Quan chức Mỹ thừa nhận lá chắn tên lửa không hiệu quả
Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ thừa nhận, đầu đạn đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa không hiệu quả và cần phải phát triển phương tiện mới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế để tìm cách ngăn chặn cuộc tấn công tên lửa và đánh chặn đầu đạn trước khi nó chạm mục tiêu trên mặt đất. Theo tạp chí National Interest, công nghệ phòng thủ tên lửa hiện có của Mỹ chỉ có thể đánh chặn các tên lửa ở giai đoạn giữa.
Hệ thống chủ lực để bảo vệ nước Mỹ trước tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương là Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa Dựa trên Mặt đất (GMD). Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các đợt thử nghiệm không làm hài lòng giới chức quân đội Mỹ.
Hệ thống GMD sử dụng phương tiện đánh chặn ngoài khí quyển (EKV) để phá hủy tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương. EKV dường như đã được vội vã đưa vào trang bị từ năm 2004 để ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Ảnh đồ họa đầu đạn đánh chặn ngoài khí quyển EKV của hệ thống GMD. Ảnh:Raytheon
EKV được trang bị hệ thống cảm biến và dẫn đường để phát hiện đầu đạn tách ra khỏi tên lửa, sau đó phá hủy chúng trong không gian. Trong quá trình đưa vào trang bị, EKV đã được cập nhật một số công nghệ mới, nhưng thiết kế cơ bản vẫn không thay đổi. Việc bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đang phụ thuộc vào phương tiện đánh chặn có thời gian sử dụng hơn 11 năm.
Vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ đánh chặn thành công của hệ thống GMD chỉ đạt khoảng 50%. Tổng cộng có 16 lần thử nghiệm kể từ năm 1999 đến nay, nhưng chỉ có 8 thành công trọn vẹn. Hai trong số các thất bại gần đây nhất vào năm 2010 và 2013 là do lỗi của đầu đạn EKV.
Video đang HOT
Mặc dù thử nghiệm gần đây nhất vào ngày 22/6/2014 diễn ra thành công, nhưng các chuyên gia quân sự nhận xét, hệ thống không thực sự đáng tin cậy. Thử nghiệm tiếp theo dự kiến có chi phí khoảng 200 triệu USD, nhưng dường như không thể cải thiện năng lực của hệ thống mà cần phải thiết kế lại.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) đang tìm kiếm một thiết kế đầu đạn đánh chặn ngoài khí quyển mới để tăng độ tin cậy cho hệ thống GMD. Phó đô đốc James Syring, Giám đốc MDA từng nói với Tiểu ban Quốc phòng Thượng viện rằng, EKV cần được thiết kế lại theo công nghệ module với kiến trúc phần mềm và giao diện mở để đơn giản hóa việc nâng cấp trong tương lai.
Phó đô đốc Syring giải thích rằng, một EKV tốt hơn đồng nghĩa với việc cần ít đầu đạn hơn để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương đang bay đến. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từng công bố trong tháng 3/2013 rằng, các tên lửa đánh chặn mới sẽ được bổ sung cho hệ thống GMD vào năm 2017 để tăng khả năng đánh chặn của hệ thống vượt quá 50% so với trước.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng, việc tăng số lượng tên lửa sẽ không đem lại hiệu quả nếu công nghệ đánh chặn vẫn lỗi thời, chất lượng vẫn tốt hơn so với số lượng. Một số nhà lập pháp muốn đình chỉ hệ thống GMD vì họ tin rằng nó không hiệu quả.
Nhưng nếu phát triển một hệ thống mới hoàn toàn từ đầu sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc, trong khi lại làm tăng khả năng dễ bị tổn thương cho nước Mỹ trước cuộc tấn công bằng tên lửa.
Constance Baroudos, Phó chủ tịch Viện Lexington, chuyên gia về phòng thủ tên lửa nhận xét, phát triển EKV mới là giải pháp khả thi nhất để hoàn thiện năng lực đánh chặn của hệ thống GMD sau khi Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD vào chương trình.
Tuần trước, đại diện MDA cho biết, cơ quan này sắp hoàn thiện thiết kế EKV mới, dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm từ năm 2018. Nếu không có EKV mới hiệu quả hơn, GMD thực sự là một “canh bạc” lớn đối với MDA cũng như cả nước Mỹ.
GMD là viết tắt của cụm từ “Ground-Based Midcourse Defense” (Phòng thủ giai đoạn giữa dựa trên mặt đất). Nó là thành phần chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ. Chương trình trước đây được gọi là Phòng thủ Tên lửa Quốc gia Mỹ (NMD). Tên gọi của chương trình được thay đổi vào năm 2002 để phân biệt với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác.
Thành phần GMD gồm tên lửa đánh chặn phóng từ silo trong lòng đất mang theo phương tiện đánh chặn ngoài khí quyển EKV, hệ thống radar mặt đất GBR, radar cảnh báo sớm trên biển và trung tâm chỉ huy, kiểm soát phóng. Tính đến năm 2017, kinh phí cho chương trình ước tính khoảng 40 tỷ USD.
Theo_Zing News
Nga thử tên lửa xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ Mỹ
Hãng TASS 20/2 dẫn nguồn tứ Tô hơp Công nghiêp quôc phong Nga cho biết, tên lửa RS26 sẽ được bắn thử vào quý II năm 2016 trước khi sản xuất loạt.
Thông tin này được hãng TASS dẫn lời Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev cho biết. Theo đó, trước khi chính thức sản xuất loạt, hệ thống tên lửa RS-26 sẽ phải trải qua cuộc thử nghiệm cuối cùng:
"Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo RS-26 vẫn được tiến hành. Đây sẽ là những căn cứ trước khi đưa ra quyết định sản xuất hàng loạt loại và triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa tối tân này".
Tên lửa RS-26 hành quân ra địa điểm thử nghiệm.
Là tên lửa mới nên những thông tin về RS-26 vẫn được Nga giữ kín, tuy nhiên theo một số thông tin ít ỏi được tiết lộ, tên lửa RS-26 được chế tạo trên cơ sở RS-24 Yars.
RS-26 dài khoảng 12m và chủ yếu trang bị trên bệ phóng di động. Tên lửa đạn đạo (ICBM) RS-26 được trang bị đầu đạn tân tiến nhất, hoàn toàn mới và có khả năng tự phân tách (MIRV).
Dòng tên lửa này có thể mang theo nhiều đầu đạn có tốc độ siêu cao và cơ động. Tên lửa RS-26 được trang bị công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dẫn đường đa phương thức, chủ động giúp tăng mức độ tấn công chính xác mục tiêu và độ bảo mật tốt hơn.
RS-26 sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và hệ điều khiển quán tính truyền thống. Tên lửa RS-26 đạt trọng lượng phóng khoảng 60 tấn và tầm bắn tối thiểu 2.000km, tối đa trên 12.000km.
Khi tấn công mục tiêu, các đầu đạn của RS-26 được tách ra khỏi tầng cuối cùng của tên lửa, quỹ đạo bay của các đầu đạn với vận tốc siêu nhanh khiến cho các hệ thống đánh chặn không thể xác định được.
Căn cứ vào kết quả những lần thử nghiệm của RS-26, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trao đổi với tờ Inside the Ring hồi cuối năm 2014 cho rằng, tên lửa RS-26 dự kiến sẽ được Nga triển khai trong năm 2016 với đầu đạn tốc độ siêu âm, có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Chỉ với những thông tin ít ỏi về tổ hợp tên lửa RS-26 cũng đủ khiến Tô hơp Công nghiêp quôc phong Nga tự tin cho rằng, loại ICBM thế hệ mới này có đủ khả năng làm cho sự tồn tại của "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" của Mỹ trở nên vô dụng.
Theo nguồn tin này, ICBM RS-26 có khả năng tương tự như ICBM Sarmat có thể bay rất xa qua Nam Cực và buộc Mỹ phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa vòng tròn rất phức tạp.
Ngoài ra, khả năng mang tải trọng lớn của tên lửa cho phép bố trí trên tên lửa không chỉ các đầu đạn mà cả các hệ thống đột phá phòng thủ tên lửa khác nhau.
Ngọc Hòa
Theo_Báo Đất Việt
Tên lửa mới của Nga "xóa sổ" bang Texas của Mỹ Theo mạng thông tin Zvezda của Nga, các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất thế giới hiện nay đều trở nên "bất lực" trước hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat, sẽ được Nga đưa vào thử nhiệm trong mùa hè năm nay. Trang mạng Zvezda nhận định, tên lửa đạn đạo liên lục địa mới...