Quái vật hồ Loch Ness – Kho chuyện không bao giờ kể hết (2)
Giống những con “quái vật” ở một số hồ khác, từ lâu, Nessie đã trở thành đối tượng săn bắt. Năm 1975, qua phân tích những bức ảnh chụp được, một nhóm các nhà khoa học khẳng định: “Chắc chắn trong hồ Loch Ness có một loại động vật thủy sinh khổng lồ chưa rõ loài đang sinh sống”.
2. Những giả thiết về Nessie
Một con Nessie mô phỏng được đặt ven hồ Loch Ness
Ngay sau đó, Anh và Mỹ đã phối hợp tổ chức một chiến dịch săn bắt Nessie quy mô lớn. Hơn 20 chiếc tàu được huy động để kéo những tấm lưới giăng ngang, quét dọc hồ Loch Ness. Kết quả lại không như mong muốn. Nessie vẫn nhởn nhơ ngoài mành lưới.
Quả thật, để bắt được Nessie không phải chuyện dễ. Đáy hồ Loch Ness địa hình rất phức tạp, có nhiều hang động lớn. Chỉ cần thấy động, Nessie chui vào đó thì không chỉ lưới mà cả máy quét điện tử cũng không thể phát hiện ra. Đó là chưa tính tới việc hồ Loch Ness ăn thông với biển, nên Nessie hoàn toàn có thể trốn ra ngoài biển một thời gian, thấy yên lại vào và đáy hồ Loch Ness có một lượng lớn than bùn (dày hàng mét) khiến cho tầm nhìn của các loại camera gần như bằng không. Trong khi chưa xác định được Nessie thuộc loại động vật nào và chưa bắt được một con Nessie nào để làm chứng, cuộc tranh luận về con “thủy quái” trứ danh này vẫn không dứt. Dưới đây là một số giả thiết chính về Nessie:
“Quái vật” hồ Loch Ness là hậu duệ của loài xà long cổ đại (thằn lằn đầu rắn)?
Giả thiết này bắt nguồn từ việc các nhà khoa học Anh phát hiện hóa thạch 150 triệu năm tuổi của loài xà long cổ đại, bên bờ hồ Loch Ness. Điều đó có nghĩa loài xà long cổ đại – một loại động vật thủy sinh lớn là bà con xa của khủng long, được mệnh danh là bá vương trên biển vào đại Trung sinh, từng sống bên hồ Loch Ness ở kỷ Giura. Kết hợp với việc phân tích những bức ảnh chụp Nessie, người ta thấy giữa loài xà long cổ đại và Nessie có khá nhiều điểm giống nhau, nhất là ở chiếc đầu rắn, cổ dài, thân to rộng, răng sắc nhọn. Nhưng vấn đề đặt ra là loài khủng long đều đã tuyệt diệt sau khi trái đất bị một tiểu hành tinh va phải cách đây khoảng 65 triệu năm. Liệu loài xà long cổ đại đó đã tồn tại được tới ngày nay bất chấp những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết khí hậu? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có sự trả lời thấu đáo.
Video đang HOT
“Quái vật” hồ Loch Ness trong bức ảnh của bác sĩ Robert Kenneth Wilson công bố năm 1934
“Quái vật” hồ Loch Ness chẳng qua là loài thông cổ đại?
Khi những nỗ lực tóm được một con Nessie thất bại, quan điểm cho rằng hồ Loch Ness không có “quái vật” lại có dịp nổi lên. Theo một kĩ sư về hưu người Anh, cái gọi là “thủy quái” hồ Loch Ness chẳng qua là loài thông cổ đại. Bởi hơn một vạn năm trước, xung quanh hồ Loch Ness xanh ngắt một màu thông. Sau khi thời kỳ băng giá kết thúc, nước trong hồ Loch Ness dâng lên, nhấn chìm những cánh rừng thông xuống đáy. Những cây thông thỉnh thoảng nổi lên, nhìn từ xa giống phần cổ và thân của con “quái vật”. Tuy nhiên, những bức ảnh, đoạn phim ghi lại hình ảnh Nessie sau này dường như đã chống lại giả thiết trên.
“Quái vật” hồ Loch Ness là loài cá trèn trăm năm tuổi?
Cá trèn – loài động vật dưới nước bị nghi là cùng loại với Nessie
Đây là giả thiết của Friman. Nhà khoa học này cho rằng, trong hồ Loch Ness hiện có ít nhất vài con cá trèn đã sống được khoảng 100 năm. Thông thường, khi lên 10 tuổi, những con cá trèn này ở hồ Loch Ness bơi ra biển tới bang Florida (Mỹ) để đẻ trứng, sau đó chết ở đây. Nhưng có một số con cá trèn thuộc loại “thái giám”, do không thể sinh sản được, nên không thể mạo hiểm bơi ra biển, đành lưu lại hồ Loch Ness, càng ngày càng lớn, cuối cùng biến thành “thủy quái”, giống như những gì nhiều người nhìn thấy.
“Quái vật” hồ Loch Ness là kiệt tác của ông chủ đoàn xiếc Bertram Mills?
Giả thiết này do chuyên gia nghiên cứu khủng long, sinh vật học cổ đại của Anh, Nil Clark đưa ra. Theo Clark, ảnh chụp Nessie vào những năm 1930 thực chất là chụp một con voi thuộc đoàn xiếc của Bertram Mills đang bơi. Cái cổ dài của Nessie trên thực tế là chiếc vòi voi. Khi xem voi tắm, ông chủ Mills đã liên tưởng tới Nessie và vạch ra kế hoạch đánh bóng tên tuổi đoàn xiếc. Đó chính là lý do ông Mills đã treo giải thưởng ngất trời dành cho ai bắt được Nessie. Quả thực, sau đó, tên đoàn xiếc Bertram Mills đã được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, nếu đúng là vậy thì những lần xuất hiện sau này của Nessie sẽ phải giải thích ra sao, nhất là sau khi ông Mills qua đời (năm 1938)?
Theo Dân Trí
Quái vật hồ Loch Ness - Kho chuyện không bao giờ kể hết (1)
Ở miền bắc Xcốtlen có một dãy núi hùng vĩ mang tên Grampian. Dãy Grampian điệp trùng kéo dài từ hướng tây nam sang đông bắc với ngọn chính - Ben Nevis cao 1.343 m so với mực nước biển quanh năm mây che tuyết phủ.
1. Nessie - con "quái vật" trị giá hàng chục tỷ USD
Từ núi Ben Nevis, đi về hướng đông bắc là tới thành phố Inverness, nơi giáp một hẻm núi lớn. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí thoáng đãng, mát mẻ, không đơn giản vì nơi này cách xa chốn phố thị ồn ào mà do sự góp mặt của hàng loạt hồ lớn.
Hồ Loch Ness nhìn từ hướng khu phế tích lâu đài cổ Urquhart
Nếu tính từ tây sang bắc, lần lượt là hồ Loch Ness, hồ Loch Oich và hồ Loch Lochy. Trong đó, hồ Loch Oich và hồ Loch Lochy vốn dĩ là hồ kín, chỉ riêng hồ Loch Ness ăn thông với sông Ness chảy ra vịnh Moray. Tuy nhiên, dựa trên đặc điểm địa lý của chúng, sau này người Xcốtlen đã cho đào kênh Caledonian (khởi công năm 1803, hoàn thành năm 1822, làm sâu thêm năm 1847) dài 96,6 km, không chỉ giúp nối liền ba hồ này với nhau, mà còn khiến chúng một mặt liên thông Đại Tây Dương qua vịnh Lorn, một mặt mở ra Biển Bắc nhờ vịnh Moray, trở thành một tuyến giao thông thuỷ quan trọng ở miền bắc Xcốtlen.
"Quái vật" hồ Loch Ness trong một bức tranh cổ.
Trong ba hồ trên, Loch Ness là hồ sâu nhất, có chỗ sâu tới 293 mét. Kéo dài 39 km, rộng trung bình 1,6 km, nước trong mát, quanh năm không đóng băng, hồ Loch Ness không chỉ nổi tiếng bởi thắng cảnh và nguồn lợi thuỷ sản phong phú, mà còn nhờ một con "thuỷ quái" trứ danh hàng chục thế kỷ nay: "quái vật" hồ Loch Ness, hay Nessie.
Nessie bắt đầu xuất hiện trên giấy vào năm 565 sau Công nguyên. Chuyện kể rằng khi đi truyền giáo ở Xcốtlen, giáo sĩ người Ailen, Saint Columba, được người dân địa phương cho biết sông Ness có "quái vật" và nó đã giết chết nhiều người. Giáo sĩ Saint Columba liền cho một đồ đệ theo hầu lội xuống sông Ness dẫn dụ con "quái vật". Ngửi thấy mùi thức ăn, con "quái vật" nổi lên, lao tới tấn công mục tiêu. Giáo sĩ Saint Columba gọi tên thượng đế, lấy tay vẽ trong không khí hình cây thánh giá, lệnh cho "quái vật" rút lui. Con "quái vật" đang hung dữ là vậy, đột nhiên, ngoan ngoãn cúp đuôi lặn đi mất dạng. Những người Xcốtlen tận mắt chứng kiến cảnh tượng thần kì đó đã vô cùng kinh ngạc và vui mừng, lũ lượt gia nhập hàng ngũ tín đồ Cơ đốc giáo.
Kênh Caledonian nối thông hồ Loch Ness, hồ Loch Oich và hồ Loch Lochy
Hơn 10 thế kỷ sau, câu chuyện về Nessie lại rộ lên. Theo thống kê, chỉ trong một năm (1933), đã hơn 20 bài báo viết về những lần xuất hiện của Nessie. Con "quái vật" hồ Loch Ness nổi tiếng đến nỗi ông Bertram Mills, chủ một đoàn xiếc đã treo giải 20.000 bảng Anh (tương đương 1 triệu bảng Anh theo thời giá hiện nay) cho ai bắt được Nessie. Năm 1934, bác sĩ Robert Kenneth Wilson cho công bố bức ảnh mà ông tuyên bố là chụp Nessie vào ngày 19/4. Bức ảnh tuy không rõ nét, nhưng cũng đủ để người ta thấy được cái cổ dài, chiếc đầu bé, dẹt của Nessie lộ trên mặt nước. Nhờ bức ảnh này, tên tuổi của Nessie phút chốc loang đi toàn thế giới. Sau đó, vào ngày 3/4/1960, một kĩ sư hàng không của Anh tên là Dinsdale đã quay được một đoạn phim cho thấy trên hồ Loch Ness có một khối lớn với phần nhô trên mặt nước đen, dài đang di chuyển. Kết quả phân tích của trung tâm tình báo trinh sát không quân Hoàng gia Anh cho thấy, khối lớn đó là sinh vật. Du khách càng có lý để ùn ùn đổ về vãn cảnh hồ Loch Ness với mong muốn được một lần trong đời nhìn thấy con "quái vật" nổi tiếng ở đây.
Đến nay, hàng nghìn người cho rằng họ đã nhìn thấy Nessie. Theo miêu tả của đa số người may mắn mục kích sở thị, Nessie có cái đầu của loài rắn khổng lồ, thường chỉ nhô đầu và cổ (dài hơn 1 mét) lên mặt nước, khi lặn nhanh xuống nước tạo ra cột sóng rất lớn. Riêng về phần lưng, có người bảo Nessie có 1 lưng, người lại nói là 2, thậm chí là 3. Trong khi đó, mặc dù những bức ảnh, đoạn băng ghi lại hình ảnh Nessie ngày một nhiều lên, nhưng đáng tiếc là chúng luôn trong tình trạng mờ mờ ảo ảo. Tuy nhiên, nó lại càng kích thích sự tò mò của con người, trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu. Từ một nơi hoang vu, mênh mang những nước, hồ Loch Ness giờ đã trở thành "mỏ vàng" du lịch của Xcốtlen. Nessie đã mang lại cho ngành du lịch địa phương của Xcốtlen một khoản doanh thu khổng lồ, tính đến nay lên tới trên 20 tỷ USD.
Theo Nam Khánh
Báo tin tức
Quay được video về quái vật hồ Loch Ness? Mặc dù các nhà khoa học đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của Nessie, hay còn được biết đến với tên gọi quái vật hồ Loch Ness, nhưng mới đây dư luận lại dậy sóng sau khi một du khách quay được đoạn clip được cho là quái vật hồ Loch Ness. David Elder, 50 tuổi, là một nhiếp ảnh gia...