Quán ăn Hải Phòng nơi phố cổ Hà Nội
Ở đây có đủ bánh đa cua, bún tôm, bánh mì, thịt vách chần… đúng kiểu Hải Phòng, sẽ là nơi dành cho những người con thành phố biển nhớ hương vị quê nhà hoặc những ai có cảm tình đặc biệt với ẩm thực xứ Cảng.
Mang cái tên khá “mỹ miều” – Nhất Dạ Quán nhưng đây chỉ là một tiệm ăn nhỏ, bình dị nằm trên phố Hàng Chuối. Vẻ ngoài không có gì đặc biệt, song khi bước vào đây, nhìn thực đơn, nhiều người lại thấy thú vị bởi biết quán này chuyên phục vụ các món ăn của thành phố biển Hải Phòng. Chủ quán cũng cho hay, tất cả các món ăn ở đây đều do chính tay người Hải Phòng chế biến.
Đầu tiên phải kể đến món bánh đa cua – thứ có lẽ là “món đinh” của tiệm. Nếu đã từng thưởng thức, hẳn bạn cũng biết bánh đa cua Hải Phòng khá giống với Hà Nội, nhưng nguyên liệu và độ phong phú thì trội hơn. Vì thế, một bát bánh đa tại đây đầy đặn và khá hấp dẫn. Ngoài riêu cua còn có chả lá lốt, chả cá, mọc, tôm, mộc nhĩ, rau muống. Hương vị không quá đặc biệt, cũng ngọt ngọt thanh thanh vị canh riêu cua, nhưng bánh đa cua Hải Phòng chất hơn, “vui miệng” hơn nhờ có nhiều loại thức ăn để bạn nhâm nhi.
Tiếp đến là bún tôm, cũng là một món ngon nổi tiếng của đất Cảng. Nếu thoạt nhìn, có lẽ bún tôm ở đây không “ăn điểm” lắm, trông hơi “hẻo” và kém hấp dẫn: chỉ đơn giản có vài con tôm, ít hành phi, thậm chí rau muống, mộc nhĩ cũng lèo tèo vài cọng. Song khi thưởng thức rồi, nhiều người lại đánh giá bún tôm ngon miệng và đặc biệt hơn cả bánh đa cua. Đó chính là nhờ loại nước canh trong leo lẻo nhưng ngọt thơm, dậy mùi mà dù không phải người sành ăn hay tinh mồm bạn cũng đoán ra được đó là thứ nước luộc tôm rất chất. Một điểm cộng nữa, chủ tiệm chọn tôm khéo lắm, tôm chỉ to vừa phải nhưng tươi mềm và ngọt thịt, khiến món bún tôm cũng thêm phần giá trị.
Thực đơn nơi đây còn có thêm một số món nghe khá lạ tai và cũng được quảng cáo là “made in Hải Phòng” như: thịt vách chần, bánh đa cua thịt vách, bánh đa cua chả thịt… Ngoài ra, như để “đủ bộ”, quán này còn bổ sung cả món ăn nhẹ là bánh mì Hải Phòng. Những chiếc bánh mì bé xíu giòn cay dù không phải là khám phá mới mẻ song sẽ khiến bữa ăn thêm phong phú. Nhiều khách hàng có vẻ thích chọn bánh mì làm đồ “khai vị”, vừa vui mồm vừa đỡ sốt ruột trong lúc chờ đợi món chính.
Video đang HOT
Nhất Dạ Quán có lẽ là một tiệm mới mở nên đến đây, bạn sẽ thấy bát đũa, bàn ghề còn khá tinh tươm, sạch sẽ, lượng khách cũng vừa phải chứ không ùn ùn đến ngạt thở như một số hàng quán khu phố cổ. Đồ ăn của quán có mức giá trung bình là 30.000 đồng/món, bánh đa cua đầy đủ như trên là 45.000 đồng/bát, và bánh mì Hải Phòng là 3.000 đồng/chiếc.
Địa chỉ: 59 phố Hàng Chuối, Hà Nội.
Hoàng Nhi
Theo Bưu Điện Việt Nam
7 quán đặc sản vùng miền ở Hà Nội
Thắng cố Tây Bắc, bánh đa của Hải Phòng, cháo lượn Nghệ An, bánh canh miền Trung... là những món ăn đặc sắc có thể thưởng thức ở Hà Nội.
Với nhiều người, Hà Nội quả là một thiên đường ẩm thực. Tại đây, thực khách không chỉ được thưởng thức những món ăn nổi tiếng của đất Hà thành mà còn có cơ hội trải nghiệm nhiều món ăn đặc sắc đến từ các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H"mông ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Món ăn này được chế biến từ thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và thịt lợn với các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương, được cho vào chảo nước đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó.
Thắng cố.
Tại Hà Nội, có thể thưởng thức món ăn này tại quán thắng cố Hà Thành trên đường Hoàng Quốc Việt. Cần lưu ý là món thắng cố tại đây đã được cải biên ít nhiều, chỉ tinh lọc bộ lòng ngựa và tiết ngựa thay vì "tạp phí lù" như thắng cố nguyên bản.
Bánh đa cua là một món ăn dân dã, rất phổ biến tại Hải Phòng. Một bát bánh đa hấp dẫn loại này phải hội tụ đủ ngũ màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô. Màu sắc bắt mắt kết hợp với hương vị thơm ngon, béo ngậy chắc chắn làm thực khách nếm một lần sẽ không thể nào quên.
Bánh đa cua.
Một số địa chỉ bánh đa của Hải Phòng tại Hà Nội: gánh hàng số 27 Hàng Cá, bánh đa cua bà Liên phố Lê Lợi, quán số 22 Trần Khát Chân...
Khi nhắc đến ấm thực của đất cố đô Ninh Bình, không thể không nhắc đến thịt dê núi. Thịt dê nơi đây nức tiếng ngon hơn các vùng khác bởi hai lẽ: thứ nhất, dê Ninh Bình nuôi trên núi đá, ăn các loại lá cây đa dạng nên thịt săn chắc hơn so với dê thả đồi thứ hai, người Ninh Bình có bí quyết riêng để chế biến các món từ thịt dê.
Thịt dê núi.
Một số quán chuyên về dê núi Ninh Bình ở Hà Nội là Dê Núi Anh Thư ở 55 Đại Cồ Việt, quán "Hà dê" ở số 63 Phạm Hồng Thái.
Xứ Nghệ vốn nổi tiếng với nhiều đặc sản được rất nhiều người ưa thích như cà pháo Nghi Lộc, nước mắn Diễn Châu, cam Xạ Đoài, "nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn".... và tất nhiên không thể không nhắc đến món cháo lươn, một đặc sản và là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Cháo lươn.
Có khá nhiều quán bán cháo lươn Nghệ An ở Hà Nội như: số 43 Trần Hữu Tước, số 64 đướng Láng, số 112 Nghi Tàm, quán lươn đầu dốc Hoàng Quốc Việt.
Có xuất xứ từ tỉnh Quảng Nam, mỳ Quảng đã trở thành một món ăn đặc trưng của cả miền Trung Việt Nam. Sợi mì được làm bằng bột gạo xay mịn hoặc bột mì và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mỏng khoảng 2mm. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt lợn nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương lợn. Ngoài ra, trong bát mì Quảng còn có thể có thêm lạc rang khô và giã dập, bánh đa, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ...
Mì Quảng.
Ở Hà Nội, có thể thưởng thức mỳ Quảng ở quán Huế - Ngự Bình ở góc Láng Hạ - đường Láng, quán bánh xèo Chính Thắm trên đường Thái Hà.
Là một đặc sản của xứ Huế, bún bò Huế có hương vị rất riêng với nước dùng làm từ xương bò hầm chín có cho thêm mắm ruốc và chả lợn hay chả bò quyết nhuyễn. Thịt bò có thể xắt mỏng, được nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào bát bún (gọi là thịt bò tái). Bún bò Huế được ăn kèm với rau sống gồm giá, rau quế, chanh, bắp chuối, rau... Có khá nhiều quán bán bún bò Huế ở Hà Nội, nhưng phải vào đúng quán do người Huế làm thì mới cảm nhận hết vị thơm ngon của món ăn này.
Bún bò Huế.
Một số địa chỉ đáng lưu ý: quán số 7 Thái Phiên, số 22 Hàng Hành và một quán đầu đường Phạm Ngọc Thạch.
Bánh canh là một món phổ biến ở miền Trung và Nam Việt Nam. Bánh được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn, được cán thành tấm và cắt ra thành sợi to và ngắn. Nước dùng được nấu từ tôm, cá, chân giò... thêm gia vị tùy theo từng loại bánh canh. Bánh được bỏ vào nồi nước dùng đã hầm vừa đủ độ và đợi cho chín tới. Gia vị cho bánh canh thay đổi tùy theo món bánh canh và tùy theo khẩu vị mỗi vùng. Bánh canh có thể dùng kèm với cá đã róc xương, chả cá, chân giò, tôm, thịt...
Bánh canh.
Các quán ở số 104 Đại Cồ Việt, ngõ 18 Huỳnh Thúc Kháng, 5D Quang Trung... là địa chỉ để thưởng thức món ăn này ở Hà Nội.
Cơm tấm Sài Gòn là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, được nấu từ hạt gạo tấm. Khi ăn, cơm được bày ra đĩa cùng nhiều thức ăn kèm theo như sườn nướng, chả trứng, trứng ốp-la, bì và đồ chua như đu đủ, cà rốt, củ cải, dưa chuột dấm... Ngoài ra, ăn cơm tấm phải có nước mắm ngọt, là nước mắm pha với nước lọc và thêm đường.
Cơm tấm Sài Gòn.
Một số quán cơm tấm ngon ở Hà Nội: 102K1 Giảng Võ, 59 Tràng Thi, 79A Trần Hưng Đạo, 13 Lý Thái Tổ...
Theo đất việt
Đi ăn bánh đa cua chính hiệu Hải Phòng ở Hà Nội Khoảng một tháng nay, ở phố Triệu Việt Vương xuất hiện một quán bánh đa cua giương biển "chính hiệu Hải Phòng". Tiệm nhìn tương đối bắt mắt nên chắc chắn sẽ khiến nhiều bạn trẻ tò mò, muốn khám phá thử. Quán nhỏ, bán món ăn bình dị song được thiết kế lịch sự và có phong cách: phòng điều hòa mát...