Quán bún ốc cổ truyền, đông nghịt khách ở Hà Nội mỗi khi gió lạnh về
Chỉ có bún trắng, vài con ốc béo ngậy, giòn sật cùng một miếng cà chua, hành lá, tía tô, nước dùng sóng sánh, nóng hổi mà những quán bún ốc này đã gây thương nhớ cho biết bao người sành ăn đất Hà thành.
Quán bún ốc cô Huê
Bún ốc cô Huê nổi tiếng với nước dùng chua thanh dịu, hương thơm nhẹ nhẹ của dấm bỗng. Hơn 20 năm bán bún ốc ở Hà Nội, nhiều khách quen, nghiện vị bún ốc của cô đến độ vẫn theo cô từ khi còn là gánh hàng rong cho đến khi chuyển về ngõ Nhà Chung và nay là Đặng Dung. Gánh bún này bán 2 loại là ốc to (ốc nhồi), ốc nhỏ (ốc vặn) và tuyệt nhiên chỉ có ốc, không thêm đậu hay thịt bò nên quán vẫn giữ nguyên được hương vị cổ truyền, chưa bị “biến tấu” như các quán khác.
Bát bún ốc hấp dẫn bởi những con ốc to ngon, giòn sật. Ảnh: Lozi
Quán bún cô Huê vô cùng đơn giản và mộc mạc, chỉ vài sợ bún trắng, vài con ốc béo ngậy, một ít cà chua, hành lá, tía tô, chút mắm tôm…mà tạo nên một hương vị hài hòa, thơm dịu khiến thực khách không khỏi nao lòng. Đặc biệt là nước dùng ở đây có vị chua nhưng không ngắt, cay nhẹ nên khi ăn ta sẽ cảm nhận rõ được vị thanh của nước, vị tê tê của ớt, vị chua thơm của dấm bỗng, chút đậm đà của mắm tôm.
Bún ốc Bà Sáu trước đây là một quán nhỏ trên đường Mai Hắc Đế, thu hút khách gần xa bởi bí quyết riêng. Tô bún của bà Sáu nóng hôi hổi và rất cay, nước dấm bỗng chua dịu, ốc giòn ngọt ốc ăn tới đâu luộc tới đó, rau thơm gồm tía tô, kinh giới, thân chuối bào.
Hiện nay con gái bà Sáu kế nghiệp, chuyển sang địa điểm mới đối diện quán cũ, vẫn giữ hương vị gia truyền và đông khách như cũ. Quán bán từ sáng đến trưa, giá 35.000 đồng một tô.
Bún ốc cô Huệ
Quán bún ốc cô Huệ có thâm niên khoảng 30 năm, nhỏ xíu nằm ngày đoạn đường Nguyễn Siêu giao với Hàng Giầy. Bún nhà cô Huệ có hai món chính là bún ốc nóng và món ốc nguội, tùy khẩu vị của từng người mà khách sẽ yêu cầu ốc to, ốc nhỏ hay ốc lẫn. Bát bún nóng thì đúng chất truyền thống, chỉ mộc mạc mỗi thịt ốc, cà chua và rau thơm. Thế mà bát bún đậm đà, thơm ngon đến tận thìa nước cuối cùng.
Còn món bún ốc nguội thì ăn rất vừa miệng bởi ngay từ đầu khi vào nghề cô bán món bún ốc nguội. Những con ốc thơm ngon ăn cùng nước ốc luộc, nước ninh xương với dấm bỗng và ớt chưng có cảm giác vừa mát vừa cay cay vừa chua chịu. Nước chấm bún ốc nguội được cô đựng riêng vào chum da lươn, múc bằng muỗng tre, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon. Chính vì hương vị thơm ngon độc đáo mà khách cứ truyền tai nhau mà đến, ngày nào cô cũng bán hết veo 6 tạ ốc.
Bún ốc nguội Ô Quan Chưởng
Chỉ là một quán ăn nhỏ nằm ở góc gần cửa ô nhưng địa chỉ này là cái tên đầu tiên người Hà Nội nhớ đến khi nhắc đến món bún ốc nguội. Đĩa bún nhỏ được để riêng, bát nước dùng đơn giản có những con ốc béo, ăn vào cảm nhận vị giòn sần sật. Chỉ đơn giản vậy thôi mà món ăn mê lòng thực khách, đến quán lúc đông khách bạn sẽ phải đợi có chỗ ngồi, ăn “tranh thủ” để nhường chỗ cho người sau. Giá một phần từ 30.000 đồng.
Bún ốc Lương Ngọc Quyến (hay còn gọi là quán ốc Cô Giang) là một trong những quán ngon rất nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội. Quán này từng đón một vị khách đặc biệt – host của chương trình Anthony Bourdain: Parts Unknown. Ông ghé đến đây để thưởng thức món bún ốc và từ đó đến nay quán trở nên nổi tiếng.
Nguyên liệu làm món bún ốc không thể thiếu những con ốc to, béo ngậy. Ảnh: kenh14
Khi thưởng thức món bún ốc ở đây, vị đầu bếp đã phải thốt lên rằng: “”Thật kỳ diệu, nước dùng cay với cà chua, rau thơm, bún và ốc tươi”. Đây có lẽ cũng là điều dễ hiểu vì mỗi bát bún đều được cô Giang chăm sóc cẩn thận, tự tay lựa từng nguyên liệu cho đến cách chế biến.
Theo Dân Việt
Quán bún ốc phá cách, khách sành ăn phải chờ tới lượt
Bát bún ốc của một quán ở Hà Nội được cho thêm sườn nhưng vẫn giữ nguyên vị chua thanh vốn có của món ăn truyền thống.
Ngoài phở, nhiều người Hà Nội còn vấn vương một món ăn khác mỗi khi đi xa thành phố: bún ốc. Trước đây, bát bún chỉ có thành phần chủ yếu là bún, ốc chan nước dùng chua vị dấm bỗng, ăn kèm rau sống. Theo thời gian, nhiều quán cho thêm giò, thịt bò vào để chiều lòng các khách muốn ăn no. Nhưng cũng vì thế, vị của bát bún không còn thanh như trước đây.
Với nhiều khách ăn khó tính, việc cho thêm các thành phần "chắc dạ" vào bát bún ốc truyền thống thường gây ra sự khó chịu. Bởi vậy, họ vẫn tìm đến những cửa hàng lâu đời 30-40 năm để chỉ ăn nhõn "bún và ốc".
Bát bún ốc có thêm sườn giúp bạn no bụng vào bữa tối.
Tuy nhiên, vẫn có một quán ăn "phá cách" mới mở được vài năm đã trở thành địa chỉ quen của nhiều thực khách. Hầu hết quán bún ốc đều bán vào sáng và trưa thì địa chỉ trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại mở hàng từ 14h bán tới tối muộn. Giờ giấc hơi trái ngược nhưng quán vẫn thường xuyên đông khách. Vào tầm ăn tối (19-20h), số người tới ăn có thể lên tới 30-40 người ngồi kín các bàn.
Quán chỉ có một gian nhỏ, chủ yếu để bày nguyên liệu, bếp nấu. Khách hàng thường ngồi trên vỉa hè hoặc sát lối đi kê những bộ bàn ghế nhựa.
Ngoài bún ốc, chủ hàng bán đồ ăn kèm duy nhất là sườn chặt miếng. Khách quen chỉ cần gọi "to sườn, nhỏ sườn, lẫn sườn" là người phục vụ sẽ hiểu gọi một bát bún thế nào: ốc to, nhỏ, có sườn hay không. Bạn cũng có thể chọn một bát bún truyền thống chỉ có ốc không.
Bát bún ốc có màu sắc bắt mắt. Màu xanh của hành, màu đỏ của miếng cà chua thái lát hay những con ốc to tròn béo ngậy nổi bật trên nền màu trắng của những sợi bún vừa phải. Bát để ăn bún được đặt riêng với màu trắng - lam hoài cổ, in cả địa chỉ quán trên đó.
Nhà hàng không bán kèm đậu, thịt bò hay giò tai như nhiều nơi. Những miếng sườn không làm đổi vị của nước dùng nên khách sành ăn vẫn thấy hứng thú.
Khi khách gọi đồ, người bán thường hỏi "có ăn mắm tôm hay không". Nếu là người ăn nhạt, bạn nên từ chối vì nước dùng cũng khá đậm đà. Bát bún đầy đặn, người lớn ăn có thể đủ no. Nhưng vào những ngày tiết trời mùa thu mát mẻ, nhiều khách vẫn có thể ăn thêm một bát nữa bởi vị chua thanh của nước dùng kích thích vị giác, khiến bạn ăn ngon hơn.
Điểm trừ của quán là phục vụ khá chậm, nhất là khi đông khách. Tuy nhiên, khi bạn vào chỗ ngồi, người bán thường đã để ý trước. Bởi vậy, bạn không cần nhắc giục mà chờ đợi, sẽ có nhân viên phục vụ ra tận nơi để hỏi.
Giá mỗi bát bún vào khoảng 30.000 - 40.000 đồng tùy lựa chọn.
An Yên
Theo Vnexpress
Các quán bún không rẻ nhưng được lòng người Hà Nội Giá một bát bún sườn chua Xã Đàn, bún ốc cô Huê... cao hơn mặt bằng chung nhưng khách vẫn nườm nượp. Phở được du khách biết tới nhiều hơn nhưng món bún ở Hà Nội lại có cách chế biến phong phú hơn hẳn, số lượng quán khó đếm hết. Dưới đây là một số hàng nổi tiếng, giá cao hơn nhưng...