Quan chức Mỹ- Trung cãi nhau kịch liệt vì Biển Đông và Việt Nam
Hai nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về biển Đông tại Hội thảo Ấn Độ Dương liên quan đến việc Bắc Kinh xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo Ấn Độ Dương (IOC) hôm 4/9, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris chỉ trích nặng nề Trung Quốc trong một số vấn đề bao gồm sáng kiến Vành đai và Con đường và các hành vi ở Biển Đông.
“ Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là tìm cách buộc các thành viên ASEAN xác định quy tắc ứng xử trong khu vực do Bắc Kinh đưa ra và tuân thủ các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Bạn có thể thấy sự đe dọa trong việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế. Như Ngoại trưởng Mike Pompeo từngnói – các hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy sự lựa chọn rộng lớn hơn đối với các quốc gia trong khu vực. Đây chính là thói hăm họa và kiểm soát đối với tự do và luật pháp.
Chúng tôi không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù vậy, điều chúng tôi tin tưởng là vùng biển rộng lớn, được gọi là Biển Đông là vùng biển quốc tế. Những căn cứ quân sự mà Trung Quốc tạo ra… với bức tường cát khổng lồ ở giữa Biển Đông đều là bất hợp pháp”, ông Harris nói.
Video: Quan chức Mỹ- Trung cãi nhau vì Biển Đông và Việt Nam
Ông cũng khẳng định việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp bằng các hành vi leo thang đối với hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này là rất đáng quan ngại.
Bài phát biểu của ông Harry Harris gay gắt đến mức một quan chức Trung Quốc, ông Wei Hongtian, phải cắt ngang phiên hỏi đáp và bày tỏ sự bất đồng của mình đối với các tuyên bố của cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ.
“ Về quân sự hóa, tự do hàng hải… ở Biển Đông, Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ở Biển Đông và vùng biển lân cận...”, ông Wei Hongtian ngang ngược nói khi nhắc lại mạnh mẽ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Vị chủ tọa điều hành Hội thảo đã cố gắng xoa dịu tình hình khi nói rằng diễn đàn không phải là nơi phù hợp để phản bác ý kiến. Dù vậy, ông Wei vẫn khăng khăng đáp trả bình luận của Đại sứ Mỹ.
Đặc phái viên Trung Quốc nhấn mạnh các quốc gia được hưởng tự do hàng hải và hàng không trong khu vực theo luật pháp quốc tế.
“Mọi người đều thích sự tự do hàng hải, không có gì xảy ra ở đó”, ông nói khi người điều hành một lần nữa cố gắng ngăn ông không đưa thêm bất kỳ quan điểm nào tiếp nữa.
“Ai là kẻ bắt nạt?”, Đặc phái viên Trung Quốc đặt câu hỏi cuối cùng, trước khi cảm ơn người điều hành dành thời gian cho mình để mình đáp trả.
Ông Harris bắt tay Wei sau khi ông này rời khỏi sân khấu.
Theo Sputnik, ngoài vấn đề về Biển Đông, Đại sứ Mỹ khẳng định chính phủ Trung Quốc không giữ lời, từ Hiệp ước với Anh về Hong Kong, tới các cam kết với WTO và vấn đề nhân quyền. Ông gọi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là chính sách “săn mồi”, bỏ qua các quy tắc quốc tế về minh bạch và lôi kéo nhiều quốc gia vào bẫy nợ khiến họ dễ bị tổn thương nhằm ép buộc và đe dọa chủ quyền.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng bất chấp những lo ngại của Mỹ, Washington không tìm cách “kiềm chế Trung Quốc”.
“Hãy để tôi nhấn mạnh rằng bất chấp những lo ngại của chúng tôi, Mỹ đều không tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và chúng tôi thường xuyên nhắc nhở Bắc Kinh về sự thịnh vượng mà trật tự đó đã mang đến cho Trung Quốc, giải phóng hàng trăm triệu người và giúp hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo”, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc tuyên bố.
(Nguồn: Sputnik)
SONG HY
Theo VTC
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định thế nào?
Việt Nam là một quốc gia ven biển có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong Công ước về Luật Biển Quốc tế 1982.
Các khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định rõ ràng, đầy đủ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Vùng đặc quyền kinh tế
Điều 57 Luật Biển 1982 nêu rõ Vùng đặc quyền kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật Biển 1982 quy định:
Đối với các quốc gia ven biển: Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.
Các vùng biển của quốc gia theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. (Ảnh: tuyengiao.vn)
Đối với các quốc gia khác: Được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không; được tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế. Tuy nhiên, mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Thềm lục địa
Khoản 1 và khoản 5 Điều 76 của Luật biển năm 1982 có quy định về thềm lục địa, theo đó thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc tới giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn.
Tuy nhiên, bề rộng tối đa của Thềm lục địa tính theo bờ ngoài của rìa lục địa, không được vượt quá giới hạn 350 hải lý tính từ Đường cơ sở, hoặc không quá 100 hải lý bên ngoài đường thẳng sâu 2.500m. Như vậy Thềm lục địa cách đường cơ sở từ 200 đến tối đa là 350 hải lý tùy theo nền của lục địa.
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, các tài nguyên sinh vật như cá, tôm...) của mình. Vì đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó. Nghĩa là chỉ quốc gia ven biển mới có quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gì. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không được đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước phía trên, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác.
Khi tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở, quốc gia ven biển phải nộp một khoản đóng góp tiền hay hiện vật theo quy định của công ước. Quốc gia ven biển có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học. Mọi nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thỏa thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc đường cáp đó.
Như vậy đối với những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mọi hành động thăm dò và khai thác của quốc gia khác mà không được sự đồng ý và thỏa thuận của Việt Nam là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Mặc dù đã được quy định rõ ràng như vậy nhưng thời gian qua nhiều nước đang phớt lờ, không thực thi Công ước Luật biển năm 1982, vi phạm chủ quyền biển đảo, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đặc biệt, hành vi mới đây của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
(Tổng hợp)
SONG HY
Theo VTC
Bắc Cực phân tranh : Mỹ không để Trung Quốc biến Bắc Cực thành Biển Đông mới Bắc Cực đã thành vấn đề nóng địa chính trị thế giới, do yếu tố mới : Bắc Kinh đặt vùng đất này vào đại chiến lược "Vành đai và Con đường". Nước Nga phát động cuộc cạnh tranh chiến lược tại Bắc Cực bằng một cử chỉ tượng trưng vào tháng 8/2007, khi tàu lặn cắm cờ Nga xuống đáy biển Bắc...