Quá tải bệnh nhân nặng – nỗi lo thường trực
Giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nằm ghép giường, nhưng Bệnh viện Nhi TW vẫn phải đương đầu với tình trạng quá tải bệnh nhân nặng.
Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong số nhiều bệnh viện tuyến Trung ương triền miên diễn ra tình trạng quá tải trong một thời gian dài, đây cũng là lý do khiến bệnh nhân phải nằm ghép giường. Điển hình tại khoa Hô hấp, bệnh nhi thường phải nằm ghép 3, ghép 4, có những lúc cao điểm 6 cháu bé vài tháng tuổi phải nằm chung một giường.
Nhận thức được tình trạng quá tải vô cùng nguy hiểm, gây mất an toàn cho sức khỏe và tính mạng của trẻ, mới đây Bệnh viên Nhi Trung ương -một trong 3 bệnh viện tuyến Trung ương (cùng với Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết) đã cam kết trong năm 2015 sẽ xóa bỏ tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép giường.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định trong quý IV/2014, viện đã triển khai có hiệu quả tình trạng giảm tải, bước đầu gần như toàn bộ bệnh nhi điều trị nội trú tại các khoa của bệnh viện đều được nằm riêng 1 giường. Duy chỉ có khoa Thần kinh số giường thực kê là 50 nhưng có tới 54 bệnh nhân, có 4 bệnh nhân phải nằm ghép. Còn tại khoa Hô hấp, chỉ có 80 bệnh nhân trong tổng số 90 giường.
TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương
PV: Thưa ông, Bệnh viện đã thực hiện những biện pháp gì để có được kết quả ban đầu khá tốt như vậy?
TS Trần Minh Điển: Chúng tôi đã triển khai 3 gói giải pháp đồng bộ: Gói giải pháp thứ nhất: quản lý, tăng cường khám bệnh ngoại trú, điều trị trong ngày và giảm số bệnh nhân điều trị nội trú. Gói giải pháp này được thực hiện chủ yếu ở khu vực phòng khám: tăng cường cải cách các thủ tục hành chính, mở thêm nhiều buồng khám, bố trí một lượng nhân lực lớnbao gồm cả bác sĩ, y tá, nhân viên tin học, nhân viên tài chính… rất chuyên nghiệp để đảm bảo giảm số thời gian chờ khám, làm xét nghiệm của bệnh nhi, được thực hiện trong ngày mà không phải đợi đến ngày thứ 2; đảm bảo sàng lọc các trường hợp đủ tiêu chuẩn nhập viện mới làm thủ tục; trường hợp có thể điều trị ở tuyến dưới thì chuyển về. Với trường hợp có thể điều trị tại nhà, y bác sĩ phải có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, dặn người nhà bệnh nhi những dấu hiệu bệnh tăng nặng thì đưa đến bệnh viện gần nhất.
Tại khu vực điều trị nội trú, thực hiện triệt để chế độ quản lý kiểm soát số lượng người bệnh 2 lần/ngày (lúc 8h và 16h) tại từng khoa. Thực hiện cách thức quản lý này,đơn cử báo cáo 8h sáng 16/1 cho thấy có tổng số 1.217 bệnh nhân nhập viện trong tổng số 1.500 giường thực kê, điều đó có nghĩa không có tình trạng quá tải. Chỉ có một đơn vị duy nhất là khoa Thần kinh, số giường thực kê là 50 nhưng có tới 54 bệnh nhân, 4 bệnh nhân phải nằm ghép. Tuy nhiên con số này chúng tôi xếp vào chỉ số 24h, có nghĩa khi bệnh nhân vào viện không phải lúc nào cũng có giường ngay lập tức. Bộ Y tế cũng đã chấp thuận với khó khăn này và cho phép trong vòng 24 giờ, các bệnh nhi nhập viện buổi đêm, cấp cứu nặng có thể phải nằm ghép. Tuy nhiên vào giờ hành chính, sau khi thực hiện nhiều biện pháp điều chuyển bệnh nhân, khi đó các bệnh nhi sẽ phải được nằm 1 giường.
Để kiểm soát được con số bệnh nhân trong mỗi khoa, đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm của mỗi y bác sĩ và các trưởng phó khoa. Việc tích cực đi buồng của các bác sĩ điều trị nhằm xem xét, đánh giá tình trạng bệnh nhân, cho xuất viện đối với những trường hợp có thể; xem xét, thay đổi phác đồ điều trị cho mỗi bệnh nhân, giúp bệnh tình tiến triển tốt… sẽ giúp giảm tải số lượng bệnh nhân trong các khoa, lấy chỗ cho những bệnh nhân nặng hơn.
Gói giải pháp thứ hai: Tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của các y bác sĩ ở tuyến dưới. Trong năm 2014, gần 600 lượt bác sĩ, điều dưỡng viên ở các bệnh viện tuyến dưới lên bệnh viện Nhi học tập kinh nghiệm; hơn 300 lượt bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện Nhi trung ương được cử về các tuyến để truyền thụ, trao đổi kinh nghiệm. Chuyển biến bước đầu từ gói giải pháp này cho thấy người dân đã bắt đầu tin tưởng và đến khám tại các bệnh viện nhi, sản nhi ở khu vực miền Bắc; khoa nhi ở các tỉnh phù hợp với mức độ bệnh. Chỉ số chuyển tuyến đã giảm rõ rệt; số ca phẫu thuật bệnh nhẹ ở bệnh viện Nhi trung ương đã giảm 20-30%; tuy nhiên số bệnh nhân phẫu thuật vừa và nặng lại tăng 15-20%, điều này đã cho thấy vai trò của bệnh viện tuyến trung ương đã được trả về đúng chỗ, chỉ can thiệp những ca khó và nặng.Trường hợp bệnh nặng và không thể can thiệp được ở tuyến dưới thì bệnh viên Nhi Trung ương phải chịu trách nhiệm.
Gói giải pháp thứ ba:Mở rộng các khoa, kê thêm giường bệnh. Trong năm 2014, bệnh viện đã mở rộng thêm phòng bệnh dành cho khối bệnh nhân rất nặng như hồi sức cấp cứu, hồi sức tim mạch, có thể kê thêm khoảng 80 giường bệnh. Ở các khoa khác, bệnh viện cũng yêu cầu giảm các buồng hành chính, buồng bác sĩ, điều dưỡng để lấy phòng kê thêm giường cho bệnh nhân.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây chỉ là những giải pháp tạm thời, không bền vững. Do vậy, năm 2015, để các giải pháp bền vững hơn nữa, đảm bảo tiêu chuẩn số giường bệnh/số mét vuông bệnh viện, bệnh viện đang đẩy nhanh hoàn thiện khu nhà 15 tầng. Dự kiến, khu vực tầng 1 và khoa khám bệnh, khoa cấp cứu sẽ được đưa vào hoạt động từ ngày 27/2 tới đây;đến hết quý II/2015 sẽ đưa vào hoạt động toàn bộ khu nhà 15 tầng này.Cùng với cơ sở 2 của bệnh viện Nhi Trung ương có quy mô 900 giường bệnh, thời gian tới, các bệnh nhi sẽ được thụ hưởng thực sự việc giảm tải bền vững, lâu dài hơn.
Tại khoa Hô hấp, hiện nay một bệnh nhi được nằm một giường
PV: Một trong những giải pháp góp phần giảm số bệnh nhân điều trị nội trú là sự nỗ lực, trách nhiệm của các bác sĩ điều trị. Bệnh viện có đặt ra quy định nào để giám sát sự nỗ lực của các bác sĩ?
TS Trần Minh Điển: Việc các trưởng, phó khoa, bác sĩ điều trị phải tăng cường đi buồng để xem xét, đánh giá tình trạng bệnh nhân nằm trong bộ tiêu chuẩn chất lượng khám chữa bệnh của viện. Một bác sĩ phải thăm khám bệnh nhân mà họ điều trị từ 1-2 lần/ngày tùy theo từng tình trạng bệnh; nhẹ có thể 1 lần nhưng nặng có thể phải 2 thậm chí 3-4 lần/ngày với nhóm bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Nhóm bệnh nhân nặng gần như các bác sĩ phải giám sát các chỉ số từng giờ.
PV:Có thể thấy rằng tuy giảm tải số bệnh nhi nói chung nhưng viện Nhi vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng quá tải bệnh nhân nặng, thưa ông?
TS Trần Minh Điển: Số lượng bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Nhi TW thông thường ổn định 2.000, 2.200 có thể 2.500 thậm chí có thể 3.000 tùy theo từng ngày trong tuần. Khám chuyên khoa ở Bệnh viên Nhi TW mới là quan trọng, mới là đúng vai trò trách nhiệm của bệnh viện Trung ương. Bệnh viện có nhiều chuyên khoa nặng khác nhau, số lượng em bé đến khám và điều trị ngoại trú, nội trú trong ngày ở các chuyên khoa máu, ung bướu, tim mạch, huyết học, thần kinh… là chủ yếu; số em bé đến khám vì ho, sốt, ỉa chảy, các tình trạng cấp cứu chỉ chiếm khoảng 20%.
Có thể nói, không bệnh viện nào có nhiều bệnh nhân nặng như ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong số 1.217 bệnh nhân đang nằm viện (thống kê sáng 16/1), có tới 104 bệnh nhân phải thở bằng máy; 120 bệnh nhân phải thở oxy. Quá tải bệnh nhân nhẹ không có vấn đề gì với các y bác sĩ, nhưng quá tải bệnh nhân nặng thì các y bác sĩ của bệnh viện phải rất vất vả, phải huy động nhiều nguồn lực: con người, trang thiết bị, phòng bệnh đặc biệt; trang bị 1 giường cho bệnh nhân nặng cùng với các thiết bị, máy móc đi kèm phải mất từ 1,5-2 tỷ đồng mới đáp ứng cho một trường hợp cấp cứu và hồi sức cho 1 em bé. Quá tải bệnh nhân nặng là vấn đề rất đáng quan tâm và phải hết sức chú ý, bệnh viện Nhi trung ương luôn phải cảnh báo tình trạng này.
Như tôi đã nói ở trên, việc quá tải bệnh nhân nặng cho thấy vai trò của bệnh viện tuyến Trung ương đã được trả về đúng chỗ, chỉ can thiệp những ca khó và nặng. Tuy nhiên, các y bác sĩ của chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc vì sức khỏe và tính mạng của các cháu.
PV: Theo thống kê của Bộ Y tế, sau 1 năm triển khai đường dây nóng, Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị có nhiều ý kiến phản ánh tới đường dây nóng nhất với 121 cuộc gọi. Trong các phản ánh chung của người dân tới đường dây nóng của Bộ Y tế (không chỉ phản ánh riêng về Bệnh viện Nhi Trung ương), có 19% ý kiến tập trung vào thái độ, tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ; khoảng 6% phản ánh về việc nhân viên y tế có thái độ vòi vĩnh, đòi hối lộ… Ông có suy nghĩ gì về kết quả này?
TS Trần Minh Điển: Mỗi năm, trung bình Bệnh viện Nhi Trung ương đón tiếp gần 1 triệu em bé đến khám, điều trị nội trú cho gần 100.000 em bé. Có thể nói đây là một khối lượng công việc chuyên môn vô cùng lớn đối với các y bác sĩ, điều dưỡng viên của bệnh viên, không tránh khỏi có thể gây sức ép tâm lý khá nặng nề với họ. Để khám và điều trị cho từng ấy em bé với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về tính mạng cho các cháu, trong quá trình giao tiếp, một số cán bộ, nhân viên y tế có thái độ không lịch sự với người bệnh và người thân của họ là khó tránh khỏi. Để đáp ứng được hết sự hài lòng của người dân, cán bộ nhân viên y tế của viện còn phải phấn đấu nhiều trong thời gian tới.
Theo NTD
Nhiều bệnh nhân ung thư như "ngồi trên đống lửa"
Bệnh ung thư không giống các bệnh cấp tính khác là điều trị ngày một, ngày hai mà nó đòi hỏi phác đồ điều trị dài hơi.
Tùy vào giai đoạn bệnh mà các bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp và phác đồ điều trị cụ thể, hầu hết đều phải sử dụng các loại thuốc đặc chủng trong điều trị ung thư với giá thành rất đắt. Bệnh nhân vẫn có thể "trụ được" dưới sự hỗ trợ thanh toán giá thuốc từ BHYT.
Tuy nhiên, khi Luật BHYT (sửa đổi) cùng với Thông tư 40/2014/TT - BYT có hiệu lực từ 1/1/2015, nhiều loại thuốc điều trị ung thư bị loại ra khỏi danh mục được BHYT thanh toán 100%. Nhiều bệnh nhân ung thư như "ngồi trên đống lửa"...
Làm khó người bệnh?
Ngay sau khi Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin chính thức liên quan đến Luật BHYT (sửa đổi) cùng Thông tư 40/2014/TT - BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có mặt tại một số bệnh viện tuyến Trung ương có các khoa điều trị Ung bướu ghi nhận những chia sẻ từ phía bệnh nhân.
Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K cơ sở 1.
Tại bệnh viện K cơ sở 3 (cơ sở Tân Triều), bệnh nhân Nguyễn Hải Nguyên (59 tuổi, ở Hải Phòng) cho biết: "Mấy ngày vừa qua cũng nghe thấy thông tin một số loại thuốc điều trị ung thư sẽ không còn được BHYT chi trả 100% nữa khiến bản thân tôi lo lắng vô cùng.
Tôi ở đây để điều trị ung thư phổi ở giai đoạn 3, được bác sỹ chỉ định dùng phương pháp điều trị đích với các thuốc phân tử nhỏ thì một viên thuốc hiện có giá hơn 1,4 triệu đồng và uống 1 ngày 1 viên, liên tục kéo dài trong vòng 1 tháng mất khoảng 40-42 triệu đồng. Nếu theo quy định mới BHYT chi trả 50% thì riêng tiền cho 1 loại thuốc này đã "ngốn" tới hơn 20 triệu đồng/tháng. Với đồng lương hưu giáo viên ở quê thì gia đình tôi không trụ nổi".
Trò chuyện với bệnh nhân Lý Thị P. (36 tuổi, Thái Nguyên) đang điều trị tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - bệnh viện Bạch Mai rớt nước mắt chia sẻ: "Em làm kế toán cho một công ty có vốn nước ngoài. Chồng em là công nhân viên chức Nhà nước. Gia đình có hai đứa con gái đang đi học. Ngay khi phát hiện mình bị mắc căn bệnh ung thư gan, em suy sụp hoàn toàn. Công ty cho thôi việc có hỗ trợ một khoản tiền nhỏ không thể bù đắp với chi phí thuốc thang. Hiện nay theo phác đồ điều trị, bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc điều trị đích Sorafenib (điều trị ung thư gan) có giá gần 1 triệu đồng/viên với liều 4 viên/ngày, chi phí khoảng 120 triệu đồng/tháng.
Hiện tại em vẫn được BHYT chi trả 100% vì em nhập viện trước khi có quy định cắt giảm chi trả BHYT cho loại thuốc này có hiệu lực (Bệnh nhân ung thư có thẻ BHYT vào viện trước ngày thực hiện Thông tư số 40 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và hiện vẫn đang điều trị tại cơ sở KCB mà đang được chỉ định dùng Sorafenib thì vẫn tiếp tục được điều trị và được thanh toán 100%- PV). Nhưng sau đợt điều trị này, lần nhập viện sau, nếu vẫn phải dùng loại thuốc mà chỉ được BHYT chi trả 50% nghĩa là mỗi tháng phải đóng thêm 60 triệu đồng tiền thuốc, quả thật em chỉ còn nước chết thôi anh ạ".
Chia sẻ với PV, bệnh nhân Trần Hải Yến (66 tuổi, Nam Định) thều thào nói: "Biết làm thế nào hả chú, có bệnh thì phải chữa, gia đình tôi đã bán hết tài sản có giá trị ở quê, thậm chí vay mượn để chi trả cho mỗi lần tôi lên Hà Nội điều trị căn bệnh ung thư đại tràng. Tôi điều trị đã hơn 4 năm rồi, trụ được đến nay là nhờ BHYT chi trả 100% tiền thuốc mình chỉ phải lo phí dịch vụ, thuê phòng trọ ăn uống hàng ngày. Tôi cũng nghe một số loại thuốc điều trị căn bệnh của tôi sẽ bị giảm chi phí chi trả từ BHYT nên tôi lo lắng lắm".
Bệnh nhân tại bệnh viện K cơ sở 1 tỏ ra lo lắng trước thông tin giảm chi phí BHYT với thuốc chữa ung thư.
Giải pháp chống "vỡ" quỹ BHYT?
Việc sửa đổi và bổ sung Luật là tất yếu, tuy nhiên điều đáng bàn là vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn chính sách đó như thế nào để không gây hoang mang trong người dân, bệnh nhân. Đặc biệt vấn đề "rút ruột" BHYT, giá thuốc, chất lượng thuốc, y đức... vốn vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết thì người bệnh hoang mang là có cơ sở. Nhưng lãnh đạo các cơ quan chức năng lại có cách nghĩ khác.
Trao đổi với báo chí, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: "Riêng về thuốc điều trị ung thư, quỹ bảo hiểm y tế đang thanh toán 100% nay giảm tỷ lệ xuống còn 50% gồm 4 loại thuốc là Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib. Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp, Bộ Y tế đã triển khai hướng dẫn cụ thể sẽ không áp dụng tỷ lệ thanh toán đối với một số đối tượng như người có công, trẻ em dưới 6 tuổi. Riêng đối với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 4 loại thuốc điều trị ung thư nói trên tại cơ sở khám, chữa bệnh trước thời điểm Thông tư có hiệu lực thì tiếp tục được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo quy định cũ có đến hết đợt điều trị".
Lý giải cho việc lựa chọn 4 chủng loại thuốc đặc trị trong điều trị ung thư sẽ bị giảm chi phí thanh toán BHYT, bà Hương cho biết: Các thuốc quy định tỉ lệ thanh toán theo Thông tư số 40 lần này là các thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư để bác sỹ cân nhắc khi chỉ định, kê đơn thuốc, nhằm quản lý tốt hơn, đáp ứng nhu cầu điều trị, có sự chia sẻ nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Việt Nam, việc đưa ra danh mục thuốc tân dược như trên khiến người bệnh lo lắng cũng là điều dễ hiểu, nhưng nếu không căn cơ thì quỹ BHYT sẽ bị vỡ. Và việc giảm chi trả điều trị các loại thuốc này cũng không phải là "tước" cơ hội điều trị của người bệnh, bởi còn nhiều loại thuốc thay thế khác trong danh mục BHYT chi trả có chất lượng điều trị tốt, giá cả hợp lý!?
Theo tìm hiểu, loại thuốc Erlotinib, Gefitinib điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ và Sorafenib điều trị ung thư gan là những thuốc điều trị đích có giá rất đắt. Cả 3 loại thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã thất bại với các phương pháp điều trị khác như hóa chất, xạ trị, phẫu thuật. Có thể nói đây là những loại thuốc mang lại tia hy vọng sống cuối cùng cho bệnh nhân và nếu giảm chi phí thanh toán từ BHYT, cơ hội sống của người bệnh thực sự đã bị "rút ngắn" hơn.
Người bệnh có thể chọn phương pháp khác
TS.BS Phạm Cẩm Phương (Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - BV Bạch Mai cho biết: Đối với các loại thuốc điều trị đích (là phương pháp điều trị mới sử dụng các kháng thể đơn dòng...) thì đó là thuốc điều trị thế hệ mới. Độc tính, tác dụng phụ của loại thuốc này mà nó gây ra cho bệnh nhân như suy tủy, thiếu máu, rụng tóc... sẽ ít hơn so với điều trị bằng hóa chất. Trong trường hợp bệnh nhân không có điều kiện cùng chi trả với BHYT, người bệnh hoàn toàn có thể lựa chọn phương pháp khác đó là điều trị hóa trị kết hợp xạ trị. Đó chính là những phương pháp điều trị thay thế khi người bệnh không có điều kiện chi trả cùng BHYT khi dùng thuốc điều trị đích.
Theo NTD
Bệnh tiêu chảy ở trẻ vào mùa cao điểm Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Thời tiết Đông-Xuân là giai đoạn cao điểm của bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Chăm sóc trẻ ốm tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: VGP/Hiền Minh Thời gian này, tại BV Nhi Trung ương, mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận...