Quán bún chả nằm sâu trong ngõ nhỏ, trưa nào thực khách cũng phải xếp hàng đợi chờ mới đến lượt ăn ở phố cổ
Quán bún chả này rất nhỏ, muốn ăn phải gửi xe chỗ khác sau đó là sẽ phải chờ đợi khoảng 15 đến 20 phút mới có bàn, có bún để ăn. Nhưng theo nhiều người, “cái giá” để ăn bún chả ở đây hoàn toàn xứng đáng.
Nếu có một cuộc bình chọn bữa trưa yêu thích của dân Hà Nội, ắt hẳn bên cạnh bún riêu – ốc, bún đậu mắm tôm thì không thể không nhắc đến bún chả. Tương đối dễ dàng để tìm thấy một quán bún chả vừa miệng với mọi mức giá từ quán cóc ven đường, từ hàng lâu năm hay những nhà hàng sang trọng. Và chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chừng 10 phút đi bộ, bún chả ngõ 74 Hàng Quạt gần 20 năm qua là điểm đến thân quen không chỉ với người dân khu phố cổ, mà còn với những tín đồ ẩm thực khi đến Hà Nội.
Bún chả – sự kết hợp giữa thịt lợn thái mỏng, nướng bằng than hoa kiểu miền Bắc dùng kèm với nước chấm pha thiên về vị ngọt chua cùng với bún rối sợi nhỏ, đó là cắt nghĩa ngắn gọn về món ăn nổi danh đất Hà Thành. Tuy nhiên ở những quán khác nhau, cách gia giảm gia vị cùng bí quyết nướng thịt gia truyền đã tạo nên sự hấp dẫn riêng của từng địa điểm.
Qua quan sát, tuy chật hẹp, chỗ ngồi là vài cái bàn chạy dọc một bên của con ngỏ nhỏ nhưng quán bún chả này lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Nhân viên cũng như chủ quán phối hợp phục vụ khách cực kỳ nhịp nhàng và xởi lởi. Kiểu bán hàng bình dân được lòng khách hàng Hà Nội không hẳn theo hướng kiểu cách, trang trọng như khi bước vào khách sạn, mà chính là cái tinh thần vui vẻ, đáp ứng đồ ăn nhanh cũng như chính xác.
Bún chả Hàng Quạt nằm vỏn vẹn trong con ngõ chỉ rộng chưa tới 2 mét, là sự phối hợp kinh doanh của 4 hộ gia đình. Một nhà bán bún chả, gia đình bên cạnh phục vụ nem rán, hai gia đình còn lại bán café, nước uống và cả trà đá bình dân. Chủ quán chia sẻ: “Các cụ cứ bảo “con gà tức nhau tiếng gáy” nhưng ở đây thì không đâu em ơi. Nương vào nhau mà sống. Khách thấy ngon thấy hài lòng thì cuộc sống cả ngõ càng sướng chứ sao?”.
Video đang HOT
Quay về với nhân vật chính – suất bún chả đầy đặn. Thịt nướng ở Hàng Quạt là loại được nướng sém cạnh tuy nhiên vẫn giữ trọn độ mềm mọng, bóng lưỡng màu nâu hổ phách. Để tạo ra màu sắc đẹp mắt, chủ quán ướp thịt với nướng hàng – loại nước tạo màu được thắng từ đường cát, khá tương đồng với cách tạo màu của các món kho.
Bên cạnh thịt miếng, thịt viên cũng là một điểm sáng của phần bún chả tại đây. Cũng giống như hầu hết các hàng bún chả truyền thống, thịt viên được nặn viên nhỏ vừa ăn. Theo đánh giá của nhiều thực khách, chả nướng ở đây được ưa chuộng bởi sự cân bằng giữa tỷ lệ nạc và mỡ.
Cùng với bí quyết tẩm ướp riêng của gia đình, phần mỡ tiết ra cộng hưởng cùng hương thơm vốn có của thịt phảng phất chút mùi khói đánh thức khứu giác của khách hàng ngay khi bước chân vào đầu ngõ.
Phần nước chấm là linh hồn của bún chả. Thay vì pha sẵn hoàn toàn nước mắm ăn kèm, khi có khách dùng bữa, cô chủ quán mới chế thêm giấm gạo, bởi việc làm nóng giấm gạo sẽ gây mất hương vị vốn có của loại gia vị truyền thống này.
Không chỉ có chả nướng, nem rán tại Hàng Quạt cũng là một món ăn kèm không thể bỏ qua. Điều đáng khen nhất chính là việc nem luôn được rán mới hoàn toàn khi phục vụ khách. Nem cuốn c.hặt tay, lớp vỏ vỡ tan ra trong miệng cùng với phần nhân đúng điệu Hà Nội. Nhân đúng điệu Hà Nội là sự liên kết hoàn hảo giữa thịt nạc vai xay cùng miến dong – mộc nhĩ – củ quả và trứng. Nếu là người yêu thích những loại gia vị, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được vì nồng ấm của tiêu Bắc.
Dù là có địa điểm giữa phố cổ sầm uất, nhưng một suất bún chả ở đây sau bao năm chưa bao giờ vượt quá 35 ngàn đồng. Nem rán được bán riêng với giá 8 ngàn cho mỗi chiếc. Bởi chất lượng đáng được ngợi khen nên quán luôn đông nghẹt khách. Hãy yên tâm, ở đây sẽ không có bất cứ cú chặt chém hay lời lẽ, ánh mắt sắc như dao cau hướng vào các bạn như một số tin đồn không hay về quán xá Hà Nội đâu.
Có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng việc xếp hàng hay đợi chờ cho một bữa ăn bình dân như ở đây hay nhiều hàng quán khác ở Hà Nội là không đáng. Nhưng có lẽ chính cái đông đúc, chật chội nơi phố cổ và chút thời gian gian với dăm ba câu chuyện phiếm lại là nét văn hóa của ẩm thực kinh kỳ. Nếu có dịp đến Hà Nội, đây sẽ là trải nghiệm thú vị và đáng nhớ cho các bạn.
Theo helino
3 phiên bản bún cá nghe tên đã muốn ứa nước miếng của Hà Nội
Mỗi phiên bản bún cá này đều có một chút khác biệt riêng trong cách chế biến nhưng vị ngon của nó là điều không thể phủ nhận.
Bún cá chiên giòn
Thực ra món này sẽ chẳng có gì khác bún cá thông thường ngoài việc thay vì cá chiên xong cho vào bát rồi chan nước, phiên bản bún cá chiên giòn này sẽ để bún riêng, cá riêng. Đi kèm tất nhiên sẽ là một bát mắm tỏi để phục vụ việc chấm ăn cho thật đậm đà đã miệng.
Vì cá đã để riêng nên tô bún thoạt nhìn hơi không quen mắt khi chỉ có bún trắng, ít rau cải, hành, thì là. Nhưng bù lại cá để riêng, không bị nhúng nước lại rán liên tục nên luôn nóng hổi, ăn giòn rất sướng miệng. Theo nhiều người, vì cá rán để riêng thế này nên lượng cá mỗi bát đều khá nhiều, thêm nữa, kiểu ăn đến đâu chấm đến đấy có vị rất riêng.
Hiện tại, ở Hà Nội mới có khoảng 2 quán bán theo kiểu cá chiên để riêng thế này. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến quán Hạnh Béo ở Quán Thánh khi cứ trưa đến người ăn phải xếp hàng dài để đợi đến lượt và đợi cá. Và chờ đợi rán cá cũng là điểm trừ của loại bún cá này.
Bún cá Thái Bình
Món bún cá có nguồn gốc Thái Bình nằm ở giữa giới hạn của bún nước và bún trộn. Nghĩa là tô bún không nhiều nước đủ để bạn xì xụp húp như bún cá thường, nhưng không chỉ có vài thìa nước trộn cho ướt bún mà nước dùng luôn lưng lửng tô.
Cá trong tô bún cá Thái Bình không chế biến kiểu rán bình thường mà được tẩm ướp kĩ rồi rim nhỏ lửa trong nhiều tiếng đồng hồ nên miếng cá đậm, rất chắc. Tô bún cá Thái Bình sẽ rất khác với các loại bún cá khác, sợi bún to hơn, trong bát bún cá có cả một ít tóp mỡ béo ngậy, ăn kèm với rau rút hoặc rau cần và ít măng chẻ ngâm dấm ớt.
@___linhmoon
Vì lai giữa món trộn và nước, lại có măng chua nên món này hợp để ăn ngày nóng hơn những ngày lạnh của Hà Nội. Tuy có nhiều khác lạ, nhưng đây thực sự là món rất đáng để thử một lần.
Bún cá truyền thống
Tất nhiên, đây là phiên bản bún cá phổ biến và được bán nhiều nhất khi có tìm được ở rất nhiều con phố. Bún cá thường là cá chiên giòn nên việc chiên sao cho cá giữ được độ giòn lâu, không tanh cũng khá khó, thêm vào đó, nước dùng thường có vị chua dịu để đưa đẩy vị giác.
Một số quán còn cho thêm chả cá chiên hay lòng cá thậm chí là cá tươi chần cho thêm phong phú. Để đỡ ngán, bún cá luôn được ăn kèm các loại rau mà thường thấy nhất là rau cần, rau cải hay dọc mùng. Ngoài ra, một số nơi còn có thể phục vụ thêm măng chua ngâm.
Một tô bún cá trung bình chỉ 30 ngàn, vị chua ngọt của món bún này được xem là rất nịnh miệng cũng như chống ngán rất hiệu quả.
Theo helino
Khung giờ vàng để uống các loại viên bổ sung Bạn nên uống viên sắt vào bữa trưa hoặc bữa tối, bổ sung magiê trước khi đi ngủ, vitamin B vào buổi sáng... Sắt uống vào bữa trưa hoặc bữa tối Liz Weinandy, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm y tế Wexner của Đại học bang Ohio ở Columbus nói với tờ Reader's Digest, sắt uống tốt nhất là ở thời điểm...