Quá trình chẩn đoán Covid-19 phức tạp ở Mỹ qua câu chuyện của nữ bác sĩ: Cả nhà 3 người đều có triệu chứng, ai mới thực sự nhiễm bệnh?
Người bố hàng ngày đi làm xa ở tâm dịch New York, người mẹ đặc biệt cẩn thận và cậu con trai vừa được đón về từ trường đại học. Cả ba đều có triệu chứng Covid-19, nhưng không dễ để xác nhận ai mới thật sự mang mầm bệnh.
Cậu thanh niên 20 tuổi liên tục cựa quậy trên băng ca ở Bệnh viện Greenwich, bang Connecticut vào ngày 14/3. Rất khó để bắt bệnh nhân nằm im khi cậu bị nhức đầu, miệng bỏng rát, hai bàn tay sưng tấy và cả cơ thể rệu rã.
Hai hôm trước, cậu trở về nhà do đại học ở ngoại ô Philadelphia đã đóng cửa để chống dịch Covid-19. Một số bạn học của cậu có triệu chứng, vì vậy nam thanh niên nghi mình cũng bị lây nhiễm.
Người con trai trở về nhà từ trường đại học
Ảnh minh họa
Khi người mẹ gặp lại con trai, bà biết ngay là cậu bị ốm. Khuôn mặt con tái nhợt và liên tục đổ mồ hôi, sau đó bị sốt. Người phụ nữ gọi điện đến tổng đài Covid-19 để tìm kiếm sự hướng dẫn. Lúc đó, bang Connecticut đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus đầu tiên vào ngày 8/3, vì vậy mọi người cũng tỏ ra lo ngại hơn.
Tư vấn viên cho biết, xét thấy cậu thanh niên đã tiếp xúc với nhiều người tại trường đại học và hiện giờ bị sốt, cậu đủ tiêu chuẩn để làm xét nghiệm. Thời gian sớm nhất là vào 3 hôm nữa, ngày 15/3 có thể đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại điểm drive-through của địa phương (lấy mẫu bệnh phẩm ngay trên ô tô mà không cần bước xuống xe). Trong lúc chờ đợi, các thành viên trong gia đình phải tự cách ly.
Tuy nhiên, bệnh tình của nam thanh niên càng lúc càng nghiêm trọng. Một ngày sau khi trở về nhà (13/3), cậu chán ăn và bị phát ban xung quanh mũi, miệng và cằm. Sáng hôm sau, khi cậu bắt đầu nôn mửa thì được mẹ chở đến Bệnh viện Greenwich.
Cậu thanh niên không bị sốt ở phòng cấp cứu. Mọi bài kiểm tra khác đều cho kết quả bình thường, ngoại trừ các nốt đỏ trên mặt, tay và lưng. Chúng rất mềm và gây khó khăn cho bệnh nhân để có thể nói chuyện, ăn uống hay thậm chí là cầm nắm như bình thường. Do đó, các bác sĩ đồng ý cho cậu thanh niên nhập viện và làm kiểm tra Covid-19. Các nốt đỏ không phải là một triệu chứng thường thấy do virus corona chủng mới gây nên, dù y học vẫn chưa hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh này.
Mặt khác, bác sĩ cho biết các nốt đỏ này giống với biểu hiện của bệnh tay chân miệng, một bệnh truyền nhiễm do virus Coxsackie, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong lúc y tá đang giải thích cho bệnh nhân, người mẹ bỗng nhiên ho dữ dội. “Tôi đã cảm thấy ngứa họng từ mấy ngày nay” – bà giải thích với y tá. “Tôi thật sự lo ngại về tiếng ho đó” – nữ y tá đáp lại, đề nghị bà hãy trình bày với bác sĩ để được làm xét nghiệm Covid-19.
Người mẹ đặc biệt cẩn thận
Người phụ nữ không thể tin rằng bà có thể nhiễm virus corona. Bà đã vô cùng cẩn thận, luôn đeo khẩu trang và găng tay mỗi khi ra khỏi nhà từ cuối tháng 2. Dù mọi người xung quanh nhìn mình như kẻ quẫn trí, bà đều mặc kệ tất cả. Bà cũng tẩy trùng tất cả vật dụng và rửa tay thường xuyên.
Nếu thật sự nhiễm virus, đây là một tin tức khủng khiếp vì người phụ nữ đang chăm sóc cho mẹ già 91 tuổi. Cụ bà đã tự cách ly trong một căn hộ riêng biệt khi dịch Covid-19 tàn phá thành phố New York, cách tiểu bang Connecticunt chỉ đâu đó 100 km. Bà trông cậy vào con gái để được tiếp tế đồ ăn, thuốc men và mọi nhu cầu thiết yếu khác.
Người phụ nữ nghi ngờ chồng mình đã không giữ vệ sinh cẩn thận. Hàng ngày, ông vẫn bắt tàu điện ngầm đi làm xa ở New York. Ông không đeo khẩu trang, dù khẳng định luôn mang găng tay mỗi khi ra khỏi nhà. Tuy vậy, ông đã bắt đầu ho từ cách đây 1 tuần hoặc sớm hơn.
Video đang HOT
Người phụ nữ cũng bị ho kéo dài, bắt đầu vài ngày trước khi đưa con trai đến khoa cấp cứu Bệnh viện Greenwich hôm 14/3. Cách đây 1 tuần, bà bị nhức đầu giống như viêm xoang. Bà đi bộ đến phòng khám vào ngày 10/3, được kê thuốc kháng sinh. Khi tình hình vẫn chưa thuyên giảm, bà quay lại phòng khám và được cho liều kháng sinh thứ hai nhưng cũng không giúp ích gì được. Hiện giờ, khi nữ y tá đề nghị làm xét nghiệm Covid-19, cô đã nói hộ một nỗi sợ mà người mẹ không dám đối mặt.
Ảnh minh họa
Sáng hôm sau, 15/3, người phụ nữ gọi đến tổng đài tư vấn Covid-19, lần này cho bản thân mình. Bà nhắc về cơn đau đầu, ho khan và con trai mình cũng đang nằm điều trị. Đầu dây bên kia kiên nhẫn giải thích rằng bà không đạt tiêu chuẩn để làm xét nghiệm, ngay cả nếu con trai nhiễm Covid-19. Điều nên làm lúc này là hãy tự cách ly 14 ngày.
Người phụ nữ cảm thấy thất vọng sau cuộc điện thoại. Bà muốn biết chắc chắn mình có nhiễm virus hay không, để còn sắp xếp chu đáo cho con trai đang nằm viện và người mẹ già đang cách ly.
Vậy là bà gọi điện một lần nữa, gặp được một tư vấn viên khác trả lời. Người mẹ vẫn mô tả các triệu chứng và về con trai của mình. Tổng đài viên lại hỏi bà có bị sốt hay không. Người phụ nữ do dự, bà không muốn che giấu điều gì nhưng sợ rằng mình lại bị từ chối. “Có, tôi bị sốt” – bà nói trong điện thoại. Tổng đài viên sắp xếp cho bà làm xét nghiệm ở thành phố Waterbury.
Người bố có triệu chứng nặng
Cậu con trai ở lại bệnh viện chỉ 3 ngày, được xuất viện hôm 17/3. Dù vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nhưng bác sĩ cho biết đây không phải là Covid-19 mà là bệnh tay chân miệng. Triệu chứng của nó cũng bao gồm cảm nhẹ, và điển hình hơn là các mụn nước đỏ, chúng sẽ vỡ ra và lành lại sau vài ngày.
Những nốt phát ban này thường chỉ giới hạn ở miệng nhưng cũng có thể lan tới tay, chân, trong một số ít trường hợp còn có ở vùng thân trên hay mông. Nó khá dễ lây nhiễm nhưng người lớn ít khi mắc bệnh, dù chưa rõ nguyên nhân vì sao. Một vài ngày sau, kết quả xét nghiệm đã xác nhận cho các giả thiết của bác sĩ: bệnh nhân âm tính với virus corona nhưng dương tính với virus Coxsackie (gây bệnh tay chân miệng).
Khi con trai trở về nhà, ưu tiên của người mẹ vẫn là… tránh mặt con càng xa càng tốt, cho đến khi bà biết mình có mắc Covid-19 hay không. Bà cũng tự cách ly bản thân với chồng.
Thế nhưng điều bất ngờ là người bố lại xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng. Ngày 18/3, ông cho biết sẽ đi đến phòng cấp cứu do bị khó thở. Ông tự gói ghém đồ đạc, phòng trường hợp phải nhập viện.
Ảnh minh họa
Kết quả đúng là như vậy. Người bố có nồng độ oxy trong máu khá thấp, hình ảnh chụp X-quang cho thấy ông bị viêm cả 2 bên phổi. Các bác sĩ đã gần như chắc chắn ông nhiễm Covid-19 và chuyển sang khu vực cách ly. Hôm sau (19/3), cả hai vợ chồng đều nhận về kết quả xét nghiệm: họ dương tính với virus corona. Người chồng phải nằm điều trị 1 tuần. Sau khi xuất viện, do bà xã quá lo lắng nên ông dọn đến căn hộ nhỏ của gia đình ở trong thành phố.
Về phần người vợ, bà dần thoát khỏi cơn nhức đầu và ho dai dẳng. Bà chưa từng bị sốt trong suốt thời gian phát bệnh. Người phụ nữ dám chắc mình đã bị chồng lây nhiễm Covid-19, dù ông ấy khẳng định bị ho sau vợ nhiều ngày. Họ sẽ không bao giờ biết được mình “dính” virus từ ai và ở đâu, khi nào.
Về người con trai, nếu cậu phát bệnh tay chân miệng vào một khung thời gian khác, các bác sĩ sẽ chẩn đoán được ngay lập tức. Tuy nhiên giữa một đại dịch gây nên bởi virus chủng mới và đang lây lan quá nhanh, mọi thứ đều có vẻ giống như Covid-19.
* Câu chuyện được ghi lại bởi Lisa Sanders. Bà là một bác sĩ kiêm giáo sư tại trường y Yale danh tiếng. Từ năm 2002, bà bắt đầu viết mục “Chẩn đoán” cho báo New York Times, kể lại các ca bệnh và cả một số trường hợp y khoa bí ẩn.
Jayden
Các ông bố sẽ vô tình đóng cánh cửa tương lai của con nếu thuộc 5 tuýp người dưới đây
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người bố như thế này thường nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản.
Làm bố, ai mà chẳng mong con mình nên người và thành tài. Song vì không muốn con phải sống khổ, thua bạn thua bè nên các ông bố lao vào dòng đời ngược xuôi kiếm tiền. Thời gian của bố được phân chia phần lớn cho công việc, đối tác, rồi bạn bè. Và con - người mà bố yêu thương nhất lại bị xếp sau tất cả những thứ kia. Để rồi, trong nỗi trong khao khát được chơi cùng bố, một người con đã xin mua một giờ làm việc của bố.
"Con muốn mua 1 giờ làm việc của bố!"
Câu chuyện này kể về một người đàn ông rất thành đạt. Anh kiếm được rất nhiều tiền, cho vợ con ăn sung mặc sướng, một bước lên xe hơi. Vì thế, ở trong nhà không thiếu bất kỳ thứ gì, trừ thời gian bố và con cùng ăn cơm tối.
Một tối nọ, người bố đang làm việc trong phòng thì con trai anh đến và hỏi: "Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu không ạ?". Ông bố chắc mẩm là con lại muốn xin xỏ thứ gì đó nên liền đồng ý. Người con hỏi: "Một giờ làm việc của bố được trả bao nhiêu tiền?". Ông bố tỏ vẻ hơi bực mình: "Đó không phải là việc của con. Tại sao con lại hỏi như vậy?" - "Con chỉ muốn biết thôi. Bố hãy cho con biết bố được trả bao nhiều tiền 1 giờ làm việc?". Ông bố bèn trả lời cho qua chuyện rằng mình kiếm được 50 đô la/giờ.
Cậu bé vui vẻ khi nhận câu trả lời của bố nhưng lại cúi đầu xuống tính nhẩm gì đó. Đột nhiên, "bố cho con mượn 30 đô được không ạ?", người con hỏi. Bây giờ, thì ông bố đã không còn giữ được bình tĩnh nữa, anh giận dữ quát to: "Hôm nay con bị làm sao vậy? Lúc thì hỏi tiền lương của bố. Lúc thì hỏi mượn tiền bố. Có phải con lại định mua đồ chơi vớ vẩn gì nữa không? Con có biết bố đi làm vất vả lắm không mà con lại phung phí như vậy? Đi về phòng ngủ ngay".
Người con lặng lẽ đi về phòng và đóng cửa lại. Vẫn giữ tâm trạng tức giận, người bố ngồi xuống suy nghĩ: "Làm thế nào mà con dám hỏi mình những câu hỏi như vậy? Con cần tiền để làm gì chứ?".
Khoảng một giờ đồng hồ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông bố này quyết định đến phòng của con để hỏi rõ về mục đích mượn tiền khi nãy. "Con ngủ chưa?", anh hỏi. "Dạ chưa ạ", bé trai nhanh nhảu trả lời. Ngồi xuống giường của con, anh nói: "Xin lỗi con, lúc nãy bố đã lớn tiếng với con. Ngày hôm nay là một ngày dài đối với bố. Bố rất mệt. Đây là 30 đô la, bố cho con mượn".
Người con trai ngay lập tức ngồi thẳng dậy reo lên mừng rỡ: "Con cảm ơn bố". Sau đó, cậu bé liền với lấy cái gối và lôi ra từ trong vỏ gối một đống tiền lẻ. "Lại tiền", ông bố nghĩ và bắt đầu tức giận. Anh cằn nhằn hỏi con: "Tại sao con lại mượn tiền của bố trong khi con có tiền?". Người con nhìn bố đáp: "Vì con không có đủ tiền, nhưng bây giờ thì con đã đủ rồi. Đây là 50 đô la. Con muốn mua 1 giờ làm việc của bố. Vậy tối mai bố hãy về nhà sớm hơn một giờ nhé. Con muốn ăn tối cùng bố". Ông bố như chết lặng sau câu nói của con.
Trong cuộc sống, có rất nhiều ông bố cho rằng việc nuôi dạy con là trách nhiệm của vợ, còn việc của mình là kiếm tiền nuôi gia đình. Do đó, con ốm hay khỏe, con ngoan hay hư, con học lớp mấy... cái gì bố cũng không biết.
Từ câu chuyện trên cho chúng ta thấy có 5 kiểu làm bố ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của con:
1. Người bố vô tâm
Ông bố vô tâm thuộc tuýp người không bao giờ ngó ngàng tới con. Họ không biết con học lớp mấy, trường nào, con thích ăn gì, bạn bè con ra sao. Không những thế, ông bố này còn không quan tâm đến cảm xúc của con, luôn xem con là "đứa trẻ ranh".
Có một người bố như thế này, trẻ thường mang trong lòng tâm lý tự ti vì con không biết lợi thế của mình ở đâu, năng lực của mình đến mức nào. Thêm vào đó, các bé gái thường sẽ có tâm lý yêu sớm để tìm những cảm xúc ấm áp, yêu thương mà con đang không nhận được từ bố.
2. Người bố nóng nảy
Nóng nảy là chỉ tính cách của một ông bố không biết kiểm soát cảm của chính mình, và thường dồn những cảm xúc tiêu cực lên con cái thông qua lời nói và hành động.
Sống trong một gia đình có bố nóng nảy, con trai sẽ dần nóng nảy theo. Ngược lại, bé gái sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi, luôn cố thu mình lại để đừng ai chú ý đến. Tệ hại hơn nữa là khi lỡ yêu phải một người nóng nảy, cô gái sẽ rơi vào trạng thái phân vân không biết nên giữ hay buông.
3. Người bố độc đoán
Trên thực tế, có nhiều ông bố tin rằng sống thay con là điều tốt nhất dành cho trẻ. Nên họ tự cho mình quyền quyết định tất cả mọi thứ liên quan đến con, và ép buộc con phải nghe theo. Từ chuyện học hành, chơi môn thể thao nào, cho đến chuyện bạn bè, chọn trường chọn ngành, rồi công việc, thậm chí là cả chuyện vợ con. Tất cả mọi quyết định của con dù lớn hay nhỏ cũng đều phải thông qua ý của bố.
Những việc làm này của bố khiến con: một là nghe lời và trở thành người không có chính kiến, không thể tự ra quyết định và không biết phải làm gì nếu không có ai chỉ dẫn. Hai là con sẽ nổi lên chống đối cãi bướng với bố mẹ, thậm chí là bỏ nhà ra đi vì bất đồng quan điểm.
4. Người bố nuông chiều con
Khác với 3 kiểu ông bố ở trên, người làm bố này có xu hướng xem con mình là nhất, "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Do đó, đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở thành người ích kỷ, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, luôn đòi hỏi người khác phải chiều theo ý của mình. Tính cách này khiến con khó có thể thành công vì không ai muốn hợp tác với người như vậy cả.
5. Người bố đặt kỳ vọng cao ở con
Bất kỳ bố mẹ nào cũng đều mong con mình thành đạt. Vì vậy, họ luôn yêu cầu khắt khe và đặt kỳ vọng cực kỳ cao ở con. Ở một bối cảnh khác, có thể bố đã từng thất bại trong một việc gì đó nên bây giờ bố muốn con thực hiện ước mơ thay bố mà không quan tâm xem con có đủ khả năng thực hiện hay không.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi người bố như thế này thường nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, vì cho rằng bản thân mình vô dụng, bất tài.
Nói tóm lại, làm cha mẹ là công việc khó khăn, đặc biệt là đối với các ông bố. Nhưng dù có bận rộn công việc đến thế nào thì bố vẫn nên dành thời gian trò chuyện với con. Để hiểu con đang như thế nào, năng lực và ước mơ của con ra sao. Và bố hãy để con được tự do đi trên con đường mà con đã chọn.
HỒNG HẠNH
Các triệu chứng của Covid-19 biến đổi như thế nào qua từng ngày? Sau khi tiếp xúc với virus corona, người bệnh có thể mất 2-14 ngày để các triệu chứng phát triển. Thời gian trung bình từ triệu chứng đầu tiên đến khi hồi phục là khoảng 17 ngày. Mai Phương