“Quái vật” giữa chòm sao Xử Nữ sống dậy: Lời cảnh báo?
Hiện tượng vừa xảy ra với một thiên hà trong chòm sao Xử Nữ có thể cũng sẽ xảy ra với Sagittarius A*, “trái tim quái vật” của thiên hà chứa Trái Đất.
Phát hiện về “ quái vật sống dậy” bắt nguồn từ một quan sát hồi tháng 12-2019 về SDSS 1335 0728, một thiên hà nằm cách chúng ta 300 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Xử Nữ.
Thiên hà này trước đây khá lu mờ, đột nhiên bắt đầu tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết.
Lỗ đen quái vật vừa thức tỉnh, tỏa sáng rực rỡ – Ảnh đồ họa: ESO
Để hiểu lý do tại sao, các nhà thiên văn học đã sử dụng dữ liệu từ một số đài quan sát không gian và trên mặt đất để theo dõi độ sáng của thiên hà thay đổi như thế nào. Họ phát hiện ra bất ngờ lớn ở trung tâm thiên hà.
Ở tâm của các thiên hà là một lỗ đen quái vật, tức dạng lỗ đen siêu khối, siêu lớn, siêu mạnh.
Trước đây, lỗ đen của SDSS 1335 0728 được xác định là ngưng hoạt động từ lâu. Nhưng giờ đây, sau một thời gian quan sát, các nhà thiên văn học một lần nữa xếp nó vào nhóm có nhân thiên hà đang hoạt động (AGN).
Một số hiện tượng như vụ nổ siêu tân tinh hay sự kiện gián đoạn thủy triều có thể khiến các thiên hà đột ngột sáng lên. Nhưng những biến đổi độ sáng này thường chỉ kéo dài vài chục hoặc nhiều nhất là vài trăm ngày.
Video đang HOT
Nhưng TS Paula Sánchez Sáez từ Đài thiên văn Nam Âu (ESO) và các cộng sự nhận thấy ánh sáng thiên hà này vẫn ngày nay vẫn đang phát triển mạnh mẽ hơn, hơn 4 năm sau lần đầu tiên ánh sáng mạnh được “bật” lên.
So sánh dữ liệu trước và sau 12-2019, họ phát hiện ra rằng SDSS 1335 0728 hiện phát ra nhiều ánh sáng hơn ở các bước sóng tia cực tím, quang học và hồng ngoại. Thiên hà này cũng bắt đầu phát ra tia X vào tháng 2-2024.
Sử dụng nhiều mô hình để phân tích nguồn sáng đó, cuối cùng, chỉ có một câu trả lời hoàn toàn hợp lý: Đó là lỗ đen quái vật ở trung tâm thiên hà đã thức tỉnh.
Điều này có nghĩa là lỗ đen này bắt đầu nuốt vật chất dữ dội. Chính quá trình nuốt vật chất này đã khiến lỗ đen phát sáng.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics, đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học tìm được bằng chứng về sự thức tỉnh của một lỗ đen khổng lồ đã ngủ yên, trong thời gian thực.
Họ hy vọng các đài thiên văn mạnh mẽ khác trên Trái Đất sẽ giúp tìm kiếm các ví dụ tương tự.
Hiện tượng này cũng là lời cảnh báo về điều tương tự có thể xảy ra đối với Milky Way, tức Ngân Hà, là thiên hà chứa Trái Đất.
Ở trung tâm của Ngân Hà là Sagittarius A*, một lỗ đen quái vật cũng đang ngủ đông sau “tuổi trẻ” hoạt động mạnh mẽ.
Tất nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng về việc con quái vật này sống dậy. Trái Đất chúng ta, cùng với cả hệ Mặt Trời chứa đựng nó, nằm ở tận rìa đĩa chính của thiên hà. Vì vậy, không có khả năng thế giới của chúng ta bị nuốt mất.
Phát hiện 16 siêu lỗ đen cổ đại đang bắn phá vũ trụ
Một nhóm các nhà thiên văn học đã tìm hiểu xem những chùm tia cực mạnh từ các lỗ đen 10 tỉ năm tuổi này đã và đang hướng tới đâu.
Theo trang tin tức của NASA, sử dụng Đài quan sát tia X Chandra của NASA, Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia (NRAO) của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (NSF) và Mảng đường cơ sở rất lớn (VLBA), một nhóm khoa học gia quốc tế đã quan sát 16 lỗ đen đang hoạt động cuồng nộ.
Chúng đều là lỗ đen quái vật ở trung tâm của các thiên hà.
Abell 478 và NGC 5044, nơi ẩn chứa hai lỗ đen quái vật liên tục "xoay nòng" - Ảnh: NASA
Không như con quái vật đang ngủ đông Sagittarius A* của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), 16 lỗ đen nói trên vẫn đang nuốt vật chất mạnh mẽ và bắn những luồng vật chất khủng khiếp vào khắp không gian.
Trong nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu từ Mỹ - Ý dẫn đầu bởi TS Francesco Ubertosi từ Đại học Bologna (Ý) thậm chí phát hiện ra rằng các lỗ đen này còn liên tục đổi hướng.
Công bố các kết quả trên trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal, các tác giả lấy ví dụ hai lỗ đen nằm trong cụm thiên hà Abell 478 và nhóm thiên hà NGC 5044.
Hai lỗ đen bên trong Abell 478 và NGC 5044 (dấu X) cũng như các hốc lớn mà chúng từng khoét sâu vào vùng không gian xung quanh bởi sức mạnh của dòng phản lực (khoanh đỏ) - Ảnh: NASA
So sánh giữa hình ảnh Chandra và VLBA cho thấy các chùm tia của con quái vật giữa Abell 478 đổi hướng khoảng 35 độ, trong khi các chùm tia của lỗ đen giữa NGC 5044 đổi hướng khoảng 70 độ.
Tổng cộng khoảng 1/3 lỗ đen được quan sát đã biểu hiện sự đổi hướng thấy rõ.
Một số cái thậm chí đã thay đổi hướng gần 90 độ chỉ trong khoảng thời gian từ 1 triệu năm đến vài chục triệu năm. Các lỗ đen này vốn có tuổi đời khoảng 10 tỉ năm, do đó sự đổi hướng này là tương đối nhanh chóng.
Các chùm tia mà lỗ đen bắn vào vũ trụ thực ra là sản phẩm "ợ hơi" từ những bữa ăn mãnh liệt của nó, thường vuông góc với mặt phẳng lỗ đen.
Sự đổi hướng mà các nhà khoa học đã quan sát cho thấy bản thân lỗ đen có thể đã thay đổi, từ đó thay đổi góc bắn phá các chùm tia cuồng nộ này vào vũ trụ.
Tuy mạnh mẽ và đáng sợ, những chùm tia này sau cùng lại không phải là tử thần.
Chúng quả thật bơm năng lượng mạnh vào khu vực bên trong và trung tâm thiên hà, khiến khí nóng của thiên hà liên tục bị thiêu đốt, không thể nguội đi.
Nhưng chính điều này đã giúp kích thích quá trình hình thành sao và giúp thiên hà ngày một phát triển.
Trái lại, nếu lỗ đen đổi hướng quá lớn, khu vực mà nó bắn phá trước đó sẽ không bị nung nóng như trước nữa, từ đó làm chậm lại quá trình hình thành sao.
Phát hiện này góp phần cho thấy các lỗ đen trung tâm đã tác động như thế nào đến đời sống của thiên hà mà nó trú ngụ, cũng như vùng không gian xung quanh đó và có thể là cả một số thiên hà lân cận trong cùng một cụm.
Phát hiện lỗ đen cổ xưa nhất vũ trụ, già hơn Trái Đất 8 tỉ năm Kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb đã tìm thấy một lỗ đen quái vật ra đời sau vụ nổ Big Bang 440 triệu năm Theo Live Science, đây là lỗ đen cổ xưa nhất vũ trụ từng được con người quan sát. Nó có khối lượng gấp 1,6 triệu lần Mặt Trời và là lỗ đen trung tâm...