi hối lộ ai.
“Nữ đại biểu trẻ tuổi đó không khác gì một lao công cắt cỏ, không có của cải tiền bạc để mua ghế trong cơ quan lập pháp. Sau khi bị điều chuyển khỏi HĐND và hoàn trả lại số tiền đã nhận, cô ta vẫn làm việc như bình thường” – nguồn tin cho biết thêm.
Nguồn tin này còn nói thêm rằng việc nhận hối lộ trước kỳ bầu cử lập pháp đã thành một thông lệ tại Liêu Ninh.
“Nếu không nhận quà tặng – phong bì hoặc các món quà như trà, những món đồ quý giá – như những người khác, điều đó có nghĩa là anh đang phá vỡ luật bất thành văn tại đây” – nguồn tin này nói.
Điều tệ hại là, nhiều ứng cử viên thấy rằng họ chẳng còn cách nào khác là phải đi hối lộ, đơn giản vì các đối thủ của họ đã tìm mọi cách chạy chức chạy quyền trong những năm gần đây.
Một cựu thành viên HĐND tại Liêu Ninh nói, việc mua ghế từ lâu đã rất phổ biến trong các cuộc bầu cử địa phương.
“Ai cũng phải giải quyết &’nhiều vấn đề rắc rối’ trước khi giành được một ghế tại đại hội ĐBND” – ông này nói.
Theo Lê Thu
Vietnamnet
Lộ ảnh tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc
Hình ảnh công bố cho thấy tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện.
Tờ Yomiuri Shimbun vừa thu được một bức ảnh chụp lại tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc, đang trong quá trình hoàn thiện tại xưởng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Dự án đóng tàu trên cho thấy tham vọng trở thành một cường quốc biển của Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc chỉ mới có một tàu sâu bay trong tay là tàu Liêu Ninh, hiện phục vụ công tác huấn luyện.
Bức ảnh trên được chụp vào cuối tháng 9 năm nay, cho thấy toàn bộ kết cấu tàu nhìn từ xa. Ở phần boong trên, việc xây dựng đã hoàn thành trong khi một cấu trúc như cầu tàu đang được xây dựng ở phần mạn phải.
Con tàu có tổng cộng hơn tám tầng bên trong. Phần boong tàu dốc được dùng để phóng máy bay có thể được nhìn thấy ở mũi tàu. Cùng với đó, có các cần trục lớn xung quanh con tàu. Một nguồn thạo tin cho biết: "Tốc độ đóng tàu nhanh đến nỗi nó có thể được hạ thủy vào nửa đầu năm sau".
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh với tên gọi Liêu Ninh đã được đưa vào biên chế hồi năm 2012 sau khi Trung Quốc mua lại thân tàu cũ từ Ukraine và tiến hành tu sửa.
Hình ảnh tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc ở Đại Liên do tờ Yomiuri Shimbun công bố. Ảnh: Yomiuri Shimbun
Việc đóng tàu sân bay thứ hai ở cảng Đại Liên đã bắt đầu vào khoảng đầu năm 2015. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã xác nhận thông tin và cho biết con tàu có độ giãn nước 50.000 tấn. Tàu sân bay này sẽ chạy bằng các năng lượng truyền thống thay vì năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc được cho là có kế hoạch thành lập ba hạm đội tàu sân bay trước năm 2020. Các nguồn tin cho biết tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được đóng tại Thượng Hải. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận chính thức.
Yomiuri Shimbum dẫn một nguồn thạo tin cho hay: "Mục tiêu ban đầu của quân đội Trung Quốc là triển khai các tàu sân bay đến biển Đông và biển Hoa Đông". Tàu sân bay Liêu Ninh hiện neo đậu tại một cảng quân sự ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Trong khi đó, tàu sân bay đóng ở Đại Liên dự kiến sẽ được triển khai tới Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Tuy nhiên, tàu sân bay mới ở Đại Liên không có các máy phóng máy bay phục vụ cho máy bay hạng nặng. Trung Quốc vẫn phải đối mặt với các thách thức về công nghệ. Nước này sẽ phải mất nhiều năm để tự đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tương tự các tàu sân bay của Mỹ.
"Hiện Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm khoảng cách giữa nước này và Mỹ xét về năng lực triển khai tàu sân bay" - Yomiuri Shimbum dẫn nguồn thạo tin nói.
BẢO ANH
Theo PLO
Bản hợp đồng tình ái khiến quan Trung Quốc ngã ngựa Một quan chức Trung Quốc năm 2013 mất chức sau khi bản hợp đồng tình ái mà ông và bồ nhí ký bị công khai. Hợp đồng tình ái giữa Tao Yi và Fan. Ảnh: Telegraph Bản hợp đồng được viết trên một tờ giấy A4, vào tháng 3/2013, nêu 6 nguyên tắc cho cuộc tình vụng trộm giữa Tao Yi, quan chức...