Quá tải bệnh viện, giải quyết rồi bệnh nhân vẫn khổ
“ Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối, nhiều bệnh nhân nhất quyết phải được chuyển đến đây điều trị, có chết cũng an lòng”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ như thế tại hội nghị bàn về mô hình hợp tác giảm tải của bệnh viện này hồi tuần qua.
Bác sĩ CK2 Phạm Thanh Việt, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện, đồng tình: “Bệnh viện mang tên là chợ, nhưng bệnh viện luôn nhận được sự tin tưởng của bệnh nhân, đó là trách nhiệm lớn lao của đội ngũ nhân viên y tế ở đây”.
Quá tải ở bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ.
Do được người dân tin tưởng, nên bệnh viện Chợ Rẫy phải đón một lượng bệnh nhân lớn từ khắp nơi đổ về. Hơn mười năm nay chỉ tiêu kế hoạch bệnh nhân nội trú chỉ là 1.800 người/ngày, nhưng số thực nhận lên tới 2.700 người, thậm chí có ngày 2.900 người.
Dĩ nhiên, với lượng bệnh quá tải như thế, bệnh viện không thể kham nổi, phải tự cứu mình bằng cách hợp tác san sẻ bệnh nhân với những nơi khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, từ năm 2005 bệnh viện đã hợp tác với hai bệnh viện nhỏ kế cận để chuyển giao bệnh nhân điều trị ổn định sang đây, và đến nay số bệnh viện hợp tác tăng lên 12 với 54 lượt hợp tác chuyên khoa. Những chuyên khoa đạt hiệu quả giảm tải tốt nhất là tim mạch can thiệp (giảm tải 36%), chấn thương sọ não (35,2%) và chấn thương chỉnh hình (23,1%).
Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng. TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa, trưởng khoa Tim mạch can thiệp, cho biết nhiều bệnh nhân dù điều trị ổn định được chuyển sang bệnh viện khác nằm cho rộng rãi, thoải mái, nhưng họ nhất quyết không đi, chỉ thích nằm lại ở bệnh viện Chợ Rẫy cho yên tâm.
BS Phạm Thanh Việt nêu những khó khăn căn cơ hơn: “Quyền lợi bệnh nhân qua bệnh viện hợp tác bị ảnh hưởng đáng kể vì danh mục thuốc, vật tư y tế khác nhau giữa các bệnh viện. Tuyến bệnh viện và danh mục trúng thầu có giá khác nhau, nên bệnh viện phải bỏ tiền mua với giá khác nhau. Bên cạnh đó, danh mục kỹ thuật tại bệnh viện giảm tải không đầy đủ như ở bệnh viện Chợ Rẫy. Rồi sau khi xuất viện ở bệnh viện giảm tải, bệnh nhân cũng không thể tái khám ở bệnh viện Chợ Rẫy”.
Bà K., 58 tuổi, ngụ tại Bình Chánh, TP.HCM, là một trường hợp trong số đó. Tháng 6.2017, bà có giấy chuyển viện từ một bệnh viện tuyến thành phố đến bệnh viện Chợ Rẫy chữa ung thư. Ở đây, bà được chuyển tiếp đến một bệnh viện hợp tác tại quận 5 để nằm trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Thế nhưng, sau khi xuất viện về nhà và tái khám lại ở bệnh viện Chợ Rẫy một tháng sau đó, bà lại bị từ chối vì thiếu… giấy tái khám.
Người thân của bà phân trần: “Tôi tưởng bệnh viện hợp tác thuộc bệnh viện Chợ Rẫy nên giấy xuất viện ở đây có giá trị chứ nào ngờ. Trở lại bệnh viện ban đầu để xin giấy chuyển viện hưởng bảo hiểm y tế, người ta rầy rà suốt vì trong một năm chúng tôi xin giấy chuyển viện mấy lần”.
Bệnh viện quá tải, không chỉ bệnh nhân mà bác sĩ cũng khổ. X, một bác sĩ chỉnh hình than thở: “Mỗi bệnh nhân tôi chỉ có đúng hai phút vừa khám, vừa kê toa, biết khám như thế là không chất lượng, nhưng chúng tôi không còn cách nào. Khám chậm là bệnh nhân dồn ứ, thậm chí còn bị bệnh nhân than phiền”.
Video đang HOT
Nhưng một hệ luỵ không ngờ là tình trạng quá tải sẽ làm cho trình độ chuyên môn của bác sĩ giảm sút. Một bác sĩ trưởng khoa phân tích: “Mỗi buổi một bác sĩ khám cả trăm lượt bệnh nhân ngoại trú, khám xong họ mệt nhoài rồi thời gian đâu cho học hành. Tôi luôn khuyến khích các bác sĩ trẻ tự học, nhưng với mức độ làm việc như thế, họ không còn thời gian học ngoại ngữ, đọc sách và cập nhật kiến thức. Y học mỗi ngày một tiến bộ, nếu bác sĩ không trau dồi chuyên môn, họ sẽ tụt hậu và không thể chữa bệnh tốt được”.
Tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế, phải thốt lên về tình cảnh của bệnh viện Chợ Rẫy: “Không có nơi nào trên thế giới lại như ở đây, một giường bệnh có 3 – 4 bệnh nhân cùng nằm”.
Có lẽ chưa có một khảo sát đầy đủ nào về thực trạng và hệ luỵ của quá tải bệnh viện lên nỗi khổ của bệnh nhân ở nước ta. Ai cũng thấy đó là nỗi kinh hoàng và cũng tìm giải pháp để tháo gỡ, nhưng rồi giải pháp nào cũng mang tính tạm thời, bệnh nhân chuyển từ nỗi khổ này sang nỗi khổ khác.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt đề xuất: “Đơn vị hợp tác giảm tải cần được hoạt động theo cơ chế trực thuộc hạt nhân bệnh viện Chợ Rẫy. Chỉ như thế bệnh nhân mới không phải chuyển tuyến và họ được hưởng danh mục kỹ thuật, vật tư y tế tương tự, đặc biệt là họ có chế độ tái khám tại bệnh viện Chợ Rẫy, chứ không chịu thiệt thòi như hiện nay”.
Ông Khuê đồng tình: “Cần làm rõ mô hình hợp tác giảm tải của bệnh viện Chợ Rẫy, phải làm sao bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân, thầy thuốc và bệnh viện. Cần công khai minh bạch mọi chuyện để giải toả một dư luận lâu nay cho rằng bệnh viện Chợ Rẫy “bán” bệnh nhân sang bệnh viện khác”.
Theo Bài, ảnh Tâm An (Thế Giới Tiếp Thị)
Giám đốc BV tư mổ xẻ chuyện 4 bệnh nhân/giường BV công
Dư luận lại một phen ồn ào khi Bộ trưởng Y tế đi thị sát, bắt gặp cảnh 4 người nằm chung một giường ở một bệnh viện tuyến TƯ. Có vẻ như những nỗ lực cam kết trước đây không có hiệu quả.
Một điều rất đáng khen trong chuyến thị sát lần này là có vẻ như nó không được chuẩn bị trước. Và Bộ trưởng, cũng như Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh đã rất xông xáo tìm ra sự thật khi nghe người dân phản ánh những tồn tại trong bệnh viện.
Nhưng vấn đề chính không phải sự xông xáo trước mặt các phóng viên, mà là làm sao giảm quá tải bệnh viện.
Giường bệnh tại khoa Nội, BV K được xếp 3-4 bệnh nhân
Bài toán quá tải khó giải
Những gì Bộ Y tế đã và đang làm thể hiện nỗ lực giải quyết giảm tải của mình. Từ tăng giá viện phí, đến thông tuyến BHYT, rồi giao quyền tự chủ cho bệnh viện, và bây giờ là chuyển bệnh viện thành doanh nghiệp.
Nhưng có vẻ như còn lâu lắm những cố gắng đó mới mang lại được hiệu quả giảm tải thật sự.
Con đường đi rất đúng, rất phù hợp với sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang một ngành dịch vụ. Vậy mà vẫn còn tới 4 người bệnh nằm trên một cái giường.
Thực ra, đi đúng hay không là do kết quả xác định. Mọi thứ đúng mà kết quả không tốt thì chắc chắn là có gì đó không đúng.
Bài toán giảm tải không thể giải quyết ngày một ngày hai được. Nhưng đã hơn 1 năm kể từ khi các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm đôi. Việc tăng giá viện phí cũng đã đi được một chặng đường khá dài. Vậy mà vẫn tồn tại cảnh 4 bệnh nhân nằm chung một giường.
Thực ra mà nói, số lượng giường bệnh của chúng ta không đến nỗi quá ít so với những nước có cùng mức thu nhập. Nhưng sự quá tải của chúng ta lại rất ấn tượng, giống như ở những nước nghèo hơn chúng ta rất nhiều.
Trên thực tế, chúng ta có khá nhiều bệnh viện, trạm y tế còn trống, không có hoặc chỉ lèo tèo vài ba bệnh nhân.
Chúng ta đã lãng phí một nguồn lực lớn về y tế khi để những bệnh viện, những trạm y tế đó vắng vẻ, trong khi bệnh nhân tập trung vào các bệnh viện tuyến trên.
Sai lầm phân tuyến trong quá khứ sẽ còn đeo đuổi chúng ta một thời gian nữa, khi mà những biện pháp Bộ Y tế đưa ra chưa phát huy hiệu quả.
Lãnh đạo bệnh viện quản lý kém
Một trong các nguyên nhân được nhiều người nói đến là trình độ quản lý. Trong khi nước Úc, với dân số chỉ bằng 1/4 nước ta, nhưng đã có hàng chục trường đại học đào tạo chuyên ngành quản lý bệnh viện, từ cấp độ cơ bản đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ...
Chúng ta chỉ có một số tiết học dành cho cán bộ học tại chức trong chương trình quản lý ngành. Đấy là chưa kể giáo trình có độ vênh không nhỏ.
Việc để bệnh nhân nội trú và ngoại trú lẫn lộn với nhau mà Bộ trưởng đã nhắc nhở cho thấy khả năng quản lý rất kém.
Ý tưởng tuyển giám đốc bệnh viện không phải là nhà chuyên môn giỏi với mục tiêu phát huy khả năng gia tăng trình độ quản lý bệnh viện, chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực khi vị giám đốc đó được đào tạo quản lý bệnh viện một cách chuyên nghiệp.
Một nguyên nhân nữa là chúng ta chưa có hệ thống bác sĩ gia đình. Mọi thứ, nhức đầu, cảm mạo, ghẻ lác... đều đến bệnh viện, thậm chí là bệnh viện tuyến trung ương.
Không có con số thống kê, nhưng một vài bác sĩ nói với tôi, khoảng 2/3 số bệnh nhân khám tại các bệnh viện tuyến trung ương chỉ cần khám và điều trị tại bác sĩ gia đình là được.
Nhưng liệu đó đã phải là tất cả nguyên nhân chưa? Tôi cho rằng còn một nguyên nhân nữa, rất quan trọng. Đó là việc ngay cả khi bệnh viện được chuyển thành doanh nghiệp, thì nó vẫn là một doanh nghiệp nhà nước. Và Bộ Y tế, nơi lẽ ra phải là cơ quan quản lý nhà nước thì lại dần trở thành một công ty mẹ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, do khả năng quản lý yếu kém, do tham nhũng, do thiếu minh bạch...
Úc cho phép bác sĩ ký hợp đồng với nhiều cơ sở
Khi bệnh viện trở thành doanh nghiệp nhà nước thì cũng vậy thôi. Hãy đừng duy ý chí.
Lại phải nhắc đến nước Úc. Những khu vực nào, những lĩnh vực nào trong y tế có thể mang lại lợi nhuận, nhà nước Úc khuyến khích tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ lo cho những khu vực và những lĩnh vực không sinh lời.
Để giải quyết bài toán nhân sự, chính phủ Úc cho phép các bác sĩ được ký hợp đồng với nhiều cơ sở, không phân biệt công tư, và hoàn toàn không có chế độ biên chế, công chức hay viên chức trong các bệnh viện nhà nước.
Để giải quyết bài toán quá tải, cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó, có những biện pháp mà Bộ Y tế không chủ động được.
BS Võ Xuân Sơn
(Theo Vietnamnet)
Khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1229/CĐ-TTg về vụ nổ ở tỉnh Khánh Hòa ngày 18.8.2017 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân vụ nổ Bo Bo Sượng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh hòa. Ảnh: C.T Công điện gửi Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...