Quai bị, căn bệnh có thể dẫn đến vô sinh nếu chủ quan
Bệnh quai bị tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới.
1. Bệnh quai bị là gì?
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus quai bị (Mumps virus) thuộc họ Paramyxoviridae gây nên. Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp và dễ lây nhất từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
Nguồn lây từ người đang mắc bệnh lây cho người lành chưa có kháng thể chống virus quai bị, thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện…
Virus này có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể. Ở nhiệt độ 15 – 200 độ C, virus này có thể tồn tại khoảng 30-60 ngày và sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560 độ C hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh quai bị thường xảy ra vào mùa đông-xuân, cao điểm là từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm.
Bệnh quai bị tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh.
Các tuyến nước bọt trong cơ thể
2. Triệu chứng của bệnh quai bị
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh quai bị có thể xuất hiện giống với triệu chứng của những cơn cảm cúm thông thường.
Thời kỳ ủ bệnh quai bị kéo dài 14-24 ngày, thời kỳ này không có triệu chứng lâm sàng. Sau thời gian đó, virus phát triển ở niêm mạc miệng rồi xâm nhập vào máu gây viêm các cơ quan.
Thời kỳ khởi bệnh, người bị bệnh quai bị suy nhược, chán ăn, ngủ kém kèm đau đầu, đau họng và đau góc hàm.
Trong dấu hiệu của bệnh quai bị, có 3 vị trí đau điển hình là góc thái dương đến hàm, điểm mỏm xương chũm và góc xương hàm dưới.
Thời kỳ toàn phát, tuyến nước bọt ở mang tai bị sưng to, thường sưng trước một bên, sau vài ngày sẽ tiếp tục sưng bên còn lại. Ở một số trường hợp, tuyến nước bọt sưng to có thể gây biến dạng khuôn mặt dẫn đến khó khăn trong việc nhai, nuốt.
Các triệu chứng đi kèm: sốt 38-39 độ C trong 3 ngày đầu của bệnh, có khi lên tới 40 độ C. Sốt cao gặp trong viêm màng não hoặc viêm tinh hoàn, đau đầu, đau bụng, khó nuốt, khó nói.
Video đang HOT
Viêm tuyến nước bọt trong bệnh quai bị không hóa mủ trừ khi có bội nhiễm thêm vi khuẩn khác. Vùng da ở nơi bị sưng thường căng, không đỏ nhưng khi sờ vào sẽ thấy nóng và bệnh nhân kêu đau.
Thời kỳ hồi phục, bệnh nhân mắc quai bị sau khi hết sốt kéo dài khoảng 10 ngày, sưng tuyến nước bọt sẽ giảm dần, các triệu chứng đau họng, khó nuốt giảm và từ từ khỏi hẳn.
3. Biến chứng của bệnh quai bị
Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp nhưng thường có nguy cơ nặng và có nhiều biến chứng hơn trẻ em. Các biến chứng có thể gặp phải như:
Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn
Với người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, biến chứng này có tỷ lệ 20-35%, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày hoặc xuất hiện trước hoặc đồng thời.
Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày. Khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn bị teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh.
Nếu có biểu hiện viêm tinh hoàn, cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị. Trong trường hợp khả năng sinh tinh khó phục hồi, bệnh nhân có thể đến các bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh để được lưu trữ tinh trùng khi chất lượng tinh trùng chưa giảm nhiều.
Viêm buồng trứng
Biểu hiện đau bụng, rong kinh, có tỷ lệ 7% ở nữ giới sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh.
Với phụ nữ mang thai, việc mắc quai bị có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến. Một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng có thể dẫn đến hoại tử mô phổi.
Viêm tụy
Viêm tuỵ là một biểu hiện nặng của quai bị, có tỷ lệ mắc là 3-7%. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.
Các tổn thương thần kinh
Tỷ lệ quai bị gây ra biến chứng viêm não là 0,5%. Bệnh nhân có các hiện tượng như: người bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, thị giác… Tổn thương thần kinh sọ não có thể dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm đa rễ thần kinh.
Biến chứng khác
Viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm cơ tim, viêm thần kinh thị giác, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi…
Chích ngừa vắc xin để chủ động phòng chống bệnh quai bị
4. Điều trị bệnh quai bị
Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nguyên tắc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và biến chứng.
Bệnh nhân mắc quai bị sau khi có biểu hiện bệnh cần cách ly tối thiểu 2 tuần, nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động, ăn thực phẩm lỏng trong những ngày đầu. Thông thường, mất khoảng 10 ngày để bệnh nhân khỏi bệnh và miễn dịch suốt đời với bệnh quai bị.
Acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm sốt và giảm đau. Lưu ý không dùng aspirin cho trẻ nhỏ bởi nguy cơ có thể mắc phải hội chứng Reye.
Có thể xoa dịu cơn đau bằng cách chườm lạnh lên hàm và hạ sốt bằng việc đắp khăn ấm. Uống nhiều nước hơn (tránh nước ép trái cây vì kích thích sản xuất nước bọt, có thể gây đau), súc miệng bằng nước muối ấm.
Cách ly người bệnh với người lành. Cả người chăm sóc và người bệnh cần đeo khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn để hạn chế lây lan virus.
5. Phòng bệnh quai bị thế nào?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, để phòng bệnh quai bị, cách tốt nhất là tiêm vắc xin. Không chỉ trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là phụ nữ có kế hoạch mang thai, đều nên tiêm phòng quai bị. Hiện vắc xin quai bị thường được phối hợp với vắc xin sởi, rubella trong cùng 1 chế phẩm (MMR) để giảm số lần tiêm và đơn giản hóa quy trình tiêm phòng.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp người bệnh, không dùng chung dụng cụ ăn uống, đồ dùng cá nhân với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lau rửa đồ chơi của trẻ, dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng, biết che miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau đó. Tránh thói quen không tốt như bôi, đắp nóng vùng tuyến mang tai.
Khi có những biểu hiện của bệnh quai bị, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác vì có nhiều nguyên nhân khác có thể gây viêm tuyến nước bọt ngoài virus quai bị.
Mờ mắt hẳn sau cơn tăng huyết áp: Suýt mù vì chủ quan
Sau cơn tăng huyết áp, bà N. bỗng mờ mắt nên đã đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Các bác sĩ cho biết bà bị biến chứng về mắt do tăng huyết áp.
Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xử lý, điều trị kịp thời cho trường hợp bà N.T.N. 67 tuổi, ngoại thành Hà Nội. Bà N. có tiền sử tăng huyết áp 10 năm điều trị thường xuyên bằng thuốc uống hàng ngày.
Khoảng 1 tháng trước, bệnh nhân có cơn tăng huyết áp lên 200/80 mmHg, sau đó cảm giác mắt kém dần. Ba ngày trước khi đến bệnh viện khám, bệnh nhân thấy nhìn mờ hẳn nên đi kiểm tra.
Thạc sĩ, BSNT Hoàng Thanh Tùng - Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết khi khám lâm sàng bệnh nhân có giảm thị lực trầm trọng, nhãn áp bình thường ở cả hai mắt. Không có dấu hiệu tổn thương đồng tử hướng tâm, bán phần trước không có gì đặc biệt ở hai mắt.
Khám bán phần sau thấy mắt trái có các biến đổi võng mạc đặc trưng trong bệnh tăng huyết áp như: hoàng điểm mất ánh trung tâm, động mạch co nhỏ tỏa lan, ánh động mạch rộng, bắt chéo động tĩnh mạch, xuất huyết võng mạc; gai thị cương tụ, sưng gai thị, bờ gai xóa mờ, xuất huyết cạnh gai. Võng mạc mắt phải có co động mạch tỏa lan, hoàng điểm mất ánh trung tâm.
Chẩn đoán xác định: bệnh nhân có bệnh võng mạc tăng huyết áp giai đoạn ác tính ở mắt trái và giai đoạn nhẹ ở mắt phải.
Hình ảnh mắt của bệnh nhân bị tổn thương
Bệnh nhân được hội chẩn với Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và nhập viện theo dõi do có nguy cơ xuất hiện các biến cố toàn thân như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong.
Huyết áp đo được khi vào viện là 140/80 mmHg. Kết quả Holter 24 giờ cho thấy huyết áp tăng 50% thời gian đeo máy. Các bác sĩ cho điều trị thuốc hạ áp.
Sau 3 ngày, huyết áp của bệnh nhân được kiểm soát tốt, thị lực có dấu hiệu cải thiện. Một tuần sau nhập viện, khám lâm sàng cho thấy gai thị đỡ sưng, bớt cương tụ, bờ gai rõ trở lại, thị lực bệnh nhân phục hồi đáng kể huyết áp ổn định.
Theo bác sĩ Tùng bệnh võng mạc do tăng huyết áp là một biến chứng của tăng huyết áp mạn tính bên cạnh các cơ quan đích khác như tim, não, thận. Bệnh được chẩn đoán dựa trên các biến đổi của võng mạc gồm: co động mạch, xơ cứng động mạch (ánh động mạch rộng, dấu hiệu dây bạc, dấu hiệu dây đồng), bắt chéo động - tĩnh mạch, xuất tiết bông (do nhồi máu lớp sợi thần kinh võng mạc), xuất tiết cứng/sao hoàng điểm (lipid thoát quản khỏi lòng mạch) và sưng gai thị.
Bệnh cần được phân biệt với biến đổi của võng mạc trong các bệnh lý khác như: Đái tháo đường, Bạch cầu cấp, Xuất huyết giảm tiểu cầu, Lupus, Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn...
Nếu tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ tiến triển nặng gây thiếu máu, tắc tĩnh mạch võng mạc và làm tổn hại trầm trọng thị lực.
Tình trạng võng mạc là một chỉ dấu đặc hiệu giúp theo dõi hiệu quả kiểm soát huyết áp. Tăng huyết áp không được điều trị ổn định sẽ làm xuất hiện biến đổi võng mạc hoặc khiến tổn thương cũ tiến triển nặng lên.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra mỗi biến đổi của các giai đoạn bệnh võng mạc tăng huyết áp đều có giá trị tiên lượng khả năng xuất hiện các biến cố toàn thân. Những đối tượng có xuất huyết võng mạc và xuất tiết bông có nguy cơ tiến triển đột qụy trong vòng 3 năm kế tiếp tăng lên 2 - 4 lần kể cả khi huyết áp cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đã được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, những bệnh nhân có xuất huyết võng mạc, xuất tiết bông cũng có nguy cơ tiến triển suy tim xung huyết tăng lên 2 lần và nguy cơ tiến triển suy thận cao hơn so với những bệnh nhân chưa có biến đổi võng mạc.
Biến chứng nguy hiểm do virus Zika Những trường hợp mắc bệnh do virus Zika có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và vô sinh ở nam giới. Virus Zika gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Nguồn: Internet Virus Zika nguy hiểm hơn mọi người nghĩ Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình...