Quán cà phê người lùn
“Hòn đảo chú lùn” là bảng hiệu của quán giải khát độc nhất vô nhị tại Ai Cập, bởi tất cả tiếp viên ở đây đều là những người lùn bẩm sinh mà chiều cao trung bình của họ chỉ trên dưới 80cm.
Nhân viên của quán cà phê “Hòn đảo chú lùn” phục vụ khách
Nhìn bề ngoài, “Hòn đảo chú lùn” không khác gì những quán giải khát dân dã khác. Điều khác biệt là mọi vật dụng bên trong đều có kích cỡ thuận tiện cho những người lùn, từ nhân viên của quán đến khách hàng. Bàn ghế đều thấp bé. Mọi vật trông cứ như trong một lớp mẫu giáo lớn.
Quán cà phê này do Bassem Salim – một hướng dẫn viên du lịch chưa đến 30 tuổi, có chiều cao bình thường – lập ra do động lòng trước cảnh ngộ của những người có chiều cao khiêm tốn.
Cách đây khoảng bốn tháng, Bassem Salim thấy trên đường phố một đôi vợ chồng người lùn. Họ đang bị lũ trẻ trêu chọc và miệt thị. Thậm chí có đứa còn ném đá vào họ và lấy sự khó chịu của những người tội nghiệp kia làm trò cười! Thế là Bassem Salim quyết định tạo việc làm cho những người có số phận kém may mắn này, đồng thời tạo dựng một nơi quây quần, giải khuây cho những người đồng cảnh với họ. Theo anh, việc mở quán không nhằm mục tiêu lợi nhuận, bởi lãi cũng chỉ đủ nuôi sống những người lùn làm việc tại đây.
“Hòn đảo chú lùn” có tám nhân viên phục vụ gồm sáu nam và hai nữ. Mỗi người một cảnh ngộ. Mohammed Azou, 23 tuổi, chưa quên tâm lý sợ hãi, ngại ngùng trước đây mỗi khi phải xuất hiện trước mọi người. Anh không dám đi làm vì sợ bị khinh miệt, trêu chọc. Chính cha anh đã động viên con làm việc tại quán “Hòn đảo chú lùn”. Ông khuyên con: “Tự kỷ và lẩn tránh không phải là đường thoát. Cuộc sống đầy gian khó nhưng đầu hàng không giải quyết được điều gì”.
Giờ thì Mohammed al-Masri chuyên phục vụ bàn. Anh tốt nghiệp đại học loại khá và từng làm phát thanh viên, anh đã đưa vấn đề người lùn lên hàng đầu chuyên mục mà anh phụ trách. Mohammed nói: “Chúng tôi sống trong một thế giới bất công. Không một đòi hỏi nào của chúng tôi được quan tâm mặc dù người khuyết tật các loại chiếm tới 5% dân số Ai Cập. Chúng tôi mong xã hội thay đổi quan niệm đối với người lùn. Họ cũng là con người, không phải là thứ để nhạo báng”.
Cô Hala Hamdi từ thành phố Alexandria về Cairo kiếm sống. Hala tốt nghiệp trung học. Trước khi đến làm ở quán “Hòn đảo chú lùn”, cô là diễn viên của nhà hát quốc gia dành cho thiếu nhi. Cô thấy mọi vật dụng của quán này thật phù hợp với những người cùng cảnh ngộ, bởi nó xóa đi tâm lý bị hụt hẫng mỗi khi phải đụng tới bàn ghế quá cỡ so với mình.
Còn AbdulRahman Ibraheem chưa học hết cấp II, bởi từ nhỏ anh đã từng thề thà sống tách biệt còn hơn tiếp xúc mà bị khinh miệt và cười cợt. AbdulRahman làm việc ở quán này vì thấy được khách hàng, cả người lùn và người bình thường, đối xử tôn trọng.
Tuy mới khai trương nhưng “Hòn đảo chú lùn” đã thu hút nhiều khách hàng. Những người lùn đến đây tụ họp, tìm thấy một xã hội thu nhỏ của người đồng cảnh ngộ để sẻ chia và động viên lẫn nhau. Nhiều khách hàng là người bình thường cũng vào quán, thích thú ngồi trên những bộ bàn ghế “lớp mẫu giáo” thưởng thức đồ uống và được phục vụ tận tình. Cũng không ít người đến quán vì tò mò, nhưng khi đã vào họ lại sửng sốt, nghiêm túc và ứng xử đúng mực. Nhiều khách “không lùn” vào đây để bày tỏ sự đồng cảm với những người bất hạnh và ủng hộ một ý tưởng rất đáng được cổ vũ.
Anh chủ quán Bassem Salim còn phối hợp với một người bạn luật sư để thành lập một tổ chức gọi là “hiệp hội người lùn” nhằm giúp những người bất hạnh này cùng nhau vượt qua cảnh ngộ, chống lại sự kỳ thị và hòa nhập với cộng đồng.
Theo Tuổi Trẻ