Quả phạt đền hỏng ăn của Bergkamp mở ra cú ăn ba lịch sử của MU
“Tôi đang đánh lừa bản thân vì sút hỏng phạt đền tức là nó không đủ tốt. Tôi rất thất vọng”, Dennis Bergkamp thừa nhận.
Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về pha sút hỏng phạt đền của Dennis Bergkamp khiến Arsenal thất bại 1-2 trước Man United tại FA Cup 1999, ở chương 17 trong cuốn tự truyện có tên “Sự tĩnh lặng và tốc độ” (Stillness and Speed).
Những câu chuyện được sắp xếp liền mạch và chi tiết cũng lý giải về cảnh trắng tay của Arsenal còn MU giành cú ăn ba vĩ đại trong mùa giải 1998/99.
Pha sút hỏng phạt đền của Dennis Bergkamp.
Định mệnh
“Đó không phải giấc mơ của mọi cậu bé phải không?”, Bergkamp tự hỏi. “Bạn chơi ở trận chung kết World Cup. Bạn ở trong tình huống một đối một và ngay trước khi tiếng còi chung cuộc vang lên, bạn được hưởng phạt đền. Bạn là người thực hiện.
Trong giấc mơ, bạn đặt bóng vào chấm đá phạt theo cách nhẹ nhàng. Nhưng ở hiện thực, hầu hết mọi đứa trẻ đều vô cùng áp lực vì sợ sẽ đá hỏng. Tuy nhiên, chúng không ảnh hưởng đến tôi. Tất nhiên, sút phạt đền có thể gây sợ hãi, và có thể điều này nghe thật kỳ lạ, nhưng tôi thích nỗi sợ đó. Tôi thích sự căng thẳng ấy”.
Đó là ngày 14/4/1999 và một điều gì đó gần với giấc mơ của cậu bé đã trở thành hiện thực. Tỷ số lúc đó là 1-1 trong trận đá lại bán kết FA Cup trên sân Villa Park giữa hai đội bóng lớn của nước Anh. Arsenal là đương kim vô địch và Man United là nhà vô địch của 4 trong 6 mùa giải trước đó.
Man United đang gặp bất lợi vì Roy Keane bị đuổi. Ngay trước khi tiếng còi chung cuộc vang lên, Phil Neville phạm lỗi Ray Parlour và Arsenal được hưởng phạt đền. Giấc mơ của mọi đứa trẻ…
Bergkamp, cầu thủ sút phạt đền đáng tin cậy nhất của Arsenal, đặt quả bóng vào chấm. Anh chạy lên sút bóng mà nếu đi vào lưới, chắc chắn nó sẽ đưa Arsenal lọt vào trận chung kết FA Cup thứ 2 liên tiếp đồng thời có thể giúp đội bóng của anh gặt hái thành tích vô tiền khoáng hậu: giành 2 cú đúp danh hiệu liên tiếp.
“Trước đó tôi đã ghi bàn. Bóng đi hơi chệch nhưng đã vào lưới. Và trận ấy tôi đã chơi tốt. Do đó, tôi đủ tự tin để thực hiện pha sút phạt đền ấy. Tôi đã sẵn sàng. Tất nhiên, đối diện với tôi là Peter Schmeichel. Anh ấy là một thủ môn xuất sắc và có rất nhiều pha cứu thua khi bóng bay vào góc.
Vì vậy, bạn phải dứt điểm thật quyết đoán, và tôi đã làm thế. Tôi đưa bóng hướng về góc như mọi khi sau khi đã lùi lại lấy đà. Đó là thói quen của tôi: đặt bóng xuống, đi lùi lại, rồi sau đó quyết định. Tôi sẽ sút bóng vào đó: góc dưới bên phải. Đừng thể hiện ý đồ quá rõ để thủ môn thấy và sút thật quyết đoán thì mọi thứ sẽ ổn.
Tuy nhiên, giống như một con mèo, Schmeichel đã đẩy được, phản xạ tốt hơn tôi tưởng. Có lẽ anh ấy đã thấy điều gì đó hoặc anh ấy đã đoán đúng. Và ngay khi dứt điểm, bạn nhìn và có thể thấy anh ấy làm gì.
Sau đó, bạn biết cú sút chưa đủ tốt. Lúc ấy bạn đã hiểu ra trước cả khi anh ấy cả phá rồi. Bạn nhìn, không nhìn toàn bộ chi tiết mà bạn chỉ nhìn… nó giống như một cái bóng… một ánh chớp nhỏ… Và rồi… bạn nhận ra đó là một cú sút hỏng. Vâng, một khoảnh khắc thật tệ”.
Ryan Giggs đã ghi bàn thắng để đời, giúp MU lọt vào chung kết FA Cup 1999 và sau đó lên ngôi vô địch.
Man United đứng vững. Và, trước sự ngạc nhiên của tất cả bao gồm cả chính họ, giành chiến thắng nhờ pha solo của Ryan Giggs sau một sai lầm của Patrick Viera. 4 tuần sau, một sai lầm nữa lại khiến Arsenal trả giá bằng chức vô địch Premier League khi cầu thủ dự bị Nelson Vivas để Jimmy Floyd Hasselbaink của Leeds thoải mái đánh đầu ghi bàn quyết định.
Man United giành FA Cup, Premier League và Champions League để hoàn tất cú ăn ba. Ray Parlour vẫn nhớ rất rõ: “Trong những ngày đó, cuộc đua chỉ diễn ra giữa chúng tôi và Man United. Cuộc cạnh tranh của chúng tôi diễn ra rất quyết liệt! Về Bergkamp, nếu anh ấy ghi bàn từ quả phạt đền đó, chúng tôi sẽ lại giành cú đúp danh hiệu vì Man United đã bị loại.
Video đang HOT
Nếu chúng tôi thắng trận bán kết, họ sẽ mất tinh thần và sẽ rơi điểm số ở Premier League. Chúng tôi đã rất gần với việc giành cú đúp danh hiệu mà chỉ cách nhau bởi một cú đá mà thôi! Rồi sau đó là trận đấu ở Leeds… Ôi Chúa ơi! Tỷ số là 0-0 và chúng tôi chỉ cần 1 điểm mà thôi. Và rồi chúng tôi nhận bàn thua ở phút cuối cùng!
Sau này tôi đã thi đấu cùng Hasselbaink ở Middlesbrough, tôi bảo anh ấy rằng: ‘Anh đã làm gì vậy, Jim? Anh làm thế với bọn em để làm gì?’. Và anh ấy bật cười. Ngay cả người hâm mộ Leeds cũng muốn Arsenal vô địch chứ không phải là Man United. Nhưng rõ ràng Jimmy là người Hà Lan và anh ấy không nhận ra!”.
Nỗi buồn của Bergkamp
Liệu đó là pha sút phạt đền tệ của Bergkamp hay pha cản phá tốt của Schmeichel? Parlour chia sẻ: “Hãy nhìn xem, nếu bạn sút hơi cao khung thành hoặc trượt hoàn toàn khỏi mục tiêu thì đó là cú sút tệ. Nhưng Bergkamp đã dứt điểm trúng khung thành. Tất cả là do Schmeichel đã cản phá chính xác phải không nào?
Nhưng than ôi! Bergkamp chẳng nói gì về những ngày ấy cả. Tất cả chúng tôi đều bảo: Bergkamp à, mọi thứ đã xảy ra, có thăng thì sẽ có trầm, bóng đá là như thế, anh có những ngày u ám thì sẽ có những ngày rạng ngời thôi. Và đây là ngày u ám với tất cả chúng ta chứ không chỉ riêng anh”.
Dennis Bergkamp và Arsenal đã phải chịu cảnh trắng tay ở mùa giải 1998/99.
Rồi hãy nhìn lại mùa giải 2003/04. Trên sân Old Trafford, Man United được hưởng phạt đền trước chúng tôi và sau đó bóng chạm xà ngang! Bạn đặt cược cả ngôi nhà vào cú đá của Van Nistelrooy. Nếu cậu ta ghi bàn, chúng tôi sẽ thua ở tháng 9. Thay vào đó, chúng tôi bất bại cả mùa giải. Đôi khi đó là cách bóng đá có thể thay đổi. Đôi khi là định mệnh và Man United có một chút may mắn năm đó”.
Tony Adams nhớ về nỗi buồn của Bergkamp. “Đó là lần cuối cùng cậu ấy thực hiện phạt đền phải không nhỉ? Tôi nghĩ cậu ấy không bao giờ thực hiện cú đá nào nữa. Chúng tôi không đổ lỗi cho cậu ấy, không bao giờ. Nhưng đó là vết thương với cậu ấy. Thậm chí có thể nói rằng cậu ấy còn trầm lặng hơn bình thường nữa. Dễ bị tổn thương là điểm yếu của tôi, nhưng tôi luôn để cậu ấy một mình vì cậu ấy có thể xoay sở được.
Cậu ấy giống Becks, người cũng có trí tuệ cảm xúc cao. Sau sự cố với Argentina [David Beckham bị đuổi khỏi sân, đội tuyển Anh hòa 2-2 rồi thua 3-4 trước Argentina trên loạt sút luân lưu ở World Cup 1998], tôi đã chọc để cậu ấy cười. Ít nhất, tôi nghĩ đó là điều mình làm được.
Tôi nói: ‘Mọi thứ sẽ ổn với cậu thôi. Cậu sẽ có cơ hội khác nhưng đây là kỳ World Cup cuối cùng của tôi và cậu đá bay nó đi rồi!”. Cậu ấy khá giận. Tuy nhiên cậu ấy kiềm chế lại và mọi chuyện hoàn toàn bình thường. Phản ứng của Dennis hoàn toàn là Dennis”.
Đó có phải cú sút phạt đền cuối cùng của anh không?
Bergkamp: “Không, tôi vẫn thực hiện, không vấn đề gì, không do dự, không bỏ lỡ. Tuy nhiên tình huống sút hỏng đó đã giày vò tôi trong một khoảng thời gian và mùa giải tiếp theo, Thierry Henry trở thành cầu thủ sút phạt đền của chúng tôi.
Điều đó không khiến tôi bận lòng. Nếu có ai khác giỏi hơn tôi ở điểm gì đó thì cứ để họ làm, điều đó tốt hơn cho đội. Dù sao, khi đó tôi đang dần thiên về chân kiến tạo hơn là chân sút nên tôi thực sự không cần ghi thêm những bàn như thế nữa”.
Thierry Henry đã lãnh trách nhiệm sút phạt đền thay thế Dennis Bergkamp.
Phản ứng ngay tức thì của anh khi đó là gì?
“Vâng, tôi không phải một người dễ buông xôi. Tôi khá tức, tôi muốn tiếp tục để sửa sai. Tỷ số khi ấy vẫn là 1-1, chúng tôi vẫn chơi hơn người. Rồi sau đó, Giggs ghi bàn. Vâng, thật lạ lùng.
Đôi khi chiến thắng là vấn đề về thói quen. Man United có thói quen chiến thắng, họ tin là như thế. Đây là bóng đá. Ngày hôm ấy không phải của chúng tôi, không phải của tôi. Đó là ngày của họ, mùa giải của họ. Bạn không thể kiểm soát được những điều này, tôi không biết tại sao nó lại diễn ra.
May mắn là gì? Phong độ là gì? Bạn có thể tập luyện để có phong độ tốt nhưng quả thực phong độ là gì? Bạn không đồng ý với nó, bạn muốn chiến đấu với nó… Sau đó bạn nhận ra đó là một trong những điều không thể kiểm soát được ấy.
Tôi đáng lẽ phải làm tốt hơn với cú phạt đền đó. Tuy nhiên, mùa giải năm ấy, mọi thứ đến cùng lúc vì pha bóng đó. Nếu bạn nhìn vào The Invicibles (mùa giải bất bại của Arsenal), tôi chắc chắn có tới 40-50 những điều trong mùa giải đó có thể xảy ra theo cách khác.
Mọi chuyện cũng có thể xảy ra theo cách khác trước Man United ở trận đấu thứ 50. Nếu chúng tôi hòa, chuỗi trận bất bại của chúng tôi sẽ tiếp tục trong 20 hay 30 trận nữa. Trong bóng đá, những điều này quả thực rất kỳ lạ”.
Dennis Bergkamp - nhà vô địch bất bại của Wenger
"Dennis Bergkamp là người có tư duy sâu sắc và sự tôn trọng với bóng đá đến nỗi cậu ấy muốn điều đó phải đặt trên tất cả mọi thứ", HLV Arsene Wenger chia sẻ.
Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về động lực chơi bóng và thử thách của Dennis Bergkamp trong những buổi tập lẫn khi thi đấu cho Arsenal ở chương 13 trong cuốn tự truyện có tên "Sự tĩnh lặng và tốc độ" (Stillness and Speed).
Bạn phải đặt ra mục tiêu cho bản thân mình. Và một khi bạn có nó, bạn muốn bước tiếp và tiến xa hơn. Bạn cần tiếp tục cao và cao hơn nữa, và do đó không bao giờ là đủ tốt cả. Bạn muốn sự hoàn hảo. Nó không bao giờ đủ tốt nhưng nó trong tầm tay bạn. Bạn leo lên một ngọn núi và thấy một ngọn núi cao hơn. Và tôi muốn chinh phục nó.
Đó có lẽ là những gì con người có. Nhưng tôi thích những gì mà anh nói rằng đó là một niềm đam mê - đôi khi xuất phát từ linh hồn phải không? Nó sâu hơn thế. Trong khi tham vọng, vì tiền hay vì bất cứ thứ gì, thì thận trọng hơn. Nó có thể làm hài lòng. Nhưng đam mê thì không, bạn phải tiếp tục, bạn muốn chộp lấy nó. Bạn làm một việc gì đó khó khăn, luôn luôn làm việc khó khăn và sau đó bạn phải làm những việc tiếp theo nữa".
Sự nghiệp của Dennis Bergkamp đã thay đổi kể từ khi chuyển sang Arsenal.
Động lực của Bergkamp
Vì đó sẽ là một sự phản bội từ sâu thẳm nhất bên trong anh nếu không làm như thế?
"Đúng".
Arsene Wenger có quan điểm thú vị về điều này. Ông nói: "Đó là một thứ thuộc về tinh thần. Tôi tin là như thế. Tôi tin rằng có hai loại cầu thủ bóng đá. Đó là những người muốn phục vụ bóng đá giống như bạn phục vụ Chúa và họ đặt bóng đá cao đến mức mọi thứ không gắn với bóng đá gần như là không thể chấp nhận được.
Bạn có những người coi bóng đá như là để phục vụ cái tôi của họ. Đôi khi cái tôi đó có thể gây cản trở cho trận đấu vì mối quan tâm đến bản thân mình của họ đến trước mối quan tâm với trận đấu. Đôi khi một cái tôi lớn có liên hệ với thứ mà chúng ta gọi là cá tính mạnh mẽ, uy tín. Nhưng hầu như những gì mà mọi người gọi là uy tín thì chỉ là một cái tôi lớn.
Tôi tin rằng Bergkamp là một trong những người có tư duy sâu sắc về bóng đá và sự tôn trọng với bóng đá đến nỗi cậu ấy muốn điều đó phải đặt trên tất cả mọi thứ. Tôi tin những cầu thủ thực sự xuất sắc được chỉ dạy nên chơi bóng như thế nào chứ không phải là nên phục vụ bóng đá như thế nào. Nếu nó trở thành một thứ thuộc về tinh thần thì nó là mãi mãi và bạn luôn có động lực để vươn cao hơn và gần hơn với thứ bạn nghĩ là bóng đá".
Sau đó, Wenger đưa ra ví dụ về một cầu thủ biết anh ta phải chuyền bóng nhưng lại quyết định liều lĩnh và ghi bàn. "Nếu anh ta thực sự yêu bóng đá, anh ta sẽ trở về nhà và lo lắng về điều đó. Anh ta biết mình đáng nhẽ ra nên chuyền bóng để tạo ra một cơ hội ngon ăn cho người khác. Nhưng anh ta là một người ích kỉ và đã gặp may. Nếu anh ta không quan tâm tới bóng đá, anh ta sẽ về nhà và nghĩ: Thật tuyệt, tôi sẽ lại làm như thế trong trận đấu tiếp theo".
Và ông nói đó là sự khác biệt. "Đó là lý do bạn phải dạy những đứa trẻ hãy tôn trọng bóng đá và coi bóng đá như một thứ tôn giáo, nó ở trên bạn và bạn muốn phục vụ trận đấu".
Dennis Bergkamp là nhân tố chính trong kế hoạch xây dựng lối chơi cho Arsenal của HLV Arsene Wenger.
Anh muốn nói gì về điều này với Wenger?
Bergkamp: "Tôi nhớ khi Wenger nói chuyện với các cầu thủ, đôi khi ông ấy bảo: 'Ôi không, cậu ấy không yêu bóng đá'. Đây là một tuyên bố khá hùng hồn của ông ấy. Nhưng tôi biết chính xác ý ông ấy là gì. Có những cầu thủ ngay khi mà tiếng còi kết thúc buổi tập vang lên... boom!... Họ đi vào trong, thay đồ, bước ngay vào ô tô và đi khỏi.
Nhưng nếu là người thực sự yêu bóng đá, anh ta sẽ ở lại để luyện tập thêm. Và không chỉ có các cầu thủ. David Dein và Massimo Moratti cũng là những người thực sự yêu bóng đá. Ở Arsenal luôn có những cầu thủ như thế, 8 hay 9 người, ở lại để luyện tập thêm. Và tôi đảm bảo, nếu bạn làm như thế bạn sẽ trở thành một cầu thủ giỏi hơn".
Bergkamp luôn yêu thử thách
Tôi thích ý tưởng của một nhóm nhỏ những con người xuất chúng là tất cả cạnh tranh và thúc đẩy lẫn nhau. Các nghệ sĩ và trí thức ở Florence thế kỷ XV đã làm thế và cho chúng ta thời kì Phục hưng. Ở Arsenal, anh là một phần của "The Invincibles". Vì thế tôi đang tưởng tượng nhóm cầu thủ này, tất cả họ đều là tài năng, có lẽ đôi khi là đối thủ và tất cả kích thích, khơi gợi lẫn nhau. Tôi đoán rằng để thi đấu tốt trong đội bóng này, anh phải là một trong những cầu thủ ở lại sau buổi tập phải không?
"Vâng, đúng. Tôi nằm trong số đó".
Và những người thích về nhà ngay lập tức là ai?
"Cuối cùng thì, vâng. Tôi phải nói rằng tôi không thực sự nhớ được ai với ai và có những cầu thủ có lúc ở lại có lúc không... nhưng luôn có 8 hay 9 cầu thủ tham gia nhóm ở lại".
Freddie Ljungberg có ở lại không?
"À, có. Và Thierry Henry luôn ở lại. Robert Pires ở lại. Những người khác ở lại và tập gym, cũng là một cách tập luyện".
Và các anh cạnh tranh với nhau?
"Đúng thế. Đó là một trong những thứ để tạo nên một đội bóng thành công. Nhưng tôi thích thứ mà anh nói là thúc đẩy lẫn nhau, thử thách lẫn nhau, trong tập luyện cũng thế".
Đỉnh cao trong sự nghiệp huấn luyện của Arsene Wenger là chức vô địch Premier League mùa giải 2003/04 với thành tích bất bại.
Bob Wilson từng nói phương pháp cũ của bóng đá Anh là dạy các cầu thủ trẻ chuyền đơn giản để người nhận có thể xử lí dễ dàng. Nhưng anh khó chịu với điều đó. Khi anh đến Arsenal, anh đã nói với mọi người: Đừng chuyền cho tôi những đường chuyền nhạt nhẽo như thế này, hãy chuyền bóng nhanh và khó cho tôi vì tôi có thể xử lý tất cả những đường bóng đến chỗ mình và chơi nhanh hơn tức là chơi tốt hơn. Vào thời điểm Pires và Ljungberg ở trong đội một vài năm trước, bóng được chuyền dài và ở đẳng cấp cao hơn nhiều.
"Đúng, họ luôn chuyền cho tôi những đường chuyền mạnh mẽ vì tôi muốn thử thách bản thân mình với việc kiểm soát một đường bóng khó. Bạn phải không ngừng thúc đẩy và thử thách lẫn nhau. Giống như bạn kiểm tra tốc độ và sức mạnh của mình trước Sol Campbell. Cậu ấy là đồng đội của bạn nhưng trong lúc luyện tập thì là đối thủ.
Nếu bạn có thể đánh bại Campbell, còn ai ở Premier League mà bạn không thắng nổi? Và nếu cậu ấy ngăn được tôi hay Thierry Henry lại, ở Premier League còn ai mà cậu ấy không ngăn được? Đó chính là thử thách: luôn luôn cố gắng cải thiện bản thân mình. Nhưng nó chỉ có hiệu quả khi mọi người cống hiến 100% khả năng. Giống như các thủ môn cố gắng tập luyện vậy.
Những pha xử lý bóng của Dennis Bergkamp thường được mô tả là "hoàn hảo".
Ở Inter, họ không cố gắng và đó là điều thật đáng thất vọng. Nhưng còn Jens Lehmann? David Seaman? Tuyệt vời! Jens không thể chịu được một cú dứt điểm vượt khỏi cậu ấy. Và nếu tôi cố gắng lốp bóng qua David Seaman... woaah! Nếu tôi làm được, đó sẽ là một bàn thắng tuyệt vời và anh ấy sẽ nói: 'Tuyệt, tốt lắm'.
Nhưng nếu tôi không thành công, anh ấy sẽ cầm bóng và sút nó đi xa! Anh ấy sẽ đá nó đi xa và nói 'Lấy nó đi!' và tôi sẽ phải đi lấy bóng. Seaman là một người dễ thương - nhưng không phải trong lúc thi đấu. Đó là động lực của anh ấy: 'Cậu sẽ không thể nào lừa được tôi đâu! Giờ thì lấy bóng đi!'. Tôi yêu thái độ đó".
Bergkamp và đoạn kết buồn với tuyển Hà Lan "Mọi chương trình đều nói về Hà Lan, về giải đấu mà chúng tôi có cửa vô địch. Bạn không thể nào làm dịu bớt sự điên rồ ấy", Dennis Bergkamp khẳng định. Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về quyết định giã từ đội tuyển Hà Lan của Dennis Bergkamp, ở chương 16 trong cuốn tự truyện có...