Qua nhiều năm vẫn té ngửa với tiêu chuẩn để thành lái tàu
Câu chuyện ngực lép, “thấp bé nhẹ cân” không được thi bằng lái xe hai bánh đã qua nhiều năm và những tưởng chuyện “hài” như vậy sẽ “đố dám lập lại” đối với các đơn vị xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành.
Thế nhưng, dư luận lại thảng thốt khi mới đây bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo lần 1 thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên làm việc trong ngành đường sắt. Một lần nữa, những nội dung do bộ Y tế đưa ra được cho là “có vấn đề” khi một số quy định như: vòng ngực, bộ phận sinh dục, răng vẩu… là tiêu chí cho việc khám tuyển dụng và khám định kỳ. Cụ thể, theo dự thảo lần này, với lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn tuyển của nam giới phải cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg. Tương tự, với nữ là cao từ 1,58 m, cân nặng từ 47 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm.
Lái xe lửa là nghề đặc biệt cần những quy định đặc biệt mà bộ Y tế vừa đưa ra chăng? Ảnh: TL
Trong phụ lục về tiêu chuẩn chức năng sinh lý, bệnh tật, các trường hợp bị lác, dị dạng vành tai, viêm mũi mạn tính, viêm mũi dị ứng, nói lắp, răng vẩu (khoảng cách hai hàm lớn hơn 0,5 cm), răng sâu men, ngà trên ba cái, khớp cắn di lệch, cắt một thận, bệnh tâm thần phân liệt, bệnh giun chỉ, viêm dạ dày, trĩ… đều không đủ điều kiện tuyển. Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục, nếu nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp… được xếp vào không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu. Cũng ở những vị trí này, sẽ loại các trường hợp nữ bị sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng với các cơ quan bên cạnh điều trị không kết quả, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ…
Video đang HOT
Chắc đọc đến đây cũng đã khiến bạn cười té ghế rồi đúng không? Ngay cả một bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực khám sức khỏe cũng phải thốt lên quy định về vòng ngực ở nữ là không phù hợp vì hiện tại Việt Nam chưa có quy chuẩn về số đo hình thể để đưa ra so sánh xem nữ nhân viên phục vụ có đủ sức khỏe hay không. Với những mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục, vị này cho rằng khó để đánh giá tình trạng sức khỏe của lái tàu. Những vẫn đề như tràn dịch tinh hoàn, viêm cạnh tử cung, u nang buồng trứng chỉ là vấn đề sinh lý, không quyết định họ khỏe hay không.
Theo bác sĩ này, phải xem xét điều kiện tiên quyết của người lái tàu cần gì, dựa trên đó mới xây dựng tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái tàu. Chẳng hạn, vô lăng của tàu cao bao nhiêu để quy định chiều cao của người lái tàu, thuận lợi cho việc điều khiển tàu; cơ lực như thế nào thì bẻ lái tàu được, còn vòng ngực không quyết định việc có đủ sức lái tàu hay không. Hay không thể quy định người răng vẩu không được lái tàu bởi răng vẩu không liên quan đến nghề nghiệp.
Dẫu biết rằng nghề lái xe lửa (tàu hỏa) là nghề đặc biệt hơn các ngành nghề khác, sức khỏe người lái tàu có ảnh hưởng đến nhiều người. Người lái tàu thường lái đường dài, đường rừng núi. Không giống như nghề lái xe, nghề lái tàu nếu có bệnh thì không thể tự nhiên dừng lại để vào trạm xá hay bệnh viện chữa được. Do đó, các điều kiện sức khỏe với người lái tàu cũng phải sàng lọc ngay từ khâu đầu vào bằng việc khám sức khỏe là hợp lý. Tuy nhiên, đưa ra những quy định trời ơi rồi nói cần thiết thì coi chừng “bộ ý tế” bị mấy chị em “ngực lép”, bị mấy anh răng vẩu (răng hô) kiện sấp mặt, bởi ngực lép hay cái răng hô đâu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con người đang có chúng.
Theo Nguyễn Anh ( Thế giới tiếp thị)
Cục Đường sắt lên tiếng về "áp" tiêu chuẩn sức khỏe sinh dục với lái tàu
Liên quan đến nội dung dự thảo của Bộ Y tế về khám tiết niệu - sinh dục đối với người lái tàu, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đây là vấn đề chuyên môn y tế nên Cục không năm được, Cục chỉ cung cấp về mặt chức danh ngành cho cơ quan soạn thảo.
Những yêu cầu về sức khỏe đặc thù đối với lái tàu mà Bộ Y tế lấy ý kiến đang gây tranh cãi trong dư luận
Theo đại diện Cục Đường sắt, đường sắt là ngành đặc thù và là nghề đặc biệt nguy hiểm. Trong khi vận hành đoàn tàu, chỉ cần sơ ý là có thể xảy ra sự cố hoặc tai nạn giao thông. Vì vậy, việc quy định các tiêu chuẩn sức khỏe đối với nhân viên trong ngành là hợp lí.
Tại Dự thảo của Bộ Y tế về sức khỏe lái tàu phải đảm bảo hàng trăm chỉ số đang gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, với vị trí lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn của nam giới là cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg...
Nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực. Các vấn đề khác cần khám như mắt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, răng hàm mặt, hệt tiêu hóa.... và hệ tiết niệu - sinh dục cũng được đặt ra.
Đặc biệt, với nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... được xếp vào không đủ điều kiện cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.
Trả lời về dự thảo quy định các tiêu chuẩn khám sức khỏe, đại diện Cục Đường sắt cho biết dự thảo quy định mới kế thừa Quyết định 4502 của Bộ Y tế. Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Y tế, các đơn vị liên quan có tham gia phối hợp để xây dựng.
"Trong quá trình Bộ Y tế xây dựng Dự thảo quy định về khám sức khỏe của nhân viên đường sắt, Cục đã phối hợp cung cấp các thông tin về chức danh ngành đường sắt, vị trí công việc của nhân viên trong ngành. Các tiêu chuẩn sức khỏe đều là vấn đề y tế chuyên sâu nên chúng tôi không nắm được. Sức khỏe như thế nào, sức khỏe ra sao thì đạt tiêu chuẩn đều do Bộ Y tế, chúng tôi không biết để góp ý." - đại diện Cục Đường sắt nói.
Tuy nhiên, đại diện Cục Đường sắt cũng kiến nghị, việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe phải đảm bảo phù hợp, bởi lương ngành đường sắt rất thấp mà tiêu chuẩn sức khỏe quá cao thì sẽ không tuyển được người vào làm, thậm chí là người đang làm trong ngành cũng bỏ việc.
Về phía đơn vị trực tiếp quản lý nhân lực phục vụ công tác vận hành và khai thác tàu là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo đơn vị này cho biết đã nhận được văn bản lấy ý kiến về dự thảo nói trên và sẽ có ý kiến trả lời cụ thể, bởi quy định đưa ra nếu không phù hợp sẽ có tác động nhất lớn tới lực lượng lao động sản xuất trong ngành.
Theo C.N.Q (Dân trí)
Tuyển lái tàu: Thiếu tinh hoàn, sa tử cung sẽ bị loại Nam và nữ giới nếu muốn trúng tuyển lái tàu, phụ tàu sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe về hệ sinh dục, tiết niệu khá kì lạ. Dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp lái tàu được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến đến hết ngày 15-5-2018...