‘Quái vật 21 bộ mặt’ khiến cảnh sát tự thiêu ở Nhật Bản
Vào thập niên 1980, một nhóm tội phạm lấy tên là ‘ Quái vật 21 bộ mặt’ đã khủng bố tinh thần các công ty và người dân Nhật Bản suốt 17 tháng, dẫn đến vụ tự tử của một cảnh sát.
Tranh minh họa “Quái vật 21 bộ mặt”. Ảnh: historicmysteries
Ngày 18/3/1984, hai người đàn ông bịt mặt bắt cóc Katsuhisa Ezaki, giám đốc điều hành công ty sản xuất bánh kẹo Glico và đòi tiền chuộc một tỷ yen. Ezaki đã trốn thoát trước khi tiền chuộc được trả, theo Historic Mysteries.
Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu cho một loạt sự kiện gây hoang mang về sau. Tháng 4/1984, một số xe đậu bên ngoài trụ sở chính của Glico bị đốt cháy và các khu vực xung quanh cũng bị phá hủy.
Một tháng sau, Glico nhận được thư đe dọa ký tên “Quái vật 21 bộ mặt” (cái tên được đặt theo nhân vật phản diện trong tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng), dọa rằng kẹo của Glico sẽ bị tiêm thuốc độc xyanua. Glico quyết định thu hồi kẹo từ tất cả cửa hàng tạp hóa trên khắp Nhật Bản, khiến công ty thiệt hại 21 triệu USD và hơn 450 công nhân bán thời gian bị sa thải.
Cảnh sát có một vài manh mối. Camera an ninh tại một cửa hàng tạp hóa ghi lại hình ảnh một người đàn ông đặt sản phẩm của Glico lên kệ hàng. Anh ta đội mũ bóng chày và không thể xác định danh tính. Tuy chỉ có một người đàn ông trong cảnh quay, cảnh sát tin rằng có nhiều hơn một người đứng sau vụ việc.
“Quái vật” dường như thích thú trước sự hoảng loạn và bất an mà họ gây ra. Họ gửi thư trêu trọc cảnh sát và truyền thông. “Gửi đến lũ cảnh sát ngu ngốc. Đừng nói dối. Như người Nhật chúng ta thường nói, tất cả tội ác bắt đầu bằng lời nói dối, các anh có biết không? Các anh có vẻ hoang mang lắm”, một bức thư có đoạn viết.
Ngày 26/6, “Quái vật” bất ngờ gửi thư nói rằng “Chúng tôi tha thứ cho Glico!” và không giải thích gì thêm. Tuy nhiên, điều này chỉ đặt dấu chấm hết cho việc quấy rối của họ với Glico, “Quái vật” chuyển mục tiêu sang các công ty bánh kẹo lớn khác là Morinaga, Marudai Ham và House Food.
Video đang HOT
Nghi phạm đặt sản phẩm lên kệ hàng. Ảnh: Allday
‘Người mắt cáo’
Cuối tháng đó, “Quái vật” tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động nếu được trả 50 triệu yen, với yêu cầu là túi tiền được ném ra khỏi một tàu cao tốc đi về hướng thành phố Kyoto ngày 28/6, địa điểm thả tiền được xác định bằng cờ trắng. Một cảnh sát chìm đã đảm đương nhiệm vụ chuyển tiền. Cảnh sát không nhìn thấy cờ trắng nhưng phát hiện đối tượng khả nghi là một đàn ông vạm vỡ, tóc ngắn, xoăn với “đôi mắt giống như một con cáo”. Cảnh sát cố gắng theo dõi anh ta nhưng để mất dấu. Từ đó, “người mắt cáo” trở thành một trong những nghi phạm chính.
Tháng 10/1984, “Quái vật” tuyên bố rằng 21 gói kẹo Morinaga được trẻ em yêu thích bị đầu độc bằng natri xyanua. Cảnh sát sau đó thu hồi được tất cả 21 sản phẩm nhiễm độc trước khi có người ăn chúng. Điều đặc biệt là các gói kẹo độc đều được dán nhãn rõ ràng là “Nguy hiểm: Có chứa chất độc”, cho thấy “Quái vật” có vẻ muốn cho “nạn nhân tiềm năng” cơ hội tránh cái chết. Vụ việc này càng làm người dân sợ hãi và Morinaga bị tổn thất tài chính nặng nề.
Tháng 11/1984, “Quái vật” lại đòi số tiền 100 triệu yen và yêu cầu tiền được thả vào một chiếc thùng được đánh dấu bằng vải trắng trên đường cao tốc Meishin tại khu vực Otsu. Cảnh sát đã mai phục tại đây và phát hiện “người mắt cáo” nhưng lại mất dấu anh ta một lần nữa.
Tháng sau, “Quái vật” bắt đầu mở rộng chiến dịch quấy rối và lại đe dọa đầu độc các sản phẩm bánh kẹo. Cảnh sát đã đăng áp phích khắc họa “người mắt cáo” để tìm kiếm thông tin về nghi phạm nhưng không có ai đến khai báo.
Tranh phác họa ‘người mắt cáo’. Ảnh: Allday
Lời tạm biệt
Tuyệt vọng vì bế tắc trong vụ án, tháng 8/1985, Yamamoto, lãnh đạo cảnh sát tỉnh Shiga, đã tự thiêu. 5 ngày sau, “Quái vật” gửi bức thư cuối cùng đến truyền thông:
“Yamamoto, cảnh sát tỉnh Shiga, đã chết. Anh ta thật ngốc nghếch! Chúng tôi không có bạn bè hay nơi ẩn náu bí mật ở Shiga. Yoshino hoặc Shikata (ám chỉ cảnh sát ở các tỉnh khác) mới đáng phải chết. Họ đã làm gì trong một năm 5 tháng qua? Đừng để những kẻ xấu như chúng tôi thoát tội.
Có nhiều kẻ ngu ngốc muốn sao chép chúng tôi. Yamamoto đã chết như một người đàn ông. Vì vậy, chúng tôi gửi lời chia buồn và quyết định từ bỏ việc tra tấn các công ty thực phẩm. Nếu có bất cứ ai tống tiền công ty thực phẩm sau này thì đó không phải là chúng tôi mà chỉ là kẻ bắt chước. Chúng tôi là những kẻ xấu, điều đó có nghĩa là chúng tôi có nhiều việc phải làm hơn là bắt nạt các công ty. Sống cuộc sống của kẻ xấu rất thú vị – Quái vật 21 bộ mặt”.
Sau lá thư này, “Quái vật” hoàn toàn biến mất. Vậy là sau 17 tháng lũng loạn, thủ phạm mãi mãi không được tìm ra.
Tuy vụ án đã bị đóng, nó vẫn làm nảy ra nhiều cuộc tranh luận và thuyết âm mưu. Một số người cho rằng thủ phạm là các nhóm Yakuza của Nhật Bản như Yamaguchi-gumi và Ichiwa-kai, những nhóm đang tham gia vào cuộc chiến băng đảng trong khoảng thời gian vụ việc xảy ra. Những người khác thì cho rằng đó là hoạt động của các nhóm cực đoan cánh tả hoặc cánh hữu, hay là mưu kế của các nhà đầu tư vô đạo đức để thao túng thị trường cổ phiếu. Còn có một số thuyết âm mưu cho rằng đó là các điệp viên bí mật của Triều Tiên cố gắng phá hoại nền kinh tế Nhật Bản hay là một tổ chức bí mật có tầm hoạt động khắp thế giới.
Sự việc trở thành một trong những vụ án chưa có lời giải nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản. “Quái vật 21 bộ mặt” là ai? Họ thật sự muốn gì? Tại sao họ lại nhắm mục tiêu vào các công ty bánh kẹo? Đây đơn giản là vụ tống tiền hay còn điều gì hơn thế? Tung tích của “người mắt cáo”? Tất cả vẫn đều là bí ẩn.
Phương Vũ
Theo VNE
Trùm mafia Nhật Bản lần đầu tiên bị phạt vì tống tiền
Thành viên cấp cao của một nhóm yakuza lớn ở Tokyo bị yêu cầu trả khoảng 1,98 triệu USD bồi thường thiệt hại vì tống tiền.
Một cựu trùm yakuza ở Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP
Tòa án quận Tokyo hôm 29/9 yêu cầu Keika So, cựu chủ tịch 88 tuổi của tổ chức tội phạm Kyokuto-kai, và hai thành viên băng đảng này bồi thường 200 triệu yen (1,98 triệu USD) thiệt hại cho 27 người đàn ông và phụ nữ đã đệ đơn kiện.
Các luật sư cho biết đây là lần đầu tiên một tòa án Nhật yêu cầu một trùm yakuza chịu trách nhiệm dù ông ta không trực tiếp tham gia hành vi phạm tội, theo Kyodo News.
Maki Yamada, chủ toạ phiên toà, nói trong phán quyết rằng: "Các thành viên cấp cao của Kyokuto-kai có dính líu đến vụ việc và số tiền thu được là một phần trong việc hoạt động của cả nhóm. Thủ lĩnh nhóm không thể nào được miễn trách nhiệm".
Một nhóm chi nhánh của Kyokuto-kai - băng đảng được cho là có 1.200 thành viên, đã lừa dối hoặc đe dọa những người khiếm thính. Các thành viên băng đảng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc email để lừa các nguyên đơn đưa cho họ khoảng 170 triệu yen (1,7 triệu USD) từ tháng 5/2008 đến tháng 4/2010.
Phương Vũ
Theo VNE
Mafia Nhật bí mật truyền tin cho thành viên trong tù bằng sách Một nhóm yakuza lớn gửi tin nhắn mật cho các thành viên trong tù qua sách và tạp chí, để yêu cầu họ không khai ra những kẻ đầu sỏ. Một thành viên yakuza. Ảnh minh họa: amazonaws Theo yêu cầu của Văn phòng công tố viên quận Fukuoka, Tòa án quận Fukuoka ban lệnh cấm các thành viên của nhóm yakuza Kudo-kai...