Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh – Bài 2: Hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc
Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, trong hơn 6.000 cán bộ, công chức, viên chức đồng loạt xin nghỉ việc trong giai đoạn bình thường mới đến nay thì Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đứng đầu trong khối sở, ngành với 23 người xin nghỉ việc; thành phố Thủ Đức đứng đầu khối quận, huyện với 40 người xin nghỉ việc…
Tại phường Phước Long B (thành phố Thủ Đức), cán bộ, công chức phải làm việc xuyên trưa để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Quá tải nên sẽ có sai sót
Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, có ba nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong giai đoạn bình thường mới gồm: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.
Cụ thể, đối với chế độ tiền lương, các chính sách đãi ngộ tiền lương hiện nay vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến. Nhất là trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn nên có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.
Đối với cơ hội thăng tiến, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế…
Đối với lý do về áp lực công việc, nhiều người bị quá tải công việc, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và ở phường, xã, thị trấn trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Khối lượng công việc tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội đối với nhóm đối tượng này nói riêng và nhân sự khu vực công nói chung.
Mỗi cán bộ công chức ở phường, xã tại TP Hồ Chí Minh phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các cán bộ công chức khác trên cả nước.
Đại diện Phòng Nội vụ quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay, cấp quận thực hiện 202 loại thủ tục hành chính trong 39 lĩnh vực, cấp phường thực hiện 132 loại thủ tục hành chính trong 31 lĩnh vực. Mỗi ngày, số lượng hồ sơ, công việc cần giải quyết cho dân trong một số lĩnh vực rất lớn như chứng thực, hộ tịch, xây dựng, kết hôn, đăng ký kinh doanh… Thực tế, đây toàn là những nhu cầu thiết thực của người dân nên buộc cán bộ phải bảo đảm đúng tiến độ, đúng thời gian để giải quyết cho người dân và vì thế áp lực lên cán bộ, công chức rất lớn.
Cũng xuất phát từ áp lực công việc quá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và thể chất của các cán bộ, công chức, nhất là phải làm việc ngoài giờ, không được nghỉ ngơi đủ, áp lực lớn, không có thời gian chăm sóc gia đình… Vì vậy, từ năm 2019 đến nay, quận Bình Thạnh có 27 cán bộ, lãnh đạo và công chức phường xin nghỉ việc, trong đó có 3 lãnh đạo phường, 12 cán bộ đoàn thể, 12 công chức…
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh là địa phương mà công chức phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trung bình một biên chế của Thành phố phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh khác trong cả nước. “Tất nhiên, một khi cán bộ công chức có rất nhiều áp lực thì chắn chắn sẽ có sai sót. Có lần tôi xuống huyện Bình Chánh, 18 giờ 30 phút vẫn thấy anh em cán bộ công chức của xã “sáng đèn” làm việc. Cứ như vậy thì chồng con ở nhà sao chịu nổi nên cán bộ của chúng ta buộc phải xin nghỉ việc. Tình trạng này nếu kéo dài thì không ổn cho hệ thống phường, xã của TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Video đang HOT
Là địa bàn có đông dân tại thành phố Thủ Đức, ông Trần Văn Mau, Chủ tịch UBND phường Phước Long B cho biết, theo quy định, UBND phường chỉ mở cửa giao dịch đến 11 giờ 30 phút nhưng thực tế thì khi nào hết dân, bộ phận nhận hồ sơ mới được nghỉ. Mặt khác, trụ sở UBND phường lại nằm trên mặt đường lớn nên rất nhiều người tiện đường đến làm hồ sơ bất kể giờ giấc, kể cả giữa trưa. “Khi người dân còn nhu cầu thì cán bộ không thể nghỉ làm. Vì vậy, cán bộ công chức phường cũng phải làm việc xuyên trưa để phục vụ tốt cho người dân. Để giảm tải công việc cho cán bộ, phường cũng nhiều lần kiến nghị tăng biên chế, tuy nhiên điều kiện lương bổng, thu nhập không cao nên không thu hút được cán bộ, công chức ở lại lâu dài”, ông Trần Văn Mau cho biết.
Cần xem xét lại biên chế cán bộ
TP Hồ Chí Minh cũng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc, thủ tục hành chính nhằm từng bước cắt giảm được nhân lực phục vụ trực tiếp.
PGS.TS Nguyễn Thị Cành, nguyên Giảng viên cao cấp của Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, tỉ lệ dân số/công chức, viên chức của TP Hồ Chí Minh lớn hơn nhiều địa phương khác, vì vậy biên chế cho quận, phường của TP Hồ Chí Minh mà cứ định biên như quận, phường khác trên cả nước thì không hợp lý.
“Cần xem lại để lựa chọn chỉ số biên chế theo dân thay vì theo đơn vị hành chính cào bằng như đang thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ là chuyện giảm thấp tỉ lệ dân số/công chức, viên chức mà cần xem xét mức độ phức tạp của công việc để bố trí người cho hợp lý. Ở đây có những dịch vụ công phục vụ toàn thể nhưng có dịch vụ lại phục vụ từng người dân, vì vậy cần tách dịch vụ nào khi dân số cao chiếm nhiều thời gian và hệ số này ở mức bao nhiêu phần trăm để tổ chức lại bộ máy, người cho hợp lý. Trên cơ sở đó, TP Hồ Chí Minh giải trình với Trung ương để có cơ chế tự chủ biên chế phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Thị Cành đề nghị.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường, xã tại TP Hồ Chí Minh được phân bổ theo Nghị định số 34 trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính. Tuy nhiên, quá trình áp dụng chưa phù hợp với các địa bàn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp, quá trình đô thị hóa nhanh.
“Vừa qua, TP Hồ Chí Minh thực tế phải giảm biên chế tới hai lần. Bởi theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị, Thành phố không tổ chức HĐND phường nên phải giảm 249 biên chế là Phó Chủ tịch HĐND phường. Do đó, Nghị định 34 quy định tổng số cán bộ, công chức tối đa không quá 37 người mỗi phường (loại 1), nhưng thực tế TP Hồ Chí Minh chỉ có thể giao biên chế tối đa 36 người mỗi phường”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, TP Hồ Chí Minh nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ cho chính sách riêng nhằm tăng người hoạt động không chuyên trách cho địa bàn cơ sở, tuy nhiên các đề xuất của Thành phố không được chấp thuận. Lý do, dân số chỉ là một trong những tiêu chí phân loại phường, xã nên không đủ cơ sở để tăng số lượng cán bộ không chuyên trách. Vì vậy, sắp tới, trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đề xuất để có phương án tổ chức bộ máy cán bộ phù hợp từng địa phương để tránh tình trạng quá tải công việc cho các cán bộ cơ sở như hiện nay.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để hạn chế tình trạng cán bộ xin nghỉ việc hàng loạt, TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất nhiều giải pháp như nâng cao thu nhập. Theo đó, bên cạnh tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội với nhiều nội dung mới để thực hiện thí điểm cho giai đoạn tiếp theo nhằm duy trì cho cán bộ, công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm, tạo động lực cho họ làm việc và cống hiến.
Về tạo cơ hội thăng tiến, TP Hồ Chí Minh sẽ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý. Để góp phần giảm căng thẳng, áp lực do quá tải công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị Bộ Nội vụ đề xuất cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho Thành phố để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của Thành phố theo Nghị quyết 54 của Chính phủ.
Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Cán bộ, công chức hết việc về đến nhà đã 2 - 3 giờ sáng
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì vậy công chức, viên chức tại đây cũng phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước.
Nếu như một cán bộ công chức, viên chức một quận, huyện ở các tỉnh, thành trên cả nước bình quân phục vụ khoảng 137.000 người dân thì ở TP Hồ Chí Minh, họ phải phục vụ đến 441.000 người. Nghĩa là một biên chế của TP Hồ Chí Minh phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Chính vì phục vụ số dân quá đông, khối lượng công việc nhiều nhưng thu nhập của một công chức, viên chức cấp phường không cao... nên đã xảy ra những hệ lụy như "tham nhũng vặt", nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt, các hồ sơ, thủ tục hành chính kéo dài vài tháng vẫn chưa được xử lý kịp...
Mỗi ngày, có rất nhiều người dân đến UBND xã, phường, quận, huyện để ngồi chờ để thực hiện các thủ tục hành chính.
Bài 1: Cán bộ, công chức hết việc về đến nhà đã 2 - 3 giờ sáng
Thành phố Hồ Chí Minh đang xảy ra tình trạng dù xã, phường có trên 150.000 dân hay dưới 25.000 dân thì mỗi xã, phường cũng chỉ có cùng mức biên chế cán bộ tối đa như nhau là 36 người. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ cấp xã, phường phải chịu áp lực quá tải công việc gấp 3 - 4 lần so với các địa phương khác trên cả nước.
Tăng ca là chuyện... bình thường
UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) dù mới 8 giờ sáng nhưng đã chật kín người. Trung bình mỗi ngày, xã tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ các loại. Trong khi đó, số lượng cán bộ được phân công nhiệm vụ trên các lĩnh vực chỉ từ 1 - 2 người. Điều này đã tạo nên áp lực không nhỏ đối với cán bộ xã.
Người dân ngồi chờ làm thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai tại TP Thủ Đức.
Chị Đỗ Thị Ánh Hồng, ngụ ở xã Vĩnh Lộc A cho biết, chị rất "ngán ngẩm" khi lên UBND xã làm các loại giấy tờ, thủ tục hành chính. Bởi, mỗi lần đến UBND xã làm các thủ tục này, chị phải ngồi chờ hàng giờ mới tới lượt mình. "Do phải làm thủ tục sao y công chứng giấy tờ nhà đất để đăng kí nhập học cho con mà tôi phải lên UBND xã từ 7 giờ sáng để xếp hàng và chờ bốc số thứ tự. Sau khi có số thứ tự trong tay, tôi phải mất hết buổi sáng mới có thể hoàn thiện các thủ tục hành chính mà mình cần để có thể làm hồ sơ cho con đi học", chị Đỗ Thị Ánh Hồng nói.
Chị N.T.N.A, cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính tại xã Vĩnh Lộc A cho biết, từ khi áp dụng quy định tinh giản biên chế, cả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính đang từ 35 người giảm xuống còn 5 người, vì vậy khối lượng công việc tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước kia. Cũng vì công việc tăng nên ngoài việc tiếp nhận hồ sơ của người dân, chị N.T.N.A còn kiêm thêm việc báo cáo cải cách hành chính hàng tháng để giảm bớt công việc cho các cán bộ, công chức khối văn phòng.
"Công việc quá nhiều, cán bộ thiếu, hệ quả là người dân phải chờ hàng giờ chỉ để làm thủ tục sao y - chứng thực, nhà đất... Cụ thể, tại xã chỉ có hai cán bộ nhập dữ liệu, kiểm tra pháp lý hồ sơ, đóng dấu vuông, đối chiếu, sao lưu, rồi trình lãnh đạo ký, đóng dấu tròn, sau đó thu phí, trả hồ sơ cho dân. Vì vậy, có hồ sơ hành chính có hạn ba ngày phải trả hồ sơ cho dân nhưng các cán bộ đều phải tranh thủ tăng ca tối để xử lý cho xong công việc trong ngày. Nếu để công việc hôm nay tồn đọng sang hôm sau thì khối lượng công việc các ngày sau lại tăng lên gấp 2 - 3 lần, như vậy sẽ càng vất vả hơn. Cũng vì làm việc nhiều hơn nên khi nào thấy tôi về nhà trước 18 giờ là người thân của tôi bảo đó là "chuyện lạ", chị N.T.N.A cho biết.
Không chỉ cán bộ, công chức các xã, phường tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình cảnh quá tải công việc mà cán bộ cấp quận, huyện và TP Thủ Đức cũng nhiều việc không kém; nhiều cán bộ, công chức phải làm việc quên cả ngày nghỉ lễ, Tết để hoàn thành công việc được giao.
Chị Vũ Thị Nguyệt, một cán bộ công chức tại quận Tân Bình cho biết, từ sau giai đoạn bình thường mới và cũng từ khi các quận phải cắt giảm biên chế, khối lượng công việc đổ lên vai các cán bộ, viên chức hiện hữu cũng ngày càng nhiều. Thời gian dành cho công việc nhiều nên thời gian dành cho gia đình của cán bộ, công chức cũng ngày càng ít. Nếu như trước đây những ngày nghỉ, ngày lễ chị Nguyệt thường dành khá nhiều thời gian cho gia đình như nấu những bữa ăn ngon cho chồng, con hay đưa con đi chơi thì mấy năm nay do khối lượng công việc nhiều, hầu như chị không có thời gian cho gia đình hay cuộc sống riêng tư. Cũng vì ở cơ quan quá nhiều nên chị Nguyệt cũng phải đem văn bản, báo cáo về nhà làm ngoài giờ, thậm chí trong những ngày lễ, Tết chị vẫn phải ráng làm cho xong việc.
"Có những ngày nghỉ, để kịp báo cáo tiến độ công việc với lãnh đạo, tôi phải làm việc đến đêm khuya và hôm sau phải thức dậy từ sớm để kịp hoàn thành công việc và gửi cho lãnh đạo trước khi ngày mới bắt đầu. Công việc nhiều, không còn nhiều thời gian cho gia đình nên nhiều lúc hai vợ chồng cũng xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn...", chị Vũ Thị Nguyệt than thở.
Nhân sự giảm, khối lượng công việc lại tăng
Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) là nơi có dân số đông nhất TP Hồ Chí Minh hiện nay với khoảng 167.000 người, bằng 1/2 dân số tỉnh Bắc Kạn và tương đương dân số của quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, số biên chế xã được giao là 36 người (11 cán bộ, 11 công chức, 14 người hoạt động không chuyên trách); trong khi với tỉnh Bắc Kạn, biên chế được giao là 1.489 người, gấp hơn 41 lần xã Vĩnh Lộc A hay so với quận Phú Nhuận, số biên chế được giao tối đa 436 cán bộ, gấp 12 lần so với xã Vĩnh Lộc A.
Khối lượng công việc nhiều trong khi số lượng cán bộ hành chính ít nên việc giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương này luôn rơi vào tình trạng quá tải và chuyện cán bộ, công nhân viên chức cấp xã, phường phải tăng ca cũng "bình thường như cơm bữa".
Từ 5 giờ sáng, người dân, doanh nghiệp đã đến Bảo hiểm Xã hội ( BHXH) TP Thủ Đức để chờ hoàn thiện các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính của ngành BHXH. Đây là nơi luôn xảy ra tình trạng quá tải vì thiếu cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân.
Theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế, cán bộ không chuyên trách ở tại cơ sở, địa phương, hiện nay TP Hồ Chí Minh phải cắt giảm 2.299 cán bộ ở phường, xã. "Trước đây, xã có hơn 60 cán bộ nhưng từ đầu năm 2021 áp dụng chính sách tinh giản biên chế đến nay xã chỉ còn 36 người. Do khối lượng công việc quá nhiều, cán bộ, công chức xã thường xuyên phải làm thêm việc", bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết.
"Đa phần mọi người tại xã làm việc đến 19 - 20 giờ, thậm chí 22 giờ phòng làm việc vẫn sáng đèn và nhiều cán bộ chưa làm xong việc vẫn còn làm tăng ca cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Đặc biệt, để giải quyết nhu cầu của người dân, từ tháng 3/2022, xã này có chủ trương kéo dài thời gian tiếp nhận hồ sơ của người dân từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút ngày thứ Ba và thứ Năm hằng tuần (thêm 1,5 tiếng so với quy định). Điều này đang khiến cho xã rất khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và phải tìm kiếm nhân sự thay thế các nhân sự do quá tải công việc đã xin nghỉ việc", bà Lại Thị Bích Trâm cho biết thêm.
Tương tự, Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 1 cũng cho biết: "Khối lượng công việc mà cán bộ, công chức Quận 1 phải giải quyết rất nhiều, thậm chí đến 2 - 3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng hôm sau đã phải quay trở lại công việc. Quận 1 có dân số không đông, tuy nhiên một ngày có 24 giờ thì 16 giờ là quận có khoảng 1 triệu người đến làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện tại địa bàn nên các cán bộ cũng phài căng mình làm hàng trăm việc không tên trên địa bàn nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, xã hội...".
Đối với cấp quận, ông Lê Văn Thinh, nguyên Bí thư quận Bình Tân cho biết, quận Bình Tân có dân số cao nhất TP Hồ Chí Minh. Trong đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư vừa qua, khi xã, phường trở thành "pháo đài" chống dịch thì địa phương này mới "thấm thía" việc thiếu cán bộ khi dân số ở đây quá đông. "Thời điểm giãn cách xã hội, mỗi phường trung bình phải chăm lo 80.000 dân mà cũng chỉ có tối đa 36 cán bộ. Khối lượng công việc quá nhiều, nhân viên cơ sở làm không xuể. Cũng vì quá tải công việc mà hai lãnh đạo phường ở quận Bình Tân cũng xin nghỉ việc khi đang đương chức", ông Lê Văn Thinh cho biết.
Cũng theo ông Lê Văn Thinh, dân số quận Bình Tân là hơn 800.000 người với 10 phường, còn Bình Thạnh chỉ có hơn 478.000 người nhưng có tới 20 phường. Quy mô dân số khác nhau, khối lượng công việc cũng chênh lệch lớn, nhưng chế độ của cán bộ lại như nhau. Chưa kể, lãnh đạo, cán bộ được phân công, tuyển dụng với trình độ làm nhiệm vụ cỡ phường nhưng thực tế phải giải quyết công việc quy mô ngang quận là quá tầm của các cán bộ cơ sở tại TP Hồ Chí Minh.
Điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là hợp lý Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực và động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ ngày 22/10. Cải cách chính sách tiền lương...