Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh – Bài cuối: Giải pháp tránh hệ luỵ
Theo các chuyên gia về lĩnh vực hành chính công, việc tinh giản biên chế ở cấp phường, xã đã khiến bộ máy hành chính tại TP Hồ Chí Minh càng khó khăn hơn.
Bởi, khi nơi này quá tải, không giải quyết hết việc thì đầu việc phức tạp sẽ “tự động” bị dồn lên cấp cao hơn. Do đó, để giảm áp lực công việc cho cán bộ cấp cơ sở, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Người dân mong các các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính để hạn chế thời gian đi lại.
Tăng quyền tự chủ cho địa phương
Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ để sang tên tài sản gắn liền trên đất, anh Võ Văn Hào, ngụ thành phố Thủ Đức phải chờ hơn 2 tháng vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ hồng). Anh Võ Văn Hào cho biết: “Trước thời điểm có dịch bệnh COVID-19, mỗi bộ hồ sơ nhà đất chỉ mất khoảng 15 ngày đến 1 tháng là sẽ có sổ hồng, nhưng giờ nộp hồ sơ đã 2 tháng mà vẫn chưa có thông báo đến nhận sổ. Thời gian làm quá lâu đã ảnh hưởng đến các giao dịch khác như làm hồ sơ vay ngân hàng, đăng kí nhập học cho các con, nhập hộ khẩu…”.
Thành phố Thủ Đức đã đặt các máy tính để người dân tra cứu các thông tin nhà đất và tiến độ giải quyết các hồ sơ hành chính của mình.
Lý giải về nguyên nhân hồ sơ người dân bị “ngâm”, đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức cho biết, trước khi sát nhập chung vào TP Thủ Đức, khối lượng công việc nhiều nhưng số cán bộ thực hiện cũng nhiều nên thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai vì vậy cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, sau khi sát nhập và thực hiện tinh giản biên chế, khối lượng công việc nhiều nhưng số cán bộ, công chức thực hiện ít hơn nên thời gian thực hiện công việc trước kia cũng kéo dài hơn gấp 2 – 3 lần. Hiện nay, với những hồ sơ cấp mới hoặc cập nhật trên sổ hồng phải mất khoảng 3 tháng mới có sổ cho người dân. Vì vậy, ngày trước các cán bộ thường viết giấy hẹn và trên giấy hẹn có ngày tháng cụ thể để người dân chủ động lên quận lấy sổ, tuy nhiên hiện nay, các giấy hẹn nhận sổ thường không để ngày tháng mà các cán bộ sẽ thông báo là khi nào người dân nhận được tin nhắn qua điện thoại mới lên nhận sổ. Thời gian nhận tin nhắn cũng phải 2 – 3 tháng sau đó.
Trong khi đó, theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, vừa qua, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 nên rất khó khăn, đặc biệt những ngành nghề như: nông nghiệp, phụ trợ nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may, da giày, sản xuất giấy, gỗ, thép, khoáng sản, dầu thô, du lịch, vận tải, bán lẻ, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản… Vì thế, để giảm chi phí, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính cần phải đẩy nhanh tiến độ để doanh nghiệp không làm mất cơ hội kinh doanh khi nộp hồ sơ hàng tháng vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, với cơ chế xin – cho hiện nay đang là rào cản lớn nhất hiện nay khiến doanh nghiệp rất ngại khi đi làm các thủ hành chính.
Ông Đỗ Hồng Tiến, chuyên gia về hành chính công cho biết, theo nguyên tắc là cấp phường, xã làm tốt thì cấp trên sẽ “nhẹ gánh” và ngược lại. Điều này tạo ra hiệu ứng domino là khi công việc ở cấp thành phố, quận, huyện nhiều thì lại càng khó giảm biên chế. “Nếu chúng ta cắt giảm chỗ này nhưng lại phình ra ở chỗ khác thì sẽ không giải quyết được cốt lõi của vấn đề. Vấn đề ở đây là phải phân số lượng cán bộ dựa trên khối lượng công việc ở cấp phường, xã để bố trí công việc phù hợp. Cụ thể, khi so sánh khối lượng công việc công chức của TP Hồ Chí Minh, chúng ta đánh giá chỉ cần nhìn vào số ngân sách nộp hàng năm và số GRDP đóng góp cho cả nước. Đằng sau sự sôi động, số ngân sách đó chính là khối lượng công việc khổng lồ đến từ tần suất giao dịch của các cá nhân, doanh nghiệp mà các cán bộ cấp phường, xã ở đây đang đảm nhận”, ông Đỗ Hồng Tiến nói.
“Đã đến lúc Chính phủ cần tăng quyền tự chủ, tự quyết của mỗi địa phương trong tổ chức bộ máy vì không ai hiểu Thành phố bằng chính Thành phố. Đối với cấp Nhà nước, cấp Thành phố cần đẩy mạnh, phát huy vai trò của các cơ quan giám sát để không khiến bộ máy hành chính trở thành bộ máy gia đình trị, chỉ tuyển dụng người nhà khi giao quyền tự chủ, tự quyết cho mỗi địa phương”, ông Đỗ Hồng Tiến cho biết thêm.
Video đang HOT
Tiên phong đổi mới
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, vừa qua người dân và doanh nghiệp than phiền về việc chậm giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính có nguyên nhân từ việc quá tải công việc của cán bộ cấp phường xã, quận huyện từ việc quyết định tinh giảm biên chế của nhà nước. Tuy nhiên, nếu căn cứ nhu cầu định mức công việc cụ thể thì TP Hồ Chí Minh đang thiếu biên chế.
“Trước mắt, để tự cứu mình, trước tiên TP Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò tiên phong khi nghiên cứu, áp dụng thêm những biện pháp cần thiết để đáp ứng quyết định tinh giảm biên chế của Chính phủ nhưng hiệu quả công việc của cán bộ được tăng lên chứ không thể đẩy việc “quá tải” lên vai các cán bộ cơ sở. Ví dụ, TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng khoa học – công nghệ vào cải cách hành chính bằng cách đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại, tập huấn cách sử dụng, để một cán bộ có thể tiếp cận công nghệ, xử lý nhiều công việc khác tại địa phương. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cần có cách đãi ngộ tốt hơn cho những nhân sự tham gia giải pháp thí điểm tinh giản biên chế. Từ những thí điểm thành công này sẽ nhân rộng ra toàn thành phố rồi kiến nghị Trung ương áp dụng cho cả nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Cành, TP Hồ Chí Minh cũng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc, thủ tục hành chính để từng bước cắt giảm được nhân lực. Chẳng hạn các dịch vụ như đăng ký tạm trú, tạm vắng, đăng ký doanh nghiệp, kinh doanh qua online hay họp online từ cấp TP Hồ Chí Minh xuống quận, huyện, phường, xã… sẽ giúp giảm thời gian, chi phí, con người.
Khi ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, người dân sẽ không phải ngồi chờ tới lượt như thời gian qua.
Chia sẻ về công tác cải cách hành chính, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, muốn bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, giảm quá tải cho cán bộ và vẫn phục vụ người dân tốt hơn để TP Hồ Chí Minh phát triển thì phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
“Thành phố đang rà soát để giải trình với Trung ương về số biên chế chênh lệch so với chỉ tiêu được giao và đề xuất phương án giải quyết phù hợp. Thành phố cũng sẽ có đề xuất theo hướng phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hoá để giảm gánh nặng cho ngân sách cho nhà nước từ việc cắt giảm biên chế, giảm gánh nặng công việc cho các cán bộ cơ sở”, ông Phan Văn Mãi nói.
Cung cấp thông tin về công tác ứng dụng công nghệ vào cải cách hành chính, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 10, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành Cổng dịch vụ công trực tuyến toàn thành phố. Cổng thông tin này sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06. Với hệ thống thông tin một cửa điện tử, sở sẽ thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở, ban ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
“Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử từ tháng 10 sẽ trở thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của toàn TP Hồ Chí Minh. Hệ thống này sẽ kết nối với Cổng dịch công quốc gia và hệ thống xác thực định danh của Công an, từ đó sẽ rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đang bị vướng mắc trong thời gian qua. Bởi, hệ thống này có khả năng công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị, rút ngắn thời gian đi lại giữa các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức. Đây cũng là công cụ để các cấp lãnh đạo giám sát hiệu quả và thúc đẩy trách nhiệm của các đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân”, ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.
Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc
Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, trong hơn 6.000 cán bộ, công chức, viên chức đồng loạt xin nghỉ việc trong giai đoạn bình thường mới đến nay thì Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đứng đầu trong khối sở, ngành với 23 người xin nghỉ việc; thành phố Thủ Đức đứng đầu khối quận, huyện với 40 người xin nghỉ việc...
Tại phường Phước Long B (thành phố Thủ Đức), cán bộ, công chức phải làm việc xuyên trưa để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Quá tải nên sẽ có sai sót
Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, có ba nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong giai đoạn bình thường mới gồm: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.
Cụ thể, đối với chế độ tiền lương, các chính sách đãi ngộ tiền lương hiện nay vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến. Nhất là trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn nên có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.
Đối với cơ hội thăng tiến, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh "kinh nghiệm", việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế...
Đối với lý do về áp lực công việc, nhiều người bị quá tải công việc, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và ở phường, xã, thị trấn trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Khối lượng công việc tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội đối với nhóm đối tượng này nói riêng và nhân sự khu vực công nói chung.
Mỗi cán bộ công chức ở phường, xã tại TP Hồ Chí Minh phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các cán bộ công chức khác trên cả nước.
Đại diện Phòng Nội vụ quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay, cấp quận thực hiện 202 loại thủ tục hành chính trong 39 lĩnh vực, cấp phường thực hiện 132 loại thủ tục hành chính trong 31 lĩnh vực. Mỗi ngày, số lượng hồ sơ, công việc cần giải quyết cho dân trong một số lĩnh vực rất lớn như chứng thực, hộ tịch, xây dựng, kết hôn, đăng ký kinh doanh... Thực tế, đây toàn là những nhu cầu thiết thực của người dân nên buộc cán bộ phải bảo đảm đúng tiến độ, đúng thời gian để giải quyết cho người dân và vì thế áp lực lên cán bộ, công chức rất lớn.
Cũng xuất phát từ áp lực công việc quá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và thể chất của các cán bộ, công chức, nhất là phải làm việc ngoài giờ, không được nghỉ ngơi đủ, áp lực lớn, không có thời gian chăm sóc gia đình... Vì vậy, từ năm 2019 đến nay, quận Bình Thạnh có 27 cán bộ, lãnh đạo và công chức phường xin nghỉ việc, trong đó có 3 lãnh đạo phường, 12 cán bộ đoàn thể, 12 công chức...
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh là địa phương mà công chức phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trung bình một biên chế của Thành phố phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh khác trong cả nước. "Tất nhiên, một khi cán bộ công chức có rất nhiều áp lực thì chắn chắn sẽ có sai sót. Có lần tôi xuống huyện Bình Chánh, 18 giờ 30 phút vẫn thấy anh em cán bộ công chức của xã "sáng đèn" làm việc. Cứ như vậy thì chồng con ở nhà sao chịu nổi nên cán bộ của chúng ta buộc phải xin nghỉ việc. Tình trạng này nếu kéo dài thì không ổn cho hệ thống phường, xã của TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Là địa bàn có đông dân tại thành phố Thủ Đức, ông Trần Văn Mau, Chủ tịch UBND phường Phước Long B cho biết, theo quy định, UBND phường chỉ mở cửa giao dịch đến 11 giờ 30 phút nhưng thực tế thì khi nào hết dân, bộ phận nhận hồ sơ mới được nghỉ. Mặt khác, trụ sở UBND phường lại nằm trên mặt đường lớn nên rất nhiều người tiện đường đến làm hồ sơ bất kể giờ giấc, kể cả giữa trưa. "Khi người dân còn nhu cầu thì cán bộ không thể nghỉ làm. Vì vậy, cán bộ công chức phường cũng phải làm việc xuyên trưa để phục vụ tốt cho người dân. Để giảm tải công việc cho cán bộ, phường cũng nhiều lần kiến nghị tăng biên chế, tuy nhiên điều kiện lương bổng, thu nhập không cao nên không thu hút được cán bộ, công chức ở lại lâu dài", ông Trần Văn Mau cho biết.
Cần xem xét lại biên chế cán bộ
TP Hồ Chí Minh cũng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc, thủ tục hành chính nhằm từng bước cắt giảm được nhân lực phục vụ trực tiếp.
PGS.TS Nguyễn Thị Cành, nguyên Giảng viên cao cấp của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, tỉ lệ dân số/công chức, viên chức của TP Hồ Chí Minh lớn hơn nhiều địa phương khác, vì vậy biên chế cho quận, phường của TP Hồ Chí Minh mà cứ định biên như quận, phường khác trên cả nước thì không hợp lý.
"Cần xem lại để lựa chọn chỉ số biên chế theo dân thay vì theo đơn vị hành chính cào bằng như đang thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ là chuyện giảm thấp tỉ lệ dân số/công chức, viên chức mà cần xem xét mức độ phức tạp của công việc để bố trí người cho hợp lý. Ở đây có những dịch vụ công phục vụ toàn thể nhưng có dịch vụ lại phục vụ từng người dân, vì vậy cần tách dịch vụ nào khi dân số cao chiếm nhiều thời gian và hệ số này ở mức bao nhiêu phần trăm để tổ chức lại bộ máy, người cho hợp lý. Trên cơ sở đó, TP Hồ Chí Minh giải trình với Trung ương để có cơ chế tự chủ biên chế phù hợp", PGS.TS Nguyễn Thị Cành đề nghị.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường, xã tại TP Hồ Chí Minh được phân bổ theo Nghị định số 34 trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính. Tuy nhiên, quá trình áp dụng chưa phù hợp với các địa bàn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp, quá trình đô thị hóa nhanh.
"Vừa qua, TP Hồ Chí Minh thực tế phải giảm biên chế tới hai lần. Bởi theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị, Thành phố không tổ chức HĐND phường nên phải giảm 249 biên chế là Phó Chủ tịch HĐND phường. Do đó, Nghị định 34 quy định tổng số cán bộ, công chức tối đa không quá 37 người mỗi phường (loại 1), nhưng thực tế TP Hồ Chí Minh chỉ có thể giao biên chế tối đa 36 người mỗi phường", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, TP Hồ Chí Minh nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ cho chính sách riêng nhằm tăng người hoạt động không chuyên trách cho địa bàn cơ sở, tuy nhiên các đề xuất của Thành phố không được chấp thuận. Lý do, dân số chỉ là một trong những tiêu chí phân loại phường, xã nên không đủ cơ sở để tăng số lượng cán bộ không chuyên trách. Vì vậy, sắp tới, trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đề xuất để có phương án tổ chức bộ máy cán bộ phù hợp từng địa phương để tránh tình trạng quá tải công việc cho các cán bộ cơ sở như hiện nay.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để hạn chế tình trạng cán bộ xin nghỉ việc hàng loạt, TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất nhiều giải pháp như nâng cao thu nhập. Theo đó, bên cạnh tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội với nhiều nội dung mới để thực hiện thí điểm cho giai đoạn tiếp theo nhằm duy trì cho cán bộ, công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm, tạo động lực cho họ làm việc và cống hiến.
Về tạo cơ hội thăng tiến, TP Hồ Chí Minh sẽ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý. Để góp phần giảm căng thẳng, áp lực do quá tải công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị Bộ Nội vụ đề xuất cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho Thành phố để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của Thành phố theo Nghị quyết 54 của Chính phủ.
Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Cán bộ, công chức hết việc về đến nhà đã 2 - 3 giờ sáng Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì vậy công chức, viên chức tại đây cũng phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Nếu như một cán bộ công chức, viên chức một quận, huyện ở các tỉnh, thành trên cả nước bình quân phục vụ khoảng 137.000 người dân thì ở TP Hồ...