Quan chức quốc phòng Mỹ “vạch trần” hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định Washington vẫn sẽ duy trì các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver (Ảnh: Wu Wei/NTD)
Theo Straitstimes, ông Randfall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, đang có chuyến thăm tới Malaysia. Ông Schriver đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cho biết đã có sự gia tăng về các hành vi kiểu như vậy từ phía Bắc Kinh.
“Những hành vi đó của Trung Quốc không chỉ nhắm mục tiêu tới các máy bay và các tàu của Mỹ, mà còn nhằm vào các quốc gia khác đang hoạt động hợp pháp trong khu vực”, ông Schriver nói.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng được hỏi về vụ việc xảy ra hôm 10/8 khi một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ bị quân đội Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu rời đi ngay lập tức trong lúc hoạt động trên Biển Đông.
“Đây là một phần trong cách hành xử (của Trung Quốc). Nó bắt đầu bằng việc đưa ra yêu sách chủ quyền (về đường chín đoạn), sau đó là quân sự hóa các thực thể và bây giờ chúng ta đang thấy những nỗ lực của họ nhằm hạn chế các nước hoạt động hợp pháp trên Biển Đông. Cách hành xử đó đã nói lên mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc, đó là không những không ủng hộ tự do đi lại, mà còn áp đặt quyền kiểm soát và cản trở khả năng duy trì hoạt động của chúng ta trong khu vực”, ông Schriver nói.
Cũng theo ông Schriver, Mỹ vẫn theo dõi sự tiến triển của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mà các nước ASEAN đang xây dựng và dành sự “quan tâm lớn” cho vấn đề này. Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông là nỗ lực chung của các nước ASEAN trong việc thiết lập trật tự và cách hành xử chuẩn mực tại vùng biển quốc tế này.
Video đang HOT
“Chúng tôi sẽ ủng hộ các quốc gia trong khu vực – những nước thực sự muốn nâng cao sự an toàn của các hoạt động trên Biển Đông”, ông Schriver nhấn mạnh, đồng thời cho biết Mỹ sẽ vẫn tiến hành các hoạt động ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trước đó, trang tin Washington Examiner ngày 7/8 dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randfall Schriver khẳng định sẽ có thêm nhiều nước cùng tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông với Mỹ. Theo ông Schriver, sự hiện diện của Mỹ và các nước trên Biển Đông là vô cùng quan trọng bởi Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp tại vùng biển này.
“Tôi nghĩ những gì các bạn thấy chắc chắn sẽ là việc tiếp tục tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải”, ông Schriver cho biết.
Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 6 tuyên bố sẽ cân nhắc về một chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải mạnh mẽ hơn tại các khu vực Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Chiến dịch này sẽ có sự tham gia của nhiều tàu chiến hơn với thời gian tuần tra dài hơn nhằm thách thức yêu sách của Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/8 đã ký thông qua dự luật chính sách quốc phòng 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn với Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Dantri/Straitstimes
Cảnh báo Trung Quốc, Philippines tuyên bố không cần xin phép khi đi qua Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 14/8 đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với Trung Quốc nhằm chỉ trích những yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 14/8 đã có bài phát biểu hiếm hoi chỉ trích công khai Trung Quốc tại một sự kiện có sự tham gia của đại sứ Mỹ, các doanh nhân và khách nước ngoài. Nhà lãnh đạo Philippines đã đưa ra cảnh báo cứng rắn tới Bắc Kinh bất chấp mối quan hệ gần gũi gần đây giữa hai quốc gia.
"Họ phải suy nghĩ lại về chuyện đó, vì một ngày nào đó nó có thể trở thành điểm nóng và thậm chí đe dọa tới các nước khác", Tổng thống Duterte nói về các động thái khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế những hành vi của họ. Tôi không muốn cãi nhau với Trung Quốc", ông Duterte phát biểu tại dinh tổng thống ở thủ đô Manila.
Theo nhà lãnh đạo Philippines, Trung Quốc không thể tự đưa ra yêu sách chủ quyền theo ý muốn của nước này tại vùng biển quốc tế như Biển Đông.
"Các vị không thể tự tạo ra một hòn đảo, một hòn đảo nhân tạo, và rồi các vị nói rằng vùng trời phía trên hòn đảo nhân tạo đó là của các vị. Điều đó là sai lầm vì chúng tôi coi đó là vùng biển quốc tế. Quyền đi lại không gây hại là quyền được đảm bảo. Không cần phải xin phép gì cả khi đi qua các vùng biển tự do", Tổng thống Duterte nhấn mạnh.
Phát biểu cứng rắn trên của ông Duterte được đưa ra sau khi BBC gần đây đưa tin về vụ "chạm trán" giữa máy bay quân sự của Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông. Phía Trung Quốc đã cảnh báo các phi công Philippines "phải rời đi ngay lập tức nếu không sẽ phải chịu mọi hậu quả". Phi công Philippines cũng nhìn thấy hai tín hiệu cảnh báo bằng pháo sáng do phía Trung Quốc phóng từ phía đảo trên Biển Đông.
Không chỉ Philippines, CNN tuần trước đưa tin Trung Quốc cũng 6 lần cảnh báo một máy bay trinh sát P-8A của Hải quân Mỹ khi máy bay này tiến gần một số đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Đáp lại, phía Mỹ tuyên bố vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Trong cuộc họp báo ngày 13/8, Tướng Carlito Galvez Jr., Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP), cho biết những cảnh báo qua radio của Trung Quốc đối với tàu và máy bay của Philippines trên Biển Đông là chuyện "thường ngày".
"Đó là chuyện xảy ra thường ngày và các phi công của chúng tôi chỉ đáp lại (phía Trung Quốc) rằng: Chúng tôi đang thực hiện các chuyến bay theo thẩm quyền và lãnh thổ của chúng tôi. Tôi nghĩ chúng ta phải hỏi người Trung Quốc rằng tại sao họ đưa ra những tuyên bố cứng rắn như vậy", ông Carlito nói.
Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cũng khẳng định những cảnh báo của Trung Quốc sẽ không ngăn Philippines tuần tra trên Biển Đông.
"Những lời cảnh báo đó không thể ngăn được chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay. Chúng tôi sẽ khẳng định chủ quyền. Và nếu cần thiết, các phi công Philippines sẽ hy sinh vì chủ quyền của chúng tôi", ông Roque cho biết.
Một báo cáo của chính phủ Philippines cho biết trong nửa cuối năm 2017, các máy bay quân sự của Philippines đã nhận được ít nhất 46 lần cảnh báo qua radio từ Trung Quốc khi các máy bay này tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Thành Đạt
Theo Dant/ri RT, Inquirer
Malaysia muốn hủy hàng loạt dự án tỷ đô với Trung Quốc Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, chính quyền của ông muốn hủy hàng loạt dự án kinh phí hàng tỷ USD với Trung Quốc để giảm gánh nặng nợ công. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (Ảnh: Bloomberg) Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 13/8 ngay trước chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, ông muốn duy trì...