Quán bún riêu tôm gia truyền gốc Bảo Lộc ở Sài Gòn
Anh Minh Đức đưa hương vị bún riêu của mẹ và bà từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn đã gần chục năm nay.
Quán bún riêu Bảo Lộc nằm trên mặt đường Võ Văn Kiệt, quận 1, do anh Lê Minh Đức mở bán. Quê ở Bảo Lộc nên anh Đức muốn nối nghiệp gia đình khi mẹ anh cũng đang kinh doanh một quán bún riêu hơn 40 năm.
Hiện quán do chị Huỳnh Thị Thanh Mỹ, chị của anh Đức quản lý. Theo chị Mỹ, món ăn được giữ nguyên theo công thức của quán ở Bảo Lộc.
Quán nằm ở mặt tiền đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Di Vỹ.
Quán mở cửa lúc 6h30. Điểm tạo sự khác biệt cho món ăn ở đây là miếng riêu. Nếu hầu hết hàng quán ở Sài Gòn nấu riêu bằng cua, quán chị Mỹ dùng tôm để thay thế. Hương vị khác lạ này đã giữ chân thực khách suốt nhiều năm qua.
Nước lèo được nấu bằng xương ống, không mang màu đỏ au thường thấy mà có độ trong, ngọt thanh tự nhiên. Món ăn khi bưng ra bắt mắt với lớp đồ ăn kèm bên trên, cùng đĩa rau được xắt nhuyễn, tươi ngon. Khách có thể cho thêm rau trụng theo sở thích. Đáng chú ý, nhiều người vẫn ăn ngon dù không cần nêm thêm chanh hay mắm. Nhưng để ngon hơn, bạn nhớ cho thêm chút mắm tôm hoặc ớt bằm.
Tô bún riêu hấp dẫn với giá 55.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Video đang HOT
Đến quán, bạn có thể chọn bún riêu mọc, sườn hoặc giò với giá 45.000 đồng một tô. Khách lần đầu đến quán có thể chọn tô đặc biệt với 55.000 đồng để thưởng thức trọn vẹn hơn hương vị của món ăn.
Anh Trần Quân (ngụ ở quận 8) cho biết bị “quyến rũ” sau lần đầu tiên đến quán cùng đồng nghiệp. “Nước dùng ở đây được chủ quán nấu rất khéo, thơm và ngọt mà không có nhiều bột ngọt. Tô đặc biệt rất đầy đặn, rau ăn kèm cũng rất tươi”, anh Quân nhận xét.
Còn bạn Kiều Nhi (ngụ ở quận 10) cho biết vị món ăn ở đây hơi ngọt so với khẩu vị thường ngày. “Mình quê ở miền Trung nên khi ăn các món ở Sài Gòn đều cảm thấy ngọt hơn so với khẩu vị. Dù vậy mình cũng rất thích chỗ này vì miếng riêu có vị ngon”, Nhi nói.
Thực khách ăn bún riêu ở quán. Ảnh: Di Vỹ.
Không gian quán không bề thế nhưng thoáng và sạch. Bàn ghế dành cho thực khách được bố trí gọn, bếp đặt ngay lối đi vào. Khách đi xe đến có thể đậu ở phía trước. Quán mở cửa đến 9h tối nhưng theo chị Mỹ, “hôm nào bán hết sớm thì sẽ nghỉ sớm. Có hôm quán đóng cửa từ 20h”.
Theo VNE
Bánh canh vỉa hè, giá 5 sao hút khách Sài Gòn
Mặc cho mức giá cao ngất ngưởng không kém với bất cứ món ăn tại nhà hàng 5 sao (rẻ nhất 150 nghìn đồng/tô, đắt nhất lên đến 300 nghìn đồng/tô) nhưng bánh canh cua của bà Loan vẫn thu hút rất đông thực khách ghé chân trong con hẻm nhỏ tại TPHCM.
Tô bánh canh khá hấp dẫn, có giá khá cao từ 150 đến 300 nghìn đồng.
Trước khi ăn, hãy hỏi giá!
Sài Gòn mùa mưa với những cơn mưa rào bất chợt, tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn được người dân và cả du khách nước ngoài cần mẫn đứng xếp hàng lúp xúp trong một con hẻm nhỏ xíu, chỉ để chờ được đến lượt ngồi vào bàn gọi món bánh canh bà Loan.
Sở dĩ món bánh canh cua bà Loan thu hút nhiều sự chú ý xen lẫn tò mò của người dân TPHCM lẫn du khách thập phương tìm đến là bởi mức giá khá cao. Tuy nhiên, phần lớn thực khách khi ăn xong đều bày tỏ sự hài lòng bởi sự chất lượng thuộc hàng "đẳng cấp 5 sao".
Khác với những tô bánh canh thông thường, nguyên liệu bà Loan sử dụng có thêm tôm nõn, thịt giò heo, càng cua tươi ngon được bóc sẵn để trong tủ kính khá sạch sẽ. Tuỳ theo từng mức giá mà khách yêu cầu, bà Loan thoăn thoắt cho nguyên liệu đã được chế biến sẵn bày vào tô, chan nước lèo nóng nghi ngút phục vụ thực khách.
Người sành ăn có thể cảm nhận hương vị ngọt từ xương trong nước dùng, viên chả thác lác hay bánh nổi ăn kèm giòn rụm, có độ béo ngậy. Bà Loan cho hay, tất cả nguyên liệu trên đều tự tay mình lựa chọn kỹ càng với lượng thức ăn vừa phải, chỉ đủ để bán trong ngày. Mọi việc thẩm thấu nước lèo, nguyên vật liệu đều được bà đích thân thử rồi mới điều chỉnh độ mặn - nhạt của món bánh canh sao cho vừa miệng mỗi thực khách.
"Tất cả nguyên liệu đều được tôi lựa kỹ lưỡng, đảm bảo độ tươi và sạch cũng như tuyệt đối không để lưu cữu qua ngày hôm sau, vì thế chất lượng đi kèm với giá thành cao là điều tất yếu. Du khách hoàn toàn có thể tham khảo giá trước khi đến ăn" - bà Loan giải thích trước việc từng bị chỉ trích về tô bánh canh có giá đắt đỏ.
Hơn nửa đời người bán bánh canh, bà Loan hoàn toàn tự tin về kinh nghiệm "tay nghề" với những bí quyết gia truyền có thể níu chân thực khách quay trở lại. Bà Loan cũng khẳng định, mức giá hiện giờ là hợp lý cho một tô bánh canh chất lượng chứ không phải cố tình "chiêu trò" nâng giá cao chót vót nhằm gây sự chú ý. Bản thân bà Loan cũng thừa nhận, mình luôn đặt vào vị trí của vị khách hàng khó tính nhất, phải làm sao vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi và để khách hàng quay lại mới là điều "gây khó" cho những người kinh doanh hàng ăn.
Quán bánh canh của bà Loan mở bán buổi chiều, tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau là đã hết hàng. Ảnh: T. L
30 năm bán bánh canh nuôi con ăn học
Vợ chồng bà Loan (57 tuổi) lập nghiệp từ một quán bánh canh nhỏ trong một con hẻm ở Q.6, TPHCM vào năm 1988. Mặc dù bán vào buổi chiều, nhưng quán của vợ chồng bà Loan lúc nào cũng tấp nập khách và hết hàng rất nhanh sau đó. Khách hàng của bà Loan có người gắn bó từ lúc quán mới mở cho đến tận... 30 năm sau đó. Thậm chí, có khách thân thiết định cư ở nước ngoài vẫn trở về, nếu có dịp, chỉ để thưởng thức một tô bánh canh do chính tay bà Loan chế biến cho thoả lòng.
Nhiều người đánh giá, bà Loan là người bán hàng khá "có tâm" bởi sự sạch sẽ, chất lượng, hương vị luôn được đặt lên hàng đầu.
Chị Phạm Thu Trang từ Hà Nội vào chơi Sài Gòn ít ngày - cho biết - được nghe bạn bè giới thiệu về món bánh canh của bà Loan nên vì tò mò, chị tranh thủ bắt xe từ Q.1 đến đây để ăn: "Cá nhân tôi thấy vị hơi là lạ, nhưng một tô bánh canh đầy đặn, nguyên liệu tươi ngon như vậy thì giá tiền có mắc chút cũng là hợp lý".
Tích cóp từ kinh nghiệm nấu bánh canh lâu năm, bà Loan tạo nên công thức mà bà thường gọi là "bí quyết riêng" và duy trì không thay đổi trong khoảng thời gian dài. Vợ chồng bà Loan tự hào rằng, quán nhỏ nhưng là nguồn thu chính cho cả gia đình suốt nhiều năm qua. 3 cô con gái trưởng thành và có công việc ổn định như bây giờ đều lớn từ quán bánh canh của mình. "Con lớn của tôi hiện làm đầu bếp tại một nhà hàng, con thứ làm cho công ty nước ngoài còn cô út là nhà thiết kế nội thất. Mặc dù không đứa nào nối truyền nghề nhưng chúng rất ngoan và thương ba má, hễ có thời gian rảnh cả 3 đứa đều ra phụ quán" - bà Loan nói.
Với bà Loan, dù có thời điểm khó khăn, tưởng chừng phải đóng tiệm, nhưng cả hai vợ chồng vẫn kiên định, quyết tâm lưu giữ nghề bởi đó là công việc không chỉ nuôi sống gia đình mà còn là niềm vui, thoả mãn đam mê nấu nướng, phục vụ du khách mỗi ngày.
Theo giadinh.net.vn
Địa chỉ cuối tuần: Các quán ăn vỉa hè nổi tiếng giữa trung tâm Sài Gòn Giữa khu vực đắt đỏ nhất thành phố, bạn vẫn có thể tìm được tô bún riêu hay chén súp cua ngon miệng, giá cả phù hợp túi tiền. Hẻm ăn vặt Hai Bà Trưng Con hẻm nhỏ dài chừng vài trăm mét trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 là thiên đường ăn uống của giới văn phòng lẫn giới trẻ khu...