Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh – Bài 3: Ngăn chặn tình trạng ‘tham nhũng vặt’
Việc quá tải công việc của cán bộ cơ sở khiến tồn đọng nhiều hồ sơ hành chính ở các lĩnh vực tư pháp, đất đai, môi trường… nên người dân, doanh nghiệp đã “đi đêm”, ” bôi trơn”, “lót tay” để các thủ tục hành chính được “ưu tiên” giải quyết nhanh hơn.
Với những công trình sửa chữa nhà ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, người dân thường chấp nhận mất chi phí “lót tay”, “bôi trơn” để có được giấy phép sớm.
“Bôi trơn” để được ưu tiên
Mới đây, chị P.M.Ng. (ngụ quận Bình Thạnh) đi làm giấy tờ chuyển nhượng quyền sở hữu một căn hộ mà chị được người thân tặng cho tại thành phố Thủ Đức. Sau 2 lần đến nộp hồ sơ tại UBND thành phố Thủ Đức, cán bộ hành chính quận dù hướng dẫn chị nhiệt tình nhưng hồ sơ của chị Ng. vẫn thiếu những giấy tờ cần thiết. Đến lần thứ 3, chị Ng. quyết định gửi phí “bôi trơn” để một cán bộ hành chính có thể “giúp đỡ” chị hoàn thành các thủ tục liên quan đến các giấy tờ nhà đất của mình. Đến lần thứ 4 này, tất cả hồ sơ của chị Ng. mới được tiếp nhận và không phải quay lại bổ sung giấy tờ như những lần trước nữa.
“Lần đầu tiên tôi đi làm các thủ tục sang tên nhà đất mà cán bộ hướng dẫn đủ các loại giấy tờ, nhưng mỗi lần hẹn lại thiếu một số thứ. Tôi đành chấp nhận gửi phí “bôi trơn” cho một cán bộ để họ hướng dẫn và thậm chí làm thay mình các công đoạn khai báo giấy tờ thủ tục theo đúng quy định của nhà nước”, chị Ng. cho biết.
Lĩnh vực thường xảy ra tình trạng “ tham nhũng vặt” là liên quan đến đất đai, môi trường, tư pháp… Cụ thể, trong lĩnh vực nhà đất, người dân thường xuyên gặp phải nội dung “cần bổ sung hồ sơ” khi lên nộp hồ sơ tại các văn phòng đăng kí đất đai của thành phố. Vì phải nhiều lần bổ sung hồ sơ nên người dân vừa mất thời gian và… nản, nên để cho nhanh và tránh các phiền toái nảy sinh, không còn cách nào khác, người dân đành phải… “lót tay”, đành phải “chung chi” và chấp nhận bỏ phí “bôi trơn”.
Người dân chờ làm các thủ tục hành chính tại phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức.
Bà Nguyễn Thị Nở, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức cho biết, có tình trạng một số cán bộ nhận tiền “lót tay” của người dân để được “ưu tiên” xử lý công việc sớm. “Đó chính là những người đang thực hiện hành vi “tham nhũng vặt” và một khi gọi là “tham nhũng vặt” tức là mức độ tham nhũng đang còn nhẹ, ít người “soi”, ít bị xử lý. Chính vì tâm lý đó nên các cán bộ biến chất có cơ hội tồn tại và thậm chí phát triển ở một số địa phương. Tuy nhiên, chính những cán bộ biến chất này đã và đang biến mình thành những “con sâu” ngày ngày đục khoét vào niềm tin của người dân, vào chính quyền, Đảng và Nhà nước”, bà Nguyễn Thị Nở nhận xét.
Theo bà Nguyễn Thị Nở, vấn nạn phí “bôi trơn” chỉ có thể chấm dứt khi mà mọi thứ trở nên minh bạch, người vi phạm nếu bị phát hiện bị xử lý nghiêm minh, không có bao che, xuê xoa chỉ vì… “tham nhũng vặt ấy mà”. Đối với người dân, cũng cần kiên quyết đấu tranh để chống lại tiêu cực, “tham nhũng vặt” để các cán bộ không có cơ hội nhận phí “lót tay”; phí ” bôi trơn” khi làm các thủ tục hành chính. Đối với cấp lãnh đạo cũng cần làm gương và tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra để cán bộ cấp dưới không có cơ hội nhận phí “bôi trơn”, phí “lót tay” khi xử lý các thủ tục hành chính cho người dân.
Kiểm soát chặt cán bộ
Video đang HOT
Vừa qua, tại quận Tân Bình đã xảy ra trường hợp công chức Phòng Quản lý đô thị quận có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, vụ lợi trong quá trình thu nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Hiện nay, nhân sự này đã bị lãnh đạo quận cho thôi nhiệm vụ. Mới đây, tại quận Gò Vấp cũng đã xảy ra tình trạng một cán bộ ngành công an nhận phí để làm nhanh căn cước công dân cho người dân. Ngay sau đó, cán bộ này đã bị xử lý nghiêm để tăng tính răn đe cho các cán bộ, công chức khác không lạm dụng chức quyền để đòi chi phí “lót tay” của người dân.
Ông Nguyễn Tùng Khương, Trưởng Phòng Nội vụ quận Tân Bình cho biết: “Do đặc thù công tác quản lý đô thị dễ phát sinh tiêu cực, thời gian qua, UBND quận Tân Bình rất chú trọng đến việc chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để góp phần ngăn ngừa tiêu cực. Đối với các trường hợp đều được phân loại, những người công tác từ 3 – 5 năm ở một vị trí thì căn cứ theo Nghị định 158 để luân chuyển, còn những người có dư luận “đồn tiếng” thì luân chuyển ngay. Vì vậy, nhiều năm trước, năm nào đội ngũ cán bộ cũng có người bị kỷ luật vì liên quan đến tình trạng lợi dụng chức vụ để vụ lợi. Nhưng từ khi thực hiện việc luân chuyển cán bộ đến nay tình trạng này đã được kéo giảm. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay chưa có trường hợp cán bộ nào bị kỷ luật vì tình trạng lợi dụng chức vụ để trục lợi khi xử lý các lĩnh vực hành chính”.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng ở TP Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, do TP Hồ Chí Minh có quy mô dân số, kinh tế lớn nhất cả nước nên nhu cầu về giao dịch hành chính, kinh tế, xã hội có khối lượng rất lớn. Mặt khác, với khối lượng công việc rất nhiều, tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn còn tiềm ẩn phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc hành chính đã và đang được chỉ đạo giải quyết quyết liệt, song vẫn còn một số tồn tại, chưa có chuyến biến mạnh.
Người dân cần kiên quyết chống lại các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu khi làm các thủ tục hành chính.
Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng và hạch sách người dân, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP đặc biệt quan tâm và luôn xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tố quốc. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, UBND TP Hồ Chí Minh đã chủ động rà soát, nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm, vị trí công tác. Các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi vị trí công tác, trong đó chú ý chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp như: cán bộ hành chính – tư pháp; cán bộ, công chức, viên chức ngành kế toán, thủ quỹ, thanh tra xây dựng, địa chính – nhà đất, thủ kho; cán bộ, công chức, viên chức phụ trách kế toán, tài chính tại các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục…
Vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhiều trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức ở các chức danh như: cán bộ tư pháp – hộ tịch, văn hóa – xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính – nhà đất, y tế, thủ kho thuộc các ngành hải quan, thanh tra nhà nước, thanh tra xây dựng. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt, TP Hồ Chí Minh đã lập đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận phản ánh hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân (qua số 088.247.247 và hộp thư duongdaynong@tphcm.gov.vn).
“Việc luân chuyển cán bộ cần xuất phát từ mục đích ngăn ngừa việc công tác ở một vị trí quá lâu sẽ hình thành nên đường dây, chân rết. Đặc biệt là ở các vị trí dễ nảy sinh tiêu cực. Đây là chủ trương đúng, rất hữu hiệu mà các nước trên thế giới cũng đang làm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải mềm dẻo, khoa học, linh hoạt và có kiểm soát tốt, tránh việc lợi dụng chủ trương này để trù dập cán bộ, hoặc chạy chức chạy quyền”, TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết.
Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Cán bộ, công chức hết việc về đến nhà đã 2 - 3 giờ sáng
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì vậy công chức, viên chức tại đây cũng phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước.
Nếu như một cán bộ công chức, viên chức một quận, huyện ở các tỉnh, thành trên cả nước bình quân phục vụ khoảng 137.000 người dân thì ở TP Hồ Chí Minh, họ phải phục vụ đến 441.000 người. Nghĩa là một biên chế của TP Hồ Chí Minh phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Chính vì phục vụ số dân quá đông, khối lượng công việc nhiều nhưng thu nhập của một công chức, viên chức cấp phường không cao... nên đã xảy ra những hệ lụy như "tham nhũng vặt", nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt, các hồ sơ, thủ tục hành chính kéo dài vài tháng vẫn chưa được xử lý kịp...
Mỗi ngày, có rất nhiều người dân đến UBND xã, phường, quận, huyện để ngồi chờ để thực hiện các thủ tục hành chính.
Bài 1: Cán bộ, công chức hết việc về đến nhà đã 2 - 3 giờ sáng
Thành phố Hồ Chí Minh đang xảy ra tình trạng dù xã, phường có trên 150.000 dân hay dưới 25.000 dân thì mỗi xã, phường cũng chỉ có cùng mức biên chế cán bộ tối đa như nhau là 36 người. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ cấp xã, phường phải chịu áp lực quá tải công việc gấp 3 - 4 lần so với các địa phương khác trên cả nước.
Tăng ca là chuyện... bình thường
UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) dù mới 8 giờ sáng nhưng đã chật kín người. Trung bình mỗi ngày, xã tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ các loại. Trong khi đó, số lượng cán bộ được phân công nhiệm vụ trên các lĩnh vực chỉ từ 1 - 2 người. Điều này đã tạo nên áp lực không nhỏ đối với cán bộ xã.
Người dân ngồi chờ làm thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai tại TP Thủ Đức.
Chị Đỗ Thị Ánh Hồng, ngụ ở xã Vĩnh Lộc A cho biết, chị rất "ngán ngẩm" khi lên UBND xã làm các loại giấy tờ, thủ tục hành chính. Bởi, mỗi lần đến UBND xã làm các thủ tục này, chị phải ngồi chờ hàng giờ mới tới lượt mình. "Do phải làm thủ tục sao y công chứng giấy tờ nhà đất để đăng kí nhập học cho con mà tôi phải lên UBND xã từ 7 giờ sáng để xếp hàng và chờ bốc số thứ tự. Sau khi có số thứ tự trong tay, tôi phải mất hết buổi sáng mới có thể hoàn thiện các thủ tục hành chính mà mình cần để có thể làm hồ sơ cho con đi học", chị Đỗ Thị Ánh Hồng nói.
Chị N.T.N.A, cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính tại xã Vĩnh Lộc A cho biết, từ khi áp dụng quy định tinh giản biên chế, cả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính đang từ 35 người giảm xuống còn 5 người, vì vậy khối lượng công việc tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước kia. Cũng vì công việc tăng nên ngoài việc tiếp nhận hồ sơ của người dân, chị N.T.N.A còn kiêm thêm việc báo cáo cải cách hành chính hàng tháng để giảm bớt công việc cho các cán bộ, công chức khối văn phòng.
"Công việc quá nhiều, cán bộ thiếu, hệ quả là người dân phải chờ hàng giờ chỉ để làm thủ tục sao y - chứng thực, nhà đất... Cụ thể, tại xã chỉ có hai cán bộ nhập dữ liệu, kiểm tra pháp lý hồ sơ, đóng dấu vuông, đối chiếu, sao lưu, rồi trình lãnh đạo ký, đóng dấu tròn, sau đó thu phí, trả hồ sơ cho dân. Vì vậy, có hồ sơ hành chính có hạn ba ngày phải trả hồ sơ cho dân nhưng các cán bộ đều phải tranh thủ tăng ca tối để xử lý cho xong công việc trong ngày. Nếu để công việc hôm nay tồn đọng sang hôm sau thì khối lượng công việc các ngày sau lại tăng lên gấp 2 - 3 lần, như vậy sẽ càng vất vả hơn. Cũng vì làm việc nhiều hơn nên khi nào thấy tôi về nhà trước 18 giờ là người thân của tôi bảo đó là "chuyện lạ", chị N.T.N.A cho biết.
Không chỉ cán bộ, công chức các xã, phường tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình cảnh quá tải công việc mà cán bộ cấp quận, huyện và TP Thủ Đức cũng nhiều việc không kém; nhiều cán bộ, công chức phải làm việc quên cả ngày nghỉ lễ, Tết để hoàn thành công việc được giao.
Chị Vũ Thị Nguyệt, một cán bộ công chức tại quận Tân Bình cho biết, từ sau giai đoạn bình thường mới và cũng từ khi các quận phải cắt giảm biên chế, khối lượng công việc đổ lên vai các cán bộ, viên chức hiện hữu cũng ngày càng nhiều. Thời gian dành cho công việc nhiều nên thời gian dành cho gia đình của cán bộ, công chức cũng ngày càng ít. Nếu như trước đây những ngày nghỉ, ngày lễ chị Nguyệt thường dành khá nhiều thời gian cho gia đình như nấu những bữa ăn ngon cho chồng, con hay đưa con đi chơi thì mấy năm nay do khối lượng công việc nhiều, hầu như chị không có thời gian cho gia đình hay cuộc sống riêng tư. Cũng vì ở cơ quan quá nhiều nên chị Nguyệt cũng phải đem văn bản, báo cáo về nhà làm ngoài giờ, thậm chí trong những ngày lễ, Tết chị vẫn phải ráng làm cho xong việc.
"Có những ngày nghỉ, để kịp báo cáo tiến độ công việc với lãnh đạo, tôi phải làm việc đến đêm khuya và hôm sau phải thức dậy từ sớm để kịp hoàn thành công việc và gửi cho lãnh đạo trước khi ngày mới bắt đầu. Công việc nhiều, không còn nhiều thời gian cho gia đình nên nhiều lúc hai vợ chồng cũng xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn...", chị Vũ Thị Nguyệt than thở.
Nhân sự giảm, khối lượng công việc lại tăng
Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) là nơi có dân số đông nhất TP Hồ Chí Minh hiện nay với khoảng 167.000 người, bằng 1/2 dân số tỉnh Bắc Kạn và tương đương dân số của quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, số biên chế xã được giao là 36 người (11 cán bộ, 11 công chức, 14 người hoạt động không chuyên trách); trong khi với tỉnh Bắc Kạn, biên chế được giao là 1.489 người, gấp hơn 41 lần xã Vĩnh Lộc A hay so với quận Phú Nhuận, số biên chế được giao tối đa 436 cán bộ, gấp 12 lần so với xã Vĩnh Lộc A.
Khối lượng công việc nhiều trong khi số lượng cán bộ hành chính ít nên việc giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương này luôn rơi vào tình trạng quá tải và chuyện cán bộ, công nhân viên chức cấp xã, phường phải tăng ca cũng "bình thường như cơm bữa".
Từ 5 giờ sáng, người dân, doanh nghiệp đã đến Bảo hiểm Xã hội ( BHXH) TP Thủ Đức để chờ hoàn thiện các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính của ngành BHXH. Đây là nơi luôn xảy ra tình trạng quá tải vì thiếu cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân.
Theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế, cán bộ không chuyên trách ở tại cơ sở, địa phương, hiện nay TP Hồ Chí Minh phải cắt giảm 2.299 cán bộ ở phường, xã. "Trước đây, xã có hơn 60 cán bộ nhưng từ đầu năm 2021 áp dụng chính sách tinh giản biên chế đến nay xã chỉ còn 36 người. Do khối lượng công việc quá nhiều, cán bộ, công chức xã thường xuyên phải làm thêm việc", bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết.
"Đa phần mọi người tại xã làm việc đến 19 - 20 giờ, thậm chí 22 giờ phòng làm việc vẫn sáng đèn và nhiều cán bộ chưa làm xong việc vẫn còn làm tăng ca cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Đặc biệt, để giải quyết nhu cầu của người dân, từ tháng 3/2022, xã này có chủ trương kéo dài thời gian tiếp nhận hồ sơ của người dân từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút ngày thứ Ba và thứ Năm hằng tuần (thêm 1,5 tiếng so với quy định). Điều này đang khiến cho xã rất khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và phải tìm kiếm nhân sự thay thế các nhân sự do quá tải công việc đã xin nghỉ việc", bà Lại Thị Bích Trâm cho biết thêm.
Tương tự, Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 1 cũng cho biết: "Khối lượng công việc mà cán bộ, công chức Quận 1 phải giải quyết rất nhiều, thậm chí đến 2 - 3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng hôm sau đã phải quay trở lại công việc. Quận 1 có dân số không đông, tuy nhiên một ngày có 24 giờ thì 16 giờ là quận có khoảng 1 triệu người đến làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện tại địa bàn nên các cán bộ cũng phài căng mình làm hàng trăm việc không tên trên địa bàn nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, xã hội...".
Đối với cấp quận, ông Lê Văn Thinh, nguyên Bí thư quận Bình Tân cho biết, quận Bình Tân có dân số cao nhất TP Hồ Chí Minh. Trong đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư vừa qua, khi xã, phường trở thành "pháo đài" chống dịch thì địa phương này mới "thấm thía" việc thiếu cán bộ khi dân số ở đây quá đông. "Thời điểm giãn cách xã hội, mỗi phường trung bình phải chăm lo 80.000 dân mà cũng chỉ có tối đa 36 cán bộ. Khối lượng công việc quá nhiều, nhân viên cơ sở làm không xuể. Cũng vì quá tải công việc mà hai lãnh đạo phường ở quận Bình Tân cũng xin nghỉ việc khi đang đương chức", ông Lê Văn Thinh cho biết.
Cũng theo ông Lê Văn Thinh, dân số quận Bình Tân là hơn 800.000 người với 10 phường, còn Bình Thạnh chỉ có hơn 478.000 người nhưng có tới 20 phường. Quy mô dân số khác nhau, khối lượng công việc cũng chênh lệch lớn, nhưng chế độ của cán bộ lại như nhau. Chưa kể, lãnh đạo, cán bộ được phân công, tuyển dụng với trình độ làm nhiệm vụ cỡ phường nhưng thực tế phải giải quyết công việc quy mô ngang quận là quá tầm của các cán bộ cơ sở tại TP Hồ Chí Minh.
Hàng trăm công nhân vệ sinh ở Bắc Ninh đi làm trở lại sau đình công Các công nhân vệ sinh đã đình công vì lương thấp, khiến rác thải ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh không được chuyển đi kịp thời ảnh hưởng đến đời sống bà con. Họ đã đi làm trở lại phần lớn. Nhiều công nhân môi trường đã đi làm trở lại - Ảnh: TIẾN VĂN Trước đó, sáng 12-9, nhiều phường như...