Quan chức Đức nói ‘đóng cửa’ việc quay lại G7 của Nga
Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không có ý định chào đón sự trở lại của Nga, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Đức nói hôm 20.5.
Bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương các nước G7 họp ở thành phố Sendai, Nhật Bản ngày 20.5AFP
Năm nay Nhật Bản là nước tổ chức cuộc họp thượng đỉnh các nước G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Anh và Nhật Bản từ ngày 26.5 tới 27.5. Hôm 20.5, các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương của G7 gặp nhau tại thành phố Sendai, phía đông bắc nước Nhật trong cuộc họp hai ngày.
Nga vốn là thành viên của G7 (trước đây là G8), nhưng đã không được tham gia các cuộc họp của nhóm từ năm 2014 sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.
Video đang HOT
Phát biểu hôm 20.5, quan chức cấp cao của Đức nói rằng ở sự kiện tuần tới (ngày 26.5), G7 sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp trừng phạt áp lên Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, theo Reuters.
Các nước G7 vẫn căn cứ vào việc thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn Minsk, chấm dứt cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và các tay súng nổi dậy ở Luhansk và Donetsk, để quyết định về những biện pháp gia hạn hoặc nâng mức trừng phạt kinh tế với Nga.
Quan chức Đức nói rằng Berlin không hy vọng các nước khác sẽ mở rộng lệnh trừng phạt lên Nga, nhưng việc này sẽ được đề cập trong thông cáo phát hành vào cuối cuộc họp G7.
Trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính ngày 20.5, các nước G7 cũng chú trọng vào tình hình kinh tế toàn cầu liên quan tới nguy cơ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, các nước này cũng dự kiến thảo luận về an ninh mạng trong ngày 21.5, trong bối cảnh ngân hàng trung ương Bangladesh vừa chứng kiến 80 triệu USD bị tin tặc cướp mất thông qua việc lừa đảo và thâm nhập hệ thống mạng. Vừa qua, ngân hàng TPBank của Việt Nam cũng xác nhận bị tin tặc tấn công, nhưng rất may đã phản ứng chính xác và tránh được khoản thất thoát 1 triệu euro (1,13 triệu USD).
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Ẩn ý sau việc tổ chức hội nghị ngoại trưởng G7 tại Hiroshima
Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản tổ chức hội nghị ngoại trưởng các nước G7 tại thành phố Hiroshima và hội nghị cấp cao của nhóm tại nơi cách đó không xa.
Ngoại trưởng các nước G7 trong cuộc gặp tại thành phố Hiroshima - Ảnh: Reuters
Đối với những thành viên khác ngoài Mỹ, Hiroshima không nhạy cảm cả về đối nội lẫn đối ngoại. Vì thế, sự lựa chọn địa điểm này chứa đựng đầy ẩn ý ở phía Nhật Bản và cũng được chấp nhận với đầy ẩn ý ở phía Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Hiroshima kể từ chuyến thăm của bà Nancy Pelosi trên cương vị Chủ tịch Hạ viện năm 2008. Rất nhiều năm đã trôi qua, Hiroshima cùng với Nagasaki vẫn là chứng tích về tội ác của Mỹ với việc sử dụng bom nguyên tử năm 1945. Hai thành phố này nhắc nhở nhân loại phải nỗ lực làm tất cả để thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản ngầm nhắc nhở Mỹ về trách nhiệm đạo lý cũng như pháp lý về quá khứ lịch sử. Nhật Bản ngầm cho thấy mối quan tâm hàng đầu hiện tại về chính trị an ninh là vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhật Bản cần G7 phát đi thông điệp mạnh mẽ phản đối Triều Tiên cũng như hoàn toàn ủng hộ Tokyo trong quan hệ với Bình Nhưỡng.
Ông Kerry còn có sứ mệnh chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Barack Obama với lịch trình tới thành phố Hiroshima. Ẩn ý của phía Mỹ là thể hiện trách nhiệm ở mức độ nhất định về hai vụ ném bom khi xưa, khẳng định cam kết của ông Obama là phấn đấu vì mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hạt nhân.
Mỹ còn có thông điệp về phía Triều Tiên là không chấp nhận để cho nước này trở thành cường quốc hạt nhân và sử dụng vũ khí hạt nhân gây bất lợi cho nước khác.
La Phù
Theo Thanhnien