Quan chức Nga nói xung đột ở Ukraine sẽ thường trực
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết cuộc xung đột của Nga với Ukraine sẽ kéo dài thường trực, trong bối cảnh Kiev muốn gia nhập NATO.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
Viết trên kênh Telegram ngày 16/6, ông Dmitry Medvedev đã đề cập đến tuyên bố của Tổng thư ký khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về việc loại trừ khả năng Ukraine gia nhập khi chưa chấm dứt xung đột, song nhấn mạnh cánh cửa sẽ vẫn để ngỏ với Kiev.
“Điều này có nghĩa là gì từ quan điểm thực tế? Chúng tôi không cần Ukraine trong NATO. Trong mọi trường hợp, cho đến khi bất cứ khu vực nào của đất nước này vẫn còn ở trạng thái chiến tranh hiện tại”, ông Medvedev lập luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO.
Quan chức an ninh hàng đầu của Nga nhấn mạnh rằng, đối với Ukraine hiện nay, xung đột sẽ kéo dài thường trực. Và theo ông, một thể chế chính trị mới ở Kiev, nếu có, chắc chắn sẽ không xin gia nhập NATO.
Trước đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng 20 quốc gia thành viên NATO đã ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong khối quân sự này. Kiev đã vận động mạnh mẽ các quốc gia thành viên NATO để có được lời hứa chắc chắn rằng Ukraine cuối cùng sẽ tham gia liên minh phòng thủ này.
Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh rằng nếu không được trao tín hiệu về việc gia nhập, Kiev sẽ không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 tới. Ông cho biết quân đội Ukraine cảm thấy thất vọng vì Kiev vẫn chưa nhận được quyết định rõ ràng về việc gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Video đang HOT
Về phần mình, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi việc NATO mở rộng sang hướng Đông là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng sau khi đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga sẽ không tin tưởng bất cứ ai khác khi đưa ra đảm bảo đối với an ninh của quốc gia này.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Ukraine và những người ủng hộ ở châu Âu đã thừa nhận rằng các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015 – trong đó Kiev hứa trao quyền tự trị hạn chế cho Donetsk và Lugansk – là một chiến thuật câu giờ giúp Ukraine chuẩn bị cho chiến tranh. Và quan chức này khẳng định rằng tình trạng này sẽ không bao giờ lặp lại.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St. Petersburg, ông Lavrov mô tả cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây với Nga là “một cuộc xung đột địa chính trị”, trong đó Mỹ đang cố gắng loại bỏ một đối thủ mạnh và bảo vệ vị trí bá chủ của mình.
“Mọi nỗ lực đó là vô ích, và tất cả chúng ta đều biết điều này”, ông Lavrov tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Ukraine và những người ủng hộ sẽ buộc phải chấp nhận “thực tế cụ thể” mới trước khi đạt được lệnh ngừng bắn.
Trên hết, theo Moskva, Kiev phải chấp nhận rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào cũng cần phải xét đến quyền tự do của Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye – những vùng đã bỏ phiếu sáp nhập Nga vào năm ngoái.
Ông Lavrov cảnh báo rằng: “Họ trì hoãn đàm phán càng lâu thì càng khó đạt được thỏa thuận với chúng tôi”.
Về những cáo buộc của Nga liên quan chiến tranh ủy nhiệm, trong một phát biểu đưa ra ngày 4/8/2022 được đài RT của Nga trích dẫn, Tổng thứ ký NATO Stoltenberg tuyên bố liên minh này không phải một bên tham chiến trong cuộc xung đột ở Ukraine và sẽ không điều động binh sĩ tới Ukraine. Liên minh này không có nghĩa vụ can thiệp vào cuộc xung đột do Ukraine không phải là một quốc gia thành viên. Ông Stoltenberg cho biết một trong những mục tiêu chính của NATO trong cuộc xung đột ở Ukraine là ngăn chặn “cuộc chiến tranh toàn diện” với Nga.
Trong cuộc họp báo ngày 2/5/2022, Thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó là bà Jen Psaki thẳng thắn tuyên bố: “Đây không phải là cuộc chiến ủy nhiệm. Đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. NATO không tham gia, Mỹ không tham gia cuộc chiến này”. Theo bà Psaki, ý tưởng về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chỉ là chủ đề bàn luận của phía Nga. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định cáo buộc chiến tranh ủy nhiệm là không đúng.
Ông Medvedev phản ứng trước kịch bản NATO điều quân đến Ukraine
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã phản ứng với kịch bản mà cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đưa ra về khả năng một số thành viên của liên minh này đưa quân đến Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
Theo hãng thông tấn TASS, trên tài khoản Instagram hôm 8/6, ông Medvedev đã nhắc tới việc ông Fogh Rasmussen tuyên bố rằng ngay cả khi Ukraine không nhận được lời mời gia nhập NATO tại hội nghị sắp tới, các quốc gia của liên minh này vẫn có thể điều quân đến Ukraine. Ông Medvedev đặt câu hỏi: "Người dân của những quốc gia này đã được hỏi ý kiến chưa? Ai trong số họ muốn xung đột với Nga? Họ có thực sự muốn các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm vào châu Âu không? Và Mỹ nghĩ gì về điều này?", ông Medvedev nói.
Tuyên bố của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga được đưa ra ngay sau khi trang The Guardian dẫn lời cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (nhiệm kỳ 2009 - 2014) cảnh báo một số thành viên NATO có thể triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine một cách riêng lẻ.
Theo ông, nếu Kiev không nhận được đảm bảo an ninh hay lời mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Litva) vào ngày 11 - 12/7 tới, Ba Lan và các nước Baltic có thể triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine.
Ông Rasmussen cho rằng Ukraine cần có các đảm bảo an ninh - bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện quân sự chung, khả năng tương tác của NATO, tăng cường sản xuất đạn dược và cung cấp vũ khí.
Về phần mình, Ukraine đã bác ý tưởng về việc NATO có thể đưa quân đến Ukraine. Trả lời phỏng vấn truyền thông cùng ngày, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết Chính phủ Ukraine chưa bao giờ yêu cầu bước đi như vậy.
"Cho đến khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc, các quốc gia khác sẽ không điều quân đến đất nước chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng không yêu cầu điều đó. Chúng tôi chỉ nói rằng hãy cấp vũ khí cho chúng tôi", ông tuyên bố.
Ông Kuleba nhấn mạnh điều mà Kiev mong muốn là có được cam kết an ninh tốt nhất từ liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt nhằm tránh các cuộc xung đột trong tương lai.
Ngoại trưởng Kuleba tin rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và khi đó Ukraine sẽ triển khai các đơn vị quân sự của mình đến các quốc gia đồng minh.
Trước đó, hôm 6/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ ông hy vọng sẽ nhận được đảm bảo an ninh cho Ukraine và một lời mời gia nhập liên minh một cách rõ ràng tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius. Ông cho biết quân đội Ukraine thất vọng vì Kiev vẫn chưa nhận được quyết định rõ ràng về việc gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi việc NATO mở rộng sang hướng đông là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cuối tháng 5 nhắc lại các điều kiện chấm dứt xung đột, một trong số đó là Ukraine "phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết" và "từ chối gia nhập NATO, EU". Ukraine đã bác bỏ những yêu cầu này.
Trung Quốc bình luận về đề xuất liên quan Ukraine của cựu Ngoại trưởng Kissinger Bắc Kinh cho rằng việc trao tư cách thành viên NATO cho Kiev không mang lại một "kiến trúc an ninh lâu bền". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: AP Trung Quốc đã kêu gọi Ukraine không gia nhập khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với lập luận rằng điều đó...