“Quái chiêu” lách luật khi qua hầm Hải Vân
Trong quá trình vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hầm đường bộ Hải Vân, các phương tiện vi phạm đều được xử lý nghiêm.
Để qua mặt hệ thống mắt thần điện tử giám sát, cánh tài xế đã nghĩ ra nhiều quái chiêu…
Chết máy giữa đường hầm để tránh bị phạt
Theo quy định, các phương tiện khi lưu thông qua đường hầm đều phải chạy với tốc độ tối thiểu 40 km/h và tối đa 70 km/h. Các phương tiện không được chạy nhanh hơn, cũng không được chạy chậm hơn, đặc biệt là không được vượt tránh trong đường hầm.
Các phương tiện chuyên dụng sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra trong đường hầm.
Quy định là vậy, nhưng có nhiều lúc sự cố xe chết máy bất thường diễn ra trong đường hầm đã gây ách tắc giao thông.
Ngay lập tức, xe cứu hộ nhận lệnh vào đưa xe chết máy ra khỏi hầm để đảm bảo an toàn giao thông.
“Nếu không kịp thời xử lý phân luồng xe và chặn xe từ hai đầu đường hầm thì lập tức đường hầm sẽ bị ùn tắc. Nguy cơ cháy nổ cùng nhiều nguy hiểm khác cũng rình rập” – ông Cao Bá Giang cho biết.
Video đang HOT
Nhiều trường hợp xe tải nặng chạy chậm qua hầm, thấy nguy cơ bị phạt, tài xế liền cho xe chết máy để được xe cứu hộ vào kéo ra. Đây là “quái chiêu” của cánh tài xế đã làm đau đầu cơ quan quản lý vận hành hầm.
Lúc đầu, lực lượng quản lý vận hành cũng bó tay. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, sau một thời gian xe tải hạng nặng cứ chết máy giữa hầm, lực lượng vận hành đã tìm ra nguyên nhân và xử lý nghiêm.
Đoàn xe tải hạng nặng vượt tải đang đậu phía nam hầm để chờ nhau kéo thành đoàn vượt hầm.
“Đối với những phương tiện chết máy do sự cố, sau khi xe cứu hộ đưa ra khỏi hầm sẽ không bị xử lý. Nhưng đối với những xe mà tài xế cố tình cho chết máy để xe cứu hộ đưa ra, chúng tôi tiến hành kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm theo qui định…” – ông Giang nói.
Quái chiêu “Lê Lai cứu chúa…”
Những quái chiêu của tài xế bị phát hiện và xử lý, theo Phó Tổng GĐ Cao Bá Giang, nếu tiếp diễn liên tục sẽ rất nguy hiểm đến an toàn vận hành đường hầm.
Nhưng cũng có những quái chiêu khiến lực lượng vận hành hầm phải bó tay và đau đầu khi xử lý. Thậm chí, khi phát hiện vi phạm vẫn không xử lý được.
Theo lời kể lại của các kỹ sư ứng trực xử lý sự cố hàng ngày, nhiều tài xế còn dùng chiêu “Lê Lai cứu chúa” khiến các anh nhiều lúc phải lắc đầu chào thua.
Thường thì các xe chở quá tải, hàng nặng khi qua hầm không chạy đúng tốc độ quy định sẽ bị phạt.
Xe tải nặng đang chờ nhau ở cửa hầm phía bắc để chuẩn bị kéo nhau vượt hầm tránh bị phạt.
Cánh lái xe tải đường dài thường liên kết, hẹn nhau hàng chục chiếc ở hai đầu đường dẫn để đi thành đoàn qua hầm.
Trước khi đi thành đoàn qua hầm, cánh tài xế cử xe đi đầu theo phương án “có chết một mình tui chết”. Nghĩa là có phạt thì chỉ phạt mình xe đi đầu. Cánh tài xế đi sau cứ thế ung dung chạy chậm, ì ạch bò qua đường hầm bám xe đầu.
Khi ra khỏi hầm, chiếc xe đi đầu sẽ bị giữ lại để xử lý vì chạy chậm. Tổng số tiền xử phạt sẽ được các tài xế chạy sau chung chi cho tài xế chạy đầu.
Anh Nguyễn Hùng Dũng, một tài xế xe tải đường dài kể: xe tải đường dài chở đúng tải chỉ có… ăn cám. Vì vậy tụi tui buộc phải chở quá tải. Mà chở quá tải khi ra đường phải chung chi mới qua ải.
Khổ nhất là qua hầm đường bộ Hải Vân, nếu chở quá tải là bị “vịn” ngay vì độ dốc trong hầm khá lớn, chở quá tải không thể chạy đúng tốc độ được.
“Tui nhiều lần chở quá tải bò ì ạch một mình qua hầm. Khi ra đến cửa hầm là bị “vin” và xử phạt ngay, nên phải nghĩ ra cách để qua hầm an toàn mà không bị phạt” – anh Dũng kể.
Để hóa giải chiêu thức “Lê Lai cứu chúa” của cánh tài xế, theo ông Cao Bá Giang, đơn vị đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng, chặn đoàn xe tải nặng, chia thành nhiều tốp nhỏ và thậm chí cân tải trọng buộc bốc dỡ hàng quá tải mới cho qua hầm. Tuy nhiên, cũng rất khó khăn.
Theo xahoi
Chưa xe nào đóng phí bảo trì đường bộ
Mặc dù đã có nơi niêm yết mức thu nhưng ngay trong ngày 1/1/2013, chưa địa phương nào thu được phí bảo trì đường bộ.
Theo quy định thì từ ngày 1/1/2013, gần 40 triệu phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ (BTĐB), mức thu và cách thức thu do HĐND các tỉnh, TP tự quyết định theo khung phí tại Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, chỉ mới có tỉnh Đồng Nai chính thức triển khai nhưng cho đến cuối ngày vẫn chưa có thông tin về số lượng chủ phương tiện đóng phí.
Mới chỉ niêm yết
Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết Trung tâm Đăng kiểm Đồng Nai và 3 chi nhánh đăng kiểm (Long Thành, Định Quán, Long Khánh) đã chuẩn bị sẵn sàng nhân viên thu phí, máy móc in ấn chứng từ và tem sử dụng đường bộ theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Tại nơi nhận hồ sơ đăng kiểm ở các trung tâm, chi nhánh đều niêm yết bảng công khai mức thu phí để tài xế, chủ xe tìm hiểu.
Tại tỉnh Đồng Nai, phí BTĐB được thu song song với phí đăng kiểm khi tài xế, chủ xe đến làm thủ tục đăng kiểm. Phí được thu theo thời gian của chu kỳ đăng kiểm (3 tháng, 6 tháng... đến 30 tháng) của phương tiện. Biểu thu phí các loại ô tô, rơ-moóc có 11 mức. Mức thấp nhất (ô tô dưới 10 chỗ) là 130.000 đồng/tháng và mức cao nhất (xe tải, ô tô chuyên dùng trên 27 tấn) là 1 triệu đồng/tháng; mức thu đối với ô tô của lực lượng quốc phòng, công an dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/năm/phương tiện.
Các trạm đăng kiểm ở Hà Nội đều đóng cửa trong ngày 1/1 (Ảnh chụp tại Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 29.03S). Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Trạm thu phí T1 trên Quốc lộ 51 (từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu) triển khai thu với mức thu thấp nhất là 20.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và xe buýt công cộng; mức thu cao nhất là 160.000 đồng/lượt đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container loại 40 feet.
Tại Hà Nội, tất cả các trạm đăng kiểm xe cơ giới đều đóng cửa trong ngày Tết Dương lịch 1/1. Tuy nhiên, tại Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 29.03S (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), đã niêm yết mức thu phí áp dụng cụ thể cho từng loại xe. Trong sáng 1/1 đã có hàng chục lái xe ô tô đến xem để tìm hiểu thông tin. Anh Nguyễn Viết Long, lái xe tải, cho biết chỉ còn vài ngày nữa anh phải đưa xe đi đăng kiểm lại nên tiện thể sẽ đóng phí luôn.
Chờ hướng dẫn
Tại TP Đà Nẵng, theo kế hoạch, việc thu phí BTĐB sẽ chính thức được áp dụng vào ngày hôm nay (2/1). Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, nói trước mắt chỉ áp dụng đối với ô tô và thực hiện thu tại trung tâm đăng kiểm; với xe máy thì chưa thể thực hiện được vì phải chờ quyết định cuối cùng của HĐND TP. Tuy nhiên, phương án mà Sở GTVT TP Đà Nẵng đưa ra là giao về các tổ dân phố chịu trách nhiệm thu.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, sở chưa chỉ đạo trung tâm đăng kiểm thu vì phải còn chờ văn bản của tỉnh ủy, UBND tỉnh có đồng ý hay không mới thực hiện; hơn nữa, Bộ GTVT có ra lệnh thu thì sở mới chỉ đạo thu. Tương tự, các địa phương như Long An, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP Cần Thơ cũng chưa có phương tiện tham gia giao thông nào phải đóng phí trong ngày 1/1. Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau, nói: "Nghị định đã có hiệu lực nhưng các địa phương cần có thời gian để xây dựng phương án khả thi, thông qua HĐND chứ không thể áp dụng ngay được".
Không thấy ai kêu đóng!
Nhiều người dân vẫn dửng dưng, thậm chí chưa nắm được thông tin về việc đóng phí BTĐB. Chị Vũ Phương Thùy (ngụ thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai - Bạc Liêu) ngạc nhiên: "Thu phí BTĐB? Nói thật, giờ tôi mới được nghe!". Anh Nguyễn Minh Đương (ngụ xã Tắc Vân, TP Cà Mau) bày tỏ: "Tôi có nghe nói nếu đến ngày 1/1/2013, phương tiện tham gia giao thông không đóng phí sẽ bị phạt nhưng đến bây giờ tôi không thấy ai kêu đóng phí và bản thân tôi cũng không biết phải đóng ở đâu".
Trong khi đó, ông Trương Đắc Đoan, chủ quán cà phê Nhân ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa - Hà Nội, băn khoăn rằng với việc thu phí này, cán bộ phường không thể thu được vì xe máy giờ không chính chủ rất nhiều, nếu phường đến thu mà người dân nói đây là xe mượn thì làm sao thu?
Tại TPHCM, khi được hỏi về trách nhiệm thu phí BTĐB, nhiều tổ trưởng tổ dân phố tỏ ra ngạc nhiên, cho biết chưa nghe ai nói đến hay triển khai bất cứ thông tin nào liên quan. Ông Trần Bá Lâm, tổ trưởng tổ 9, ấp 3A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nói: "Cho dù được phân công đi nữa, tôi thấy việc này chẳng khả thi chút nào.
Tổ trưởng có quyền hành, nghiệp vụ gì về thuế, phí đâu mà đi thu từng nhà". Còn theo bà Thái Thị Mười, tổ trưởng tổ 12 của xã này, nếu thực hiện thì cấp trên phải xuống địa bàn, tổ chức họp toàn dân cư trong tổ để thông báo, giải thích rõ về mức tiền phải đóng, công khai phân nhiệm cho người đi thu và phải có biên lai, biên nhận đàng hoàng. "Bây giờ mà bảo chúng tôi đến nhà dân thu phí BTĐB thì dân họ chửi cho. Đâu phải ai cũng đọc báo mà biết có cái loại phí đó" - bà Mười nhận định.
Theo 24h
Nhiều luật mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013 Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ngày 1/1/2013, nhiều quy định mới sẽ có hiệu lực. Nằm trong các mặt hàng bình ổn, giá sữa sẽ hết cảnh lên xuống thất thường Nâng chất lượng giáo dục ĐH, bình ổn giá sữa Nhận xét về Luật...