Quan chức Mỹ dồn dập tới châu Á – Thái Bình dương
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ lần lượt đến các quốc gia ở châu Á – Thái Bình dương trong những ngày tới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: EPA
Ông Obama sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày từ ngày 17/11, với các điểm đến lần lượt là Thái Lan, Myanmar và Campuchia, Xinhua dẫn thông báo của Nhà Trắng hôm qua.
Chuyến thăm Myanmar của Obama sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ tới quốc gia Đông Nam Á. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ song phương đang được hâm nóng, sau khi Mỹ nới lỏng các lệnh cấm vận với Myanmar để đáp lại những cải cách đang được thực thi ở nước này.
Video đang HOT
Trong chuyến thăm, tổng thống Mỹ sẽ khuyến khích những tiến triển về dân chủ tại Myanmar trong cuộc gặp với Tổng thống U Thein Sein cũng như lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Cả ông Thein Sein và bà Suu Kyi đều tới Mỹ tháng 9 vừa qua.
Sau Myanmar, ông Obama tới Thái Lan. Tại Bangkok, ông sẽ gặp và hội đàm với Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhân dịp kỷ niệm 180 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời khẳng định sự bền chặt của mối quan hệ đồng minh. Rời Thái Lan, ông chủ Nhà Trắng tới Campuchia để tham gia hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và gặp gỡ những nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chuyến công du châu Á là lần đầu tiên ông Obama ra nước ngoài kể từ khi tái đắc cử tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử hôm 6/11.
Từ ngày 11/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng sẽ lần lượt tới thăm Australia, Thái Lan và Campuchia trong chuyến đi kéo dài một tuần, như một phần trong chiến lược dịch chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á – Thái Bình dương. Đây cũng là chuyến đi thứ 4 của ông tới khu vực này kể từ tháng 6, AFP đưa tin.
Ông Panetta sẽ tới thành phố Perth để tham dự hội nghị bộ trưởng thường niên Mỹ – Australia. Sự kiện này còn có sự góp mặt của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey và Chỉ huy Bộ chỉ huy Thái Bình dương, Đô đốc Samuel Locklear.
Sau Australia, Panetta tới Thái Lan trong chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới nước này kể từ năm 2008, trước khi đến Campuchia để gặp gỡ 10 người đồng cấp ASEAN. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, George Little cho hay ông Panetta sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết ASEAN đối với ổn định khu vực.
Khác với hai ông Obama và Panetta, Ngoại trưởng Clinton còn có một chuyến thăm cá nhân ngoài công việc khi tới châu Á – Thái Bình dương sắp tới. Bà sẽ tới thăm những người bạn thân tại thành phố Adelaide ở phía nam Australia, với sự hộ tống của các quan chức an ninh. Clinton sẽ nghĩ lại tại một dinh thự tư.
Theo VNE
"Đau đầu" tìm người kế nhiệm Ngoại trưởng Hillary Clinton
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không phải là người duy nhất rời khỏi vị trí lãnh đạo trong nội các mới của ông Obama trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua khẳng định, kết quả cuộc bầu cử ngày 6.11 không làm thay đổi kế hoạch ra đi của Ngoại trưởng Hillary Clinton.
"Các bạn đã nhiều lần nghe thấy Ngoại trưởng Clinton nói rằng bà ấy dự định sẽ chứng kiến quá trình chuyển giao cho người kế nhiệm, sau đó bà sẽ quay trở lại cuộc sống riêng tư và nghỉ ngơi" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói.
Bà Nuland cho biết, một số phương tiện truyền thông có thể đã "hiểu sai" những phát biểu gần đây của bà Clinton rằng bà có khả năng sẽ ở lại lâu hơn.
"Những gì ngoại trưởng nói là bà ấy sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao cho người kế nhiệm diễn ra suôn sẻ, tôi cho rằng đó mới là ý định của Ngoại trưởng" - người phát ngôn nói.
Việc lựa chọn người thay thế bà Clinton- một nhà ngoại giao xuất sắc- có thể sẽ là một trong những thách thức khó khăn nhất của chính quyền ông Obama trong nhiệm kỳ mới.
Các nhà phân tích chính trị đã đưa ra một danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí này, bao gồm Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Kerry, Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice và Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon.
Tuy nhiên, mỗi ứng cử viên này lại có những mặt hạn chế khiến họ khó có thể đảm đương xuất sắc vai trò tổng tư lệnh lĩnh vực ngoại giao.
"Năng lực tỏa sáng là điều hết sức quan trọng cho vị trí này. Rất khó để theo kịp một người tài năng, được công chúng yêu thích và có tính quảng giao toàn cầu như bà Hillary Clinton" - Andrew Schwartz- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược ở Washington, nói. "Đây là một phần nỗ lực của ông Obama nhằm sửa đổi hình ảnh của Mỹ với thế giới, và ông ấy cảm thấy rằng chỉ có những người xuất sắc mới làm được điều đó".
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy, Đảng Dân chủ chiếm đa số tại thượng viện, do vậy vẫn phải chờ xem liệu Thượng nghị sĩ John Kerry có được đề cử vào chức vụ ngoại trưởng hay không. Mặc dù John Kerry là một ứng viên sáng giá, song nếu đảm nhận chức vụ này, Đảng Dân chủ sẽ mất một ghế thượng nghị sĩ bang Massachusetts vào tay phe Cộng hòa.
Về phần Đại sứ Susan Rice, bà đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ phe Cộng hòa về những phát biểu của mình sau vụ tấn công ngày 11.9 vào Lãnh sự quán Mỹ ở Libya, khiến Đại sứ J.Christopher thiệt mạng. Bà nói rằng vụ tấn công là sự bùng nổ tự phát, chứ không phải được lên kế hoạch từ trước.
Nhân vật còn lại- cố vấn Tom Donilon- mặc dù là "tai mắt" của Tổng thống Obama, song vấn đề là rất ít người bên ngoài Washington biết đến ông này. Câu hỏi đặt ra là Tom Donilon có đủ sức để đại diện cho bộ mặt ngoại giao của Mỹ với thế giới hay không.
Ngoài Ngoại trưởng Clinton, còn có nhiều đồn đoán rằng Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng sẽ ra đi vào đầu hoặc giữa năm 2013, sau 4 năm điều hành Bộ Quốc phòng và CIA.
Các ứng cử viên có thể thay thế ông Panetta gồm cựu Giám đốc phụ trách chính sách Lầu Năm góc Michelle Flournoy - nữ bộ trưởng quốc phòng tương lai đầu tiên - và Ashton Carter- hiện đang là phó cho ông Panetta.
Theo laodong
"Trân Châu cảng trên mạng" Không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lên tiếng cảnh báo khả năng Mỹ phải đối mặt với một vụ "Trân Châu cảng trên mạng", Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã cân nhắc việc thành lập lực lượng dự bị chiến tranh mạng. Một trung tâm chỉ huy của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ ở...