“Quá nhiều sự thật giật mình về an toàn thủy điện”
“Những con số báo cáo về thủy điện quá nhiều điều phải giật mình. Phải trả lời câu trả lời 20% thủy điện lớn, 55% thủy điện nhỏ chưa có phương án phòng chống lụt bão, ai bảo đảm an toàn của dân?” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh đặt câu hỏi.
Chiều 1/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về quy hoạch tổng thể về thủy điện. Các ý kiến của đại biểu tập trung phân tích những bất cập trong định hướng phát triển thủy điện hiện nay như “phát triển nóng”, “phát triển theo phong trào”… Nhiều sự cố thủy điện đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng hạ du.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) hoan nghênh nội dung xem xét quy hoạch tổng thể thủy điện được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội kỳ này, hoan nghênh Chính phủ đã rà soát, loại bỏ được khỏi quy hoạch trên 400 dự án. Phát triển thủy điện, theo ông Thiện, có nhiều mặt tích cực, nhưng quy hoạch và phát triển thủy điện hiện nay có quá nhiều bất cập. Rừng bị khai thác tràn lan, nhiều nơi khai thác nhiều hơn so với yêu cầu làm thủy điện, nhiều nơi tận dụng khai thác rừng và khai thác luôn các tài nguyên khoáng sản khác. Nhiều thủy điện có chất lượng xây dựng không bảo đảm, đã có trường hợp vỡ đập gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân sống trong khu vực thủy điện.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện: “Người dân nơm nớp lo thủy điện xả lũ, nhiều người trắng tay vì xả lũ của thủy điện”.
“Người dân ở hạ lưu thì luôn nơm nớp lo sợ xả lũ của thủy điện. Nhiều người dân miền Trung đã bị trắng tay sau cả đời chắt bóp chỉ vì xả lũ của thủy điện. Đặc biệt, thủy điện lấy 19.000 ha rừng nhưng chỉ trồng bù 735 ha là điều không thể chấp nhận được, giải thích sao với dân? Rừng không có thì gây ra bao nhiêu hệ lụy. Tôi cũng nghi ngờ độ che phủ rừng đạt 44% như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn báo cáo, vì hậu quả thiên tai hiện nay quá khủng khiếp” – ông Thiện nêu một loạt câu hỏi.
Cùng đoàn TPHCM, đại biểu Nguyễn Văn Minh bức xúc, làm thủy điện như làm phong trào, không có quy hoạch, thích đưa vào thì đưa vào, không thích thì lại đưa ra. Ông Minh phát biểu: “Những con số trong báo cáo của Chính phủ quá nhiều điều phải giật mình. Phải trả lời câu trả lời 20% thủy điện lớn, 55% thủy điện nhỏ chưa có phương án phòng chống lụt bão, lấy gì bảo đảm đang vận hành thì bão lũ xảy ra và ai bảo đảm an toàn của nhân dân”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà cũng lo ngại tình trạng khi mưa bão thủy điện lại xả nước bừa bãi. “Từ lâu đại biểu Quốc hội đã bức xúc về chuyện chủ hồ không phồi hợp với chính quyền địa phương mà tự ý xả lũ gây thiệt hại lớn tài sản, thậm chí cả tính mạng người dân. Cứ để tình trạng này kéo dài mãi là không thể chấp nhận được. Tôi kiến nghị Chính phủ phải tăng cường kiểm tra, còn Quốc hội phải tăng cường giám sát việc xả lũ tránh gây thiệt hại lớn cho dân”, đại biểu Hà bức xúc nói.
Video đang HOT
Nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc tình trạng thủy điện xả lũ bừa bãi
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đánh giá việc loại bỏ 424 dự án thủy điện khỏi quy hoạch cũng gây lãng phí lớn. “Lãng phí tiền doanh nghiệp tư nhân cũng là tiền của xã hội. Bộ Công thương có tính đến chuyện này không?”, Đại biểu Hà đặt vấn đề.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng việc dừng lại các thủy điện không hiệu quả là cần thiết, đặc biệt là việc loại bỏ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra ngoài quy hoạch. Qua việc này ông Thảo đề nghị phải thận trọng hơn trong việc phát triển thủy điện. Hơn nữa, ông Thảo cũng lưu ý các bên liên quan phải chú ý nhiều hơn ý kiến của nhà khoa học vì trước nay đã được cảnh báo việc phát triển ồ ạt thủy điệm là chỉ chạy theo cái lợi trước mắt mà quyên cái hại lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh) tỏ ra rất lo lắng khi 65% công trình thủy điện chưa có quy chế phòng chống lụt bão, rất dễ làm phát sinh ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân. “Thủy điện Sông Tranh 2 đến giờ này cũng chưa ai khẳng định an toàn hay chưa? Không có giấy chứng nhận an toàn là không được. Không thể để tình trạng người tháo nước cứ tháo nước, người tích nước cứ tích nước. Cần ban hành quy chế để quản lý. Chính phủ, Bộ Công thương… phải rà lại toàn bộ để người dân yên tâm” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Huy Hùng nhận thấy báo cáo kết quả rà soát quy hoạch thủy điện chưa chỉ ra đầy đủ những vấn đề liên quan đến thủy điện. “Việc làm thủy điệm bằng mọi giá gây ra hậu quản rất nghiêm trọng. Một số dự án xảy ra sự cố như vụ ở thủy điện Sông Tranh 2 gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân”, Đại biểu Hùng nói. Để xảy ra những sự cố này, Đại biểu Hùng chưa nhận thấy việc quy trách nhiệm rõ ràng cho đơn vị nào đặc biệt là bên quy hoạch và chủ đầu tư.
Thủy điện Ia Krêl 2 (tỉnh Gia Lai) bị vỡ đập cách đây chưa lâu
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đưa ra nhận định công tác quy hoạch đang đáng báo động. Đối với thủy điện nhỏ, ông Thường lo ngại công suất không đạt hiệu quả khi hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ông Thường cũng lưu ý nhiều chủ đầu tư lợi dụng việc phát triển thủy điện nhỏ để phá rừng trục lợi trước mắt.
“Phó mặc cho các địa phương mới dẫn đến tình trạng với đập thủy điện. Việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt chưa tính toán thấu đáo nó hủy hoại rừng, ảnh hưởng đến người dân trong khu vực như thế nào?”, Đại biểu Nguyễn Phi Thường lo ngại. Ngoài ra, Đại biểu Thường còn lưu ý tiềm năng phát triển thủy điện ngày càng cạn kiệt do vậy đất nước cần tìm hướng phát triển điện năng mới.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) tán thành nhận định, thủy điện nhỏ chủ yếu do tư nhân làm, mà tư nhân làm thường chỉ tính đến hiệu quả kinh tế, bỏ qua tác hại môi trường. Dự án kiểu này do chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt, nhiều ông cứ mong thu được nhiều ngân sách cho địa phương chứ không quan tâm hậu quả.
Đọc tài liệu, ông Đương cho rằng, các địa bàn làm dự án thủy điện nhỏ kiểu này đều là những cánh rừng già, nhiều gỗ quý. Như vậy, để có được 1MW điện thì phải mất 2ha rừng. Quy hoạch thủy điện, theo ông Đương, phải đặt trong mối quan hệ quy hoạch tổng thể về năng lượng. 815 dự án thủy điện còn lại phải tiếp tục rà soát để loại tiếp.
“Đồng tình là phải loại bỏ các dự án thủy điện, nhưng không chỉ giơ tay đồng ý là xong, phải truy trách nhiệm và làm rõ” – đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) để cập. Báo cáo thủy điện nêu ra nhiều bất cập, phải loại bỏ hơn 400 dự án ra khỏi quy hoạch nhưng không hề đề cập đến việc xử lý trách nhiệm.
Theo Dantri
Loại bỏ 424 dự án thủy điện
Hôm qua, 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về quy hoạch tổng thể thủy điện. Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, có tới 424 dự án thủy điện đã bị loại khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án khác cũng bị tạm dừng.
Sự cố thấm nước qua thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 khiến dư luận lo lắng trong thời gian dài
Còn lơ là khâu đảm bảo an toàn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua, công tác quản lý an toàn đập nói chung và thủy điện nói riêng đã được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, qua kiểm tra thực tế tại các hồ đập thủy điện, cơ quan hữu quan đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là đối với thủy điện vừa và nhỏ.
Cụ thể, dù đã có những cảnh báo, những sự cố vỡ đập xảy ra song nhiều chủ đập thủy điện nhỏ vẫn chủ quan, thực hiện các quy định đảm bảo an toàn cho hồ đập còn hình thức, chiếu lệ. Công tác kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng tại địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật cũng còn những bất cập như chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa có những chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đập phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn đập. Việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du chậm và ít hiệu quả. Đặc biệt, chưa có cơ quan điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực cùng tham gia xả lũ...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ, tính đến tháng 9-2013, đã có 6 dự án thủy điện bậc thang (395 MW) và 418 dự án thủy điện nhỏ (1.174,49 MW) bị loại khỏi quy hoạch, do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác; đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW). Cơ quan có thẩm quyền cũng quyết định tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, điều kiện thực hiện thuận lợi... đối với 4 dự án bậc thang (208 MW) và 132 dự án nhỏ (915,7 MW).
Chưa rõ chế tài trách nhiệm
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Đơn cử, thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông; thủy điện Đăm Bol - Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực; thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công; thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước; thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) có hiện tượng thấm nước qua thân đập vượt quá mức quy định... Trong khi đó trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.
Cùng quan điểm với Chính phủ, UB KH-CN&MT cho rằng, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão...
Cho ý kiến vào báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tiếp tục bày tỏ mối lo ngại về công tác quản lý chất lượng, an toàn công trình thủy điện Sông Tranh 2. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện công trình vẫn tạm dừng tích nước hồ chứa để theo dõi. Bộ trưởng cam kết: "Lợi ích của người dân là chính, lợi ích phát điện tính sau".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phản ánh điều kiện sản xuất của đồng bào ở các vùng di dân tái định cư thủy điện vẫn rất khó khăn. Ông Ksor Phước băn khoăn: "Báo cáo cũng nêu rõ thu nhập của đồng bào chỉ vừa vượt qua mức nghèo, chạm vào mức cận nghèo". Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các bộ ngành phải làm rõ tại sao không thể bố trí được đất trồng rừng thay thế: "Cần chỉ rõ nguyên nhân để có giải pháp thấu đáo, bởi giải quyết tốt việc này không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập".
Ngọc Khánh
Theo ANTD
"Không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp" "Chúng ta lập quy hoạch rồi cho phép doanh nghiệp lập dự án, khi họ tốn rất nhiều cho phí, có khi hàng trăm tỷ rồi lại bị gạt đi. Vậy thì thiệt hại này như thế nào? Chúng ta không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp" - đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói về quy hoach thủy...