Quan chức thi trượt, việc bình thường mà không nhỏ
Quan chức đi thi bị trượt là việc rất bình thường nhưng vì sao người dân lại quan tâm? Có gì không bình thường ở đây?
Báo chí đăng tin ở Hà Tĩnh, trong kỳ thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính có người bị trượt, trong đó có một số người đang ở cương vị quản lý như lãnh đạo huyện, sở, ngành…
Điều này không có gì mới cả. Có thi, thì có trượt. Trong các cuộc thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính hay thậm chí từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp cũng đã xảy ra việc như vậy ở nhiều nơi. Sẽ chỉ là bất thường nếu không có ai trượt.
Một việc không mới, một việc bình thường thì tại sao người dân lại quan tâm? Có gì không bình thường ở đây?
Thi tuyển công chức. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo thiển ý của người viết bài này, dường như là có. Chỉ xin nêu ở đây mấy khía cạnh nhỏ để chúng ta cùng nhau suy xét.
Video đang HOT
Một là, người thi trượt đang giữ chức vụ quản lý (không thuần túy chỉ là những công chức giữ ngạch chuyên viên). Lý giải cho việc này, Trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ Hà Tĩnh nói: “Cuộc thi này là để xác định cấp độ của chuyên viên, chứ không phải là cuộc thi để bổ nhiệm lãnh đạo” và “có nhiều yếu tố khiến cán bộ thi trượt, do công việc hết sức nặng nề, giai đoạn qua thêm việc sáp nhập chính quyền xã nên họ rất nhiều việc”. Phải chăng vì vậy mà các vị lãnh đạo không có thời gian học hành, ôn tập?
Ở đây xuất hiện những khía cạnh cần lưu tâm trong quản lý và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy vị chủ tịch huyện, vị lãnh đạo sở vừa đang giữ ngạch chuyên viên vừa giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo. Vậy tiêu chí đánh giá và cách thức đánh giá để nâng ngạch hay “nâng cấp” họ có là một không? Có gì cần phải quy định khác biệt giữa họ cho phù hợp hơn không?
Nếu vậy, đây không phải là một vấn đề nhỏ, cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu, tổng kết đề xuất để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, phúc đáp các đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.
Hai là, nếu vẫn xác định đây là một “tiêu chí kép”, một sự kết hợp giữa chế độ chức vụ (lãnh đạo) và chức nghiệp (công chức chuyên môn nghiệp vụ) thì phải rành mạch và làm rõ. Không nên và không được bổ nhiệm những người không đủ điều kiện giữ ngạch công chức vào các vị trí lãnh đạo đòi hỏi tối thiểu phải giữ ngạch đó.
Và nếu vậy, những người thi trượt, nghĩa là không đủ điều kiện giữ ngạch thì phải xem xét họ còn đủ điều kiện để giữ chức vụ đó không. Đây chính là sự nghiêm và minh của pháp luật. Có vậy mới góp phần tạo ra uy tín và lòng tin trong nhân dân đối với đội ngũ quản lý.
Ba là, có nên tạo điều kiện để các vị này thi lại ngay không, bằng cách “gửi đi thi lại” ở nơi khác? Cá nhân tôi cho rằng, tuyệt đối không nên làm.
Việc thi lại, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, không nên chỉ vì người trượt là lãnh đạo mà phải làm như vậy. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trước pháp luật của những vị này với những người trượt khác. Rõ ràng không ai tạo điều kiện cho những thí sinh khác thi lại cả và đương nhiên làm thế là trái pháp luật.
Nếu làm điều này thì uy tín của các vị này nói riêng và đội ngũ của chúng ta nói chung trong nhân dân sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, lòng tin của nhân dân không bao giờ được gây dựng, tạo lập và củng cố từ những việc như vậy.
Mai Anh Tùng
Theo vietnamnet
Siết quản lý văn bằng, chứng chỉ
Bộ GDĐT mới đây đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, có biện pháp hiệu quả khắc phục tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ và mua bán văn bằng, chứng chỉ.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại văn bản hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020 do Bộ ban hành.
Ảnh minh họa
Trên thực tế thời gian qua, tình trạng báo nháo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, văn bằng 2 là có thật. Âu cũng bởi xuất phát từ "cầu" dẫn tới "cung", nhiều người nhằm hoàn thiện việc làm đẹp hồ sơ cán bộ, hoặc để đối phó với yêu cầu của các nhà tuyển dụng khi xin việc hoặc thi tuyển công chức, viên chức...đã chọn các loại hình đào tạo học liên kết để lấy chứng chỉ, văn bằng nhanh. Song điều này cũng nảy sinh nhiều hệ lụy.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2018 có 2 đại học (ĐH) vùng, 50 trường ĐH, học viện báo cáo có hoạt động liên kết đào tạo hoặc đào tạo ngoài trụ sở chính mà không có hoặc không có đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; một số trường có nhiều lớp liên kết đào tạo, dù chưa được Bộ cấp phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ GDĐT đã phát hiện 8 cơ sở giáo dục ĐH chủ trì tổ chức liên kết đào tạo chưa đúng quy định. Ngoài các nguyên nhân đã được chỉ ra ở trên, theo phân tích của một số chuyên gia, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) không phân biệt văn bằng ĐH theo hình thức đào tạo cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu về văn bằng 2, bằng tốt nghiệp ĐH tại chức, liên thông... Trong bối cảnh vẫn còn chờ hướng dẫn thi hành Luật, nhiều cơ sở đào tạo đã lợi dụng việc quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo để làm ăn.
Sau những sai phạm mới đây nhất của Trường ĐH Đông Đô, nhằm tránh sự phân tán, nhiều đầu mối trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, ngày 20/9/2019, Bộ GDĐT đã ký quyết định chuyển giao nhiệm vụ cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì việc quản lý văn bằng, chứng chỉ từ trước tới nay. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định mẫu về văn bằng, chứng chỉ; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ và dán tem bảo hiểm chống giả vào các phôi văn bằng, chứng chỉ... Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu, xác minh văn bằng, chứng chỉ, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn trong đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ hiện nay đồng thời bảo đảm sự công bằng, lợi ích cho các cơ sở đào tạo, các học viên nghiêm túc. Hiện tại Bộ cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt đối với vi phạm liên quan đến văn bằng, chứng chỉ.
Tình trạng làm đẹp hồ sơ với tấm bằng tin học, ngoại ngữ được cấp một cách dễ dãi, không đúng năng lực thực sự đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Câu chuyện này cũng làm nóng nghị trường khi câu chuyện "chuẩn hóa" chức danh nghề nghiệp cho viên chức, công chức nói chung, trong đó có giáo viên đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo quy định để được chuẩn hóa viên chức, nhất là giáo viên, muốn được thăng hạng, đồng nghĩa với tăng bậc lương thì phải có nhiều điều kiện, như hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục và không thể thiếu 3 loại chứng chỉ: Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, tin học và ngoại ngữ.
Đa số các ý kiến cho rằng, quy định về chứng chỉ trong nâng ngạch, thăng hạng bị áp đặt rất rập khuôn, máy móc, khiến đội ngũ công chức, viên chức có những tâm tư, ức chế không đáng có. Do đó, đã đến lúc dẹp những chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, để dẹp vấn nạn học giả, chứng chỉ thật...
Vi Cầm
Theo daidoanket
Giáo viên tố cáo chủ tịch huyện vì "chống lưng" cho hiệu trưởng Một giáo viên đã gửi đơn tố cáo đích danh vị chủ tịch UBND huyện vì cho rằng đã bao che, chống lưng cho 1 hiệu trưởng sai phạm. Ngày 1-10, các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk phải thành lập 2 đoàn công tác xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại của 2 giáo viên tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân,...